Đôi lúc bạn sẽ nghe đến một sự thật bất ngờ, chú ý đến một cái tên, hoặc cố gắng ghi lại trong trí nhớ về một tháng ngày nào đó với hy vọng mơ hồ rằng, biết lúc nào đó trong tương lai, bạn tham gia vào trò đố vui ở quán bar, hay xem chương trình trên TV mà có ai hỏi một câu đại loại như: “Ai nhớ được tên cầu thủ Triều Tiên từng ghi bàn đánh bại tuyển Ý ở World Cup 1966 không nào?” Khi đó bạn sẽ nhảy cẫng lên, tràn đầy sự tự tin và hãnh diện, vỗ ngực nói: “Tôi đây! Tôi biết! Để tôi kể cho mà nghe …”
Không chắc lắm cái tên Pak Doo-Ik lần đầu in đậm dấu ấn rõ nét trong ngân hàng trí nhớ của mỗi chúng ta là khi nào, nhưng có lẽ đó là thời khắc ông ghi bàn vào lưới Azzurri. Dù vẫn là một cầu thủ trẻ vô danh vào thời điểm đó, nhưng cũng nhờ điều kỳ lạ đến bất ngờ ấy đã đánh thức sự quan tâm của chúng ta. Nhiều năm sau, khi bóng đá ngày càng chiếm lĩnh thời gian và tâm trí của NHM toàn cầu, cái tên đó hẳn nhiên sẽ dễ dàng bị lạc trôi, nhưng đâu đó trong ký ức những người thích hoài cổ, thì Pak Doo-Ik cùng đội tuyển Triều Tiên năm 1966 chắc chắn luôn là một câu chuyện đầy thú vị.
Như đã nói, nơi chứng kiến bàn thắng ấy của Pak là Ayresome Park hồi những năm 1960 chỉ là một chương nổi bật trong một cuốn sách dày cộm về vòng đời thăng trầm trôi nổi của bóng đá xứ Bắc Hàn và cá nhân Pak Doo-Ik. Bàn thắng đó, chiến thắng đó chỉ là một phần nhỏ trong hành trình chông gai lọt vào vòng KO World Cup 1966, để rồi số phận của họ ngay sau đó là một bản bi hùng ca thấm đẫm nước mắt.
Đội tuyển Triều Tiên và Italy bước ra sân. (Cầu thủ đứng thứ hai bên phía Italy là Gianni Rivera, sau này giành Quả bóng Vàng châu Âu năm 1969.)
Đối với người Bắc Hàn, điều kiện đủ để tham dự giải đấu là sự hỗn tạp kỳ lạ giữa những lệnh cấm vận và kiện tụng. Và hành trình lọt vào vòng chung kết lại càng khó khăn hơn cho họ. Ban đầu, một hệ thống ngoại giao phức tạp khiến các nước Úc châu và Phi châu quyết định tẩy chay giải đấu bằng việc không đá vòng loại. FIFA cũng ra lệnh cấm Nam Phi vì nạn phân biệt chủng tộc. Điều đó có nghĩa World Cup 66 hoàn toàn sạch bóng các đại diện của lục địa đen. Lúc này, đã xác định được 15 cái tên bước vào VCK. Vậy nên, Úc, Triều Tiên, và Hàn Quốc phải thi đấu play-off vòng tròn tính điểm được tổ chức ở Nhật Bản để xác định tấm vé cuối cùng.
Vì những lý do đến nay vẫn chưa rõ ràng, địa điểm thi đấu play-off được dời đến Campuchia sau khi Hàn Quốc tiếp tục rút lui vì chính trị bất ổn. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng vẫn là điều hết sức hạn chế ở Châu Đại Dương. Thế là Triều Tiên dễ dàng đánh bại tuyển Úc ở cả hai lượt trận vé vớt. Họ chính thức có trong tay tấm vé cuối cùng để đến Anh mà không mất quá nhiều công sức. Nhưng trớ trêu thay, chính trị - điều nhạy cảm nhất thời điểm đó lại là rào cản cuối cùng của Bắc Hàn. Chẳng có gì là đơn giản trong thể thao khi chính trị luôn dính líu vào mọi sự kiện. Dù cho con đường đến Anh thông qua vòng loại đã được thông suốt, thì người Triều Tiên vẫn phải nỗ lực đàm phán vì Anh chưa từng có quan hệ ngoại giao với nước này.
Theo những đánh giá và tin tức về trình độ chuyên môn của các quốc gia châu Á, đã xuất hiện những băn khoăn lớn khi chính phủ Anh thỏa hiệp với sự góp mặt của Triều Tiên, thậm chí là cân nhắc kỹ lưỡng có nên để đội tuyển này đặt chân đến xứ sở sương mù nữa hay không. Nếu đội thắng play-off là Úc thì mọi chuyện sẽ dễ xử hơn nhiều, nhưng trường hợp này lại khác. Nước Anh và châu Âu chưa bao giờ công nhận Triều Tiên chính thức là một quốc gia, chính xác theo tên đầy đủ là CHDCND Triều Tiên. Chưa hết, những ký ức đau thương về cuộc nội chiến bán đảo Triều Tiên thập kỷ trước vẫn là một vết thương lòng sâu sắc đối với lịch sử.
Các hồ sơ được phát hành trong vòng 10 năm trở lại, hiện có thể truy cập thông qua viện Lưu trữ Quốc gia đã tiết lộ rằng, Anh đã cân nhắc nghiêm túc về việc từ chối thị thực cho các cầu thủ và quan chức Triều Tiên như một biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Bộ ngoại giao cấp cao Anh lo ngại rằng để Triều Tiên đặt chân vào lãnh thổ nước này sẽ gây ra những quan điểm ngoại giao tiêu cực với Hàn Quốc, chứ chưa nói đến cường quốc Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao tất nhiên cũng nhận thức được những hậu quả tiềm tàng họ phải lãnh nhận nếu từ chối cấp VISA cho Triều Tiên. Một bản ghi nhớ FO nội bộ được soạn chỉ vài tháng trước khi giải đấu diễn ra đã nêu rõ vấn đề này, “nếu chúng ta - nước chủ nhà Anh thực hiện điều không hay này, nhiều khả năng chúng ta phải nhận một kết cục tồi tệ không đáng có.” Bên cạnh đó, FIFA cũng lưu ý rằng, nếu bất kỳ đội tuyển nào lọt vào VCK nhưng không được cấp VISA tham dự, thì giải đấu nhất định sẽ được tổ chức ở một quốc gia khác. Đến lúc đó, thảm họa mới đích thực dồn lên đầu Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Hãy thử tưởng tượng điều đó xảy ra. Một văn bản được xác nhận, rằng người Anh bị buộc tội kéo chính trị trực tiếp vào thể thao, và mọi lợi ích thương mại và ngoại giao của Anh coi như sụp đổ, …
Có lẽ thật thú vị khi để ý rằng, nếu thảo luận nghiêm túc nên hay không nên, đúng hay không đúng khi cấp VISA cho Triều Tiên, thì yếu tố chính trị chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng và tác động khôn lường cho mọi quyết định, dù là nhỏ nhặt nhất. Dường như cảm thấy mình đã bị dồn vào chân tường, FO buộc phải đồng ý cấp VISA và những giấy tờ cần thiết khi nhập cảnh cho các cầu thủ Triều Tiên. Nhưng chưa hết, vẫn còn một vấn đề nữa khiến tất thảy phải đau đầu.
Việc Quốc kỳ và Quốc ca của Triều Tiên xuất hiện trong giải đấu này một lần nữa lại cho thấy vấn đề. Một bản ghi chép lại trong thời kỳ này cho rằng nếu việc này không diễn ra, hành động đó sẽ như thêm dầu vào lửa: “Người Tiều Tiên sẽ phản ứng rất gay gắt nếu họ không được chứng kiến lá cờ Tổ quốc hay không được hát Quốc ca trong khi 15 đội tham dự còn lại thì được phép làm những điều trên.”
Một viễn cảnh giống như vậy đã từng xảy ra tại Olympics London năm 2012. Trong trận đấu Triều Tiên đối đầu với Colombia, sau khi một cầu thủ Triều Tiên ghi bàn, tên của anh được xuất hiện trên bảng tỷ số cùng với lá cờ của Hàn Quốc. Và cũng không có gì bất ngờ khi người Triều Tiên nổi giận, khiến cho trận đấu bị trì hoãn một giờ đồng hồ.
Liên đoàn bóng đá Anh FA nhận thức rõ sự nguy hiểm tại vòng chung kết nếu như những vấn đề liên quan đến chính trị không được giải quyết một cách ổn thỏa. Do đó, FA đã có một lời cảnh báo gửi đến chính quyền: “Chúng ta không thể để mất chức vô địch ngay trên chính sân nhà được. Sau 4 năm dài chuẩn bị gây nên những ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của đất nước thì việc này càng không được phép xảy ra.” Cuối cùng thì một sự hòa giải đã làm hài lòng cả đôi bên.
Quốc kỳ của Triều Tiên đã có thể tung bay bên cạnh quốc kỳ của những đất nước tham dự khác, nhưng quốc ca chỉ được xướng lên đối với những đội tham gia trận khai mạc và trận chung kết. Với việc trận khai mạc là sự góp mặt của đội chủ nhà Anh và Uruguay, và khả năng lọt vào trận đấu cuối cùng của Triều Tiên gần như là không có thì có vẻ như, danh dự đã được thỏa mãn. Cái tên Triều Tiên cũng là tên gọi chính thức của đội bóng trong giải đấu này.
Đội hình Triều Tiên đặt chân đất Anh mùa hè 1966
Nếu như chính phủ Anh nghĩ rằng những biện pháp dàn xếp trên đều đã ổn thỏa, thì khả năng những người dân địa phương bày tỏ sự oán giận đối với Triều Tiên sau những gì xảy ra ở cuộc chiến tranh là vẫn còn đó. Vì lọt vào bảng D nên những trận đấu của họ được sắp xếp thi đấu ở vùng Đông Bắc, tại sân Roker Park của Sunderland và Ayresome Park của Middlesbrough. Sau khi cả đội bay đến London, họ đã cùng nhau di chuyển bằng tàu hỏa đến Middlesbrough và nghỉ tại khách sạn George.
Trong chuyến đi về phía Bắc, những hành khách đi cùng chuyến tàu với những cầu thủ Triều Tiên tỏ ra kinh ngạc bởi ngôn ngữ mà họ sử dụng trong những bài hát. Nếu như người Hàn Quốc được coi là kỳ lạ đối với người Anh thì trong trường hợp này, đội bóng Triều Tiên cũng không phải là ngoại lệ. Rời khỏi một quốc gia xưa nay kín tiếng để đến với một nền văn hóa phương Tây, chắc chắn những cầu thủ Triều Tiên cũng cảm thấy sốc, và việc không thể giao tiếp được với mọi người xung quanh càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nỗi lo về sự ác cảm của người dân Middlesbrough dành cho những vị khách của họ đã nhanh chóng biến mất. Trong một cuộc gặp gỡ chính thức, thị trưởng thành phố, Jack Boothby đã tặng đội bóng một bức tranh thêu hình con hạc thay vì những tấm thép khổng lồ dọc theo bến tàu. Chính mối quan hệ không chính thức này giữa Triều Tiên và người dân địa phương đã mang lại hiệu quả. Đội bóng Triều Tiên và những người dân ở Teesside mang những nét tương đồng như việc họ ra sân thi đấu trong màu áo đỏ, giống với câu lạc bộ địa phương và đều có vóc dáng nhỏ bé. Những điều trên đã giúp cho Triều Tiên chiếm được vị trí trong trái tim của họ.
Các cầu thủ Triều Tiên tập luyện tại sân thể thao của nhà máy hóa chất khổng lồ ICI trong thị trấn. Đây là nơi đã tạo việc làm cho hơn 30 ngàn người dân ở khu vực này. Sân đấu trên có thể không được chất lượng bằng sân Wembley, nhưng đó cũng là một sự nâng cấp đáng kể so với sân tập của đội bóng tại Pyongyang nằm trong nhà máy sản xuất thuốc lá Ryonggang. Rất đông những người công nhân đã đến để xem đội tập luyện và họ thực sự bị ấn tượng bởi kỹ thuật cũng như những ý đồ tấn công đến từ những cầu thủ Triều Tiên. Đặc điểm trong lối chơi của họ rõ ràng được mô phỏng theo truyền thuyết về Chollima – biểu tượng của cuộc cách mạng Triều Tiên. Nó là một con ngựa với đôi cánh có thể bay lên hàng trăm dặm. Chính linh hồn và tốc độ của Chollima là động lực thúc đẩy đội bóng.
Mặc dù an ninh là điều không thể tránh khỏi và những cầu thủ của đội bóng được giữ tránh không cho tiếp xúc quá nhiều với người dân Anh, nhưng những cử chỉ thân thiện của cầu thủ Triều Tiên đã lấy lòng được người dân địa phương. Trong một bài báo của tờ Guardian xuất bản năm 2010, Bernard Grant, người vào năm 1966 đang là phóng viên đồng hành cùng đội bóng ở vùng Teesside, phát biểu rẳng: “Cả thị trấn dành cho họ một vị trí rất đặc biệt. Những cầu thủ Triều Tiên đã trở thành người hùng đối với những fan hâm mộ Boro.”
Khi giải đấu diễn ra, có vẻ như những lo ngại của chính phủ về tin tức không mấy khả quan do sự góp mặt của Triều Tiên đã không còn xuất hiện. Ở bảng D, đối thủ của Triều Tiên bao gồm: Liên Xô cũ với thể hình và thể lực vượt trội, một Chile cực kỳ khó đoán và một trong những đội bóng được yêu thích nhất giải đấu, cũng là ứng cử viên vô địch Italia. Triều Tiên không được đặt nhiều kỳ vọng là đội sẽ tiến xa, và một phóng viên không tin vào Triều Tiên của tờ the Times đã có một phát biểu không hay về đội: “Trừ khi họ trở thành những nghệ sĩ xiếc, vừa chạy vừa giữ quả bóng trên cổ của mình thì Italia và Liên Xô cũ sẽ là hai đội vượt qua vòng bảng.”
Triều Tiên và Liên Xô tại vòng 1 tại World Cup 1966
Trận mở màn của các cầu thủ Triều Tiên diễn ra trên sân Arye Park vào ngày 12 tháng 6, đối đầu với Liên Xô cũ. Những cầu thủ đến từ châu Âu áp đảo hoàn toàn đội bóng đến từ châu Á về sức mạnh và thể hình. Điều này giúp họ giành được chiến thắng dễ dàng với tỷ số 3 – 0 và có vẻ như hành trình của Triều Tiên tại giải đấu đã kết thúc từ sớm.
Trong trận đấu thứ 2, họ đối đầu với Chile và đã tiếp cận trận đấu theo một phong cách rất Nam Mỹ. Ít những pha đọ sức tay đôi hơn mà thay vào đó là kỹ thuật xử lý với trái bóng – một thế mạnh của Triều Tiên. Khi thời gian thi đấu của hiệp 1 trôi qua được một nửa, Chile là đội vươn lên dẫn trước với bàn thắng của Marcos trên chấm penalty. Nhưng khi trận đấu gần đi đến hồi kết, Pak Seung–zin đã ghi bàn gỡ hòa cho Triều Tiên. Hai đội hòa nhau với tỷ số 1 – 1. Sau trận đấu, tờ the Times đã có sự thay đổi so với những đánh giá ban đầu về Triều Tiên. Nội dung một bài viết cho hay: “Hiếm có đội bóng nào giành được vị trí đặc biệt trong tim những người hâm mộ ở Middlesbrough như Triều Tiên ngày hôm ấy.”
Bình luận viên của kênh BBC, Frank Bough nói rằng ngay cả khi Middlesbrough thi đấu thì người hâm mộ của họ cũng không nhiệt tình đến như vậy. Italia cũng có một kết quả tương tự như Triều Tiên khi họ để thua trước Liên Xô cũ nhưng lại giành được chiến thắng trước Chile. Với việc mới chỉ ghi được một bàn thắng duy nhất thì Triều Tiên sẽ là đội dừng bước nếu trận đấu giữa họ và Italia kết thúc với tỷ số hòa. Mặc dù vậy, họ vẫn có cơ hội tiến vào vòng tứ kết. Tất cả những gì họ phải làm là đánh bại Azzurri.
Thủ môn Triều Tiên đấm bóng ngay trên đầu cầu thủ Chile
Sau "Trận Chiến Santiago" đầy xấu hổ 4 năm trước ở Chile, Italia tiến hành cải tổ để trở lại với niềm kiêu hãnh dân tộc. Trong 3 năm gần nhất, AC Milan và Inter Milan liên tiếp giành được các danh hiệu Châu Âu. Đội tuyển Ý cũng được xây dựng trên bộ khung của hai CLB vùng Lombard, đang tràn đầy lòng quyết tâm đánh bại các cầu thủ Bắc Triều Tiên, những người phải nhờ đến sự thần kỳ nơi đôi cánh Thiên Lý Mã để giúp họ đi tiếp.
Thật khó để nói rằng Bắc Triều Tiên áp đảo Italia. Dù không thể nói điều đó hoàn toàn sai, nhưng hầu hết xuất phát từ việc đội bóng Thiên Thanh gặp bất lợi khi huyền thoại Giacomo Bulgarelli của Bologna dính chấn thương đầu gối sau nỗ lực truy cản Pak Seung-jin. Italia phải chơi với 10 cầu thủ vì ở luật bóng đá vẫn chưa phổ cập việc thay người.
Khoảnh khắc định mệnh đến ở những phút cuối của hiệp 1. Sau một pha phá bóng từ phía Italia nhưng bóng dội trở lại khung thành, Pak Doo-Ik đỡ bóng ra trước rồi dứt điểm về lọt qua tay thủ thành Albertosi bay vào lưới. "Bắc Triều Tiên vươn lên dẫn trước chỉ 5 phút trước khi hết hiệp 1," BLV BBC hét lên. "Thật tuyệt vời!".
Thủ môn của Fiorentina có lẽ đã làm tốt hơn, nhưng đó chính là định mệnh. Thiên Thanh lúc này ngập trong muôn vàn rắc rối. Thiên Lý Mã đã cất cánh. Dù có được những cơ hội để gỡ hoà, nhưng Azzurri vẫn không thể chọc thủng hàng thủ vững như đá của Bắc Triều Tiên. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-0, Italia ra về trong sự xấu hổ.
Kết quả này gây chấn động trong làng bóng đá khắp thế giới. Cánh nhà báo như nổ tung. Arnold Howe của tờ Daily Express viết: "Pak Doo-Ik hôm qua đã châm ngòi cho một vụ nổ trong làng bóng đá. Anh ghi một bàn thắng loại Italia ra khỏi World Cup, qua đó đưa đội bóng vô danh Bắc Triều Tiên vào vòng tứ kết, khiến Middlesbrough được chứng kiến cảnh tượng của một đêm điên rồ".
Derek Hodgson bình luận rằng: "Các sử gia Triều Tiên có thể chép lại rằng, đây chính là khởi đầu cho nền bóng đá xứ Bắc Hàn."
Trong khi đó, cũng trên bài báo của The Guardian đề cập trước đó, một NHM Middlesbrough phát biểu: "Mọi người đến để xem Italia thi đấu. Nhưng trận đấu nhanh chóng đảo chiều sau khi Pak Doo-Ik ghi bàn. Cả SVĐ như nổ tung. Tôi không thể tin vào điều mình chứng kiến. Từ đó, chúng tôi chào đón họ và vẫn nói về họ cho tới tận bây giờ."
Không ai trông chờ vào điều đó, nhưng trong một khoảnh khắc, nhiều thông tin khó tin hơn còn được đưa ra. Với việc vào được vòng tứ kết đối đầu với Bồ Đào Nha của Eusebio, Torres và Coluna. Bắc Triều Tiên khó có thể có được một bất ngờ thứ hai.
Tấm vé dự khán trận đấu Triều Tiên-Italy tại World Cup 1966.
Trận đấu diễn ra trên sân Goodison Park của Everton, NHM của vùng Teesside tới Liverpool để cổ vũ cho những người hùng mới của họ. David Coleman bình luận trên tờ BBC rằng, hầu hết mọi người ở đây đều mong muốn một tinh thần máu lửa từ phía Thiên Lý Mã, họ đều cho rằng một trận thắng trước Bồ Đào Nha thực sự là không thể. Họ có thể thắng được người Italia vì họ sụp đổ do thiếu người và bị tấn công bất ngờ. Nhưng với BĐN và Eusebio, mọi thứ lại rất khác.
Bao nhiêu người đến sân hôm đó là người Middlesbrough hay dân địa phương, tới nay vẫn không ai rõ. Nhưng Coleman bình luận rằng, Bắc Triều Tiên đã giành được sự ủng hộ nhiệt liệt của các NHM chủ nhà. Pak Seung-Jin lập tức ghi bàn từ ngoài vòng cấm. "Thật bùng nổ!" Coleman bình luận. BĐN lập tức đáp trả, tỷ số lúc này là 1-1.
Khi Bắc Triều Tiên dần thấm mệt, Bồ Đào Nha lập tức lấy lại thế chủ động. Tuy vậy, ở phút thứ 22 ,một đường chuyền từ cánh phải đến chân Dong Woon-Lee, ngay lập tức anh đưa bóng vào khung thành trống. Bắc Triều Tiên lúc này dẫn 2-1. Đám đông càng ngày càng hào hứng. Coleman lúc này nói rằng BĐN "đang gặp khó khăn thực sự." Nhưng mọi thứ còn tồi tệ hơn sau đó.
"Chúng tôi muốn ba bàn," đám đông hô vang khi các cầu thủ Bắc Triều Tiên dâng cao. Pak Doo-Ik sút bóng từ ngoài vòng cấm và bị chặn bởi một hậu vệ. Nhưng bóng bật vào chân Seung Kook-Yang. "Ghi bàn đi", Coleman hét lên trong cabin. Và anh ấy làm được. "Chà, lố bịch thật," Coleman kết luận trong choáng voáng. Và thật sự như vậy, Triều Tiên lúc này đã dẫn 3 bàn chỉ sau 24 phút.
Báo đen Eusebio ghi bàn hạ gục đội bóng châu Á
Nhưng Eusebio lập tức chứng minh vì sao anh là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thời đại của mình. Tiền đạo gốc Mozambique lập tức vực dậy các đồng đội, giúp họ ghi 4 bàn, trong đó có hai bàn phạt đền. Jose Augusto sau đó kết liễu bằng bàn thắng thứ 5. Bồ Đào Nha vào bán kết gặp đội tuyển Anh trong trận bán kết. Tuy nhiên, ngoại trừ các khán giả vùng Iberia lặn lội tới nước Anh để xem đội bóng con cưng thi đấu. Các cầu thủ Bắc Triều Tiên mới thực sự là những người hùng khi thi đấu một trận đấu mà Coleman nói rằng, “họ đã trút hết tim gan ra để chiến đấu."
Trận thua trước BĐN là một kết thúc cho một giấc mơ đẹp. Các cầu thủ áo đỏ sau đó trở về với tư cách người hùng. Pak Doo-Ik được tặng huân chương "VĐV Nhân Dân". Tuy vậy, mọi thứ chẳng kéo dài lâu.
Triều Tiên đang tập trên sân vận động Goodison Park ở Liverpool - Anh.
Chính trị một lần nữa lại dính líu với cuộc đời các cầu thủ được coi là người hùng của Đông Bắc nước Anh. Họ tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ, và ngay lập tức được đem đi lưu đày ở các tỉnh thôn quê. Càng đáng sợ hơn khi "tội" của họ là đã để thua BĐN sau khi đã dẫn 3 bàn.
Được coi là những tù nhân chính trị, họ bị đem đi làm việc ở các khu mỏ do chính quyền điều hành. Một cựu tù nhân chính trị, giờ đây là nhà báo ở Hàn Quốc nhớ lại rằng, ông đã từng gặp một cầu thủ tên Park Seong Jin- người ghi bàn mở tỷ số trong trận gặp BĐN - ở trại tù Yoduk. Ông thậm chí sau đó còn bị kết tội gián điệp sau khi nhận gửi một lá thư từ một người Triều Tiên bị lưu đày ở Nhật Bản.
Pak Doo-Ik sau đó bị lưu đày tới Quận Lao Động Daepyong ở tỉnh Yangkang, nơi ông làm lao động lâm nghiệp trong 10 năm. Dù vậy, sau đó, ông được đưa về làm ở Sở Thể Thao Yangkang theo lệnh của chủ tịch Kim Jong-Il.
Sau khi được đưa về làm ở Sở Thể Thao Yangkang, Pak Doo-Ik trở lại Bình Nhưỡng và đảm nhận vai trò huấn luyện đội tuyển quốc gia và CLB Lee Myong Soo, đồng thời cũng là người quản lý sân vận động 1 tháng 5. Năm 2008, sự trở lại của Pak Doo-Ik trong vai trò chính trị được xem như cách Triều Tiên bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, vào năm 78 tuổi, khi Tân Hoa Xã đưa tin ông là người lớn tuổi nhất trong số 56 thành viên Bắc Triều Tiên được chọn, mang ngọn đuốc Olympic qua Bình Nhưỡng, trên đường đến Bắc Kinh.
Thật khó để theo dõi được tình hình của Pak Doo-Ik cùng các đồng đội của ông ở Triều Tiên, nhưng họ vẫn luôn được nhớ đến. Vào cuối những năm 1990, Daniel Gordon đã tìm cách làm một bộ phim tài liệu về các sự kiện xảy ra năm 1966 và điều gì đã đem đến một Triều Tiên trở thành “hiện tượng” ở vùng đông bắc nước Anh? Sau bốn năm cố gắng thương thảo cũng như mở rộng quan hệ ngoại giao, ông được phép vào lãnh thổ Triều Tiên. “Chính quyền Bắc Hàn thời điểm ấy khá tò mò, đồng thời mong muốn cánh báo chí làm một điều gì đó trung lập về đất nước của họ”. Gordon thuật lại, “các cầu thủ thực sự rất vui mừng vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng phần còn lại của thế giới sẽ nhớ đến kì tích của họ ở World Cup 66.”
7 cầu thủ Triều Tiên năm nào có dịp trở lại sân Ayerosome Park (Middlesbrough) vào năm 2002.
Bộ phim có tên là “The Day of Their Life”, Gordon trở lại Bình Nhưỡng khi bộ phim được công chiếu. Tại đây, ông quyết định chơi một ván bài tất tay khi hỏi về việc được cấp phép để xem lại trận đấu ở Middlesbrough. Có lẽ bị thuyết phục bởi cách xử lý và tâm huyết của anh ấy đối với bộ phim, chính quyền đã đồng ý. Năm 2002, những niềm tự hào từ năm 1966 đã được mang trở lại.
Gordon kể lại cái cách mà các cầu thủ hào hứng với chuyến đi này ra sao. Và những điều đó được kể qua lời của huấn luyện viên đội bóng: “Đội tuyển tham dự World Cup của chúng tôi ngày ấy thật tuyệt vời! Trên những tuyến đường cao tốc, những chiếc ô tô cứ nhìn chúng tôi bằng cặp mắt kì lạ, tôi cũng chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra khi ấy”. Tình cảm đặc biệt với các cầu thủ có lẽ được minh họa rõ nhất khi họ đến sân Ayresme Park. Gordon nói: “Sự thật rằng người Bắc Hàn bị đánh giá rất thấp bởi thể hình cũng như trình độ của họ. Nhưng chính sự nhỏ bé ấy đã cuốn hút người dân Middlesbrough đến sân xem Triều Tiên thi đấu với sự tò mò, và bản thân họ cũng có sự đồng cảm nhất định đối với đội bóng xa lạ đến từ châu Á. Nhưng tôi cũng cho rằng cách các cầu thủ Triều Tiên chiến đấu hết mình đã để ấn tượng sâu sắc cho những người dân nơi đây”.
Trên trang web của Hiệp hội Nhà văn Bóng đá, có một bài viết của Richard Fleming từ năm 2012, liên quan đến cuộc hành trình của Bắc Triều Tiên, trong đó kể rằng ông đã từng gặp mặt một số cầu thủ trong đội. Richard mô tả làm thế quái nào khi “hầu như mọi khán giả trên các khán đài đều mang trên mình bộ quân phục để theo dõi trận đấu”. Fleming nói:
“Tất cả đều được trao những vị trí quyền lực cấp cao khác nhau trong bộ máy nhà nước. Tôi đã nói chuyện với Pak Doo-ik khá lâu và anh ấy vẫn lưu lại rất nhiều kỷ niệm đẹp về khoảng thời gian ngắn ngủi ở Đông Bắc nước Anh. Anh từng đổi áo đấu với những cầu thủ đội bạn và đến giờ vẫn còn giữ nó. Họ luôn nhớ về sự ấm áp, lòng nhiệt thành của các cổ động viên ở Middlesbrough, cùng với đó là sự cổ vũ nồng nhiệt khắp các khán đài Ayresome Park, những điều rõ ràng luôn rất ý nghĩa đối với họ”.
“Anh ấy không thực sự biết mình đã nổi tiếng như thế nào, đơn giản vì ở Bắc Triều Tiên, định nghĩa “siêu sao” không hề tồn tại, ngoài vị Lãnh tụ vĩ đại và con trai ông Kim Jong-il. Sự giàu có, nổi tiếng của giới cầu thủ chưa bao giờ xuất hiện trong đầu họ. Những con người ấy đã trở lại Middlesbrough gần đây cho một bộ phim tài liệu - The Day of Their Life. Khi bộ phim chính thức được công chiếu, mặc dù mang chủ đề phi chính trị, và góp ảnh hưởng tích cực cho đất nước nhưng nó vẫn bị kiểm duyệt một cách khắt khe”.
Sự kiện của Triều Tiên thời điểm ấy là một cơn địa chấn của bóng đá thế giới, nhưng khi nhìn lại, liệu Triều Tiên có thể tiến xa hơn ở World Cup 1966? Nếu là sự thật, quả thực đó là sự kiện lịch sử đầy trọng đại đối với đất nước đến từ châu Á. Nhà báo Derek Hodgson nhận định: “Các nhà sử học Bắc Hàn có thể tự hào vì đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển của nền bóng đá ở Bắc Triều Tiên”.
Kể từ sau World Cup năm 1966, đội tuyển quốc gia Bắc Triều Tiên mới trở lại giải đấu lớn nhất thế giới ở Nam Phi vào năm 2010. Thật không may, những gì đoàn quân Chollima đã từng thể hiện trong quá khứ dường như đã biến mất. Không còn những pha bóng tấn công đẹp mắt và lối chơi cống hiến, Triều Tiên dường như luôn co cụm trong thế phòng ngự và “run rẩy” trước từng đợt tấn công của đối phương. Thất bại tại vòng chung kết World Cup 2010 như một gáo nước lạnh tạt vào mặt những vị lãnh đạo của xứ Bắc Hàn, đội tuyển đứng trước nguy cơ bị buộc tội “phản bội niềm tin của đất nước và lãnh đạo” của họ.
Các cầu thủ và ban huấn luyện ngay sau đó đã bị chỉ trích bởi cách nhập cuộc trận đấu cùng chiến thuật tệ hại khi để thua cả ba trận và bị loại khỏi giải đấu. Không rõ điều gì đã xảy ra sau đó, nhưng nếu so với những gì thế hệ vàng 1966 đã làm được, trường hợp của các hậu bối năm 2010 thật khó có thể nhận được sự cảm thông từ chính đất nước của họ.
Thật kỳ lạ là vào năm 2012, Triều Tiên từng tuyên bố tự gọi mình là “Nhà vô địch Thế giới”. Nếu bạn thi đấu theo thể thức của môn boxing, kiểu "người này hạ người kia, người kia đánh bại người này" thay vì trao giải thưởng cho những người chiến thắng trong một cuộc thi Jamboree được tổ chức bốn năm một lần, thì thế hệ hậu bối của Pak Doo-Ik và đồng bào của ông như đang chênh vênh giữa ngọn cây.
Khi Nhật Bản đánh bại Argentina, họ như tước đi chiếc vương miện kiêu hãnh của ông lớn của bóng đá Nam Mỹ, đoàn quân Samurai xanh đã kéo dài chuỗi trận bất bại của họ lên con số 15. Rồi đến một ngày ở Bình Nhưỡng năm 2012, họ bất ngờ thất bại 0-1 trước chủ nhà Triều Tiên. Và thế là, danh hiệu Vô địch Thế giới không chính thức, chiếc ngai vàng lộng lẫy mà người Nhật từng ảo tưởng kia, lập tức đổi chủ. Người ta hoài nghi liệu những tin tức như vậy có đến tai vùng đông bắc nước Anh, mà cụ thể là ở Middlesbrough, và với bất cứ ai đã từng chứng kiến hành trình kì diệu của đoàn quân Chollima tại World Cup 1966. Tuy nhiên, nếu có, đó chắc chắn sẽ là một nụ cười, cho sự thành công và hành trình kì diệu của đất nước Triều Tiên tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, một hoài niệm đẹp đẽ đến ngất ngây.
_______________
Dịch bởi: Kinh Luân, Minh Đức, Minh Tài và KDNX.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 29/04/2015 với title: “NORTH KOREA: CHOLLIMA, 1966 AND TRAGEDY.”