Yếu tố truyền thông dược biết đến là nhân tố “quyền lực” có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn thông tin cho khởi nghiệp và làm nhiệm vụ kết nối giữa startup với nhà đầu tư cũng như các thành phần khác của hệ sinh thái. Tuy nhiên, hệ thống này đang chưa tạo ra được những tác động có giá trị thực chất mà mới lướt trên bề nổi của tảng băng.
Có thể thấy, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển, với các doanh nghiệp khởi nghiệp chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp với số lượng và chất lượng không ngừng tăng lên, v.v. Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng.
Câu hỏi đặt ra là liệu truyền thông có thể góp phần giải quyết sự thiếu liên kết này trong toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay không? 
Vai trò của truyền thông trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, yếu tố truyền thông dược biết đến là nhân tố có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn thông tin khởi nghiệp và làm nhiệm vụ kết nối giữa startup với nhà đầu tư. 
Các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST mới thành lập chưa có thương hiệu, uy tín, chưa có sự tin tưởng của khách hàng, đối tác; chưa được sự đón nhận của thị trường; cần có đơn vị truyền thông uy tín hỗ trợ để quảng bá sản phẩm, kiểm nghiệm và phát triển thị trường. Cùng với đó, mặc dù tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang lan rộng khắp cả nước, nhưng do thiếu thông tin xác thực, các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải một số khó khăn như thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách, hỗ trợ của nhà nước dành cho khởi nghiệp
Ngược lại, nhận thức của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về thực trạng khởi nghiệp của Việt Nam còn chưa đầy đủ. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng gặp phải vấn đề tương tự khi không thể tìm được một nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Hiện nay, nhiều chương trình truyền hình về khởi nghiệp ĐMST được xây dựng, đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp trên con đường sáng tạo. Đài truyền hình Việt Nam đã sản xuất “Quốc gia Khởi nghiệp” và “Cà phê Khởi nghiệp” nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin, kinh nghiệm và mang đến cái nhìn toàn cảnh về các mô hình Startup mới ở Việt Nam. Chương trình ăn khách nhất thế giới về khởi nghiệp - Shark Tank đã được lên sóng vào đầu tháng 11/2017 với tên gọi Thương vụ bạc tỷ thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với khởi nghiệp nói chung và đặc biệt là với khởi nghiệp ĐMST.
Trên nhiều kênh báo điện tử cũng đều có chuyên mục dành riêng về khởi nghiệp như: vnexpress.net, vietnamnet.vn, 24h.com.vn soha.vn, baodautu.vn, nhandan.com.vn, thesaigontimes.vn, cafef.vn, bizlive.vn, ….Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông này chủ yếu giới thiệu về các câu chuyện khởi nghiệp điển hình, lấy bài học khởi nghiệp làm tấm gương cho cộng đồng mà chưa đi sâu vào quá trình doanh nghiệp hoạt động, những khó khăn, thử thách mà doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải và cách khắc phục nó. Việc này cũng phần nào ảnh hướng đến tư duy khởi nghiệp của các bạn trẻ, cho rằng cứ có ý tưởng hay, ý tưởng tốt là có thể “lao vào” khởi nghiệp, mà không biết tìm đến các nguồn lực trợ giúp, hoặc tham gia quá trình đào tạo kiến thức một cách phù hợp. 
Các chương trình truyền hình ăn khách nhìn chung cũng chưa thể hiện hết được vai trò của các yếu tố hỗ trợ cho nhóm khởi nghiệp như cố vấn, huấn luyện viên, các quỹ, nhà đầu tư, các co-working space, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh,… đối với quá trình phát triển của dự án khởi nghiệp. 
Các chương trình truyền hình dù hấp dẫn nhưng nhiều khía cạnh về khởi nghiệp vẫn chưa được thể hiện
Đồng thời, công tác thông tin về điển hình khởi nghiệp thành công mới được đẩy mạnh trong các bài báo viết chứ chưa có một kế hoạch truyền thông tổng thể bài bản trên nhiều kênh thông tin phù hợp với nhóm đối tượng khởi nghiệp sáng tạo trẻ (như mạng xã hội, trang tin chuyên môn, sách...) với đủ tính chất hấp dẫn.
Đáng chú ý, rất nhiều nhà báo phục vụ truyền thông cho khởi nghiệp không phân biệt được những khái niệm giữa startup (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Bản chất “khởi nghiệp sáng tạo”, “mô hình kinh doanh mới”, “khởi nghiệp tạo tác động” cũng chưa được các nhà báo hiểu rõ, dẫn đến việc định hướng sai, hình thành “phong trào khởi nghiệp” thay vì những giá trị thực chất mà khởi nghiệp có thể đóng góp cho xã hội. Sự ưu ái của báo chí với những chuyên mục, chuyên trang hỗ trợ start-up theo tinh thần tiếp sức cho doanh nghiệp khởi nghiệp ngay giai đoạn đầu cũng đã bị một số start-up tận dụng vào nhiều mục đích khác. Đơn cử là PR cho bản thân để kết nối với các quỹ đầu tư gọi vốn, nhưng lại sử dụng không theo cam kết và mục tiêu đặt ra ban đầu. Truyền thông không có thực tâm vừa có thể “giúp” startup thổi phồng quá mức về mô hình kinh doanh, kéo theo nhiều nhà đầu tư đánh giá sai và gặp rủi ro, hoặc truyền thông cũng làm “hại” startup ở giai đoạn đầu bằng chính những thủ thuật gây thu hút của mình, gây sự mong chờ lớn của khách hàng khi dùng sản phẩm lần đầu trong khi bản chất nó chưa hoàn thiện, đội ngũ startup chưa chuẩn bị kịp để ứng phó, thế hoá ra thật tai hại! Do vậy, trách nhiệm của truyền thông là rất lớn trong việc lọc lựa “đầu vào” cho hoạt động hỗ trợ và đảm bảo đúng mục đích cho khởi nghiêp.
Mặt khác, trước bối cảnh việc kiến tạo môi trường thuận lợi phục vụ cho KNST ở Việt Nam còn đang ở những bước đầu, việc các hoạt động thông tin tuyên truyền về pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo còn mang tính hình thức, thiếu sự đồng bộ, toàn diện và hiệu quả đang mang đến những kết quả chưa được như mong đợi. Chất lượng thông tin mà doanh nghiệp có được chưa đầy đủ, kịp thời và chưa có độ tin cậy cao. Đa số các trang thông tin cho doanh nghiệp cung cấp các thông tin chung chung, lạc hậu, thiếu các thông tin phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp.  Từ đây dẫn đến ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của cả đại diện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và chủ thể khởi nghiệp còn hạn chế.  
Trước đây, đã từng xuất hiện rất nhiều trang tin chuyên biệt về startup công nghệ tại Việt Nam như: Action.vn, Gik.vn, pandora.vn, techdaily.vn , TechinAsia Việt Nam, Twenty, Vcamp.vn ....tuy nhiên các trang tin này cũng dần dần “chết yểu”. Lý giải cho sự việc này có thể nhận ra bởi sự gia tăng nguồn thông tin cho KNST trên các trang tin báo chí chính thống, làm giảm nhu cầu về các trang tin chuyên biệt. Bản thân các trang tin này cũng chưa kết nối được với đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp sáng tạo để sản xuất các bài viết chuyên sâu có giá trị đặc thù cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mà chủ yếu là vay mượn nội dung. Cùng với đó là thiếu hụt mạng lưới phóng viên làm tin và nguồn lực cho hoạt động này, dẫn đến nhanh chóng lụi tàn. 
Thế nhưng mô hình này ngay tại Đông Nam Á là e27 và TechinAsia lại đang hoạt động rất tốt, trong vai trò làm cầu nối và cung cấp thông tin cần thiết đến tất cả startup khác và nhà đầu tư tại các quốc gia trong khu vực. Ngoài viết bài, hai trang tin này này còn tổ chức rất nhiều sự kiện về khởi nghiệp, làm cho phong trào startup tại Đông Nam Á trở nên rất sôi động. 
TechinAsia là trang tin có ảnh hưởng lớn đến giới công nghệ sáng tạo trên thế giới
Rõ ràng, vai trò của truyền thông là rất quan trọng, là nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển của cả hệ sinh thái. Nhưng truyền thông trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, lan toả rộng nhất? Nên phổ cập rộng khắp theo thế mạnh của từng trang tin hay hình thành các chuyên trang chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo?
“Quyền lực” truyền thông đang làm gì để nắm “thực quyền”?
Năm 2019, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ) đã thiết kế các nhiệm vụ truyền thông tập trung vào các vấn đề đặc biệt cần sự tham gia của truyền thông như thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, từ các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp ĐMST; hay truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST để kiểm nghiệm và phát triển thị trường,... Đây có thể coi là nỗ lực mạnh nhất của cơ quan quản lý để thúc đẩy truyền thông chuyên sâu cho khởi nghiệp tại Việt Nam giai đoạn này. Tại đây nhiều “lời giải” đã được chính các đơn vị trung gian hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ sinh thái đề ra, hứa hẹn mang lại những kết nối  “mềm” và “cứng” tính cực hơn cho hệ sinh thái. 
Đối với truyền thông phục vụ sự phát triển chung của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, các đơn vị tập trung hướng đến giải quyết các vấn đề còn thiếu trong hệ sinh thái như truyền thông về pháp lý cho KNST, hay truyền thông về KNST tại các địa phương xa trung tâm. 
Công ty Cổ phần Truyền thông Thiên Lộc thực hiện ý tưởng cung cấp kiến thức pháp lý hay cơ chế, chính sách cho KNST thông qua ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên cả kênh truyền hình, app di động, mạng xã hội, tờ rơi, sổ tay,....Trung tâm Ứng dụng và Thông tin khoa học công nghệ. Sở KN&CN Phú Thọ lại tập trung xây dựng một mạng lưới truyền thông rộng khắp từ trung ương đến địa phương, giữa các tỉnh trong khu vực như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang.
Trước đó, những đơn vị nổi bật như báo điện tử VnExpress, VTV2 hay Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ – Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HHSC) cũng đã và đang không chỉ thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, lan tỏa các thương hiệu, sản phẩm của khởi nghiệp sáng tạo, mà còn triển khai đào tạo và hình thành được các mối liên kết giữa phóng viên, người làm truyền thông với đơn vị khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước, làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung truyền thông thống nhất cho hệ sinh thái giai đoạn tới. 

Hoạt động bình chọn online “Startup Việt” do báo điện tử VnExpress thực hiện năm 2018 trong khuôn khổ Đề án 844 để thúc đẩy quảng bá điển hình khởi nghiệp sáng tạo
Đặc biệt, với truyền thông nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế cho KNST đã xuất hiện những cách làm đi đến thực chất từ Báo Công Thương hay kênh truyền hình NetViet.
Báo Công Thương thực hiện Chuyên trang khởi nghiệp được đăng tải trên Báo Công thương điện tử, báo Công thương giấy, Vietnam Economics (trang tin tiếng Anh), thu hút sự quan tâm của khán giả và lấy ý kiến của các chuyên gia về xu hướng phát triển của các startup lĩnh vực chuyên biệt là Thương mại điện tử; Logistics; Công nghiệp Sáng tạo, hạn chế truyền thông rải rác thiếu tập trung như trước. Cùng với đó là sử dụng lợi thế về mạng lưới của báo để tổ chức diễn đàn ĐMST với 250 doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự nhằm nâng cao vai trò,  kết nối,  thu hút nguồn lực đầu tư từ ngành Công Thương cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. 
Đối với kênh truyền hình NetViet, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Thời sự VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam thì thực hiện chương trình khởi nghiệp phát trên sóng truyền hình và phát thanh nhằm tập trung làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa các dự án khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp để thấy được vai trò của những nhân tố đồng hành trong quá trình này.
Về khía cạnh truyền thông quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST để kiểm nghiệm và phát triển thị trường, đại diện là Báo diễn đàn doanh nghiệp đã phát thông tin về KNST trên tờ tiếng Anh của đơn vị tới các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp nước ngoài, cùng với kênh phát hành tại phòng Vip của sân bay và trên tất cả các chuyến bay của hãng hàng không Viet Nam Airline. Bên cạnh đó, ngoài khả năng mời các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia các sự kiện giới thiệu sản phẩm kết nối đầu tư thì đơn vị này còn phối hợp với Ban Quan hệ Quốc tế thuộc VCCI và Vis-start để mời các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư quốc tế tham gia. Đây là hình thức giải quyết “đề bài” của Đề án 844 một cách hiệu quả dựa trên phối hợp các nguồn lực mạnh trên cả nước chứ không hoạt động riêng lẻ, được các cơ quan quản lý Đề án 844 hết sức hoan nghênh. 
Tuy nhiên, có thể thấy các giải pháp dù đang đi đúng hướng, nhưng rất cần những cách làm mới, mang tính lan tỏa và tạo được giá trị thiết thực hơn cho hệ sinh thái, đặc biệt là từ hệ thống quyền lực thứ Tư của nhà nước là báo chí mà có thể mở rộng ra là cả giới truyền thông.
Những thách thức cần có có giải pháp truyền thông mới
Đánh giá truyền thông giai đoạn tới cần tham gia vào quá trình giải quyết những tồn tại hiện có của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đề án 844 năm 2020 tập trung cấp nguồn lực cho các đơn vị có năng lực thực hiện nhiệm vụ truyền thông nhằm “quảng bá sản phẩm, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST để kiểm nghiệm, phát triển thị trường và thu hút đầu tư trong nước và quốc tế” và “quảng bá các điển hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng truyền thông, hoạt động “Nâng cao năng lực, xây dựng mạng lưới, hỗ trợ hoạt động liên kết các tổ chức, cá nhân truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST” vẫn tiếp tục là một trong những trọng tâm dành cho các cá nhân, tổ chức truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo. 
Nhìn nhận hai khía cạnh mà startup đặc biệt cần sự tham gia của truyền thông đó là quảng bá sản phẩm tới khách hàng và giới thiệu cá mô hình kinh doanh tiềm năng để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, nhiệm vụ này định hướng các giải pháp truyền thông cần cam kết được tính hiệu quả về mức độ gia tăng về thị trường/doanh thu/người dùng/uy tín của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hoặc có được các đề xuất bày tỏ quan tâm đầu tư thông qua hoạt động truyền thông do đơn vị chủ trì thực hiện. 
Bên cạnh đó, truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năm 2020 cần nhấn mạnh hơn vào sự đóng góp quan trọng của hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, từ khối công đến tư. Việc này không chỉ góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển một cách chất lượng của nhóm thành phần này trong hệ sinh thái, mà còn nâng cao nhận thức cho các startup về các việc được tham gia đào tạo nâng cao năng lực, được kết nối để học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho khởi nghiệp sáng tạo - một lĩnh vực nhiều rủi ro và đầy thách thức mà chỉ có thể vượt qua khi có các cố vấn, huấn luyện viên, nguồn vốn sẵn sàng và cơ chế chính sách hỗ trợ. 

Sự tham giam của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cần được truyền thông đẩy mạnh
Điểm mới đáng chú ý là yêu cầu về yếu tố quốc tế trong các sản phẩm truyền thông, trong đó đòi hỏi 50% các nội dung cần được sản xuất song ngữ, nâng cao số lượng và chất lượng truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ra nước ngoài. Cùng với đó, tính đa dạng, lan tỏa của các sản phẩm truyền thông tới cộng đồng, kiểm định thông qua lượt xem, lượt tương tác, là nhân tố đặc biệt quan trọng để đánh giá chất lượng truyền thông trong thời đại số. 
Có thể nói, đóng góp của truyền thông trong xã hội nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng có thể được ví như là một loại “quyền lực” mới, tuy nhiên nó cần là một thứ “quyền lực” được đội ngũ chuyên môn cố vấn, để kết hợp được cả tính lan tỏa và chiều sâu chất lượng, có được “thực quyền” để đem lại những thay đổi và giá trị tích cực cho nhóm đối tượng mục tiêu, phục vụ sự phát triển chung của đất nước trong bối cảnh mới. Muốn như vậy, không chỉ cần sự hợp tác từ các khối, nhóm cá nhân, tổ chức của xã hội mà còn đặc biệt cần sự tham gia ủng hộ từ khối cơ quan quản lý, mà Đề án 844 đang là một trong những đại diện đi đầu để thúc đẩy sức mạnh ấy của truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 
Kim Dung