I – ĐỘT NGỘT
Sài Gòn tiễn Thu bằng cơn mưa nặng hạt. Những hạt mưa dội mạnh từng đợt qua ô kính cửa sổ, thấp thoáng bên ngoài từng hàng người và xe nối đuôi nhau ì ạch lăn bánh giờ tan tầm. Thu thở dài, ngao ngán cái cảnh đợi chờ giữa cột đèn hiệu xanh đỏ, tiếng bấm cỏi inh ỏi, tiếng gầm rú của động cơ. Qua khung cửa mờ của chiếc xe khách về quê, tất cả mọi hình ảnh đấy mờ ảo và kì lạ. Dẫu cho tiếng thở dài ban nãy, trong lòng Thu chợt rộn lên cảm giác lạ. Vì hôm nay anh về nhà.
Bẵng đi nhiều năm rồi Thu chẳng về. Bám trụ ở đất Sài Gòn từ lúc tốt nghiệp, thế là từ đó guồng máy mưu sinh cuốn anh vào một vòng đời lẩn quẩn. Mười năm, hai mươi năm trôi qua. Những ký ức về nơi Thu đã từng sống và yêu bị thế chỗ bằng sự rối ren của cuộc đời. Cha, mẹ anh đã qua đời từ lâu. Vì thế anh cũng chẳng còn lý do gì để trở về nữa. Dạo đấy Thu gặp một cô gái cùng công ty. Hỏi ra mới biết cô ấy cùng quê với mình. Lúc đó, lòng anh đột nhiên thắt lại. Những ký ức cũ ùa về như trận lũ quét qua trí óc.
“Hôm nay anh về” – Thu nói
Trước đôi mắt ngỡ ngàng của cô đồng nghiệp trẻ, Thu vội vã toan chạy khỏi công ty cùng với cảm xúc vỡ oà. Anh không hiểu mình đang nghĩ gì nữa, chỉ biết rằng trí óc và con tim của anh như hoà chung nhịp đập.
Đã lâu lắm rồi những giây phút đột ngột thế này trở lại. Cuộc đời Thu kể từ lúc đi làm đến nay, không nhiều những biến cố xảy đến. Hàng ngày bắt đầu bằng công việc và kết thúc bằng công việc. Cuộc sống hôn nhân có lẽ cũng được xem là vết son năm tháng, nhưng cũng sớm lụi tàn sau cái chết của vợ Thu. Nỗi đau đã chai sạn, đôi lúc vẫn rỉ máu, kêu gào trong tâm can, nhưng cũng dễ dàng khuất phục bằng vài chai rượu và thuốc lá. Có những đêm nằm mộng thấy vợ về, Thu lại càng thêm đau. Mặc dù giữ một chức vụ khá cao trong công ty, nhưng kể từ khi biến cố đấy ập đến, Thu như người mất hồn, công việc sa sút. Công ty giữ anh lại chỉ là vì họ thương xót cho cái số phận hẩm hiu của anh, đồng thời cũng mong một tia sáng hy vọng sẽ đến cứu rỗi linh hồn đã vụn vỡ. Ít ra giữa tầm thường, vẫn nhặt nhạnh những tâm hồn thiện lành.
“Mình về để làm gì? Mình tìm kiếm điều gì?” – Thu nghĩ lung
Chuyến xe đưa Thu về lấp đầy ký ức. Những đoạn thời gian son trẻ của tuổi đôi mươi, đã quá xa vời mà sao thật quá. Chúng chồng lấp lên nhau, siết vào nhau lẫn lộn như đám chỉ rối. Anh cố lấy lại bình tĩnh qua hơi thở, cố gắng nhắm chặt đôi mắt tìm quên giữa rối ren. Một thoáng anh nghĩ mình thật ngu xuẩn khi đưa ra quyết định vội vàng. Nhưng mọi chuyện đã quá trễ, anh có trách bản thân cũng chẳng ích gì.
Đêm trắng
Thu cuộn tròn trong chăn ôm lấy những ký ức như thác đổ.
II – BIẾN CỐ
Tiếng xả hơi động cơ sau một chặng đường dài.
“Đến rồi bà con ơi!” – Anh lơ xe hét to
Mọi người lục đục, nháo nhác. Khung cảnh chung quanh xe giờ lấp đầy nào là người, nào là hành lý. Mất một lúc lâu Thu mới tỉnh, phải chăng những ngăn kéo trong đầu anh tối hôm qua đã lấp đầy quá khứ, đến nỗi anh như rơi vào một thực tại khác.
“Tới nơi rồi đấy cậu trai!”
Lão già ngồi bên cạnh hét toáng vào tai Thu. Anh choàng tỉnh, lần này là tỉnh táo thật sự. Vội vàng xách cái ba lô hành lý của mình, anh vươn người qua cửa xe, dần dà đưa cả thân xác và tâm hồn về chốn cũ.
Dưới bầu trời tờ mờ sáng, mọi vật chung quanh vẫn còn ngủ yên lặng. Lác đác vài ông xe ôm tụm năm tụm bảy cò mồi hành khách. Từ ánh đèn vàng le lói của quán nước bên hè, hắt lên trên những tạo vật xưa cũ. Thu lơ đãng nhìn quanh, ánh nhìn không chủ đích, bao trùm lên tất cả sự vật. Bất giác, anh vuốt nhẹ mái đầu làm rơi vài sợ tóc trên kẻ tay. Những sợi tóc nhăn nheo, tàn úa, lấm tấm trắng đen, anh khẽ run lên.
“Mình đã già đến vậy sao” – Anh nghĩ
Bước vội về phía quán nước tránh cơn mưa phùn. Thu kiểm tra hành lý của mình. Mọi quyết định diễn ra quá nhanh đến nỗi anh chẳng thiết nghĩ mình sẽ mang cái gì. Vài tập san thời báo, vài ba bộ quần áo mùa đông. Anh nghĩ mình thật ngớ ngẩn khi mang theo mấy tập san theo, nhưng cũng không đến nỗi nào. Ít nhất vẫn còn những bộ quần áo là hữu dụng.
Anh rút vội bao thuốc lá trong túi áo, châm một điếu cho đã cơn thèm. Làn khói theo hơi thở tràn vào trong phổi, rồi đẩy ra ngoài qua cửa miệng. Anh cảm thấy nhẹ lòng, cái cảm giác mà đã từ lâu Sài Gòn đã cướp mất. Thu về thành phố K không một dự định, kế hoạch. Kể từ lúc cha mẹ anh còn sống, đó là lý do duy nhất níu chân anh ở lại. Người thân họ hàng cũng lần lượt ra đi, trở về với đất mẹ. Họ hẳn đã yên nghỉ, nhưng đất mẹ đâu chịu để cho anh yên thân. Người con gái Sài Gòn, vợ anh cũng bị cướp lấy. Cát bụi phủ lên dáng hình những con người anh thương, phủ lên niềm tin yêu cuộc sống Thu từng có. Ở cái tuổi đáng lẽ hạnh phúc đậu bên cửa sổ. Giờ đây, chỉ như cánh chim xa bay khỏi tầm tay với.
Làn khói cuốn những suy nghĩ Thu trôi dạt, như con sóng xoá mờ thực tại. Phải mất một lúc lâu, anh mới định thần. Căn nhà trên thành phố K đã sang chủ kể từ lúc song thân qua đời. Số tiền bán nhà, Thu dành dùm chắt chiu từng năm để xây đắp nên tổ ấm ở thành phố lớn. Thế là chẳng có nơi nào trú thân. Thu tìm vài địa chỉ khách sạn quanh vùng. Qua vài phút trao đổi, anh đặt được một phòng một giường ở khách sạn Hy Vọng. Một kiểu mẫu khách sạn nhỏ cạnh căn nhà cũ.
Mưa vẫn bay
Thu bước trong khung trời mùa hạ.
III – HY VỌNG
Thu thả mình trên giường. Trần nhà ẩm mốc và cũ kĩ. Căn phòng khách sạn được quét một lớp vôi mỏng, loan lỗ vệt thấm mưa. Hầu như chỉ có Thu và hai vị khách nước ngoài phòng bên cạnh. Chẳng một tiếng động dù là nhỏ nhất, nên dù nằm trong phòng anh có thể đoán biết được khi nào cặp vợ chồng kia đi và về, nhờ tiếng bước chân, tiếng xoay nắm cửa. K không phải là thành phố du lịch, nên lượng khách từ phương xa đến không phải là nhiều. Người ta đến đây không phải vì cảnh vật, mà hẳn là vì cái tiết trời dịu nhẹ và man mát. Tính từ thời điểm Thu nhận phòng, ba ngày đã trôi qua. Đôi vợ chồng vẫn đi đi về về, vẫn những tiếng xì xầm to nhỏ. Ngoài trời, mưa vẫn bay lất phất dẫu nắng vẫn đổ trên những hàng cây. Thu không ngủ được đã ba ngày rồi, anh sợ những cơn ác mộng lại đến, lại đày đoạ linh hồn tội lỗi nơi anh. Không biết tự bao giờ, anh cứ cho rằng mọi nguyên do gây ra cái chết của vợ là do mình. Lắm lúc cả song thân cũng trở về, hoá đau thương phủ lấy anh. Thu chẳng biết làm gì ngoài khóc, khóc cho phận đời nghiệt ngã.
Dù trái tim vẫn còn đập, chân vẫn còn đi. Nhưng cái chết dường như luôn kế cận. Bóng ma quá khứ kéo cuộc đời anh xuống vực sâu đáy thẳm, lắm lúc anh nhìn xuống đáy vực, song thân và vợ đang ở đấy. Đôi mắt họ đẫm lệ, nước mắt họ dàn dụa. Thu chẳng đành lòng, cứ thế anh ở lại mãi trong nỗi buồn vô tận.
Đồng hồ điểm chín giờ tối. Thu khoác lẹ chiếc áo gió, đi vào trong phố xá thênh thang. Dù ở lại trong phòng khách sạn hay đi ra ngoài, vẫn cái suy nghĩ miêng mang đấy bám lấy. Thôi thì hãy cứ ra ngoài, biết đâu lại tìm được điều gì, dù sao đã ba ngày không ăn uống rồi. Thu nghĩ.
Khách sạn Hy Vọng nhìn từ ngoài vẫn vậy. Dù nhiều năm trôi qua, bàn tiếp tân vẫn đặt ở góc phải, sàn nhà vẫn lót thứ gạch từ thập niên trước, chùm đèn treo vẫn toả ánh sáng vàng vọt dịu nhẹ đến buồn ngủ. Có hai điều đã thay đổi, mà chắc chỉ có người trong khu phố này biết. Đó là lão chủ khách sạn và cây thông trước hiên. Hai tạo vật cùng sinh sống và chết đi trên chính mảnh đất già cỗi này.
Ngày bé, Thu đặt cho lão chủ khách sạn một biệt danh. Lão Nát Rượu. Một lão già khọm trong khu phố, đã ngoài bảy mươi tuổi, liệt hai chi dưới sau một đợt tai biến mạch máu não. Hàng ngày, Thu vẫn thấy lão ngồi bên quầy tiếp tân, cả người lão lọt thỏm vào trong chiếc xe lăn. Cũng may ông trời cướp đi đôi chân mau lẹ nhưng vẫn giữ lại cho lão được giọng nói rõ ràng. Thế nên công việc tiếp khách, đặt phòng đều do lão chăm bẵm. Người con độc nhất đã vào trại cai nghiện, vào ra rất nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn ngựa quen đường cũ. Lần duy nhất Thu được thấy cu cậu con trai là dịp Tết Nguyên Đán. Sum vầy với cha già chẳng được lâu, hắn lại toan bỏ đi tìm công việc ở phương xa, nghe đâu là ở Trung Quốc. Lão mừng cho đứa con trai độc nhất, vì thoát cảnh nghiện ngập và có chí làm ăn, nhưng cũng phải nuốt nước mắt mà tiễn con lên đường. Từ đó trở đi, người ta không còn thấy cậu con trai trở về nữa. Lão chìm đắm trong men say kể từ đó. Ngày xưa lão hận con trai mình biết bao vì thói nghiện ngập, thì hiện tại lão càng nguyền rủa bản thân vì thói nghiện rượu. Cứ mỗi chiều đi học về, Thu lại bắt gặp lão khổ cực lăn chiếc xe về phía quầy tạp hoá đối diện. Sẵn tính bản thiện, anh mua hộ cho lão già tội nghiệp. Hai ông cháu thân thiết kể từ đó, chỉ vài câu chào hỏi thân thuộc, vài ba xị rượu đổi lại cái cảm giác vui vẻ khi làm điều tốt của trẻ nít thơ ngây. Nhưng đến một ngày, vẫn dưới cơn mưa không dứt của thành phố K, trong khách sạn Hy Vọng, lão Nát Rượu đã không còn thở nữa. Cái thân xác gâỳ còm, xanh xao giờ đây lạnh ngắt và cứng đờ bên bàn tiếp tân. Khi những người hàng xóm phát hiện, thì lão đã chết được năm ngày rồi. Mùi tử thi bốc lên nồng nặc, khi đó người ta lập tức mai táng lão. Thế đấy, lão Nát Rượu an nghỉ bên phần mộ của vợ mình, bên những người hàng xóm, mà không phải là máu mủ ruột thịt của mình. Người con, vẫn chưa trở về.
Cái cây thông trước hiên cũng thôi xanh lá. Dường như giữa lão và cây có một mối liên hệ nào đó, một liên hệ yêu thương và sinh mệnh.
Thu đứng dưới gốc cây thông trơ trọi và cằn cỗi. Nghĩ lung về kiếp người bạc bẽo. Anh châm điếu thuốc tránh cái lạnh đêm mưa. Lặng lẽ đi vào trong phố.
IV – TÌNH CỜ
Thu sải bước trên mặt đường trải nhựa. Không gian chung quanh tĩnh mịch, hàng quán xung quanh đã đóng cửa, đèn đường chớp tắt hắt cái bóng của anh lên vệ đường. Bóng anh trải dài xa phía trước, nhoè đi cùng với những hạt mưa rơi xuống. Anh quan sát cái bóng của mình thật kỹ, nhìn nó trồi lên rồi lặn xuống như một sinh thể khác lạ. Một tạo vật được sinh ra chỉ cho anh và riêng anh, một nỗi thống khổ cứ lặn ngụp trong biển sâu cảm xúc. Chỉ khi những buổi đi đêm thế này, nối thống khổ mới dần hiện nguyên hình và bám riết lấy anh. Như hình với bóng.
Ngôi nhà cha mẹ anh đã không còn nữa. Lần cuối cùng anh nhìn thấy, nó chỉ là căn nhà lụp xụp tồi tàn. Cha mẹ anh đã không sửa sang gì kể từ khi anh rời đi, kể cả khi đến lúc anh bán căn nhà, dáng hình của nó vẫn vậy. Có lẽ song thân qua đời, đã mang theo cả linh hồn và sự sống của ngôi nhà này đi theo. Nó, căn nhà này, giờ đây chỉ như hàng ngàn căn nhà giữa chốn đô thi phồn hoa Sài Gòn. Lướt nhanh qua tâm trí không chút vấn vương.
Anh nhẹ nhàng đi qua căn nhà từng là một phần của mình.
Cảm giác lạc lỏng, trơ trọi lại một lần nữa đến với Thu. Khi vợ Thu trút hơi thở cuối cùng, khuôn mặt nàng dại đi, chẳng còn nụ cười trên môi, thân thể nàng lạnh lẽo. Đó là giây phút, khoảnh khắc Thu gục ngã, bị đẩy đến nơi tận cùng thế giới. Những thành công, những thất bại, những cố gắng, những ước hẹn, nhưng hy vọng, những buồn vui bên nàng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Lần này, giữa thành phố K đơn độc, lòng anh lại dậy sóng, những con sóng tuyệt vọng và thống khổ.
Khi còn là một đứa trẻ. Thu nhớ cái lần đó, anh bật khóc tức tưởng và nằm ăn vạ trước cổng nhà anh bạn hàng xóm. Chuyện là anh bạn đã lấy cắp một món đồ chơi của Thu. Hắn cứ thế lấy nó và về nhà trong im lặng. Anh nghĩ lại, sao mà mình trẻ nít quá. Nhưng ở cái tuổi này, quá khứ lại trở nên sâu cay biết nhường nào. Anh đã không còn đấu tranh để đòi lại những thứ mình đã mất nữa, để mặc cho dòng đời đẩy đưa. Chẳng giữ, mà cũng chẳng buông. Thu để mặc cho cuộc đời. Có phải anh đã không còn sống hay không? Dù trái tim vẫn còn đập đêm ngày. Đôi khi anh nghĩ thế lại hay, vì anh chẳng sợ chết nữa. Khi con người mất đi cái mưu cầu căn bản về sự sống, thì cái chết đâu còn đáng sợ phải không?
Con đường và bước chân Thu dài vô tận trong đêm trắng. Anh lang thang, say sưa với suy nghĩ của chính mình. Những địa điểm từng rất quen thuộc, khoác lên mình cái ẩm mốc và ướt át của cơn mưa mùa hè. Chúng gần như không thay đổi gì mấy, tại vì chúng trường tồn với thời gian hay tại tâm trí anh đã đứng yên như chiếc đồng hồ bị hỏng?
Chân đã mỏi. Thu tạc vào bến đỗ xe buýt nghĩ một lát. Ban ngày, hàng trăm tuyến xe buýt đến và rời đi, nhịp nhàng và chuẩn xác đến từng giây. Cái bến đỗ đầy ắp những người, trở nên sống động tuyệt vời. Trái lại, màn đêm buôn xuống biến nơi đây cô liu, tĩnh mịch. Nếu ban ngày bến đỗ là nơi dừng chân của bề nổi xã hội, thì ban đêm là dành cho những kẻ như Thu. Lũ người cô đơn và tội nghiệp.
Là anh phải không Thu?
Người phụ nữ đánh thức anh khỏi cơn mê.
V – HẠ
Hạ, người tình của Thu, niềm tin yêu cuộc sống của tuổi trẻ dại khờ. Nàng mang trong tim ánh nắng mùa hạ, những tia sáng dịu nhẹ, lấp lánh. Cái cô quạnh nơi này trở nên ấm áp vì có nàng. Thưả còn trẻ, hương sắc nàng còn e ấp như một nụ hoa chớm nở. Không nhiều những cậu thanh niên tán tỉnh nàng. Cứ thế, nàng sống bên những hàng cây, sân trường, bên những đứa trẻ lấm lem xóm nhỏ. Đôi khi cô đơn, bên hàng ghế đá sân trường, nàng lại ngân nga điệp khúc của một thời xa vắng. Giò lùa mái tóc đen mượt còn thơm mùi con gái, nhẹ mang câu hát khẽ khàng lùa qua ô cửa sổ nhà Thu. Anh ấp ủ một mối thương từ đấy.
Gia đình Hạ đến thành phố K sau ngày đất nước giải phóng. Người ta chỉ thấy một người đàn bà đẹp dẫn theo một đứa trẻ lấp ló sau khung cửa xe hơi. Chiếc xe sang trọng lăn bánh trên con đường đất đỏ nguyên sơ, rồi lặng lẽ khuất sau hàng cây phượng đỏ trong một con hẻm. Thành phố K khi đó tồi tàn và tiều tụy sau cuộc chiến, người ta vẫn còn trông thấy những lô cốt, những ụ súng, hay những tàn tích của một thời đã qua. Thế nhưng thật lạ, giữa nơi còn ám mùi bom đạn, giữa con hẻm có cây phượng đỏ, mọc lên một toà nhà nguy nga tráng lệ. Dân đen kháo nhau rằng, toà nhà đấy là của Ông Chủ, một tướng lĩnh cốt cán phe thắng cuộc. Hàng ngày, mấy chiếc xe hơi ra vào liên tục, nhưng bặc nhiên người ta chẳng thấy hiện diện một bóng người nào cả. Thu từ bé đã vốn tính hiếu động, những điều mới mẻ luôn kích thích trí tò mò của anh, căn nhà hoa phượng đỏ cũng không phải là ngoại lệ. Thu dán chặt đôi mắt lên ô cửa sổ ngôi nhà kỳ lạ, thoáng hiện trong đôi mắt anh là người đàn bà trung niên đôn hậu, ngồi bên khung cửa lim dim đôi mắt, cẩn thận đan từng mũi kim khâu. Đó là hình ảnh sống động duy nhất trong căn nhà bí ẩn đó.
Sau mỗi chiều đi học về, trên con đường từ trường về nhà. Thu vẫn thường trông theo bóng dáng của người đàn bà, tính tò mò của anh cũng lớn dần theo năm tháng. Gia đình này là ai? Từ đâu đến? Anh bấm bụng hỏi những người lớn tuổi ở đây. Thu nhận lại chỉ vỏn vẹn những thông tin ít ỏi: Nhà của Ông Chủ, một tướng lĩnh cấp cao, cùng vợ và con gái.
Mưa vẫn rơi dai dẳng trên thành phố K. Mùa hè, nắng ấm ôm lấy thành phố như một đứa trẻ được nuôn chiều, nhưng có những lúc cơn mưa ập đến bất thình lình không điềm báo. Chính thành phố này cũng xoay chuyển muôn ngã như thời tiết vậy. Tàn bạo và nghiệt ngã.
Ngày Thu gặp Hạ lần đầu, cũng chính là khoảnh khắc hạnh phúc, mà cũng vừa khổ đau.
Ông Chủ nắm tay cô nhân tình chạy vội ra khỏi căn nhà hoa phượng đỏ. Thu cứ ngỡ đó là bà chủ. Nhưng tiếng khóc thảm thiết vọng ra từ phía khuôn viên căn nhà làm Thu đảo mắt. Đó là người đàn bà đẹp, vợ Ông Chủ. Người đàn bà ngã quỵ, giữa mặt sân thấm đẫm nước mưa. Hạ ôm lấy mẹ mình, chặt đến nỗi như muốn nhận hết cái bi kịch vừa xảy đến. Họ cứ thế bất động giữa cơn mưa nặng hạt, giữa bão tố cuộc đời. Thu đứng đó, chứng kiến mọi sự việc.
Dường như đã hoàn hồn, có lẽ phải mất một lúc lâu để hai mẹ con bình tĩnh trở lại. Hạ dìu mẹ vào nhà, đặt bà ngồi bên khung cửa sổ thân quen, sau đó nàng đưa tay kéo rèm cửa lại.
Thu lửng thửng, anh nghĩ lung rồi thở dài. Đột nhiên, anh nghe tiếng cửa mở toang. Hạ bước ra vội vã, chạy vội về phía Thu. Nàng ôm anh, vùi mái đầu ướt mưa trên đôi vai gầy gò của anh, môi nàng mấp máy không thành tiếng. Anh nâng nhẹ cằm nàng, hôn lên đôi mắt, cánh mũi, đôi môi một cách dịu dàng và trân trọng. Lúc đó Thu không hỏi tại sao mình làm vậy, nhưng anh biết, đó là yêu.
Mưa vẫn cứ rơi.
VI – TÂM TÌNH
“Má em qua đời không lâu sau cái ngày mình chia tay. Ngày đám tang, ba em còn đang bận công việc với cô tinh nhân mới quen. Ông ấy luôn thế, trở về nhà rồi ra đi nhanh chóng, công việc là toàn bộ cuộc sống của ông, kể cả việc ngoại tình” – Hạ nói
“Em không giận ba em sao?”
“Giận làm gì khi con người ông vốn dĩ là vậy. Người ngoài có thể nghĩ gia đình em thật hạnh phúc, nhưng sâu tận bên trong nó đã mục rỗng lắm rồi. Tình yêu là thứ rượu ngọt nhưng đồng thời cũng là lời nguyền cho gia đình em. Kể từ ngày mẹ em mất, em chẳng thiết yêu đương là gì cả”
“Có phải đó là lý do em rời xa anh không?”
“Một phần. Thú thật em đã bị ám ảnh. Anh biết không? Kể từ ngày ba em rời đi, má chỉ ngồi một chỗ, lặng im nơi chiếc ghế bên khung cửa. Bàn tay bà không còn đan len, thêu thùa như trước. Nó trở nên cứng đơ, giữ nguyên cái hình dạng bàn tay nắm chặt lá đơn ly dị ngày hôm đó. Bà không ăn uống gì cả, cứ ngồi đó nhìn qua khung cửa sổ như trông mong một điều gì. Đến nỗi, em phải hằng ngày mớm cho bà từng bọn cơm chén cháo. Nhìn bà mà em xót, em đau. Càng ngày, cái thân xác bà càng tiều tụy, bà từ chối ăn mọi thứ. Rồi đến một ngày, bà chết cứng trên ghế của mình”
Hạ cứ nói trong khi Thu hầu như im lặng.
“Em đã không còn là em những ngày xưa nữa. Em đáng bị nguyền rủa anh ạ. Cả cuộc đời em sinh ra trong sự dối trá và lừa bịp, sự lừa dối của tình yêu và sự lừa dối chính mình. Em sống cô độc trong căn nhà đó. Nơi đã từng là niềm tin yêu mãnh liệt, giờ đây trơ ra sự mục nát. Em sẽ chết tại nơi em sinh ra, kết thúc vòng luân hồi của lời nguyền”
Hạ nói trong nước mắt tức tưởi. Hình như đã quá lâu rồi, cô không khóc. Thu lặng lẽ nắm tay cô. Anh ôm cô vào lòng, như ngày đầu tiên hai đứa gặp nhau. Lúc đầu nàng kháng cự, nhưng rồi cũng ưng thuận ngã vào lòng người đàn ông mình đã từng yêu. Thu vỗ về cô trong im lặng, những khi thế này chẳng lời nào có thể nói ra.
Thu dìu nàng đi khỏi trạm xe buýt. Hai người ôm lấy nhau giữa giông tố cuộc đời. Giữa tình yêu và thù hận. Giữa hiện hữu và mất mát. Giữa sự sống và cái chết. Giữa thiên đàng và địa ngục.
Mưa vẫn cứ rơi giữa mùa hạ.
VII – XUÂN
“Em có thai rồi” – Hạ nói qua điện thoại
Thu nghe giọng nói tươi tắn của Hạ từ Sài Gòn. Anh nhớ đêm hôm đó, mưa trở nặng khi anh đưa Hạ về căn nhà hoa phượng đỏ. Dưới khung cảnh nhá nhem sáng tối, hai con người đứng tuổi giờ đây mới cảm thấy cơn lạnh buốt xuyên qua da thịt. Hạ vẫn nép vào lòng anh, như một đứa trẻ. Nàng mong manh và nhợt nhạt biết nhường nào, dẫu năm tháng có qua đi, cướp đi sự tươi trẻ thời con gái. Anh chợt nghĩ về số phận của mình, rồi nghĩ về Hạ, nghĩ về những năm tháng tiếp theo của hai đứa. Đã lâu rồi anh chẳng thiết nghĩ về tương lai. Nhưng lạ thay, dưới bóng cây phượng đỏ đung đưa trong bão đêm, dưới bầu trời gầm lên giận giữ, ôm Hạ tròn vòng tay, anh lại cảm thấy tia nắng từ trong lòng mình. Ấm áp, dịu dàng.
“Mình về nhà em nhé”
“Dạ”
Về nhà. Thu đã tránh cụm từ đó suốt bao năm rồi, anh chẳng nhớ. Anh đã từng là đứa con hoang của kiếp người, giờ đây anh được trở về. Thu chợt thấy nghẹn lòng, cuộc đời đã ban cho anh một lần nữa được sống. Anh cảm thấy như mình được nhấc bổng lên, thoát khỏi thân xác trong phút chốc. Anh trở về với những niềm vui, những nỗi buồn của ngày xưa cũ. Thu thấy mình đứng trong khung cảnh rộn ràng ngày cưới ở đất niềm Nam, trong nhà thờ bên người vợ của mình. Rồi cũng chính nơi này, anh đứng bên quan tài của nàng. Hai khung cảnh dường như đối lập, giờ đây xoắn vặn vào nhau, hỗn loạn nhưng chảy ngầm bên trong nó một trật tự. Một trật tự xưa cũ, sinh ra từ hỗn mang thế giới, nguồn cội của tất cả hiện hữu, nó chia nhánh rồi đổ về từng con sông của nhân sinh. Tất cả dòng sông đều chảy, qua bốn mùa thời gian, vượt qua ghềnh đá cheo leo, tiếp tục đổ về biển, nơi tận cùng thế giới.
Thu không còn cảm thấy nặng lòng nữa.
Sài Gòn chiều lộng gió. Thu bất giác mỉm cười, giọng nói của Hạ như một khúc nhạc chan chứa thương yêu, một tin mừng cho cuộc đời đã quá già cỗi của anh.
Một năm sau. Trên tay Hạ là một đứa trẻ bụ bẩm.
“Chúng mình đặt tên con là gì anh nhỉ?”
“Xuân”
VIII – XUÂN, HẠ, THU, ĐÔNG
Thu thôi việc ở Sài Gòn, anh chuyển hẳn công việc về thành phố K. Lại một quyết định đột ngột chẳng suy tính. Dường như mọi chuyện trong cuộc sống của anh đang dần chuyển mình, chậm rãi và chắc chắn.
Bên cửa sổ căn nhà hoa phượng đỏ, Hạ bế Xuân đung đưa bên chiếc ghế, cũng như mẹ mình, nàng trông mong một điều gì đó. Thu xuất hiện trước cổng căn nhà, mùa hạ vẫn còn đó trên cây phượng, trên khu vườn ngập nắng chan hoà, dù cho nơi đây đã từng chứng kiến bao cảnh u sầu và tan nát. Dẫu cho cơn mưa dai dẳng mùa hạ cứ thế rơi xuống không ngớt, Thu Hạ và Xuân, như cái tên của họ, tiếp tục nhảy múa hoà theo dòng chảy cuộc đời.
Người ta bảo nhau rằng, người con trai của Lão Nát Rượu đã trở về. Anh ta tiếp tục quản lý khách sạn Hy Vọng, ngồi lọt thỏm trên cái ghế quầy tiếp tân. Hàng ngày, anh vẫn viếng mộ phần của cha mình, đặt lên tấm bia những nén nhang muộn màng. Có muộn màng không? Chẳng ai biết. Cây thông trước khách sạn đột ngột xanh lá, người ta không biết tại sao. Nhưng chắc chắn chỉ có người con trai, người duy nhất biết câu trả lời.
HẾT