"Nhiều người tin rằng làm cha mẹ là kiểm soát hành vi của trẻ và dạy con hành động như một người lớn. Tôi tin rằng làm cha mẹ là kiểm soát hành vi của chính mình và hành động như một người trưởng thành thật sự."
(L.R.Knost/ Dịch: Linh Phan)
Có những người chọn cách làm cha, làm mẹ theo bản năng. Điều họ nhận lại là những đứa con phát triển theo bản năng, thiên nhiều về thể chất!
Mình đã là một người mẹ, đảm nhiệm vị trí này gần 3 năm. Tôi chọn cách để “lý trí” song hành “con tim”, cùng bổ sung những điểm yếu cho nhau. Trau dồi kiến thức làm mẹ mỗi ngày, khuyến khích con học hỏi thêm nhiều kỹ năng & tiến bộ hơn!

1. NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC DẠY CON

Trong một tình huống như sau: một đứa trẻ đang dạo chơi cùng mẹ trong siêu thị, nó đã nhìn thấy món đồ chơi mà nó thích. Thay vì đàm phán với mẹ với thái độ đúng mực thì nó gào thét, vùng vằng và lao vào đánh mẹ. Người mẹ trẻ nắm lấy 2 bàn tay nó, giải thích cho nó hiểu khi nào mới có thể mua món đồ đó và bình tĩnh nghe nó khóc. Cho đến khi tiếng khóc dần bé lại và im lặng.

Có thể nhiều mẹ than thở:
- “có cần thiết phải như thế với một đứa trẻ không?!”
- “Như vậy đủ rồi!”
- “Mẹ gì mà chẳng thương con..”
Sẽ chẳng có gào khóc nếu điều đứa trẻ muốn được đáp ứng ngay phải không nào. Nhưng những ngày sau và mãi về sau bạn sẽ phải gồng mình đáp ứng những yêu cầu vượt ngoài khả năng của bạn. Khi bạn đã già, mắt mờ và chân chậm bạn sẽ mong cuộc sống an yên hơn là chịu sự nổi loạn của con bạn.

Thế nên nguyên tắc là nguyên tắc. Trong việc nuôi dạy con cũng vậy, bạn cần phải đảm bảo con không phạm sai lầm quá 2 lần. Trường hợp đặc biệt không có lần thứ 2. Dạy con nguyên tắc không có nghĩa là đòn roi, là la hét mà chính là sự kiên nhẫn. Tầm hiểu biết của con cái sẽ lớn dần theo độ tuổi, vì vậy “mưa dầm sẽ thấm lâu”. Con sẽ nhận ra mình sai ở đâu và phải sửa chỗ nào; sống có nề nếp kỷ luật tốt.

Đừng nghĩ con còn bé ko cần rèn nề nếp. Nếu một đứa trẻ sống không nguyên tắc, nó sẽ trở thành con người ngỗ ngược sau này với chính bố mẹ chúng.

2. CÔNG BẰNG - CHIA SẺ - TÔN TRỌNG - BIẾT ƠN
2.1 Dạy con biết thế nào là công bằng
Làm tốt có thưởng, phạm lỗi có phạt. Thưởng đôi khi là lời khen ngợi, tán dương. Phạt cũng đơn giản là khoanh tay xin lỗi. Hãy để con làm điều mình nghĩ, việc của chúng ta là quan sát và đưa ra định hướng.
2.2 Dạy con biết chia sẻ
Hai con của mình đều đang ở giai đoạn toodle, một bé 29 tháng và một bé 16 tháng. Sẽ không thể tránh khỏi cảnh tranh giành đồ, khóc lóc, giận dỗi. Bản năng của con trẻ giai đoạn này là giữ đồ cá nhân. Tức là chúng luôn muốn đồ của chúng phải trong tầm kiểm soát; tất nhiên sẽ chẳng muốn chia sẻ cùng ai.
Cốm có em khá sớm. Mình đã phải giáo dục ý thức “thương em” cho Cốm mỗi ngày bằng cách: thơm lên bụng bầu của mẹ (một cách yêu em). Ngày đó Cốm còn chưa biết nói, cử chỉ là cách thể hiện. Vui thay, khi đứa em bé bỏng chào đời cho đến giờ; mình chưa thấy Cốm đánh em bao giờ. Từ những hành động yêu thương nhỏ bé sẽ hình thành ý thức biết bảo vệ và san sẻ cho em. Tôi thường chứng kiến cảnh chúng chơi cùng nhau nhiều hơn là tranh giành; tất nhiên khi chúng ôn hoà cùng nhau thì tôi cũng yên tâm làm công việc khác một cách có hiệu quả hơn 😊
2.3 Dạy con biết tôn trọng
Điển hình là việc chào người lớn. Sẽ thật hãnh diện nếu bạn có đứa con được khen lễ phép phải không nào.
2.4 Biết ơn
Gọi dạ, bảo vâng và biết cảm ơn khi được giúp đỡ. Thông thường Cốm sẽ nói “mẹ giúp con” khi cần lấy đồ quá tầm với hoặc đơn giản là bóc bánh. Mình sẽ yêu cầu Cốm “xin mẹ” hoặc nói “cảm ơn” khi nhận được đồ. Một đứa trẻ tình cảm với bố mẹ, ăn gì cũng đưa mời, có gì hay cũng đem khoe. Với mình, đó là biết ơn 💕

3. TỰ THÂN VẬN ĐỘNG

Trẻ em độ tuổi mầm non có bản tính tò mò, thích quan sát và bắt chước. Bởi vậy, hãy khuyến khích trẻ học hỏi thêm những điều bổ ích mỗi ngày và lập lại những điều đó vào những ngày sau đó. Trẻ em như tờ giấy trắng, những điều ta dạy chúng sẽ là luôn đúng. Trẻ tiếp thu nhanh nhưng cũng sẽ rất nhanh quên nên việc luyện tập là rất cần thiết. Mình gọi đó là pp “mưa dầm thấm lâu”. Một số bài học mình áp dụng cho các con như sau (bé 2 tuổi):
- Tự xúc cơm ăn, lau mặt, đánh răng bằng bàn chải
- Tự vứt rác vào thùng
- Tự đi vệ sinh  
- Tự chuẩn bị đồ khi ra ngoài
- Xếp dép đúng nơi quy định khi đi về
- Tự đi bộ xuống cầu thang và khuyến khích đi bộ đường dài.
- Tự ngủ
- Một số trò chơi vận động như: chạy xe thăng bằng, xe lắc, đá bóng,..bé đã có thể tự chơi mà ko cần người phụ kèm.

Cha mẹ cần rèn luyện cho con những thói quen tốt ngay từ khi còn bé. Điều này giúp tăng tinh thần tự giác, hình thành đức tính chăm chỉ, yêu lao động trong con trẻ.

4. KÍCH THÍCH GIÁC QUAN

Bạn sẽ không bao giờ biết được con bạn mạnh về lĩnh vực nào nếu không khơi dậy tiềm năng trong nó. Giữa bộn bề của cuộc sống chắc hẳn các mẹ sẽ có lúc ngó lơ con cái, suy nghĩ đơn giản con cần điện thoại hay tivi là giải trí. Tại sao không phải là tương tác đa chiều??!

Mình có học một số thí nghiệm vui dành cho con trong giới thiệu “Lịch đậu ngọt” của cô Phan Hồ Điệp. Bằng những nguyên liệu rất đơn giản, ví như thí nghiệm bóng nổ chỉ cần: nước + dầu ăn + viên C sủi. Mình làm cho con xem và chúng thực sự thích thú!

Trước khi đi học, mình dạy Cốm cách cầm bút tô màu, chơi với nhạc cụ, chơi trò nấu ăn - làm bác sĩ. Mình vẫn giữ thói quen đọc sách cho con mỗi ngày, tất nhiên là đến khi nào con có thể tự đọc chữ 😊

Kiến thức quan trọng hơn điểm số. Đừng thất vọng nếu con thua kém bạn về mặt nào đó. Hãy đảm bảo rằng những bài học bạn dạy cho con là những điều tốt đẹp. Luôn nỗ lực vì con và vì chính sự hoàn thiện trong hành trình làm cha mẹ của chúng ta!
Viết bởi: Trang Quỳnh