TRIẾT HỌC LÀ HIỆN THÂN CỦA CUỘC SỐNG
Bài viết dự thi của tác giả: Nguyễn Hòang Quân ...
Bài viết dự thi của tác giả: Nguyễn Hòang Quân
Xin chào các bạn, mình là Quân. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số hiểu biết của mình về triết học mà mình đã đúc kết được trong thời gian qua. Thông thường, có lẽ không ít người trong chúng ta khi nhắc đến triết học thì thường xem nó như là một môn học nhàm chán và thường là nơi chúng ta "gửi gắm kỷ niệm lên bàn học" hơn là nơi để trau dồi kiến thức. Thật vậy, ngày trước khi mình còn đi học, mình cũng mau chóng "gục ngã" vào những tiết học về triết như vậy lắm. Vì chẳng biết học chúng phỏng ích lợi gì. Nhưng mà này, tin mình đi, triết học thật sự hoàn toàn khác với những môn học ở trường lớp mà người ta dạy cho bạn. Những thứ chẳng biết nên áp dụng vào đâu trong cuộc sống. Trong khi thực tế, triết học lại giản dị và gần gũi hơn. Nó chân thật vì nó gắn liền với cuộc sống hằng ngày đối với mỗi con người chúng ta.
Ở bài viết này, tại phần mở đầu, mình sẽ kể lại quá trình mình biết đến triết học. Phần hai sẽ giới thiệu sơ lược về một trường phái triết học và cách áp dụng các biện pháp tâm lý của họ. Và phần ba, mình sẽ kể một chút về hành trình thử thách "nho nhỏ" của mình trong thời gian gần đây. Cuối cùng là phần đúc kết.
CUỘC GẶP GỠ TÌNH CỜ VỚI TRIẾT HỌC
Mình và triết học đã "va phải nhau" như thế nào?
Trùng hợp làm sao, vào cái thời điểm nông nổi nhất của tuổi trẻ thì mình và triết học đã vô tình "va phải nhau". Có lẽ, không ngoa khi nói rằng đây là một trong những "cú hích" ngọt ngào nhất trong cuộc đời mình. Chuyện bắt đầu vẫn như mọi khi, mình dành khá nhiều thời gian để truy cập mạng xã hội. Và vô tình, mình lướt thấy một bài viết
trên một trang quen thuộc. Đập vào mắt mình là bức tượng điêu khắc một người đàn ông La Mã đi kèm với mái tóc xoăn rất đặc trưng. Tiếp theo là vài dòng trích dẫn được chú thích gọn gàng trong ngoặc kép. Mình xin trích dẫn lại một đoạn như sau: "Nếu anh thực sự muốn thoát khỏi những thứ làm cho anh phiền muộn, điều anh đang cần làm không phải là chuyển đến một nơi khác mà là trở thành một con người khác" - Seneca(Chủ Nghĩa Khắc Kỷ). Và kì diệu thay, đó chính là điều mình đang tìm kiếm. Đấy cũng là sự đánh dấu lần đầu tiên mình may mắn biết đến cái gọi là "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ". Sau lần đó, trong mình khơi dậy một sự tò mò và hứng thú không thể tả được. Và mình đã tự hỏi:
"Những nhà khắc kỷ này là ai? Không biết họ sống như thế nào mà lại có những quan niệm sâu sắc đến vậy? Liệu mình có thể trở nên như họ không?" Từ khoảnh khắc đó, hành trình tìm hiểu về "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ" của mình được mở ra.
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỜI ĐẠI
A. Sơ lược về "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ"
Không một trường phái triết học nào quan tâm đến việc bạn sống ra sao hơn việc bạn nói gì và nghĩ gì hơn trường phái triết học "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ". Trường phái triết học này được xây dựng dựa trên 4 đức tính mà các nhà khắc kỷ luôn theo đuổi. Đó là: Công bình, tiết độ, can đảm và đạo đức. Các nhà khắc kỷ tin rằng đức hạnh luôn là con đường dẫn đến sự bình thản và hạnh phúc cho con người. Khi nhắc đến với một nhà khắc kỷ, người ta có thể nghĩ ngay đến một nhân vật lạnh lùng, một con người nghiêm khắc và có trái tim sắc đá. Vì bản thân hai từ "Khắc Kỷ" khiến người ta thường liên tưởng đến sự hà khắc và kỷ luật. Nhưng hỡi ôi bạn tôi ơi, đó chỉ là lầm tưởng như bao lầm tưởng khác, bản thân các nhà khắc kỷ lại là những người có trái tim ấm áp và bao dung vô độ đấy. Bạn có tin không?
Lấy ví dụ, khi một người đau khổ vì trải qua một mất mát to lớn nào đó. Thay vì tìm cách xoa dịu những nỗi đau này, họ để người đó đau khổ. Sau đó, các nhà Khắc Kỷ mới đưa ra lời khuyên cho họ, để họ có thể chấp nhận hiện thực. Từ đó mà bước qua đau khổ, sống mạnh mẽ và trân trọng hơn những gì mình đang có. Không bám víu hay chấp nhặt lấy nỗi đau đó mà sống. Và dù rằng, những triết lý và phương pháp của họ đã tồn tại hàng ngàn năm về trước, nhưng nó vẫn luôn đúng và hiệu quả khi vận dụng vào cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay. Đó cũng là một minh chứng thú vị cho thấy niềm tin vào những triết lý đúng đắn của "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ". Mình chỉ nói sơ lược qua một số điều để mọi người có thể dễ hình dung và có một cái nhìn bao quát, thiện cảm hơn đối với trường phái triết học này.
Phần tiếp theo, hãy đến với các phương pháp của họ, xem nó có mối quan hệ mật thiết nào với cuộc sống hiện đại của chúng ta không nhé!
B. Thực hành các biện pháp tâm lý của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ trong cuộc sống
Thật ra, có nhiều phương pháp để bạn thực hành và cải thiện chính mình, nhưng vì "thời lượng chương trình" có hạn và việc xem nhiều sẽ khiến khán giả "mỏi mắt" nên mình chỉ xin trình bày hai phương pháp tiêu biểu và dễ thực hành nhất nhé!
1. Phương pháp thứ nhất: thực hành "Tưởng Tượng Tiêu Cực"
Nhắc đến "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ", không thể không nhắc đến các phương pháp rèn luyện tuyệt vời của họ. Trong đó, phải kể đến đầu tiên là phương pháp thực hành "Tưởng Tượng Tiêu Cực". Về cơ bản, thực hành "Tưởng Tượng Tiêu Cực" cho phép chúng ta suy tưởng về những điều tiêu cực mà trong thực tế có thể hoặc sẽ thực sự xảy ra: sự mất mát, bệnh tật, tuổi già, hoặc cái chết… Rồi từ đó, thay đổi cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống, đưa ra những lựa chọn khôn ngoan, sáng suốt hơn và biết ơn vì những gì bản thân đang có. Mình đã thử áp dụng phương pháp này ở mức độ đơn giản để tưởng tượng ra chính hình ảnh mình sau năm hoặc mười năm nữa, để xem điều gì kế tiếp sẽ xảy ra với phiên bản hiện tại. Và mình bàng hoàng khi nhận ra những năm tháng tiếp theo sẽ tiếp tục trôi đi vô nghĩa, sẽ chẳng có sự thay đổi nào đang chờ đợi mình cả, mình sẽ vẫn già đi và bản thân thì sống vô định hướng. Trở thành gánh nặng cho mính mình và gia đình. Những chuỗi ngày tiếp theo là sự nối tiếp nhau giữa nuối tiếc và thất vọng. Và như thế, mình suy ngẫm và đưa ra quyết định là thay đổi, không lúc nào khác mà là ngay hiện tại. Để sống không thẹn với chính mình sau này. Bạn cũng có thể hình dung những người mà mình yêu thương ở bên cạnh như: cha, mẹ, ông bà, vợ hoặc cả con cái của mình sẽ không sống cùng mình nữa, họ có thể mất đi do tuổi già, hoặc do bệnh tật, hay một bất ngờ của cuộc sống cướp lấy họ từ bạn. Cuộc sống là vô thường, không có điều gì là mãi mãi nên đừng tin họ sẽ cùng đồng hành với bạn đến suốt cuộc đời. Thoạt nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng bằng cách này, bạn và mình, chúng ta biết trước một ngày họ sẽ không ở bên ta nữa. Và từ đó trở đi, mỗi giây phút bên họ, ta sẽ trân quý hơn. Ta sẽ cố gắng yêu thương họ nhiều hơn vì ta biết thời gian bên nhau là hữu hạn. Bạn cũng có thể làm điều tượng tự lên những đồ vật, những vật chất mà mình đang sở hữu. Hãy thử tưởng tượng xem, một ngày bạn thức dậy, bạn phải cầm cố tất cả những gì bạn có, bạn tất tay, chắc hẳn bạn sẽ phải cực kì khốn đốn vì bấy giờ muốn đi đâu, ăn cái gì hoặc mua cái gì thôi cũng phải đắn đo, suy nghĩ, đơn giản vì bạn không đủ phương tiện để làm những việc đó. Lúc này, bạn sẽ nhận ra giá trị của những thứ mà hằng ngày mà bạn chẳng thèm quan tâm và để ý tới chúng. Hoặc ví dụ như điện: bình thường có ai quan tâm nó đâu, nhưng chỉ cần một cái "rụp" thì cả khu phố bất an, mất ăn, mất ngủ.
2. Phương pháp thứ hai: Sự "Tam phân quyền kiểm soát"
Thực hành tưởng tượng tiêu cực cung cấp cho chúng ta góc nhìn đa chiều và không kém phần "khó xơi" trong cuộc sống. Vì vậy mà bạn phải luôn luyện tập và sẵn sàng cho điều đó. Còn đối phó với những nỗi bất an, lo lắng và sự sợ hãi luôn ẩn nấp trong các vấn đề của cuộc sống thì sao? Thật may là chúng ta có thể xử lý chúng bằng cách phân loại các vấn đề ta gặp phải và xử lý từng thứ một. Phương pháp này được gọi là "Tam phân quyền kiểm soát". Thực ra, các nhà Khắc Kỷ gọi đó là "Lưỡng phân quyền kiểm soát". Nhưng mình nghĩ các vấn đề sẽ dễ xử lý hơn khi có thêm một phần nữa vào, vậy nên ta sẽ chia các vấn đề của mình thành ba phần nhé:
*Phần thứ nhất:
Những thứ bạn không thể kiểm soát: những thứ thuộc về tự nhiên (vật
lý), mặt trời mọc hay lặn, nắng hay là mưa, suy nghĩ của người khác về mình, mấy thằng cu chung phòng đang ùa ra làm phiền lúc mình viết cái này (bởi thích thì chúng ra thôi mình đâu biết trước được). Bạn không nên quan tâm những thứ trong mục này, bởi vì bạn không thể kiểm soát chúng, bạn không có quyền quyết định trên chúng, điều mình muốn nói là đừng nên lo sợ, hãy cứ để nó đến, ai nói rằng cuộc sống mở ra theo cách tự nhiên là không ổn?
*Phần thứ hai:
Những thứ bạn có thể kiểm soát một phần: kết quả trận đấu của bạn, mục tiêu đề ra trong tháng, tình cảm của bạn cho người khác, hay mẹ bạn bắt bạn đi học(cái này cúp được) hoặc là con mèo lười nhà bạn quyết định ngủ trên mặt của bạn(bạn có thể cam chịu hoặc tống khứ hắn đi),…. Bạn nên quan tâm và "chăm sóc" cho mục này, đặt ra những mục tiêu cụ thể khi thực hiện, vì mục này có thể chứa nhiều hạn chế và khuyết điểm của bạn. Nên thích ai thì cứ thổ lộ đi, làm việc gì hãy đặt mục tiêu là làm hết sức mình. Vì dẫu có cố gắng thế nào thì vẫn có khả năng thất bại. Nhưng khi bạn đặt mục tiêu là làm hết mình chứ không phải vì phần thưởng, bạn sẽ nhận được phần thưởng bằng cách này hoặc cách khác. Và bạn sẽ không thất vọng vì mục tiêu của bạn là "làm hết sức bạn
ơi".
*Phần thứ ba:
Những thứ bạn có toàn quyền kiểm soát: suy nghĩ của bạn, cảm xúc của bạn, cách bạn hành xử với người khác, bắt đầu lên kế hoạch cho việc gì đó,… Đây là mục vô cùng quan trọng, vì đây là nơi bạn nắm toàn quyền kiểm soát và có quyền quyết định trên nó. Đây còn là sân chơi của bạn, nên sẽ thật ngu ngốc nếu như bạn quyết định bỏ qua và không chăm chút thật kỹ cho những thứ xuất hiện trong mục này. Bạn nên phân loại chính xác và cẩn thận. Vì đây cũng là cách để bạn tập trung đầu tư phát triển bản thân và loại bỏ những điều không cần thiết, trở thành con người mà bạn luôn kỳ vọng.
Trên đây, mình đã giới thiệu với các bạn về hai trong số các phương pháp rèn luyện tư duy của người Khắc Kỷ. Mình tin rằng nếu các bạn tìm hiểu đủ sâu và nắm bắt được hai phương pháp này, các bạn sẽ luôn sẵn sàng trên chặng đường tiếp theo của cuộc sống.
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA MÌNH
Vốn dĩ các bạn đã biết, bây giờ đang là mùa dịch, mùa săn mã khuyến mãi, đúng không? Đùa thôi, mình đang tham gia nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu. Ban đầu, mình có chút bàng hoàng khi được nhận nhiệm vụ này. Nhưng sau đó, mình nghĩ đây cũng là một cơ hội để thử sức nên mình lên đường với tâm thế sẵn sàng. Mình không coi nó như một vấn đề, mình xem đó như một nghĩa vụ mà bất kì người lính nào cũng cần phải hoàn thành, rồi lên đường làm nhiệm vụ. Hóa ra, dịch bệnh là bất hạnh với người này nhưng lại là cơ hội cho người khác, một cơ hội để thay đổi. Thực tế, đây là một môi trường tốt để chúng ta rèn luyện, bạn có thể xem nó như một xã hội "thu nhỏ", vì bạn có một công việc cần làm, có khách hàng cần phải chăm sóc là những người bị cách ly, có đồng đội cùng nhau hỗ trợ công việc, và những người ở bộ phận khác mà bạn phải tương tác vì công việc và một lượng áp lực tương đối đủ để rèn luyện tinh thần. Đúng là không còn thời điểm nào thích hợp hơn. Đầu tiên, mình đã tập cách thích nghi với môi trường sống và công việc ở đây, sau đó tập cách quan sát mọi người làm việc. Khi bạn học được cách bình tĩnh và quan sát mọi thứ, bạn có thể học được cách điềm tĩnh khi xử lý khi các vấn đề đột ngột xảy đến hoặc chí ít bạn không để nó làm cho tâm trí mình dao động. Quan trọng nhất là nhìn ra cách giải quyết tốt nhất để cùng nhau thảo luận, bàn bạc. Khi đã nắm rõ được công việc của mình, bạn sẽ tự chủ được thời gian trong ngày, bạn có thể phân bổ lại thời gian, dùng thời gian rãnh rỗi đó đầu tư cho việc đọc sách, đánh răng kĩ hơn một ngày bốn lần hoặc dùng thời gian đó để nói chuyện, vui chơi cùng mọi người. Hay đơn giản là dùng nó để nghỉ ngơi, thư giãn. Thời gian còn lại, hãy dùng để suy ngẫm cho những dự định tiếp theo sau dịch, bạn nên nhớ, thời gian không phải là bạn của ai cả. Nó cũng chẳng chờ đợi bất kì ai. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi và cuộc sống lại mang những vấn đề mới đến. Như thế mới là cuộc sống. Bạn sẽ học được cách giao tiếp với mọi người, lắng nghe và hiểu được tâm tư của họ. Nhìn thấy nhiều người khác nhau, tầm nhìn khác nhau, cách làm việc khác nhau, kết quả khác nhau. Đó là những gì mình chắt lọc được từ chuyến đi này, "kỉ nghỉ hè" này có lẽ vẫn còn kéo dài nên mình sẽ tiếp tục với tâm thế là người quan sát và học hỏi, và mong rằng khi mọi thứ chấm dứt. Mình đã sẵn sàng cho cuộc chiến thực sự cam go ngoài kia.
ĐÚC KẾT
Hành trình tìm đến triết học của mỗi người rất khác nhau, nhưng lý duy nhất cho việc tìm đến triết học là để trở thành một con người tốt hơn. Mọi lý do khác, như nhà triết học Nietzsche từng nói, chỉ là "những phê phán từ ngữ bằng những từ ngữ khác". Dù những gì mình viết là rất nhiều, nhưng nó có thể đúng cũng có thể sai. Tuy vậy, mình vẫn luôn tin rằng cách tốt nhất để hiểu đúng vấn đề là để bản thân tự đi đến tận cùng của vấn đề đó. Vậy nên, mình mong các bạn hãy tự tìm kiếm và khám phá cho mình một triết lý sống. Và lần sau khi bắt gặp một chủ nghĩa triết học, bất kể chủ nghĩa đó là gì, nếu nó có thể giúp bạn tìm ra một triết lý sống cho bản thân mình, mong rằng bạn sẽ không "ngủ gật trên bàn học" nữa nhé. Cám ơn các bạn đã dành thời gian cho bài viết của mình, mình rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ các bạn!
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất