Truyền thông và những thử thách

Image result for communication
(ảnh sưu tầm)
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tốc độ phát triển của các ngành liên quan đến lĩnh vực truyền thông đang trở nên nhanh hơn bao giờ hết. Đã rất lâu rồi từ thời truyền thông chỉ tập trung vào ti-vi và báo chí, giờ đây nó đa dạng với rất nhiều hình thức, và càng đa dạng hơn với sự phát triển của công nghệ. Mỗi ngày bước ra đường chúng ta có thể gặp cả trăm tấm biển quảng cáo, đọc cả chục bài báo, và xem được vô số những video clip được phát hành trên mạng. Chúng đều được coi là những sản phẩm truyền thông, và rõ ràng là khán giả có thể tiếp cận được chúng rất dễ dàng. Hơn nữa, với việc có quá nhiều lựa chọn về vô vàn các nội dung truyền thông khác nhau, khán giả có yêu cầu cao và rõ ràng hơn về những thứ họ muốn xem. Họ thường chỉ dành một thời gian rất nhỏ để xem một sản phẩm truyền thông, trừ khi nó thật sự lôi cuốn mới có thể giữ chân họ. Điều này tạo ra một áp lực không nhỏ đối với các nhà làm truyền thông chuyên nghiệp là phải tạo ra những nội dung đủ hấp dẫn để giữ chân người xem nhưng đồng thời vẫn truyền tải được thông điệp cần có.
Nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng, những người trực tiếp tiếp nhận những sản phẩm truyền thông, thì yêu cầu ở một người tạo ra những sản phẩm đó cũng đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây. Nếu ngày trước, một người làm truyền thông chỉ được gói gọn là một nhân viên quảng cáo, một nhân viên marketing, hay đôi khi là một nhà báo, thì bây giờ, nếu muốn chen chân được vào một công ty truyền thông chuyên nghiệp, bạn phải hội tụ nhiều tố chất, năng lực cùng với nền kiến thức tốt về lĩnh vực này. Bạn phải có một tay viết chắc dù là người lên chiến lược truyền thông, phải có một tư duy logic dù là người làm ra những sản phẩm truyền thông bay bổng, và cũng phải nắm được các trend đang thịnh dù là một người chuyên ngồi lì một (hoặc nhiều) chỗ để viết copy. Ngoài ra, là một người làm truyền thông, hãy đảm bảo rằng bạn là một người chịu được áp lực công việc và có thể bình tĩnh làm việc trong áp lực đó. Than thở, thậm chí là bực tức đến mức phải chửi thề, là những chuyện thường thấy và cũng chẳng ai quản bạn chuyện đó cả. Cái mà sếp cũng như khách hàng của bạn quan tâm là đúng deadline có sản phẩm, chỉ cần như vậy thì bạn sẽ tiếp tục sống sót tới một mùa deadline khác. Theo quan điểm của cá nhân tôi, “đặc điểm” của một người truyền thông là một khái niệm vô cùng rộng và để liệt kê ra hết chắc sẽ cần nhiều hơn một ngày. Nhưng giống như những người lính khi ra trận vậy, càng nhiều những kiến thức và kĩ năng bạn trang bị được, khả năng càng cao nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc khá khăc nghiệt này, và không chừng là đạt được một vị trí tốt trong ngành.

Bạn và tôi, liệu có thích hợp cho truyền thông?

Image result for communication industry
(ảnh sưu tầm)

Sau khi suy nghĩ về những yêu cầu mà tôi tự cho rằng một người làm truyền thông nên có, tôi mới thấy rằng quả thật tôi còn rất nhiều thiếu sót. Đầu tiên phải kể đến việc tôi không (hoặc chưa) thể chịu đựng áp lực công việc. Khi phải làm quá nhiều việc một lúc hoạt bị đặt trong những tình huống không báo trước, tôi sẽ trở nên hoảng loạn và cáu kỉnh (và một trăm ngàn kiểu thể hiện xấu xí khác). Rõ ràng, điều này rất không tốt đối với một người làm truyền thông vì khi trở thành nhân viên của một agency truyền thông chuyên nghiệp, việc phải nhận 30 cái task mỗi ngày hay bị xoay vòng với 2-3 chiến dịch cùng một lúc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, tôi mong rằng nếu chỉ là chưa có khả năng chịu đựng áp lực công việc nặng thì tôi ơi hãy mau chóng xây dựng khả năng này đi, còn tôi, hoặc bạn – người đang đọc bài viết này, thực sự không có khả năng này, thì hãy “chia tay sớm bớt đau khổ” với con đường này.
Thứ hai, đôi khi tôi có thể trở nên rất sáng tạo, bất cứ hình ảnh nào cũng có thể khiến tôi liên tưởng tới một thứ gì đó, nhưng ngược lại, lắm lúc đầu óc tôi thực sự “trống rỗng”. “Trống rỗng” tức là nó thực sự trống rỗng. Không có bất cứ hình ảnh nào có thể đọng lại trong đầu tôi, hay nói cách khác là những hình ảnh trước mắt tôi đều trở nên vô nghĩa. Đó có thể là lúc tôi chán nản, nhưng đó cũng có thể là lúc tôi cực kì tập trung, đó có thể là bất cứ lúc nào. Điều này làm tôi cực kì lo sợ, vì theo lời một người thầy đã nói với tôi rằng: ở công ty thầy, trong một buổi họp, nếu bạn có thể phát biểu về ý tưởng của mình, hoặc chí ít là phản biện lại những ý tưởng của người khác, thì bạn sẽ an toàn. Tuy nhiên nếu suốt buổi họp, bạn im lặng và không thể đưa ra bất cứ ý kiến nào thì khả năng cao là bạn sẽ không xuất hiện trong buổi họp tiếp theo. Tuy nhiên, tôi đã được “an ủi” phần nào khi quyển sách 90 – 20 – 30 có viết rằng điều mà những sếp – những ông già (hoặc chưa già nhưng khó chịu) mong muốn ở bạn – một người trẻ (và có thể là đẹp nữa) là sự mới mẻ, táo bạo trong ý tưởng – những điều mà một người làm nghề lâu năm có thể sẽ ít nhiều bị mai một khi đã phải tiếp xúc quá nhiều với những yêu cầu khó khăn và rườm rà của khách hàng.
Thứ ba, tôi không hề giỏi viết lách. Từ thuở còn giam mình trong ghế nhà trường, sách tham khảo, những lớp học thêm văn và con bạn cùng bàn luôn là những vị cứu tinh của tôi. Tôi đã từng hỏi rất nhiều người rằng ê ấy ơi, làm sao để viết tốt đây? Và tất cả những gì tôi nhận được là một câu trả lời tuy rất có tâm nhưng vô trách nhiệm không thể chịu được, đó là: thì viết nhiều lên. Nhưng bạn biết không, khi mà người ta đã dở viết, người ta sẽ rất ngại viết, và càng không viết, thì một trăm năm nữa ta cũng không thể viết tốt thêm được. Vòng tuần hoàn viết dở - ngại viết - vẫn viết dở của tôi tưởng như sẽ không bao giờ có điểm dừng cho đến gần đây, khi bị đặt vào hoàn cảnh bắt buộc, tôi tìm ra một phương pháp khá hiệu quả đó là “copy” của người khác. Hẳn là sẽ rất khó chấp nhận với một vài người vì ngay từ thời đi học, học hành và copy là hai khái niệm không bao giờ được đứng cạnh nhau. Tuy nhiên đối với một đứa đệ nhất viết dở như tôi, copy có lẽ là con đường của chân lý. Vì cơ bản, copy là phải đọc, và văn hoa thì hơn người ta gọi nó là tiếp thu tri thức nhân loại. Khi mà bạn không thể tự viết ra hồn, thì hãy copy cách người ta viết câu, copy cách người ta sử dụng từ ngữ. Và hãy học từ tiếng Việt như cái cách bạn học vocab để thi IELTS ấy, đừng nghĩ vì nó là tiếng của mình mà không cần học. Đó là cách của tôi, còn hiệu quả đến đâu, tôi sẽ báo sau, hoặc là tôi sẽ trở lại trong chiếc blog này để chứng minh cho bạn.
Sau khi liệt kê ra tôi mới thấy, ơ sao mình tệ thế nhỉ, những cái quan trọng của một người làm truyền thông mình thiếu hết rồi. Nhưng quyết định đi theo ngành này, chắc chắn là tôi cũng tự thấy một ít tố chất ở bản thân mình chứ nhỉ. Đây, xin một chút thời gian tự khen để động viên bản thân. Tôi có gì nào?
Tôi nhận thấy mình khá logic và suy nghĩ một cách logic, đối với tôi mà nói, là việc sắp xếp công việc một cách có trình tự, giống như việc xếp chữ B sẽ không bao giờ được đứng trước chữ A. Nó như một nút thắt của vấn đề, và khi gỡ được nút thắt đó thì công việc của bạn sẽ trở nên suôn sẻ. Nó không chỉ là một yếu tố cần thiết trong ngành truyền thông mà nó nên có trong tất cả các ngành nghề và công việc bạn làm hằng ngày. Là một người lên ý tưởng cho event, bạn cần nghĩ logic để event có thể diễn ra một cách suôn sẻ. Là một leader, bạn cần nghĩ logic để phân công công việc hợp lý cũng như phù hợp với khả năng của từng người nhằm thu được hiệu quả cao nhất. Là một copy-writer chuyên làm việc với những câu chữ bay bổng, bạn cần nghĩ logic để những gì bạn viết được sẽ dễ dàng đi vào lòng người, vì theo như tôi đã đọc ở đâu đó, viết đúng đã là một cách viết hay rồi. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy chữ B. Đôi khi bạn phải tìm B’ hay B’’ để xếp sau chữ A của bạn, nhưng dù có như vậy, công việc của bạn đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi.
Thứ hai, như môt chú đã từng nói với tôi rằng: tôi có một tiêu chuẩn cao, đôi khi là hơi quá cao. Tại sao nó lại là điểm tốt? Vì Ryan Shupe & the RubberBand đã từng hát rằng: When you dream it, dream big. Khi bạn đặt tiêu chuẩn của bạn càng cao tức là bạn càng đặt mình vào áp lực phải thực hiện mục tiêu của bạn tốt hơn, và bạn sẽ không bao giờ biết được năng lực của mình tới đâu nếu không vươn mình lên. Ngoài ra, khi có một tiêu chuẩn cao tức là bạn sẽ không dễ bị thỏa mãn với những gì mà bạn nghĩ ra được. Kể cả khi bạn nghĩ ra được một ý tưởng mà bạn cho là rất hay, thì cũng hãy tạm gác qua một bên và nghĩ thêm vài (chục) cái ý tưởng khác. Lý do tôi nói như vậy là vì dân sáng tạo thường hay bị mắc vào cái bẫy "ý tưởng đầu tiên" và khi đó, bạn sẽ "mê mẩn" và "đắm chìm" vào sự giỏi giang của bản thân mà không thể nghĩ ra được ý tưởng hay hướng đi mới. Nhưng sáng tạo là vô vạn, là muôn hình vạn trạng, vì vậy sẽ không có sáng tạo nào là tuyệt nhất. Cho nên, hãy luôn thử thách bản thân, hãy đặt mình ở những vị trí thấp nhưng nhìn lên thật cao và tìm cách để lên được những vị trí cao đó. Dù tất nhiên, đôi lúc bạn sẽ bị chửi là hoang đường quá, viễn vông quá, nhưng cứ thử đi, vì cho dù thất bại bạn vẫn học được một điều gì đó mà, và sẽ không ai chê trách bạn khi bạn cố gắng cả.
Cuối cùng, để động viên bản thân, tôi sẽ nói với bản thân rằng tôi: ê mày thực sự thích ngành truyền thông đó. Thực ra, tôi không có một cơ duyên cụ thể và cũng không biết rằng từ đâu, và vì đâu tôi yêu thích ngành này. Những gì tôi nhớ được chính là có một ngày tôi nhận ra tôi muốn làm một người tổ chức sự kiện, và từ đó đến nay tôi vẫn cho rằng mình sinh ra để làm công việc này. Khi chọn ngành này, tôi biết rằng sẽ rất khó khăn cho mình để theo đuổi, vì ngoài những điểm yếu của bản thân mà tôi đã liệt kê ở trên, tôi còn nhiều điều trái ngược với ngành này nữa. Tuy nhiên, chắc lại trái dấu thì hút nhau, trở thành một người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp là một mong muốn lớn mà tôi vẫn luôn theo đuổi. Vì sao tôi lại gọi đó là “mong muốn lớn”? Mong muốn, thay vì là “mơ ước” hay “mong ước” như nhiều người vẫn thường gọi, là vì mơ ước hay mong ước thì vẫn còn là một giấc mơ, một điều mà người ta phải ước và đặt niềm tin mới có thể hoàn thành. Riêng tôi, tôi gọi đó là “mong muốn” là vì tôi muốn đảm bảo rằng đó là mục tiêu, là một điều mà tôi, bằng sức lực và sự cố gắng của mình, cần phải hoàn thành trong tương lai dù xa hay gần. Có thể vài năm nữa, tổ chức sự kiện không phải là nghề nghiệp của tôi, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng, tôi vẫn sẽ là một người đóng góp tích cực cho ngành này, và biết đâu đó, bạn sẽ thấy mặt tôi trên một tấm áp-phích quảng cáo, hay trên ti vi để chia sẻ một thứ gì đó chẳng hạn. Dù tôi lại “mơ lớn” rồi, nhưng tôi muốn sẽ có một ngày bạn, và cả bản thân tôi, sẽ thấy tôi thành công trong lĩnh vực này.
Lời cuối, chúc bạn, người vẫn đang đọc chiếc blog viết còn dở này, có đủ tự tin để bước tiếp trên con đường đã chọn.
Và chúc tôi, sẽ đạt được thành công mà tôi mong muốn.