Thời điểm đại dịch COVID-19 đi qua cũng là thời điểm sức khỏe tinh thần càng nhận được nhiều sự chú ý. Một phần vì những căng thẳng trước sự thay đổi đột ngột của kinh tế xã hội, phần nhiều hơn nằm ở những biến chuyển tâm lý khác thường trong quãng thời gian hiếm hoi một người bắt buộc phải ngồi lại với tâm trí của chính mình.
Chỉ khi ấy, ta mới nhận thức được dư âm của những khó khăn tâm lý chưa được giải quyết và nóng lòng đi tìm phương thuốc “chữa lành tâm lý" cho bản thân. 
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

1. MỘT HƯỚNG ĐI KHÁC TRONG VIỆC CHỮA LÀNH

Trong các phương pháp tham vấn điều trị tâm lý hiện đại, việc thay đổi thường đến từ những điều chỉnh trong tâm trí, nơi mà ta sẽ cùng nhà tham vấn trị liệu tâm lý dùng lý trí để làm việc với ký ức, cũng như nhận thức của bản thân về chính mình, xã hội và cuộc đời. Từ đó, ta có thể cảm thấy tự tin hơn, hiểu hơn về bản thân và người khác, có những suy nghĩ phù hợp hơn về cuộc sống khiến ta bớt khổ đau trước nghịch cảnh. Trong Tâm lý học, đây được gọi là tiếp cận can thiệp từ trên xuống [top-down approach]. “Trên" ở đây có thể hiểu là từ não, từ suy nghĩ và lý trí.
Trong tiếp cận này, mỗi người sẽ dùng thuỳ não trước trán [prefrontal cortex] - phần não đảm nhiệm chức năng tư duy, điều hướng sự tập trung, lập luận và lên kế hoạch để làm việc với các khái niệm và suy nghĩ ta đã có từ trước đó với mong muốn thay đổi chúng. Từ việc thay đổi suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của ta cũng có cơ hội chuyển mình.
Tuy nhiên, trở trêu thay, trong những tình huống cần kíp nhất, khả năng tư duy lý trí cua ta lại dễ dàng bị xâm chiếm bởi cảm xúc. Hay nói cách khác, đứng trước những sự đe dọa tiềm ẩn, hoạt động mạnh mẽ từ vùng não xử lý cảm xúc -  hệ viền [limbic system] đã ngăn chặn hoạt động của thuỳ não trước trán, khiến ta không thể dùng lý trí để giải quyết vấn đề. 
Theo nhà tâm lý học Paul Eckman, để ứng phó với những đe dọa tiềm ẩn, các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn bã, lo lắng là một phần của bản năng sinh tồn ở con người từ hàng triệu năm nay. Chúng cho phép ta dồn toàn bộ trí lực vào những điều quan trọng ngay trước mắt. Ví dụ như chuẩn bị chiến đấu với thú dữ và kẻ địch, nhanh chóng kết nối lại với bộ lạc của mình, hay phòng ngừa những hiểm hoạ từ thiên nhiên. Việc tạm thời “ngắt" suy nghĩ, quên đi những kế hoạch không mang tính sống còn đã giúp loài người tồn tại và phát triển qua hàng thế kỷ. 
Trong thời kỳ hiện đại, tuy số lượng thú dữ và hiểm hoạ từ thiên nhiên đã giảm dần, ta lại phải đối mặt với sự căng thẳng từ mâu thuẫn xã hội, cuộc đua nghề nghiệp, và áp lực gia đình. Đối với não bộ, mọi căng thẳng, dù vô hình hay có thể nhìn, sờ, chạm, đều có tác động giống như nhau.
Các nghiên cứu tâm lý học thần kinh ở những cá nhân đã từng chịu ảnh hưởng của chấn thương tâm lý [trauma] hay căng thẳng triền miên cho thấy, ở những cá nhân này, hạch hạnh nhân thường xuyên hoạt động quá mức và kìm hãm hoạt động ở phía thuỳ não trước trán. Với những trải nghiệm kinh hoàng trong quá khứ hay sự căng thẳng dồn dập trong hiện tại, một cá nhân dễ dàng bị mắc kẹt trong trạng thái bất an, luôn luôn phải sẵn sàng tâm lý để chống chọi với những yếu tố gây tổn thương, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. 
Đối với các trường hợp này, việc dùng lý trí để “chữa lành" dường như là không đủ. Do đó, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra một hướng đi khác để can thiệp vào sức khoẻ tinh thần của chúng ra, đó là can thiệp từ thân, hay còn gọi là tiếp cận can thiệp từ dưới lên [bottom-up approach]. Đây cũng là cách mà phương Đông đã tìm hiểu và sử dụng từ hơn 500 năm trước qua các phương thức rèn luyện thân-tâm như Yoga, Taichi hay Khí công. Bản thân việc quan sát cảm giác thân thể trong thực hành cảm thọ từ Phật giáo cũng không nằm ngoài tiếp cận này. Ngày nay, dưới ánh sáng của y học, tâm thần và tâm lý học, mối quan hệ thân-tâm đang ngày càng sáng tỏ. 
Trong bài viết này, tôi chỉ có thể đề cập tới một phần rất nhỏ của mối quan hệ đó qua góc nhìn tâm lý học thần kinh và tâm lý trị liệu.

2. SỰ KỲ DIỆU CỦA CƠ THỂ

Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
Đôi khi, cảm xúc được biểu lộ qua cơ thể rõ ràng hơn tất thảy mọi lời nói, thậm chí trước cả khi ta kịp nhận ra mình đang có cảm xúc gì, luôn hiển lộ, bất chấp mọi nỗ lực che giấu của chúng ta. 
“Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra”
- trích “Lão Hạc”, Nam Cao
Bên cạnh năm giác quan như nhìn nghe, nếm, ngửi, chạm, ta còn có một giác quan vô cùng quan trọng, cho phép ta cảm nhận về cơ thể trong không gian, và vị trí tương đối của các bộ phận trong cơ thể trong mối tương quan với nhau. Giác quan “thứ sáu" này được ngài Charles Sherrington tìm ra vào năm 1932 với cái tên “proprioception”. Phát kiến này đồng thời cũng đem lại cho ông giải Nobel Y học trong cùng năm đó. 
Giống như lưỡi có các thụ thể vị giác là tưa lưỡi, các thụ thể cảm nhận vị trí của cơ thể trong không gian nằm ở các trục cơ, giữa cơ và gân, nằm trong hệ tiền đình, và cả trên da. Hành động với tay đỡ chiếc điện thoại bị rơi,  đưa tay lau nước mắt, điều chỉnh tư thế khi ngồi, hay phối hợp tay chân khi thuyết trình, v.v…, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng cảm nhận vị trí của cơ thể trong không gian. Cảm giác đứng không vững khi bàng hoàng, choáng váng khi lo lắng, cảm thấy “chân tay thừa thãi" trước đám đông cũng là những cảm giác thuộc “proprioception”. 
Ngoài ra, một khả năng quan trọng hơn đối với sức khỏe tinh thần, rất gần với năng lực cảm nhận cơ thể trong không gian, đó là khả năng cảm nhận cơ thể từ bên trong hay nội cảm [interoception]. Theo nhà tâm lý học thần kinh Damasio, nhà nghiên cứu hàng đầu về mối quan hệ thân - tâm, khả năng này cho phép ta cảm nhận, một cách vô thức hoặc có ý thức, các cơ quan nội tạng và từ đó nhận diện được tâm trạng và cảm xúc của chính bản thân mình. 
Cảm xúc, bên cạnh việc chỉ mặt đặt tên như “tôi buồn", “tôi bực", còn là cảm nhận chủ quan của mỗi người về chính cảm xúc đó trên cơ thể mình. Cảm giác chộn rộn trong bụng khi lo lắng, cảm giác “tim đau như thể đâm ngàn mũi dao", cảm giác “đau thắt ruột" khi gặp chuyện chẳng lành, hay cảm giác da mặt nóng rần rần lúc tức giận, cảm giác khô miệng khi hồi hộp, v.v… tất cả đều là những chỉ dấu của cảm xúc trên cơ thể. 

3. HÀNH TRÌNH HƯỚNG VÀO BÊN TRONG

Ảnh: Cắt từ phim "Green papaya" của đạo diễn Trần Anh Hùng, cảnh khiến ai cũng rùng mình bởi sự kích thích mạnh mẽ của xúc chạm
Ảnh: Cắt từ phim "Green papaya" của đạo diễn Trần Anh Hùng, cảnh khiến ai cũng rùng mình bởi sự kích thích mạnh mẽ của xúc chạm
Ở những cá nhân khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, khi đứng trước khó khăn, thử thách, hệ viền trong não sẽ lập tức kích hoạt hệ thần kinh, tạo ra các phản ứng sinh học trên cơ thể và các cảm xúc tương ứng. Những phản ứng sinh học này cũng dễ dàng biến mất khi hệ thần kinh dịu lại. Tuy nhiên, ở những người vốn đã mất cân bằng trong hoạt động của não bộ và hệ thần kinh sau căng thẳng kéo dài hoặc chấn thương tâm lý, cơ thể không thể tự điều hoà chính nó, khiến những cảm xúc tiêu cực mãi mãi tồn đọng dưới hình hài của cảm giác, có thể là cảm giác khó tiêu, đau cổ vai gáy kéo dài, tê bì chân tay, hoặc suy giảm khả năng miễn dịch.
Trong trường hợp này, theo tiếp cận trị liệu tâm lý từ thân, cá nhân đó có thể tự mình nhận diện và điều hòa các phản ứng cơ thể, từ đó ảnh hưởng ngược lại hoạt động của não bộ, hệ thần kinh và hệ nội tiết. Đây cũng chính là lúc khả năng cảm nhận cơ thể từ trong ra ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 
Trong một xã hội hiện đại, nơi mà người người bị cuốn đi bởi dòng chảy của công nghệ, ta có thể dành hàng chục giờ mỗi ngày để bước vào những thế giới hoàn toàn mới qua những chiếc màn hình đủ kích cỡ. Ngày mà tưởng chừng như chỉ có trong phim hoạt hình viễn tưởng, nơi cả thế giới di chuyển bằng những chiếc ghế có gắn động cơ, đầu đội mũ thực tế ảo đang gần với chúng ta hơn bao giờ hết. 
Dường như, khi tâm trí càng vươn xa, ta càng dễ dàng mất kết nối với chính cơ thể của mình. Ta đã ngồi trên chiếc ghế văn phòng bao lâu rồi chưa đứng lên? Ta đang cảm thấy đau ở bộ phận nào? Cơn đau ấy đang báo hiệu cho ta điều gì về chính tâm trí của mình? Ngay trong lúc này, vai ta có đang co cứng vì căng thẳng, hàm ta có đang nghiến chặt vì giận dữ? 
Tiến trình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này có thể trở nên khó khăn hơn nếu như một người đã từng có những trải nghiệm quá đau đớn khiến họ cảm thấy sợ hãi và rụt rè khi cảm nhận cơ thể của chính bản thân mình. Theo bác sĩ, nhà tâm lý học Van Der Kolk, những trải nghiệm này có thể mang hình bóng của chiến tranh, giết chóc, tai nạn, hoặc hãm hiếp. 
Trước những rào cản này, hành trình hướng vào “bên trong”, hay hướng về cơ thể của chính mình trong một xã hội hiện đại cũng cần sự hỗ trợ của nhiều phương pháp khác nhau.
Trong các nghiên cứu tâm lý học, thực hành “chánh niệm" đã chứng minh được tính hiệu quả của nó trong việc giúp ta nhận thức rõ hơn về bản thân nói chung và cơ thể nói riêng. “Chánh niệm" là cốt lõi của thực hành thiền tập và những phương pháp luyện thân-tâm từ phương Đông. Nó đã được tiến sĩ John Kabat-Zinn nghiên cứu và thích ứng vào các phương pháp trị liệu tâm lý của phương Tây từ những năm 1990s. Từ đó tới nay, ứng dụng của Chánh niệm ngày càng nghiên cứu chuyên sâu và được phổ biến rộng rãi trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ trường học cho tới công sở. Tuy nhiên, các nghiên cứu Tâm lý học cũng dần chỉ ra được những nguy hại tiềm ẩn của thực hành này trên một số đối tượng nhất định như những người có chấn thương tâm lý hay có dấu hiệu của loạn thần. 
Bên cạnh đó, phương pháp Trị liệu Thân nghiệm [somatic experiencing] cũng được tiến sĩ Peter Levine phát triển độc lập từ những năm 1977, qua quá trình ông điều trị cho các bệnh nhân có chấn thương tâm lý. Phương pháp này tuân theo tiếp cận trị liệu từ dưới lên được nêu ở trên, giúp mỗi người điều hướng sự tập trung vào cảm giác trên thân, từ bên trong các cơ quan nội tạng, cho tới bên vị trí cơ thể bên ngoài trong không gian, trước khi quay lại với việc tư duy phân tích tình huống bằng lý trí. 
Trên đây là một vài góc nhìn làm rõ tầm quan trọng của mối quan hệ thân-tâm trong cuộc sống cũng như trong tâm lý trị liệu. Mình muốn kết thúc bài bằng một câu nói của nghệ sĩ múa, nhà nghiên cứu, nhà trị liệu Bonnie Bainbridge Cohen:
“The mind is like the wind and the body like the sand: if you want to know how the wind is blowing, you can look at the sand.”
tạm dịch là “Tâm trí giống như cơn gió, còn cơ thể chính là bờ cát. Nhìn vào bờ cát, ta có thể biết gió đang thổi ra sao.”
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo:
A., V. der K. B. (2015). The body keeps the score: Mind, brain and body in the transformation of trauma. Penguin Books.
Ekman, P. (2007). Emotions revealed: Recognizing faces and feelings to improve communication and emotional life. St. Martin's Griffin.
Fabrice Sarlegna, Chris Miall Professor of motor neuroscience, Jonathan Cole Professor, & Robert Sainburg Professor of kinesiology and neurology. (2022, September 7). Proprioception, our imperceptible 6th sense. The Conversation. Retrieved October 24, 2022, from https://theconversation.com/proprioception-our-imperceptible-6th-sense-150775
Farb, N., & Mehling, W. E. (2016). Editorial: Interoception, contemplative practice, and health. Frontiers in Psychology, 7. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2016.01898
Harrison, L. A., Kats, A., Williams, M. E., & Aziz-Zadeh, L. (1AD, January 1). The importance of sensory processing in Mental Health: A proposed addition to the research domain criteria (rdoc) and suggestions for rdoc 2.0. Frontiers. Retrieved October 24, 2022, from https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2019.00103/full
Levine, P. A., & Frederick, A. (1997). Waking the tiger: Healing trauma: The innate capacity to transform overwhelming experiences. North Atlantic Books.
Pinna, T., & Edwards, D. J. (2020). A systematic review of associations between interoception, vagal tone, and emotional regulation: Potential applications for Mental Health, wellbeing, psychological flexibility, and chronic conditions. Frontiers in Psychology, 11. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2020.01792 
-----------------
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này cũng như sự giao thoa giữa Tâm lý và triết học phương Đông, mời các bạn theo dõi buổi phỏng vấn trực tiếp với tiến sĩ Lê Nguyên Phương với chủ đề “Bài học từ Phật giáo và Tâm lý học Thần kinh” vào lúc 10h sáng thứ Tư, 26/10/2022 tại youtube chính thức của Spiderum.
Đây là buổi phỏng vấn nằm trong series: ““Vui" lên bạn ơi?!?” với mục tiêu giới thiệu về các phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau cũng như giúp bạn có những công cụ thực tế để cân bằng cảm xúc của bản thân mỗi ngày.