TRUNG THU CÓ DÀNH CHO "THIẾU NHI SỐNG LÂU NĂM" KHÔNG?
Trung thu là Tết thiếu nhi, là dành cho thiếu nhi, vậy có dành cho “thiếu nhi sống lâu năm” không? Với bản thân mình, có lẽ trung...
Trung thu là Tết thiếu nhi, là dành cho thiếu nhi, vậy có dành cho “thiếu nhi sống lâu năm” không?
Với bản thân mình, có lẽ trung thu đã không còn từ rất lâu. Phải chăng vì cuộc sống thay đổi dần dần, mọi thứ càng trở nên hiện đại nên hình ảnh trung thu cũng khác đi dần. Hay chỉ đơn giản là con người ta khi lớn lên, cảm nhận về hình ảnh trung thu thuở bé dần không còn như cũ. Hay vì lí do nào khác nữa? Thật không dễ để có câu trả lời chính xác.
Hồi còn bé, xã mình sống lúc đó chưa có điện, chỉ dùng đèn dầu để thắp sáng, mọi sinh hoạt buổi tối bị hạn chế đi rất nhiều. Và cũng phần vì đời sống lao động, một ngày của mọi người, kể cả trẻ con thường kết thúc bằng giấc ngủ sớm. Nhưng đêm Trung thu thì khác, ngoài đường rất nhộn nhịp với hình ảnh đoàn trẻ con reo hò, rước đèn. Có một điểm khác biệt là tuổi thơ mình không có ấn tượng với múa lân, đơn giản vì trong xóm nghèo thì chẳng có ai múa cả, muốn xem thì phải ra xóm chợ ở tít thật xa, nơi người treo tiền lên trước cửa cho lân làm phần thưởng, nhảy lên để lấy.
Trước ngày Trung thu, các bậc phụ huynh trong xóm góp tiền mua bánh kẹo để phát cho trẻ con vào chiều tối ngày rước đèn. Dọc con đường thường có nhiều địa điểm tập hợp phát bánh, thường là những nhà có sân rộng hay những nhà gia chủ có tiếng nói trong xóm. Không nhiều thì ít, ai cũng góp cho con em mình thêm một phần vui vẻ.
Về phần trẻ con, đứa lớn giúp đứa nhỏ tìm tre, mua giấy kiếng màu để làm lồng đèn ông sao, lồng đèn cá chép, lồng đèn hình chiếc thuyền, rồi cả những vỏ lon để làm lồng đèn đủ kiểu, miễn sao nó là thứ có thể gắn cây đèn cầy vào, thắp sáng lên và cầm đi rước đèn thì nó gọi là lồng đèn. Lồng đèn điện tử xài pin lúc đó chắc là hiếm lắm, vài năm sau này mới phổ biến hơn.
Chiều hôm rằm, mọi nhà đều cơm nước sớm. Con nít háo hức xách lồng đèn sang nhà bạn bè và kháo nhau đi nhận bánh ở các điểm tập hợp. Tại những điểm đó, người ta cúng trăng và tổ chức phát bánh kẹo. Chẳng có gì nhiều đâu, mỗi suất chỉ có một cái bánh trung thu nhân dừa, vài miếng bánh quy, vài cục kẹo được túm lại trong một cái bọc nhỏ. Nhưng với con nít lúc đó, như vậy là rất nhiều rồi. Sự chen lấn để lấy quà bánh, niềm vui khi nhận được là khỏi cần bàn cãi, đứa nào cũng tíu tít, thích mê vì ngày bình thường làm gì được như vậy đâu.
Hoàn thành xong khâu phát bánh thì trời cũng tối dần, nhà nhà bắt đầu lên đèn, trên cao thì trăng cũng sáng dần hơn. Đó là lúc mà trẻ con thắp đèn cầy trong lồng đèn của mình và bắt đầu rước đèn. Bắt đầu đi từ chỗ này sang chỗ khác, vừa đi vừa hát hò, reo vang. Qua mỗi địa điểm tập hợp khác, trẻ con dù quen hay không quen cũng xúm vào chia sẻ bánh kẹo, khoe lồng đèn, chọc phá nhau rồi gom những tụm nhỏ như vậy dần thành một đoàn rước đèn thật đông. Ánh sáng từ những chiếc lồng đèn, thắp sáng cả con đường mỗi nơi mà đám nhỏ đi qua. Ánh trăng đêm rằm tháng tám có lẽ cũng sáng hơn, chiếu rọi xuống mặt đất và tô điểm cho hình ảnh đẹp đẽ này trong kí ức tuổi thơ. Đám rước đèn cứ như vậy đi từ đầu đường tới cuối đường rồi quay lại đi tiếp, cho đến lúc giải tán dần vì lượng đèn cầy mang theo đã hết, lồng đèn bị cháy hoặc vơi dần thành viên đi khi bị cha mẹ gọi về ngủ.
Trung thu của tuổi thơ đơn giản như vậy nhưng rất là vui, luôn là niềm mong đợi của trẻ con vào mỗi tháng tám Âm lịch. Khác với bây giờ mọi thứ đủ đầy, đâu cần phải tới trung thu hay bất kì ngày gì khác. Thay thế dần là lồng đèn điện tử đủ màu sắc, âm thanh, kiểu dáng, còn mấy ai mà thích lồng đèn tre nữa. Những “thiếu nhi sống lâu năm” cũng tranh thủ đi chơi, hẹn hò vào tối trung thu (hay là lúc còn nhỏ chưa biết gì nên mình không để ý chăng). Bánh trung thu cũng công nghiệp hóa lên thành nhiều loại, nhiều mức giá, trở thành quà cáp của người lớn với nhau, thể hiện “tình cảm” trong công việc, quan hệ. Còn nhiều thứ khác nữa nhưng vậy đủ để thấy sự khác nhau, đủ để thấy mình vẫn nhớ và thích trung thu của ngày xưa hơn. Nhưng ai biết được, đó chỉ là cảm nhận của người từng là trẻ con thì sao. Rồi cảm nhận của trẻ con thời nay rủi đâu cũng khác, nhưng vẫn háo hức đón trung thu, theo một cách mới hơn, đầy đủ hơn thì sao. Có lẽ trung thu vẫn dành cho trẻ con và luôn như vậy, những người là “đương kim trẻ con” chứ không phải là “cựu trẻ con”.
Trung thu bây giờ với mình chỉ là ngày bình thường, hôm nay viết vài dòng nhảm nhí để nhớ lại những ngày xưa đầy kỉ niệm ấy. Cũng hai mươi năm rồi, ít gì đâu...
Ai biết được, nhỉ?
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất