Câu chuyện của bác Phạm Xuân Cần:
- Chào anh Thớt! Quả thật sống với anh đã lâu, nhưng tôi cũng vô tâm. Hôm nay tình cờ đọc bài thơ “Vịnh cái thớt” tôi mới thông cảm...
- Có phải anh muốn nói bài thơ “Vịnh cái thớt” của Trần Mạnh Hảo?
- Anh cũng biết bài ấy à?
- Cũng giống như người, tôi thích câu châm ngôn: “Không có gì thuộc về...thớt mà xa lạ đối với tôi”.
“Số phận cho ta làm mặt thớt
Kể gì thịt cá nát đời nhau
Sinh ra là để người ta chặt
Ta chỉ ăn toàn những vết dao”.
- Quả thật tôi rất ái ngại và thông cảm cho anh. Bài thơ đã nói rất đúng...
- Ô hay, đó là bài thơ ông Trần Mạnh Hảo vịnh...ông ta đấy chứ! Loài người các anh, nhất là cánh văn nghệ sỹ có cái rất lạ là nói cái này là y như nhằm... cái khác. Ông Hảo ông ấy than thân trách phận, ông ấy trách đời nhưng lại mượn tôi ra nói. Nói thế thì được, chứ lấy tôi để nói cái khác, như: “Cả đời trơ mặt cùng thiên hạ/ Ai sướng gọi em. Em sẽ nằm…”, thì không xong với tôi.
- Nói vậy có nghĩa là anh không cảm thấy đau đớn, nhục nhã hay căm phẫn khi cứ bị người ta... chặt vào mặt?
- Mỗi người mỗi việc, như loài người các anh hay nói là sự phân công xã hội. Tôi không hề cảm thấy đau đớn hay nhục nhã, tôi bình thản nhận những nhát dao chém vào mặt. Thậm chí tôi cảm thấy mình giống cánh ...nghệ sỹ!
- Ô hay, sao anh có sự liên tưởng kỳ cục thế. Nói xin lỗi nhé, tôi xem... dung nhan của anh không giống nghệ sỹ lắm...
- Tôi hiểu anh muốn nói cái mặt tôi. Không sao. Tôi chỉ nói thế này: khi muốn ca ngợi một nghệ sỹ nào đó đã hy sinh, đã cống hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, cho công chúng, loài người các anh thường ví họ với ngọn nến, ví dụ: anh như ngọn nến đã cháy hết mình trên bàn thờ nghệ thuật. Hình ảnh đó thật đẹp, thật lung linh. Thế còn tôi, tôi cũng đang từng ngày, từng giờ hy sinh mình cho con người đấy thôi. Chỉ có điều không ai nói vị này vị kia đã hy sinh như một... cái thớt(!)
- Tôi đã bắt đầu ngộ ra rồi đấy. Đúng, anh đang cống hiến, anh đang hy sinh bằng chính nhan sắc và thân xác của mình. Mới ngày nào anh dày dặn và nhẵn nhụi là thế...
- Anh đã hiểu tôi rồi đấy. Anh có biết một bài thơ kinh điển của Trương Cửu Linh không?
- Cũng vịnh cái thớt à?
- Không. Đó là bài thơ tả cảnh người thiếu phụ chờ chồng đi chinh chiến.
- Thế thì có liên quan gì đến anh, anh Thớt? Hay vì nhớ chồng người thiếu phụ nhịn ăn, nhịn uống, nên không đụng đến dao thớt?
- Tôi không nghĩ anh giàu tâm hồn ăn uống đến vậy. Trong bài thơ này có câu: “Tư quân như nguyệt mãn/ Dạ dạ giản thanh huy”. Cụ Ngô Tất Tố dịch còn hay hơn cả nguyên tác: “Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm”.
- Ôi! Tuyệt vời quá! Đúng là anh cũng như người thiếu phụ nọ, đang hao gầy nhan sắc, sức khỏe, thể xác từng ngày, từng ngày vì con người, cho con người.
- Đấy, với một sứ mệnh, một sự hy sinh cao cả như vậy làm sao tôi có thể cảm thấy đau đớn, nhục nhã được! Nói thì hơi thô, thân xác tôi hao gầy đi, nhưng nó đi đâu? Nó vào ngay chính hệ tiêu hóa của các anh chứ còn đi đâu nữa! Nhưng anh yên tâm đi, con người các anh khôn lắm, biết chọn loại gỗ không độc để làm nên chúng tôi. Cho nên sự cống hiến của tôi không chỉ vô hình đâu. Càng hao mòn nhanh tôi càng hạnh phúc, vì như vậy chứng tỏ gia chủ của tôi càng có cuộc sống khá. Vì vậy có người đang đề xuất lấy tôi làm một chỉ số đo sự phong lưu đấy, gọi là chỉ số “mòn thớt”.
- Nói thế thì cuộc đời anh không có điều gì là bất đắc ý hay sao?
- Không phải thế. Tôi có một sự bực mình, không, phải nói là bất bình, là căm tức thì đúng hơn với chính con người các anh.
- Nghiêm trọng thế sao?
- Hơn cả sự nghiêm trọng, đó là một sự xúc phạm ghê gớm!
- Anh nói rõ hơn xem nào? Đừng ngại, vì tôi đã hiểu anh mà...
- Anh thấy không, tôi trong sáng, tôi hy sinh, tôi cống hiến...tóm lại là tôi tốt. Tại sao khi có những người suốt đời chẳng có hy sinh, cống hiến gì, chỉ biết có đục khoét, thế mà lại còn háo danh, trơ lỳ, trâng tráo, không biết xấu hổ là gì, suốt ngày lên mặt dạy đời,... tóm lại là rất xấu, thì con người các anh lại cứ đem họ ra mà ví với tôi, mà chửi họ là “đồ mặt thớt”? Có sự xúc phạm nào lớn hơn thế nữa không?
- Ồ!