[TRUYỆN NGẮN] XANH BIẾC
Khi tôi gặp bạn ấy, tôi đã cảm thấy bạn ấy có mùi của một khu vườn. Bạn ấy kể, mẹ bạn ấy gọi điện lúc tối muộn, bảo mẹ đã...
Khi tôi gặp bạn ấy, tôi đã cảm thấy bạn ấy có mùi của một khu vườn.
Bạn ấy kể, mẹ bạn ấy gọi điện lúc tối muộn, bảo mẹ đã quây được một chuồng gà, nhốt gà vào đó để chúng nó khỏi phá vườn, rồi mẹ đã trồng một vườn rau, gieo một vạt rau mùi. Bạn ấy còn kể, đến Tết thì rau mùi sẽ ra hoa, nấu một nồi nước lá mùi già để tắm gội chiều cuối năm, ngồi hong tóc ở hiên nhà trên con dốc thì còn gì bằng.
Tôi tròn mắt lắng nghe.
Lúc hong tóc mà có gió, cây đào đang ra hoa sẽ rụng vài cánh, nếu đưa tay ra hứng được một cánh hoa đào thì sang năm mới thảo nào cũng có người yêu, nhưng mà tớ chưa bao giờ hứng được cả. Bạn cười, đưa quyển sách đang đọc lên che miệng, đôi mắt nheo lại như hai vành trăng.
Rồi xe bus đến, bạn chào tôi, lên xe và đi mất. Tôi ngồi chờ một chuyến xe khác và nhớ về mẹ của mình.
Mẹ tôi mất rồi, ba năm trước, trong một chiều mùa đông. Tôi không còn nhớ khoảnh khắc cuối cùng của mẹ nữa, thật kì lạ là tôi đã quên cả khoảnh khắc ấy. Tôi chỉ nhớ nỗi hoảng loạn của mình khi biết cả cuộc đời này tôi sẽ không thể là một đứa con bé bỏng trong lòng mẹ nữa.
Mẹ tôi cũng có một khu vườn, những tháng ngày bố đi làm xa và tôi còn bé. Mỗi cuối tuần, mẹ để tôi ngồi trên cái ghế con, còn mẹ thì cuốc chỗ nọ, xới chỗ kia. Trồng vài cây hoa, trồng vài cây rau, đủ loại cả. Mẹ cũng gieo rau mùi vào đầu mùa đông, rau mùi ra hoa vào dịp gần tết. Nhưng tôi không nhớ nổi mùi nước lá mùi nữa. Mẹ đi rồi, tôi đi học nội trú ở một trường chuyên xa nhà. Cuối tuần thì về một lần, có lần bố ở nhà, có lần bố bận công tác cũng không về. Bố lặng lẽ hút thuốc bên cửa sổ, thấy tôi thì dụi tàn thuốc vào một cái gạt tàn cũ. Bố ít khi nói chuyện với tôi, tôi cũng không biết nói gì với bố. Bố con tôi đều vụng về, không biết trồng cây, không biết thu vén nhà cửa, không biết nói những lời an ủi nhau.
Bạn ấy học cùng lớp với tôi, cùng lớp hơn hai năm rồi. Bạn ấy là cô gái đã đưa tôi một cốc trà sữa, mới mấy hôm trước thôi. Trà sữa ấm, bạn ấy rót từ bình giữ nhiệt của mình vào chiếc nắp bình giữ nhiệt của tôi. Buổi chiều đó chúng tôi cùng đứng chờ một trạm xe bus để đi học thêm. Tôi chưa bao giờ uống một loại trà sữa nào như thế. Thứ nước ấm ấm, vị trà thanh, vị sữa thanh, và mùi bạc hà thoang thoảng, không có trân châu hay bất cứ thứ gì khác.
-Trà sữa mua ở đâu thế?
-Sữa đặc mua ở cửa hàng tiện lợi bên kia, hai lăm nghìn một hộp, trà và bạc hà tớ tự trồng.
-Cậu tự trồng được thật?
-Thật, nhưng trồng ở xa lắm, tớ phơi khô rồi đem xuống trường.
-Cậu mất nhiều công sức hơn người thường để có một cốc trà sữa đấy.
-Cậu có uống nữa không? Bạn ấy cười.
Tôi chìa chiếc nắp bình giữ nhiệt, rồi im lặng để uống hết thức uống không giống với thức uống nào mua được ngoài cửa tiệm.
Từ buổi chiều hôm đó, tôi bắt đầu biết đến sự tồn tại của bạn ấy. Bạn ấy không có gì khác biệt lúc ở trên lớp, nhưng một lần ngồi sau lưng bạn ấy ở lớp học thêm, tôi ngồi đằng sau và không thể rời mắt khỏi đường chỉ trên tay áo của bạn ấy, một chiếc áo khâu tay. Mũi khâu rất đều đặn, giống với những chiếc áo của phụ nữ xưa được trưng bày trong viện bảo tàng. Vải bông thô, được nhuộm màu xanh biển nhưng rất khó diễn tả. Tôi dám cá nếu hỏi, có khi bạn ấy sẽ bảo chiếc áo này là bạn ấy tự nhuộm vải rồi tự khâu mất. Nhưng tôi không hỏi, chúng tôi chưa từng thân thiết, dù bạn ấy đã bất chợt nổi hứng mời tôi uống trà sữa bạn ấy tự pha vào một buổi chiều mùa đông.
Cuối tuần ấy tôi về nhà, bố đang nấu cơm trong bếp, thấy tôi về, bố bảo:
-Về rồi hả?
Tôi vâng, rồi quay đi rất nhanh nhưng vẫn thấy tay áo sơ mi của bố sứt chỉ. Buổi sáng, tôi mở ngăn kéo tủ của mẹ, thấy một chiếc hộp đựng đầy những cuộn chỉ đủ màu sắc, một cây kéo nhỏ rất xinh và vài chiếc cúc nhiều hình dạng. Tôi ngồi mân mê hộp kim chỉ của mẹ một hồi, rồi để lại vào chỗ cũ, ra ngoài và đóng cửa phòng lại một cách khẽ khàng. Bố đã thay chiếc sơ mi hôm qua, giặt nó và treo lên dây phơi ngoài sân. Dưới ánh nắng, tôi nhìn thấy một sợi chỉ buông từ chỗ tay áo, khe khẽ phất phơi trong gió.
Một cơn mưa báo hiệu trời trở lạnh vào buổi sáng tôi trở lại trường, bố chở tôi ra trạm xe bus, đưa cho tôi một cái ô rồi quay đầu xe trở về. Rất nhiều lần thấy bố quay đầu xe trở về như thế, lần nào tôi cũng thấy chạnh lòng.
Trời mưa suốt, ẩm thấp vô cùng. Một buổi sáng đến lớp tôi thấy bạn ấy đã ngồi cặm cụi ghi chép ở cái bàn kê sát cửa sổ.
-Chào, đến sớm thế. Tôi cất lời, để cặp sách và ngồi xuống chỗ của mình, cách chỗ bạn ấy một bàn.
-Ừ. Bạn ấy chỉ đáp như vậy, tôi chợt thấy hơi hụt hẫng, có lẽ mong chờ một sự nhiệt tình trò chuyện hơn.
-Cậu làm bài tập hôm qua chưa? Tôi tiếp tục hỏi.
-Tớ đang đọc cái này. Bạn ấy đưa cho tôi quyển sách giáo khoa ngữ văn lớp chín. Tôi hơi ngỡ ngàng đón lấy quyến sách.
-Cậu đọc cái này làm gì?
-Sáng nay tớ nhặt được ở trạm xe bus. Đọc lại “lặng lẽ Sa Pa” thấy hay quá, hồi xưa học thì chẳng cảm thấy gì.
Tôi chỉ nhớ đó là một văn bản chúng tôi đã học rồi, nhưng không còn nhớ chút gì nữa, nên tôi mượn bạn ấy quyển sách trở về chỗ mình đọc.
-Này rõ ràng là cô gái kia cố tình để quên cái khăn tay trong quyển sách của “anh thanh niên” nhỉ? Tôi nói với sang chỗ bạn ấy. Bạn ấy cười ha ha.
Mấy hôm sau ngồi cùng nhau trên chuyến xe bus đi học thêm, bạn ấy nói với tôi:
-Thật là ngưỡng mộ anh thanh niên ấy nhỉ. Tớ cũng muốn như thế, đến một nơi xa xôi, làm một công việc nhất định phải có người làm để thấy mình sống thật có ích. Người lên núi trồng một vườn hoa hay nuôi một đàn gà cũng đáng quý như người về thành phố xây nhà máy, xây công trình. Chỉ là tớ không hợp ở thành phố, đông đúc quá, nhiều lúc không thở được, như cái xe bus này này, một lát nữa là đông chẳng có chỗ chen chân.
Tôi hơi bất ngờ khi nghe những lời như thế, cảm thấy bạn ấy lớn hơn mình tận mấy tuổi.
-Tớ nói thế là vì nghĩ đến chuyện sáng nay thầy dạy tin nói. Tuổi trẻ thì phải nghĩ đến châu Âu châu Úc, xây dựng nhà máy nọ nhà máy kia, nhưng tớ thấy ai cũng đi xây nhà máy hết thì ai cuốc một mảnh đất nhỉ.
Tôi nhớ ra là sáng nay bạn ấy bị thầy khiển trách vì không biết code một bài tập trong đề thi môn tin.
-Tớ cá là không phải ai cũng thích và hợp để làm bác sĩ kỹ sư hay mấy ngành đại loại như thầy cô cứ kì vọng, với cả mấy cái trường đại học danh tiếng ấy. Tớ sẽ thi vào một cái trường dạy làm nông dân cho xem.
Tôi phì cười, không thể nhịn được. Trường đại học nào sẽ dạy làm một nông dân nhỉ, tôi thầm nghĩ. Tôi còn đọc “lặng lẽ Sa Pa” thêm vài lần nữa, lần đầu tiên thử suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình. Chưa có ai nói với tôi những điều mà bạn ấy đã nói cả, hoặc cũng có thể do tôi chưa từng mở lòng mình với ai cả. Bạn ấy lại là người đầu tiên mở lòng nói với tôi những điều đó.
Tôi đã nghĩ về bạn ấy nhiều hơn. Nghĩ về những đường chỉ khâu tay trên chiếc áo của bạn ấy, tưởng tưởng ra cả cảnh bạn ấy ngồi hong tóc trên con dốc, dù chỉ mới nghe kể. Chúng tôi chầm chậm va vào nhau, bạn ấy chầm chậm gây thương nhớ. Một thứ thương nhớ nhẹ nhõm.
Sinh nhật tôi cuối tháng Mười một, tan học tôi đến chỗ của bạn ấy, rủ bạn ấy đi ăn kem.
-Bây giờ á? Bạn ấy hỏi
-Ừ. Tôi hơi lúng túng.
-Tớ bận đi đến một nơi rồi.
Bạn ấy từ chối như vậy, nhất thời tôi chẳng biết phải phản ứng như thế nào. Nên tôi đứng tần ngần một lúc.
-Cậu muốn đi cùng không?
Tôi đồng ý ngay lập tức, rồi chúng tôi ra khỏi cổng trường, đứng chờ xe bus ở phía đối diện. Xe chạy gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi đến một ngôi làng ở ngoại ô thành phố. Bạn dẫn tôi đi men theo con đường nhỏ có những bông hoa dại cánh trắng nở thành một vệt dài.
Ngồi nhà nhỏ nằm giữa một vườn cây, có rất nhiều dây phơi. Dây phơi phơi đầy những tấm vải màu xanh còn nhỏ xuống những giọt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời.
-Đố cậu biết đây là màu gì? Bạn ấy chỉ tấm vải màu xanh nước biển, nhưng đậm hơn một chút, nhìn có cảm giác rất dễ chịu, giống với chiếc áo khâu tay mà bạn ấy đã mặc. Nhưng tôi không gọi tên được đó là màu gì.
-Màu chàm.
Bạn ấy tự trả lời rồi cười. Lúc ấy, trong căn nhà nhỏ có một người bước ra chào chúng tôi. Bạn giới thiệu tôi học cùng lớp, rồi chúng tôi đi vào một căn phòng sáng sủa cũng có rất nhiều dây phơi. Tôi rất thích màu của những tấm vải. Nó gợi cho tôi cảm giác rất nhẹ nhõm, giống như cảm giác ở nơi bạn ấy vậy.
Căn nhà là nơi một nhóm bạn trẻ cùng nhau mở một cửa tiệm đồ thủ công nhỏ, sản xuất các mặt hàng như khăn, áo nhuộm chàm thủ công. Tôi nghe bạn ấy kể và hiểu ra về chiếc áo khâu tay bạn ấy đã mặc. Hằng tuần bạn đều đến đây nhận đồ về thêu. “Kế sinh nhai”-bạn ghé tai tôi nói nhỏ, cười khúc khích. Rồi bạn mở ba lô, lấy ra những chiếc khăn tay đã thêu xong để đưa lại cho chị chủ cửa tiệm, hai chị em rủ rỉ nói gì đó mà bạn ấy cứ cười suốt. Xong việc, chúng tôi ra ngoài hiên nhà ăn mứt cam.
-Cậu thân với mọi người ở đây nhỉ?
-Ừ, các chị đều rất tốt với tớ.
-Lạ thật, bây giờ tớ không còn thấy ai dùng khăn tay nữa.
-Có tớ này, và tớ còn biết nhiều người nữa.
-Sao cậu lại biết?
-Vòng tròn quan tâm của cậu sẽ dẫn cậu đến gặp những người tương tự cậu. Thôi về đi không hết xe bus đó.
Chúng tôi chào mọi người rồi ra về, đi qua con đường đầy hoa cúc dại. Trên xe bus, bạn ấy mở ba lô đưa cho tôi một chiếc khăn tay.
-Chúc mừng sinh nhật này.
-Ơ
-Không phải chuẩn bị trước đâu, nãy tớ đã bớt lại một cái không đưa cho cửa tiệm.
-Cảm ơn cậu.
Bạn ấy đội mũ áo khoác lên rồi tựa đầu ra đằng sau, nhắm mắt vào nói:
-Khi nào đến gọi tớ nhé.
Có lẽ bạn ấy đã ngủ.
Bố nhìn thấy chiếc khăn tay trong phòng tôi, tôi hơi hoảng hốt định giấu đi nhưng bố đã kịp cầm lên xem. Thấy tôi, bố cười, để chiếc khăn xuống rồi đi ra ngoài. Tối đó, thấy tôi ngồi ngoài hiên, bố bắc ghế ra ngồi cùng. Lần cuối cùng tôi ngồi với bố như thế này là khi còn mẹ, cả nhà ba người ngồi dưới hiên nói chuyện, uống trà.
Bố hỏi tôi về dự định thi vào trường đại học nào.
Tôi nói tôi chưa quyết định, nhưng tôi sẽ lắng nghe trái tim mình thật cẩn thận.
-Bố không bắt con chọn ngành chứ?
-Con cứ chọn ngành con thực sự thích là được. Con đã lớn rồi, bố không ép con làm gì cả. Chỉ là bố muốn con hãy cân nhắc cẩn thận, và hãy trao đổi với bố những gì con nghĩ.
-Vâng.
-Ngày xưa, hồi cấp ba, mẹ con cũng tặng bố một chiếc khăn tay.
Tôi đỏ mặt.
Bố nhìn tôi cười, uống một ngụm trà.
-Con trai lớn thật rồi.
-Bố có nhớ mẹ không?
-Nhớ chứ. Cứ nhìn con là bố lại nhớ mẹ con. Cứ nhìn con là bố lại nhớ bố hồi xưa, tầm bằng tuổi con bây giờ, lúc mới quen mẹ con.
Tôi chẳng biết nói gì với bố nữa, hai bố con ngồi thêm một lúc nữa thì gió lạnh, bố nói tôi hãy đi ngủ sớm. Trước khi đi ngủ, tôi tự nhủ từ giờ sẽ trò chuyện với bố nhiều hơn. Để hai bố con có thể san sẻ nỗi mất mát này.
Tôi kể cho bạn ấy nghe về mẹ. Bạn ấy lắng nghe rất kĩ càng, rồi hỏi tôi có muốn một nắm hạt giống không, cuối tuần hãy về nhà cùng bố trồng một mảnh vườn. Bạn ấy cầm lên một túi hạt rau cải, cậu có biết phong vị đích thực của mùa đông chính là canh rau cải nấu với một chút gừng không? Tôi biết. Tôi muốn nấu cho bố món đó. Chúng tôi mua thêm hạt cà rốt, cà chua, rau mùi và cả hạt nhiều loại hoa cúc. Lúc về, tôi nói cảm ơn. Bạn ấy nói đừng cảm ơn, hãy trồng nhiều rau và chia cho tớ một ít. Tôi thấy vui suốt cả ngày hôm đó và ngóng đến cuối tuần để về nhà.
Bố con tôi mặc quần áo lao động, đội mũ nan. Mất cả buổi sáng mới dọn xong cỏ cho khu vườn. Bố vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ, nhẩm tính bằng miệng hạt này sẽ gieo ở chỗ này còn hạt này gieo ở chỗ kia. Nét mặt bố rạng rỡ, tôi cũng không thể ngăn được mình thấy vui.
Mỗi tuần, tôi đều ngóng ngày nghỉ để được về nhà. Mỗi cuộc điện thoại cho bố đã có thêm chuyện để hỏi thăm. Rau cải đã lên chưa bố, bố có tưới nước cho chúng nó không đấy. Bố trả lời đầy hào hứng, đến nỗi nghe giọng bố tôi có thể hình dung ra được khóe mắt bố đang mỉm cười.
Trời vào mùa đông lạnh hơn, tôi tự nhiên đứng chờ bạn ấy mỗi buổi chiều đi học thêm, bạn ấy cũng tự nhiên ngoảnh lại nhìn khi không thấy tôi đi bên cạnh. Những cơn gió làm mũi bạn ấy ửng đỏ, và trong lòng tôi cũng ửng lên một niềm mơ ước. Cuối kì đó, tôi nói với bạn ấy về nguyện vọng thi đại học của mình. “Nói cho tớ thôi chứ đừng nói cho ai nữa nhé, cậu sẽ bị cười thối mũi”. Tôi ngẩn người. “Tớ đùa đấy”-bạn cười xòa “Thật tốt vì cậu đã biết ước mơ rồi”
“Từ khi nhìn thấy cậu, tớ đã biết ước mơ rồi”-Tôi chỉ nghĩ thầm như vậy thôi.
Dù không được chăm sóc khéo léo nhưng vườn rau vẫn lên xanh mướt, những cây rau mùi đã bắt đầu ra hoa trắng li ti. Trong bữa cơm, bố uống một bát canh rau cải với điệu bộ gật gù sung sướng, nói tôi có thể rủ bạn ấy về nhà chơi trước khi nghỉ tết. Tôi có cảm giác đã được gặp lại bố của ba năm trước rồi, dù trên bàn ăn vẫn chỉ có hai người. Tôi hỏi bạn ấy cậu có muốn về nhà tớ nhận phần rau của mình không. Nhưng bạn ấy bảo đã hẹn với mẹ sẽ về nhà vào buổi chiều rồi, và bạn ấy cũng muốn về nhà nghỉ tết thật nhanh nữa nên không đến được.Tôi đi cùng với bạn ấy ra bến xe khách trước ngày lễ đông nghịt người. Bạn ấy quàng chiếc khăn lanh mỏng nhuộm chàm, mũi vẫn ửng đỏ vì lạnh. Trước khi lên xe còn vẫy tay chào tôi. Tôi nhìn bóng bạn ấy nhòe vào trong làn mưa bụi, thấy trong lòng ấm áp.
Xe chuyển bánh rồi, hi vọng năm nay ngồi hong tóc bên hiên nhà, một cánh hoa đào sẽ rơi vào lòng bàn tay cậu, và cậu có thể nắm lấy như một niềm hạnh phúc, một niềm hân hoan.

Dương An

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất