TRÍ LECAO - CẦN NHIỀU DŨNG KHÍ ĐỂ LÀM STARTUP
Khởi nghiệp ra sao, phát triển sản phẩm như thế nào?
Hãy cùng Human of Spiderum khám phá podcast Người Trong Muôn Nghề tuần này với chủ đề “nghề” Startup. Không giống như những gì báo chí rầm rộ nói về khởi nghiệp, con đường làm Startup của host Trần Việt Anh, Founder của Spiderum và anh Lê Cao Trí, Founder & CEO của Vibeji và Baola lại vấp phải muôn vàn chông gai.
Điều quan trọng nhất để bước chân vào con đường Startup là gì? Khởi nghiệp ra sao, phát triển sản phẩm như thế nào khi đối mặt với những khó khăn? Lắng nghe cuộc trò chuyện của host Việt Anh và anh Lê Cao Trí và khám phá con đường khởi nghiệp liệu có tràn ngập màu hồng như nhiều người vẫn thường nghĩ hay không nhé!
Việt Anh: Trước khi đi sâu vào con đường Startup của anh Trí, em có một thử thách nhỏ dành cho anh. Anh Trí hãy dùng ba cụm từ để miêu tả hành trình làm Startup của anh nhưng ba cụm từ đó phải bắt đầu bằng chữ “KHÔNG”. Vậy anh sẽ lựa chọn những cụm từ nào?
Anh Trí: Đầu tiên, anh sẽ bắt đầu với chữ “không biết”. Khi bước vào hành trình Startup, anh coi cụm từ “không biết” là cụm từ rất là thú vị. Chúng ta không thể biết rõ liệu chúng ta có nên làm hay cần phải làm nó hay không? Hành trình Startup của anh cũng tương tự như vậy. Anh không biết liệu mình có đủ dữ kiện để làm nó hay không? Thậm chí, anh còn không biết những thứ mà anh không biết nữa. Ai làm Startup cũng vậy, chúng ta không thể biết được tất cả mọi thứ.
Thứ hai là cụm từ “không nên biết”. Trong hành trình trải nghiệm riêng của cá nhân anh, anh có xu hướng muốn quán xuyến mọi thứ. Nhưng anh nhận ra một điều rằng đôi khi có những thứ mình không nên biết để có thể tập trung vào những vấn đề cần phải giải quyết. Khi anh cố gắng nắm bắt hết tất cả mọi việc, nó đem lại phiền toái nhiều hơn. Hành trình làm Startup là một hành trình dài hơi, những thứ mình không nên biết nó sẽ tiết kiệm năng lượng cho mình.
Cụm thứ ba là “không thể không biết”. Anh xuất thân từ người làm kỹ thuật và anh không được đào tạo bài bản về Kế Toán, Tài Chính,... Khi bắt đầu Startup, các vấn đề về con số lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Anh từng nghĩ rằng mình chỉ cần phó thác cho những người có chuyên môn về lĩnh vực tài chính là đủ. Sau này, anh nhận ra tất cả những founder dù xuất phát điểm của mình là gì cũng nên biết về Tài Chính.
Việt Anh: Đối với em, bản thân cũng là một người làm Startup, câu trả lời của em khả năng cao sẽ là “không tiền”, “không quan hệ” và “không vui”. Mọi người nghĩ rằng làm Startup là được thực hiện những điều mình mong muốn nhưng sự thật thì đây lại là hành trình đau đầu và khổ nhất. Mình lúc nào cũng có những khoảnh khắc lên xuống như chiếc tàu lượn siêu tốc. Không chỉ xảy ra trong một vài tháng mà tình huống “tàu lượn siêu tốc” thậm chí còn diễn biến ngay trong ngày. Khó có thể kết luận rằng hành trình Startup là thú vị hay dở nhưng đối với em và anh Trí thì có lẽ nó rất vui. Vui là bởi mình đã quyết định dấn thân vào con đường này rồi.
_____
Việt Anh: Để tìm hiểu sâu hơn về anh Trí cũng như con đường làm Startup của anh thì em được biết rằng trước kia, anh đảm nhiệm vai trò giám đốc sản phẩm tại Perth (Australia). Trong một môi trường chuyên nghiệp, được làm các sản phẩm mang chất lượng quốc tế và mức thu nhập rất tốt, điều gì đã thôi thúc anh Trí từ bỏ công việc đó, quay về Việt Nam và tập trung vào làm Startup?
Anh Trí: Trong thời gian anh sống và làm việc ở nước ngoài, anh có đầy đủ mọi thứ. Thậm chí công việc của anh cũng rất linh hoạt, anh có thể làm việc ở bất cứ đâu chứ không nhất thiết phải đến văn phòng. Nhưng khi mọi thứ quá tốt, anh cảm thấy mình được bảo vệ quá an toàn thì bản thân anh lại nhận ra có gì đó không đúng. Anh nghĩ rằng những nhà sáng lập như anh và Việt Anh mong muốn hướng tới một tương lai mà mình làm chủ, tạo ra những giá trị có tính kế thừa. Chúng ta không thể tạo ra những giá trị đó nếu làm việc cho người khác. Đó là lý do anh trở về Việt Nam và bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Bước vào con đường Startup đối với anh là một sự đánh đổi nhưng sự đánh đổi này tốt hơn cho chính bản thân anh. Mặc dù chặng đường phía trước sẽ có vô vàn chông gai nhưng đó không phải là vấn đề.
Việt Anh: Cá nhân em cảm thấy có rất nhiều điểm tương đồng với câu chuyện của anh Trí. Sau khi du học tại nước ngoài, trở về Việt Nam em cũng bắt tay vào làm Spiderum. Việc mong muốn phát triển ý tưởng, theo đuổi nó và tạo ra giá trị mà mình nhận thấy được là động lực lớn nhất khiến mình theo đuổi Startup. Nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là dũng cảm. Nhưng với em, những việc mình làm hoàn toàn xuất phát từ tâm huyết và mong muốn cá nhân. Nó là một niềm thôi thúc nếu mình không làm thì bản thân sẽ không chịu được.
Anh Trí: Khi người ta nói mình dũng cảm, anh thấy rằng nó chỉ đúng một phần. Dũng cảm là khi mình có bằng chứng rằng mình có khả năng làm được. Khi bước chân vào con đường Startup thì anh không có bằng chứng đó bởi anh chưa từng làm Startup bao giờ. Anh thấy chữ “dũng khí” sẽ phù hợp hơn. Khi khởi nghiệp, bản thân mình biết rằng mình chưa có quá nhiều dữ kiện, chưa có đầy đủ mọi thứ nhưng mình vẫn thực hiện bởi đấy là tiếng gọi từ trong thâm tâm. Hầu như bất cứ ai bắt đầu khởi nghiệp, họ cũng là tờ giấy trắng giống như anh và Việt Anh. Dù vậy, cái hay của tờ giấy trắng là mình có thể viết bất kỳ thứ gì lên đó và mình hoàn toàn tự do phát triển theo cách của mình.
Đừng quên rằng mình có thể sở hữu cuộn giấy trắng nhưng những trải nghiệm, tính cách hay những nền tảng có sẵn chính là cây viết, màu mực. Khi cầm cây bút lên thì mình đã biết rằng bản thân phải viết gì trên cuộn giấy trắng đó rồi.
_____
Việt Anh: Sâu hơn một chút về hai sản phẩm mà anh đang xây dựng gồm Vibeji và Baola. Ý tưởng về Vibeji và Baola xuất phát từ đâu và với hai sản phẩm này anh đang hướng đến những giá trị gì?
Anh Trí: Vibeji là một nền tảng dành cho trải nghiệm. Những ai có tài lẻ, có những trải nghiệm đáng nhớ, quán bar,... họ đều có thể đưa lên Vibeji. Người dùng có thể đặt chỗ, trả tiền, đến và tham gia trải nghiệm tại những địa điểm thú vị đó. Vibeji bắt nguồn từ sở thích cá nhân của anh có niềm yêu thích được trải nghiệm, mong muốn khám phá những thứ xung quanh. So sánh với những công ty du lịch trải nghiệm ở Việt Nam hay Đông Nam Á, Vibeji mang đậm thiên hướng về những trải nghiệm xung quanh ta. Ví dụ như ở một quán cà phê mình yêu thích liệu họ có những hoạt động trải nghiệm về cà phê như khách hàng tự pha cà phê hay không? Anh muốn phát triển Vibeji dựa trên việc những người có kiến thức, tài lẻ,... họ có thể dẫn dắt người tham gia vào các trải nghiệm như vậy.
Còn Baola là dự án tiếp theo sau Vibeji. Khi thời điểm dịch bệnh bùng nổ và thành phố trong tình trạng lockdown, mọi hoạt động trải nghiệm đều phải dừng lại. Anh phát triển Baola bởi lý do thị trường học online lúc nào cũng có thể thực hiện và nó sẽ không bị ngăn cách bởi các vấn đề như dịch bệnh. Vibeji đã có một số liên hệ với những người dẫn dắt mang tầm influencer (những người có ảnh hưởng). Anh với đội ngũ của mình quyết định rằng sẽ tách họ thành một dự án riêng mang tên Baola. Nếu Vibeji mang tính giải trí thì Baola mang tính học thuật nhiều hơn. Baola sẽ liên quan tới việc phát triển bản thân, tìm hiểu về những điều xung quanh cuộc sống bằng cách học hỏi từ các influencers.
Cả Vibeji và Baola đều mang sứ mệnh của anh. Vibeji là khám phá những thứ xung quanh mình. Baola là học tập những nội dung giúp mình phát triển bản thân.
Việt Anh: Em thấy rằng Vibeji có rất nhiều điểm tương đồng với việc xây dựng cộng đồng Spiderum đó là người bình thường chia sẻ những trải nghiệm có ý nghĩa. Nhưng với Baola thì anh lại tập trung nhiều hơn vào những người nổi tiếng và những người có tầm ảnh hưởng. Liệu anh có tiêu chí nhất định nào để lựa chọn những người có tầm ảnh hưởng này không?
Anh Trí: Khi nói đến các influencers thì mình hay nghĩ đến những người nổi tiếng nhưng một số người họ cũng không nổi tiếng đến vậy. Tuy vậy, họ lại giữ những chiếc chìa khóa mở ra muôn vàn vấn đề thú vị. Anh hay gọi đó là “Think-fluencers”. Với Baola anh không chọn người dựa trên sự nổi tiếng mà bởi sự khác biệt trong cách xây dựng nội dung của họ. Tiếp đến, phong cách của họ có gần gũi hay không? Cuối cùng, liệu họ có đưa ra được những góc nhìn khác biệt so với những điều mà họ thường làm? Anh muốn Baola mang tới những thứ mà chỉ có Baola mới có. Chính vì sự khác biệt đó, người dùng mới tìm tới Baola.
_____
Việt Anh: Anh Trí đã từng có kinh nghiệm làm giám đốc phát triển sản phẩm tại một công ty ở nước ngoài. Hiện tại, anh là Founder & CEO của Vibeji và Baola cho nên anh phải dành rất nhiều thời gian để phát triển sản phẩm. Có sự khác biệt nào giữa việc xây dựng sản phẩm cho một công ty lớn so với việc tự xây dựng sản phẩm của công ty Startup?
Anh Trí: Anh cảm thấy nó có sự khác biệt ở một số phương diện:
- Khác biệt đầu tiên là về vấn đề tài nguyên và nguồn lực. Khi mình làm cho một công ty lớn, tài nguyên của họ rất nhiều, mình cần gì thì họ cũng có thể cung cấp đủ. Startup thì nguồn lực chỉ có hạn. Khi chỉ có 4 tới 5 người cho việc phát triển sản phẩm thì mình phải đặt nhiều cái nón lên cho họ (have different hats on the head). Chính vì lý do đó, mình phải cố gắng dịch chuyển cách mình tiếp cận với sản phẩm.
- Khác biệt thứ hai nằm ở chỗ khi em làm sản phẩm cho người khác thì định lượng và tầm nhìn là của người khác. Còn nếu em làm cho bản thân Startup của mình thì em sẽ có quyền quán xuyến tất cả mọi thứ. Lúc đó khả năng bay bổng của mình sẽ cao hơn.
_____
Việt Anh: Trong Startup, đặc biệt là các bạn trẻ họ rất quan tâm tới câu chuyện gọi vốn. Chứng kiến thông tin trên báo chí, những công ty khởi nghiệp họ gọi vốn hàng triệu đô khiến em cảm giác như đấy thực sự là một thành tựu. Sau đấy thì em có theo dõi và quan sát thì câu chuyện gọi vốn không phải lời giải cho những vấn đề cốt lõi. Thậm chí gọi vốn không chính xác thậm chí còn ảnh hưởng tới hành trình phát triển của Startup. Quan điểm của anh Trí về câu chuyện gọi vốn thì sao?
Anh Trí: Đối với anh gọi vốn là bắt đầu của mọi thứ mới và gọi vốn thành công khiến mình phải đối mặt với những áp lực khác. Nếu mọi người theo dõi thị trường Startup trên thế giới hay ở Việt Nam đều biết, không phải gọi vốn 1 triệu đô, 5 triệu đô hay 10 triệu đô là thành công. Anh nghĩ thành công của Startup đến từ vấn đề cốt lõi. Đến một ngày nào đó, khi Startup của mình không còn hoạt động nữa thì mọi người có thấy “thiếu” gì đó hay không? Liệu mọi người có yêu thích và cuộc sống của họ có tốt hơn khi sử dụng sản phẩm hay không? Giá trị cốt lõi mà anh vừa đề cập tới mới là thứ quan trọng của Startup. Tiền có thể tốt nhưng không thể giải quyết được vấn đề giá trị cốt lõi. Mình có tiền nhưng lại đi sai hướng hay bị áp lực từ nhà đầu tư khiến cho Startup đi sai hướng thì đây không hẳn là điều tốt. Giá trị cốt lõi chỉ được giải quyết bởi đội ngũ sáng lập khi họ xác định rõ ràng mục tiêu phải làm gì và làm như thế nào.
Việt Anh: Như anh Trí và em có trò chuyện ở phía trước thì làm Startup là hành trình mang tâm trạng “tàu lượn siêu tốc”, lên xuống rất thất thường, thậm chí là mất định hướng, cảm thấy tất cả mọi thứ đang chống lại mình. Bản thân em làm Spiderum cũng vậy. Có những giai đoạn hướng đi không rõ ràng, tiền không có mặc dù đội ngũ vẫn tâm huyết. Với trải nghiệm của anh Trí khi làm Baola hay dài hơi hơn là Vibeji, anh có bao giờ rơi vào trạng thái mất phương hướng hay không và anh giải quyết vấn đề đó như thế nào?
Anh Trí: Cảm giác khi mình rất cố gắng nhưng mọi thứ vẫn không nằm trong tầm kiểm soát là trạng thái rất thường xuyên xảy ra. Chẳng hạn như trong năm 2021 anh rất cố gắng để mang về những hợp đồng kinh doanh cho Vibeji. Nhưng dịch bệnh bùng phát và đó là điều mình không thể kiểm soát được. Cái quan trọng nhất là trong thời khắc khó khăn như vậy mình có chịu thay đổi hay không. Với anh, bất cứ công ty nào được anh tạo ra đều có chung sứ mệnh và tầm nhìn gắn liền với cuộc sống của anh. Nếu Vibeji gặp nhiều trở ngại không thể phát triển thì anh vẫn sẽ tạo ra những dự án khác để tiếp tục sứ mệnh theo cách đúng hơn và tốt hơn.
_____
Việt Anh: Theo em hiểu rằng Baola như một cánh tay nối dài của Vibeji và Baola sinh ra trong bối cảnh có phần “tai nạn”. Giả sử Vibeji bà Baola vô cùng thành công thì thành công của anh sẽ được định lượng như thế nào?
Anh Trí: Anh nghĩ thành công bao gồm độ rộng và tầm ảnh hưởng chứ không phải tiền bạc. Ví dụ trong bối cảnh của Vibeji và Baola, những gì người dùng đưa lên có giá trị với rất nhiều người xung quanh và những gì họ nói có thể thay đổi lối sống của mọi người. Đối với anh, Vibeji thành công khi những người tham gia trải nghiệm vẽ được bức tranh trải nghiệm cho cuộc đời của họ và họ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Về Baola, khi người dùng đăng ký trên Baola thì cuộc sống của họ có thể thay đổi ngay lập tức ở nhiều khía cạnh khác nhau như lối sống, thời trang, thể thao,.... Câu chuyện thay đổi không chỉ ở một người mà còn rất nhiều người khác. Đối với anh, đó là thành công.
Việt Anh: Em khá đồng tình với quan điểm của anh Trí bởi khi nhìn thấy những giá trị thật mà Startup của mình đem lại, bản thân em cảm thấy rất vui. Điều vui nhất khi em làm Spiderum đó là họ kết nối, làm quen với nhau và đặc biệt là có thể dẫn đến hôn nhân. Xây dựng những sản mà người dùng có thể kết nối với nhau và sự kết nối đấy xảy ra ở ngoài đời thực chứ không chỉ tồn tại ở không gian ảo nữa. Đấy có lẽ là mới là thước đo chính xác của sự thành công. Mình cảm thấy hạnh phúc và hướng đi của mình chính xác.
Giả sử Vibeji và Baola đạt được những thành công lớn, theo anh Trí điều gì quan trọng nhất đóng góp vào những thành công đó?
Anh Trí: Thứ nhất, với Vibeji và Baola thì anh nghĩ thành công bắt nguồn từ việc mình xây dựng sản phẩm tạo được sự tin tưởng của những người góp mặt trên đó. Họ có đủ niềm tin để có thể đưa hình ảnh, đưa công sức của họ vào. Sự tin tưởng chính là gốc rễ để cấu thành Vibeji và Baola.
Điều thứ hai, anh nghĩ rằng sự gần gũi, tạo thành mối liên hệ là những yếu tố rất quan trọng. Đơn cử như nền tảng MasterClass, anh hay nói Baola như MasterClass dành cho influencer chứ không phải celebrity (người nổi tiếng). Với MasterClass mình học hỏi từ những ngôi sao trên thế giới. Nhưng ở mô hình đó anh thấy nó thiếu sự gần gũi, thân thuộc. Ở thị trường Việt Nam, dưới những celebrity là các influencers gần gũi và mang màu sắc cộng đồng của họ rất nhiều. Khi người dùng hướng tới Vibeji và Baola họ sẽ cảm nhận được sự gần gũi, họ thấy bản thân mình trong đó. Đó là hình ảnh anh hướng đến để cấu thành sự thành công.
Điều thứ ba anh muốn đề cập tới chính là con người trong chính công ty của anh. Họ rất quan trọng bởi họ thể hiện văn hóa, tầm nhìn và sứ mệnh của mình. Với khách hàng, anh hướng tới xây dựng một cộng đồng gần gũi. Để có những điều đó xảy ra, anh cần những đồng nghiệp cùng mình thực hiện. Đội ngũ xây dựng Startup chính là những người nắm chìa khóa dẫn tới thành công mà mình mong muốn. Tất nhiên, nếu có sự cố xảy ra, bọn anh phải là những người chịu trách nhiệm.
Một điều nhỏ nữa anh muốn nói tới đó là đội ngũ bên dưới, những người làm việc cho mình, họ cũng rất quan trọng. Họ thấy được bản thân đang làm công việc có ý nghĩa điều rất cần thiết. Em trả lương cho nhân viên và bắt họ làm những việc mà họ không thích, họ vẫn sẽ làm. Nhưng kết quả mình nhận được từ họ không phải những thứ tạo ra tác động lớn. Thành phẩm cuối cùng có thể nó rất chỉn chu nhưng nó sẽ thiếu chiều sâu và không thể lột tả được tất cả những gì họ đang thực hiện. Nếu chúng ta trao cho những nhân viên trong công ty của mình một sứ mệnh và họ có đủ niềm tin tưởng thì họ có thể cống hiến rất nhiều điều ý nghĩa. Đồng thời, mức lương thưởng mình trả cho họ phù hợp với công sức họ bỏ ra cũng là điều mình phải luôn cân nhắc.
_____
Việt Anh: Một câu hỏi nhỏ về Baola nói riêng thì đây là nền tảng kết nối với các influencers. Đã bao giờ anh Trí nghĩ rằng mình sẽ trở thành một influencer hay không?
Anh Trí: Ngày trước anh không mong muốn có nhiều sự chú ý bởi anh cảm nhận rằng có điều gì đó sai khi người ta chú ý tới mình nhiều. Anh cũng không muốn thể hiện quá nhiều với thế giới bên ngoài và cũng không nghĩ mọi người nên nghe gì từ mình. Sau này, trong thời gian dịch bệnh không có quá nhiều việc để làm trong thời gian rảnh, anh quyết định làm podcast. Sau khi làm podcast, anh nhận ra mình cũng khá yêu thích sự chú ý. Từ đó, anh đẩy mạnh các kênh truyền thông khiến podcast được biết đến nhiều hơn. Nó như là một bệ phóng để anh biết rằng mình cũng không ghét bỏ gì khi nhận được sự quan tâm của mọi người. Thậm chí sự quan tâm của mọi người còn giúp anh nhiều hơn.
Thương hiệu cá nhân cũng có những phần quan trọng riêng. Để mọi người biết tới mình, để nhiều người tin tưởng mình là những yếu tố cần phải có nhằm dẫn đến những sự hợp tác dễ dàng và thuận tiện hơn. Nó giống như cánh cửa đã được hé mở sẵn thay vì mình phải đến gõ cửa và chờ đợi phía bên kia trả lời.
_____
Việt Anh: Em nghĩ rằng mình đã có một buổi trao đổi và trò chuyện ở rất nhiều khía cạnh từ khởi nghiệp cho đến phát triển sản phẩm hay quan điểm trong cuộc sống. Để tổng kết lại, không biết anh lời khuyên nào gửi đến độc giả và khán thính giả hay không?
Anh Trí: Có một cụm từ anh nhắc đến đó là “dũng khí”. Trong cuộc sống của chúng ta, không có ai bắt chúng ta phải làm Startup và mình cũng chưa chắc đã có đủ dữ kiện để quyết định khởi nghiệp. Nhưng bản thân anh vẫn quyết định bắt tay vào làm Startup bởi đấy là tiếng gọi của mình. Cái “dũng khí” chính là yếu tố giúp bạn có khả năng làm những thứ phi thường. “Dũng khí” có thể đến từ rất nhiều thứ nhưng hãy trui rèn cho bản thân “dũng khí” để thực hiện những thứ nằm ngoài vùng an toàn, mở rộng vùng an toàn và đi xa hơn, rộng hơn trong cuộc sống.
_____
Một món quà đến từ Baola by Vibeji, kho tàng workshop chia sẻ trực tuyến được dẫn dắt bởi các Influencers và chuyên gia thành công trong nhiều lĩnh vực như Dr. Chi Nguyễn - The Present Writer, Kira Nguyen - The Hanoi Chamomile, Lê Huyền Trân - Product manager tại Google và Xào ý Tưởng,... sẽ được dành tặng cho độc giả và khán thính giả của Spiderum và podcast Người Trong Muôn Nghề.
→ Nhập mã SPIDERPOD500: Giảm 500k khi đăng ký thành viên tại Baola
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Việt Anh và anh Lê Cao Trí về câu chuyện khởi nghiệp trong podcast Người Trong Muôn Nghề TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-anh-Tri
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast Người Trong Muôn Nghề mới nhất, bạn có thể theo dõi tại:
- Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất