3. Tôi đi tìm tri thức, không tìm nam chính nữa.
Nghỉ Tết năm nhất, tôi tham gia một cuộc thi review sách trên facebook, một đầu điểm được tính dựa trên số lượng chia sẻ bài viết, nên tôi đăng vào group đội tình nguyện hội sinh viên để nhờ mọi người. Rất nhiều người chia sẻ bài viết giúp tôi, nhưng tôi lướt qua thì dừng lại ở facebook của S., cậu ấy chia sẻ rất có tâm, còn viết thêm cả một đoạn cảm nghĩ sau khi đọc bài viết của tôi nữa. Tôi để lại bình luận cảm ơn cậu ấy, từ đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, qua facebook, những cuộc hội thoại thế này, vài tuần 1 lần:
-Cậu có đề cương Giải tích 3 bản pdf không? Gửi tớ với.
Tôi gửi.
-Cảm ơn nhé. Cậu ấy trả lời.
Tôi like tin nhắn của cậu ấy.
-Tiểu luận Triết có phải đóng gáy không?
-Không, mua quyển có sẵn rồi chép vào.
-Chép ở đâu á?
-Trên mạng ý
-Ừ. Cảm ơn nhé.
Tôi like tin nhắn của cậu ấy.
-Chiều nay chương trình ở C2 có cần mặc áo xanh không?
-Có.
-Ừ.
Bạn cùng phòng tôi không còn thấy tôi vừa nhắn tin vừa cười bao giờ nữa.
Thời gian ấy, tôi tham gia các tổ chức phi chính phủ nên cũng không hay đi các chương trình của hội sinh viên trường. Tôi làm cô giáo dạy mấy nhóc tiểu học trồng cây. Tôi vốn sinh ra ở quê, nên tôi thấy mình thuộc về đất cát. Trẻ con và cây cối làm tôi yên lòng, không phải tranh cãi những thứ xa xôi, chỉ cần vui ở phút giây hiện tại là đủ. Có lần, tôi dẫn học sinh ra vườn và hỏi: Chúng mình trồng cây để làm gì? Thực lòng, tôi hướng chúng đến câu trả lời rằng trồng cây để có bóng mát, có quả ngọt, có những bông hoa thơm. Nhưng câu trả lời đến đã làm tôi rất bất ngờ: Trồng cây để cho chúng nó lớn. Chà, dù rất không muốn nhưng tôi vẫn có những suy nghĩ thực dụng như thế đấy, tôi không ngây thơ như một đứa trẻ. Tôi làm gì cũng mong nhận được kết quả, ngay cả việc trồng một cái cây, hay làm quen thêm một người bạn. Có lẽ do lòng tôi nhiều chờ mong, nên tôi lại càng thêm cảnh giác, tôi sợ tôi lại thương tổn.
Ở đội tình nguyện, chúng tôi thỉnh thoảng có đóng mấy thứ đồ gỗ, sơn chỗ nọ, sửa chỗ kia. Tôi thường chọn tham gia mấy công việc chân tay này, vì việc học trên trường đã đủ mệt rồi, tôi không muốn phải dùng não thêm nữa. Hôm ấy, chúng tôi đóng mấy chiếc thùng gỗ để đựng rác trong khuôn viên kí túc xá, mấy việc nặng nhọc này thường không bao giờ đến tay con gái cả, học Bách Khoa sướng ở chỗ đó. Tôi áy náy vì thời gian đó không tham gia công việc của đội nhiều, nên tôi ở lại xem có việc gì giúp được không. Mọi người đóng xong hết rồi, chỉ cần sơn lại nữa thôi. Tôi đứng trên lan can, xung phong to rõ ràng:
-Để em làm cho.
-Thôi mấy việc này bọn anh làm được.
Tôi vẫn xung phong, nói to rõ ràng đầy khí thế:
-Em làm được mà, em thích sơn!
S. quay sang nhìn tôi. Tôi biết mình lỡ lời, đỏ mặt, cầm hộp sơn quay đi. Cậu ta cầm cái chổi chạy theo huých vào khuỷu tay tôi, há miệng ra cười. Ôi, chắc cậu nghĩ chúng mình thân nhau lắm hả?
Tôi hay gặp S. ở thư viện, đôi khi ngồi đối diện nhau hoặc ngồi cách nhau một cái ghế, có lúc có người ngồi ở cái ghế đấy, có lúc thì không. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp người quen, họ hỏi hai đứa rủ nhau lên thư viện hả? Chúng tôi đều lắc đầu.
Hồi ấy, tôi đang chật vật với tích phân 2 lớp. Mỗi khi thầy giáo dạy môn giải tích 2 của tôi cất lời, tôi đều phải mất một lúc mới định hình được là thầy đang nói tiếng Việt, cùng ngôn ngữ với tôi. Tôi than thở với bạn cùng phòng rằng thầy tôi dạy kiểu gì ấy, nên Quyên rủ tôi đi học ké với lớp nó, học thầy Thành. Thầy Thành đã cứu vớt đời tôi, tôi nghĩ điểm mấu chốt của một người giáo viên dạy hay chính là để sinh viên có thể tự tin bày tỏ suy nghĩ của mình, và bằng một cách nào đó, thầy ấy có thể khiến tôi-một đứa đi học ké thôi dám giơ tay nêu ý kiến, dù ý kiến của tôi về môn toán thì chẳng có gì đặc sắc.
Tôi tìm những lớp thầy giảng môn giải tích 2 để đến nghe. Cứ buổi nào không trùng với thời khóa biểu chính khóa của tôi là tôi đến. Tôi nghĩ chẳng mấy khi tôi thích học toán như vậy, nên phải tranh thủ học trước khi tôi chán. Có lần, tôi vừa ngồi xuống thì S. đến ngồi bên cạnh. Tôi hỏi:
-Sao cậu lại ở đây?
-Tớ đi học.
-Đây là lớp cậu à?
-Ừ. Cậu ham học nhỉ?
-Bình thường.
-Câu này làm sai rồi. Cậu ấy lôi vở tôi về phía mình, lật sang một trang mới, tính lại từ đầu. Tính xong, cậu ấy kết luận: Không phải cậu làm sai, cậu thay số sai ở đây.
Tôi ngó vào vở mình. Gật đầu thừa nhận. Xong tôi hỏi: Sao cậu lại cầm bút kiểu vậy? cầm bút bằng 5 đầu ngón tay?
Cậu ta xòe tay: Vì nếu cầm bằng 3 ngón thì 2 ngón còn lại sẽ thấy tủi thân.
Sao cậu không nghĩ 3 ngón kia mới tủi thân, vì chúng nó phải lao động trong khi 2 ngón còn lại được chơi?
Lao động là vinh quang mà cậu?
Ối giời. Tôi kêu lên trong đầu, tôi không cãi lại được cậu trai giỏi toán hơn mình. Nên thôi, tôi ngồi im nghe giảng.
Bằng một cách nào đó, chuyện tôi ngồi học với một cậu trai trên giảng đường đã truyền đến tai các bạn cùng phòng kí túc của tôi. Tôi luôn thầm ngưỡng mộ các bạn gái cùng phòng kí túc xá, mấy đứa nhìn riêng thì không có gì đặc biệt, nhưng khi liên kết lại, chúng lập tức trở thành các cao thủ trong ngành tìm kiếm tin tức từ lá cải đến lá đa.
-Nhìn có vẻ đẹp đôi đấy, nhưng hôm qua tao vừa thấy nó đưa bạn gái về kí túc xá haha.
-Hở? Ai đẹp?
-Bạn tóc dài, da trắng như tuyết môi đỏ như máu tóc đen như gỗ mun ở tầng một ý.
À, tôi biết bạn ấy, bạn ấy cũng ở cùng đội tình nguyện với tôi. Tôi từng thấy ảnh S. chụp chung với bạn ấy trên facebook.
-Ơ không liên quan gì tao, tao đi học vì đam mê giải tích 2 thuần túy nhé.
Ha-ha-ha, bọn nó cười kiểu không có lòng tin vào tôi, chỉ có tôi tin mình, tôi đi theo tiếng gọi của tri thức, tôi không đi tìm nam chính trên giảng đường.
Nhưng làm sao một bạn gái lại có thể xinh như thế nhỉ? Tối hôm ấy, phòng tôi khóa trái cửa, nấu mì tôm ăn khuya và nói chuyện về các bạn gái xinh đẹp. Chà, xinh đẹp thì cuộc đời sẽ dễ dàng hơn một nửa. Có khuôn mặt đẹp rồi thì làm gì cũng hợp lý hết. Chúng tôi kết luận như vậy, ăn mì tôm trong cái nồi inox, rồi tự khen nhau “thật ra mày cũng xinh mà” và “tao cũng thấy mày xinh đấy chứ”, kiểu ủi an rất kí túc xá, nhưng đều khiến chúng tôi vui hơn.
(còn tiếp)