“TRƯỜNG CÔNG HAY TRƯỜNG TƯ - P2
Mình trót dại đã hứa với mọi người sẽ viết tiếp phần 2 , bắt tay vào mới thấy cực khó viết nhưng vì đã hứa nên phải cố.
Tới thời điểm hiện nay, du học không còn là một chuyện xa lạ gì với PH Việt Nam và hầu như ai có điều kiện đều hoạch định cho con đi du học. Theo Forbes Vietnam ước tính chi phí du học vào  khoảng 3 tỷ đô, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 10 về số lượng du học sinh tại nhiều thị trường giáo dục. Du sinh VN có mặt ở khắp thế giới ( trừ các nước châu Phi J), nhiều nhất là ở Nhật.  Vậy nhưng, có vẻ như hiệu quả của những đồng tiền PH VN bỏ ra cho con đi du học tự túc chưa được cao so với một số quốc gia khác. Vấn đề nằm ngay chính trong định hướng du học của PH và quá trình học tập rèn luyện của học sinh.

Trong bài viết này , mình chỉ tập trung đề cập đến du học Mỹ vì đây là thị trường du học mình nắm tương đối vững với gần 10 năm nghiên cứu và theo dõi. Bạn lớn nhà mình đã tốt nghiệp ĐH và đi làm ở Mỹ theo chương trình OPT 36 tháng dành cho ngành học STEM, bạn nhỏ thì đang là sinh viên. Cả hai bạn đều có 3 năm học phổ thông tại các trường nội trú hàng đầu của Mỹ. Mình sẽ viết một số nhận xét  về học sinh đến từ trường công ( chuyên ) và học sinh đến từ các trường tư ( quốc tế ) tại hai môi trường mà các con mình theo học ( PT và ĐH)  bên cạnh một số thông tin chung về môi trường học tập. Đây chỉ là những nhận định cá nhân, không phải là nghiên cứu chuyên sâu nên chỉ mang tính chất tham khảo cho các bố mẹ khi định hướng tìm trường học cho các con ở bậc phổ thông phù hợp với kế hoạch học tập lâu dài cho tới khi các con bước vào thị trường việc làm.
1- Trường nội trú
Các trường cấp 3 của Mỹ bao gồm hệ thống trường công rộng lớn trong đó bao gồm cả các trường chuyên lớp chọn ( Magnet high school, STEM high school ) và hệ thống trường tư bao gồm trường nội trú ( boarding school ) và trường tư do các tổ chức tôn giáo thành lập cho con em giáo dân. Chất lượng các trường học thì cũng giống như bất kỳ hệ thống giáo dục nào từ xuất sắc đến bình bình.
Trường nội trú (BS) mà mình đề cập ở đây là những trường con mình, bạn con mình theo học trong khoảng thời gian từ 2012-2019, thuộc nhóm đầu theo bảng xếp hạng (top 40). Đây là hai ngôi trường nội trú được thành lập từ thế kỷ 19, có bề dày hoạt động trên 120 năm. Hàng năm đại diện tuyển sinh của trường đều bay sang Việt Nam để phỏng vấn trực tiếp học sinh muốn nộp đơn ứng tuyển vào trường. Số lượng học sinh Việt Nam theo học tại mỗi ngôi trường này khoảng chừng nhiều nhất không quá 10 em cho cả 4 khối lớp 9-12 nên mỗi năm chỉ có vài ba em trúng tuyển vào trường, thậm chí có những năm trường không nhận học sinh Việt Nam nào. Các em có xuất phát phần lớn từ cả trường chuyên và trường quốc tế đơn ngữ top đầu tại Việt Nam. Mình đã không tìm thấy các em học sinh đến từ các trường tư khác như trường song ngữ , trường QT ở tier thấp hơn hay trường tư thục theo CT BGD VN ( có 1 em từ trường Đoàn Thị Điểm vào trường ngay năm con trai tốt nghiệp nên không có thông tin) tại hai trường nội trú này.
Các em học sinh VN đã hòa nhập vào môi trường trường học tại Mỹ như thế nào ?
Nhìn chung , có thể nói các em học sinh đến từ các ngôi trường quốc tế đơn ngữ top đầu tại Việt Nam có lợi thế hòa nhập khi sang môi trường nội trú Mỹ vì các lý do chính sau :
- Ngôn ngữ tiếng Anh giao tiếp tốt, linh hoạt.
- Phong cách sống, phong cách chơi dễ hòa đồng các bạn Mỹ ví dụ như cách sử dụng các mạng XH và những thứ khác tỷ dụ như nhân sinh quan, vô tư hơn do là con nhà có điều kiện không phải suy nghĩ quá nhiều đến ROI như các bạn trường công.
- Môi trường học ở các trường nội trú Mỹ là môi trường khai phóng ( liberal art ) , chú trọng phát triển con người toàn diện nên phù hợp cho các bạn học sinh trường QT vốn được chú trọng đào tạo toàn diện khiến cho bộc lộ những tài năng , năng khiếu trong âm nhạc, nghệ thuật, xã hội nhân văn…….
Vậy lợi thế của các em học sinh đến từ các trường công ( chuyên ) Việt Nam là gì ?
- Các em có nền tảng học vấn tốt đặc biệt về các môn tự nhiên. Đây cũng là lý do các em được nhà trường hỗ trợ tài chính để theo học tại các trường này. Tuy nhiên cũng có em có thế mạnh về ngôn ngữ và các tài năng nghệ thuật bằng hoặc thậm chí hơn các bạn học trường quốc tế. Khi theo học, nhiều em luôn đứng ở top đầu của trường.
- Tiếng Anh các em đều đủ tốt để theo học các môn kể cả tự nhiên ( là thế mạnh) và xã hội do gia đình đã dày công chuẩn bị cho các em theo học Anh ngữ từ nhỏ kể cả Anh văn học thuật. Tuy nhiên do tập trung vào các mục tiêu của mình nên các em ít dành thời gian để sinh hoạt  chung với các bạn Mỹ hơn.
- Các em có định hướng con đường đi rõ ràng nên luôn cố gắng để theo học các lớp cao nhất và bền bỉ theo đuổi các mục tiêu để vào được các trường ĐH tốt. Tóm lại , thế mạnh là định hướng sớm và ý chí.
Nếu để làm phép so sánh giữa hai nhóm học sinh này thì rất khó vì xã hội bao gồm nhiều loại người khác nhau, có năng lực tự nhiên khác nhau , có định hướng cuộc đời khác nhau. Không nói ai hơn ai nhưng nhìn chung trong khi các bạn trường QT chơi giỏi hơn, hòa nhập sâu vào văn hóa Mỹ, thường theo đuổi các chuyên ngành XH ở đại học thì các bạn đến từ các trường công chuyên Việt Nam đã tận dụng môi trường trường nội trú để trang bị cho mình các kỹ năng mềm, khai phóng bản thân để tìm ra các năng lực và sở thích tiềm ẩn bên cạnh việc kiên định với thế mạnh và mục tiêu của mình. Cả hai nhóm học sinh này đều đạt được mục tiêu vào các trường ĐH tốt của Mỹ với chuyên ngành phù hợp.
2- Trường Đại học
Nước Mỹ có hơn 4000 trường đại học cả công và tư. Có thể nói , các em học trường nội trú Mỹ top đầu đa phần đều vào được các trường ĐH tốt tại Mỹ. Chương trình học ĐH ở Mỹ cũng rất khác nhau , từ thượng vàng tới hạ cám, sự khác biệt cũng tới từ các ngành học khác nhau. Các con của mình đều theo học ngành STEM ở các trường ĐH kỹ thuật top đầu. Phải nói là chương trình học rất khó, tới mức việc bạn đạt toàn điểm 5 ở các môn AP Toán, Lý , Hóa cũng chẳng đảm bảo là bạn sẽ đạt được 4.0 GPA nếu bạn không thực sự cố gắng chăm chỉ tột bậc khi vào ĐH. Có một cô bạn mình có hai cậu con trai đều học trường quốc tế top đầu ở VN, cấp 3 sang Mỹ học trường nội trú . Một bạn theo ngành kỹ thuật, một bạn theo ngành XH ( kinh doanh) thì thấy sự khác biệt rõ ràng là trong khi bạn học kỹ thuật phải học bù đầu bù cổ , thì bạn học xã hội học ít hơn và nhẹ nhàng hơn ( Ở đây sức học hai bạn là ngang nhau ).
Soi kỹ trong hai ngôi trường ĐH mà các con mình theo học thì ít tìm thấy học sinh trường tư thục Việt Nam .Trường bạn lớn là top 30 theo rank US news, top 5 về các ngành kỹ sư, học sinh VN tại trường này đa phần , nếu không nói là trên 90% là đến từ các trường công , chỉ có 1 bạn đến từ trường quốc tế VN cấp 2- BS cấp 3. Soi rộng ra các trường ĐH khác trong top 50-100 thì số em học sinh trường công Việt Nam đang chiếm ưu thế theo học các ngành kỹ thuật , các ngành khoa học cơ bản. Các em học sinh có xuất phát từ trường công VN cũng sẽ theo đuổi con đường học vấn dài hơi hơn, lên tới tiến sĩ ( kể cả do ý thích và do tình thế), theo đuổi con đường nghiên cứu , cũng như chiếm ưu thế về việc làm trong các công ty công nghệ và tài chính hàng đầu tại Mỹ. Thành công có đều đến từ tư chất cá nhân + các phẩm chất được rèn luyện như tính tự học cao, ý chí, sự kiên định, tinh thần vượt khó .... Một số cái tên để các bạn thử tìm hiểu như Phạm Hy Hiếu https://nguoidothi.net.vn/pham-hy-hieu-chuyen-gia-huan...; tiến sĩ Lê Viết Quốc https://congnghe.tuoitre.vn/ts-le-viet-quoc-luc-nao-cung...; Văn Đinh Hồng Vũ https://www.tienphong.vn/.../van-dinh-hong-vu-va-hanh...;

Câu hỏi về lợi thế tiếng Anh và kỹ năng có giúp học sinh trường tư chiếm ưu thế khi du học không thì là “ Có nhưng không mang tính chất quyết định“ . Vì sao ? Vì các bạn trường công cũng được gia đình bổ sung cho những thứ nhà trường không cung cấp. Học sinh trường chuyên VN thường đạt được thành công do bản chất các em là có tố chất thông minh hơn người, được hun rèn trong cái môi trường học tập chú trọng thành tích thi cử của VN ( có một số mặt lợi bên cạnh các tác hại) , có định hướng và mục tiêu rõ ràng bên cạnh một lợi thế to lớn mà không trường nào có được là network gồm rất nhiều người giỏi nên được hưởng lợi từ peer pressure. Xét từng cá nhân thì bên nào cũng có những cá nhân bị gẫy khi du học tỷ dụ như học quốc tế từ nhỏ tới lớn mà lên ĐH vẫn bị fail các môn lịch sử , âm nhạc …..và dẫn tới bị đuổi học hay là học xuất phát điểm trường chuyên VN mà vẫn không theo nổi chuyên ngành kỹ thuật tại ĐH Mỹ nên cha mẹ hiểu con vẫn là điều quan trọng nhất.

Mình mong rằng qua bài viết ngắn này các phụ huynh thấy rõ trường học chỉ là vế “ cần”  của con đường học hành của một đứa nhỏ, tư chất và sự quan tâm đúng mức của cha mẹ mới chính là vế “ đủ” . Đừng chỉ suy nghĩ chọn trường vì trường đẹp hay hào nhoáng mà hãy quan tâm trường học mang đến những gì cho con em mình theo từng cấp độ học, càng lên cao thì phải được học ở mức rất khó mới có thể học tốt tại môi trường ĐH thế giới. Ngoài ra cần hoạch định tài chính đủ mạnh và dài hơi thì mới tự chủ trong vấn đề chọn trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp được, không bị cuốn theo học bổng để học đại một ngành nào đó.  Nếu bạn đặt mục tiêu cao như con du học phải kiếm được việc làm tại quốc gia theo học thì càng phải chú trọng rèn luyện tính cách và các phẩm chất tốt cho con thành nếp từ nhỏ tới lớn, có sự bền bỉ cao trong việc theo đuổi mục tiêu.
Chúc các bạn thành công trên con đường đồng hành với các con”
Em copy của chị Nguyễn Thu Thuỷ ạ. Bài hay của 1 phụ huynh có hai con đều học trường top cao ạ.