Tàu ngầm KNI Nanggala của Hải quân Indonesia đã thực hiện chuyến tuần tra cuối cùng của mình – “chuyến tuần tra vĩnh cửu”. Xin chân thành chia buồn cùng “xứ vạn đảo” và gia đình những quân nhân. Mấy ngày gần đây, báo chí Việt Nam đề cập nhiều về vụ tai nạn này. Có nhiều người đặt câu hỏi, rằng tại sao không nhanh chóng trục vớt con tàu để đưa những người xấu số về với gia đình. Mình hoàn toàn đồng tình với sự cảm thông các bạn dành cho những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Tuy nhiên, ít nhiều mình hiểu việc trục vớt một con tàu từ đáy biển là khó khăn như thế nào.
Mình đã may mắn có dịp đi trên một con tàu hải quân để trục vớt tàu của ngư dân Việt Nam bị chìm ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Nay, xin viết ra đây để giúp các bạn hình dung phần nào sự khó khăn của nhiệm vụ SAR (Search and Rescue) trên biển.
Vụ tai nạn tàu NA95699TS
Ngày 28/6/2019, tàu cá Nghệ An mang số hiệu NA95699TS thả neo tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nằm cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 35 hải lý về hướng Nam, gần đường phân định Vịnh Bắc Bộ theo hiệp định khai thác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào khoảng 13h trưa, tàu bất ngờ bị tàu hàng PACIFIC 01 đâm trực diện. Bị một con tàu khổng lồ đâm phải khiến tàu cá bị lật úp và nhanh chóng “phá nước” (cách gọi của ngư dân đối với tàu cá bị vỡ vỏ và nước tràn vào quá nhanh) rồi chìm xuống đáy biển. Lúc này, trên tàu cá đang có 19 thuyền viên. Thời điểm vụ tai nạn xảy ra, các ngư dân đang nghỉ trưa nên không kịp trở tay. Chỉ có 10 thuyền viên được tàu PACIFIC 01 vớt lên (trong đó 1 người đã thiệt mạng). 9 thuyền viên còn lại mất tích.
Cú đâm trực diện từ tàu hàng khổng lồ khiến tàu cá nhanh chóng bị phá nước, chìm xuống đáy biển. 09 ngư dân mất tích. (Nguồn ảnh: VNExpress).
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, tàu PACIFIC đã thả neo ngay tại vị trí tai nạn, tiến hành những biện pháp tìm kiếm thông thường. Tàu SAR (tìm kiếm cứu nạn) của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1 (Bộ Giao thông Vận tải) cũng nhanh chóng tiếp cận khu vực bị nạn để tiến hành tìm kiếm, nhưng do tàu cá Nghệ An chìm quá nhanh, các biện pháp cứu hộ đều tỏ ra không hiệu quả. Giai đoạn 1 của sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn kết thúc. Lực lượng cứu hộ thả phao, đánh dấu vị trí tàu chìm rồi rời khỏi hiện trường.
Ở giai đoạn 2 của cuộc tìm kiếm, nhận được đề nghị giúp đỡ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc. Lực lượng cứu hộ được huy động gồm tàu 704, 926 (tàu vận tải) của Hải đoàn 128, Vùng 1 Hải quân; tàu TC – 69 (tàu dịch vụ dầu khí) của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng các kíp thợ lặn của Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân; các tàu SAR của Bộ Giao thông Vận tải. Quyết tâm của các lực lượng là bằng mọi cách tìm kiếm những người mất tích. Đây cũng là giai đoạn mà mình có mặt trên tàu TC - 69 và chứng kiến tận mắt những khó khăn trong quá trình tìm kiếm cứu nạn.
Đi tìm tàu cá Nghệ An
Chúng mình có mặt trên tàu 704, xuất phát từ cảng Hải Phòng vào buổi trưa. Con tàu nhằm hướng vụ tai nạn, chạy liên tục trong 1 ngày đêm, đến gần trưa ngày hôm sau thì tiếp cận hiện trường. Tàu 704 có nhiệm vụ vận chuyển đặc công nước cùng trang thiết bị lặn của Lữ đoàn 126 ra hiện trường. Được biết, tàu 704 có kết cấu như những con tàu “không số” từ thời kháng chiến chống Mỹ, gặp đúng hôm sóng to, tàu rung lắc khá dữ dội. Hầu như cả tàu bỏ cơm trưa, kíp đặc công hải quân phải ra hết boong tàu nằm cho đỡ say sóng. Có mặt trên tàu 704, mình tận mắt chứng kiến một lái tàu dày dạn sóng gió vừa... nôn vừa lái tàu. Chuyến đi trên tàu 704 báo hiệu sứ mệnh tìm kiếm, cứu nạn sắp tới là không hề đơn giản.
Khi đã có mặt tại hiện trường, chúng mình di chuyển sang tàu TC – 69, nơi đặt chỉ huy sở của nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Các cán bộ dày dạn về công tác cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng Hải quân cũng đã có mặt tại đây. Giai đoạn 2 sứ mệnh tìm kiếm tàu cá Nghệ An chính thức bắt đầu.
Hiện trường cuộc tìm kiếm nhìn từ tàu TC - 69 do mình chụp lại. Trước mặt là 2 tàu 926 và tàu cá Nghệ An tham gia cứu nạn. Phía xa là tàu SAR của Bộ GTVT
Nhiệm vụ đầu tiên của lực lượng cứu hộ là xác định chính xác vị trí tàu cá bị nạn. Tàu TC – 69 mang theo thiết bị lặn không người lái (ROV) rất hiện đại. Thông số kỹ thuật của thiết bị mình không thể tiết lộ, tuy nhiên, ROV có trang bị camera cùng cánh tay robot đa năng, đặc biệt hữu dụng khi thao tác dưới nước. Khi tàu cá Nghệ An bị chìm, tàu PACIFIC 01 đã giữ được 1 đoạn dây của tàu cá Nghệ An và buộc phao vào đoạn dây này để đánh dấu. Lần theo sợi dây, ROV nhanh chóng xác định vị trí của tàu cá Nghệ An, lúc này đang chìm ở độ sâu 67m. Lực lượng cứu hộ cũng tìm được lưới đánh cá của tàu cá Nghệ An nổi lên mặt nước. Tàu 926 thử kéo cả sợi dây đánh dấu (sau đây gọi là dây phao) cùng lưới đánh cá (sau đây gọi là dây lưới) vừa tìm được. Kéo được 1 lúc thì thấy nặng, song tàu cá không di chuyển. Lực lượng cứu hộ quyết định ngừng kéo. (Bởi nếu tiếp tục kéo, dây phao và dây lưới sẽ đứt, việc tìm kiếm tàu cá sẽ vô cùng khó khăn).
Theo thông tin từ những người còn sống, tàu cá Nghệ An nặng hàng chục tấn, chưa kể khoảng 200 tấn cá đã đánh bắt được cùng dầu máy còn đang nằm trong khoang. ROV được thả xuống để tìm những vị trí có thể móc cáp vào tàu. Lúc này, hiện lên trên màn hình điều khiển của ROV là hình ảnh khiến lực lượng cứu hộ phải bàng hoàng. Tàu cá Nghệ An bị hàng trăm mét vuông lưới bao trùm, quấn thành nhiều lớp. Hãy tưởng tượng tàu cá lúc này như 1 cái kén, bị bọc bởi lưới ở xung quanh. Số lưới này không nằm cố định mà lơ lửng trong nước biển. Giữa đại dương mênh mông, lớp lớp lưới đánh cá – công cụ ngày ngày nuôi sống những ngư dân, nay trở thành thứ trói họ lại dưới đáy biển. Hình ảnh gợi cho mình nhiều ám ảnh.
Con tàu bị lớp lớp lươi đánh cá bủa vây (Ảnh chụp màn hình điều khiển ROV).
ROV chỉ có thể tiếp cận một số mạn tàu không bị lưới trùm lên. Kết cấu của những vị trí này quá yếu để có thể móc cáp vào và tiến hành trục vớt. Như vậy, phương án móc cáp không còn khả thi. Lực lượng cứu hộ phải tìm kiếm phương án khác.
Cần phải nói thêm về ROV – con át chủ bài của lực lượng cứu hộ trong sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn. Như đã nói ở trên, ROV có những tính năng rất hữu dụng, tuy nhiên, thiết bị này cũng có những điểm yếu. Điểm yếu đầu tiên là tính dễ tổn thương. Mỗi ROV có giá hàng triệu USD. Chỉ cần mắc vào một trong những túm lưới đang lơ lửng dưới biển kia, thiết bị hàng triệu USD này sẽ có nguy cơ nằm lại đáy biển và đưa nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn đi vào ngõ cụt. Bên cạnh đó, việc điều khiển ROV cũng không hề đơn giản. ROV mình gặp có 3 pilot, trong đó có 1 lái phụ và 2 lái chính. Giấy phép điều khiển ROV không được cấp bởi 1 đơn vị của Việt Nam mà do một hiệp hội điều khiển ROV của nước ngoài. Chỉ cần pilot đánh mất ROV một lần, họ sẽ bị cấm hành nghề vĩnh viễn. Giá thành của ROV và chi phí đào tạo Pilot quá cao khiến lực lượng cứu hộ phải hết sức chỉn chu, không thể liều lĩnh điều khiển ROV tiếp cận tàu.
“Mưu trí, sáng tạo” là những phẩm chất nổi bật của người Việt Nam mỗi lúc khó khăn, và phẩm chất ấy lại tiếp tục được khẳng định trong nhiệm vụ trục vớt tàu cá NA95699TS. Không thể móc cáp vào tàu cá, lực lượng cứu hộ quyết định dùng dây cáp thắt thành 1 chiếc thòng lọng, bao lấy cả tàu cá Nghệ An và chùm lưới xung quanh nhằm kéo tàu cá lên. Phương án được đưa ra là tàu 926 kéo 2 sợi dây phao và dây lưới cho tàu hơi nâng lên khỏi đáy biển. Trong lúc đó, tàu TC – 69 và tàu cá Nghệ An khác (được những người còn sống trên tàu cá Nghệ An bị chìm thuê để tham gia cứu hộ), mỗi tàu giữ một đầu dây và di chuyển đến khi thắt được thòng lọng vào tàu. Mô tả bằng con chữ chỉ có mấy dòng, nhưng đó là biết bao giờ lao động không kể ngày đêm của lực lượng cứu hộ. Có tàu đã phải rời đội hình, chạy xuyên đêm vào đảo Bạch Long Vỹ để mua thêm dây cáp. Thủy thủ trên tàu TC 69 cũng phải thi công xuyên đêm để tạo hình những chiếc khuy sắt, móc giằng; đó còn là chưa kể những lúc sóng to, gió lớn, các tàu vẫn phải hạ xuồng để thủy thủ chuyển cáp sang phía tàu bên kia. Kíp pilot điều khiển ROV cũng phải làm việc căng thẳng trong nhiều giờ để quan sát, báo cáo về quá trình hình thành chiếc thòng lọng. Sau nhiều ngày làm việc, thòng lọng được thắt vào tàu. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ không thể biết được thòng lọng đã được thắt chắc chắn vào tàu hay chưa. Tất cả chỉ là những khảo sát tương đối dựa trên kinh nghiệm cùng những hình ảnh rất hạn chế, được cung cấp bởi ROV.
Mình xin tạm dừng bài viết tại đây. Bút lực có hạn nên câu chuyện có thể chưa được kể một cách mạch lạc. Nếu các bạn quan tâm và ủng hộ, mình sẽ viết tiếp P2 của hải trình đáng nhớ này.