Bạn đã từng biết đến thuật ngữ kỹ năng mềm (Soft skills) nhưng bạn đã từng nghe đến Transferable skills? Hai thuật ngữ này có mối quan hệ như thế nào hay chúng là hai anh em cùng mẹ khác cha sau nhiều năm xa cách? ^^. Nếu bạn tò mò thì cùng mình khám phá thuật ngữ thú vị này và ít nhiều thu nhặt được những điều hay ho nhé!
Chuyên mục khoe chút chơi: Mình đạt giải nhất cho đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp khoa - năm 2020 và 2021
Đầu tiên, mình cần phải tìm hiểu về khái niệm Transferable skills hay có thể dịch là các kỹ năng có thể chuyển đổi, theo từ điển Cambridge, "những kỹ năng có thể chuyển đổi được xem là những kỹ năng được sử dụng trong một ngành nghề này cũng có thể được áp dụng trong một công việc khác". Ngoài ra, Transferable skills là sự thành thục của nhiều kỹ năng được sử dụng trong nhiều vị trí công việc và ngành nghề. Theo đó, những kỹ năng này đến từ những trải nghiệm trong quá khứ đã được tích lũy và có có thể được áp dụng cho một công việc mới ở một lĩnh vực mới. Đọc đến đây, bạn đã có thể dừng lại để suy nghĩ xem trong nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc, bạn đã nhận thức được những kỹ năng nào tốt nhất cũng như kỹ năng còn hạn chế của mình? Nhưng cũng đừng suy nghĩ quá lâu, dưới đây một chuỗi các kỹ năng thuộc transferable skills mà các bạn có thể tham khảo để nhận biết những điểm sáng về kỹ năng của mình:
* Kỹ năng giao tiếp (communication): Đây là kỹ năng quá quen thuộc nè như mạnh dạn nói trước đám đông, lắng nghe chủ động...
* Kỹ năng quản lý/lãnh đạo(management/leadership) gồm quản lý thời gian, công việc, leader của đội nhóm trong một dự án, công việc...
* Kỹ năng làm việc nhóm (teamwork): Kỹ năng mình có cơ hội thực hành nhiều nhất tại trường đại học.
* Phân tích/nghiên cứu (analysis/research) thông qua dự án nghiên cứu khoa học, làm tiểu luận, viết bài báo cáo.
* Kỹ năng ngôn ngữ, ngoại ngữ (language): Biết thêm một ngoại ngữ là sở hữu cho mình một tâm hồn thứ hai nè...
* Kỹ năng viết: Rất quan trọng và hữu ích để hỗ trợ cho việc viết lách, blog, báo cáo, thư tỏ tình, biết đâu là viết nên một cuốn sách cho cuộc đời mình...
* Kỹ năng công nghệ thông tin (IT): Trong xu thế hội nhập và công nghệ lên ngôi, các kỹ năng liên quan đến máy tính rất quan trọng đối nhóm công việc văn phòng, lập trình viên...
* Vân vân và mây mây
Từ những kỹ năng trên, có thể khẳng định Transferable skills thực chất bao gồm một chuỗi các kỹ năng mềm (soft skills) nhưng mình phải biết vận dụng những kỹ năng này theo cách linh hoạt trong những trường hợp/tình huống nghề nghiệp khác nhau nhằm đạt tính hiệu quả cao. Theo sự kham khảo của mình, ngoài nền tảng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, để thật sự gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng khi viết CV, buổi phỏng vấn, sự thành thục về 4 nhóm kỹ năng sau cũng rất cần thiết, đó là: kỹ năng tư duy phản biện/giải quyết vấn đề (critical thinking/problem solving), kỹ năng làm việc nhóm/hợp tác (teamwork/collaboration), sự chuyên nghiệp trong công việc (professionalism/work ethic) và kỹ năng giao tiếp bằng lời và văn viết (oral/written communication). Bên cạnh kiến thức chuyên môn, thái độ làm việc tích cực và sự thành thúc các kỹ năng đều là những yếu tố then chốt giúp bạn làm việc và học tập hiệu quả. Tuy nhiên, mình không nên để những kỹ năng đó "ngủ quên quá lâu" mà chúng cần được đánh thức và rèn luyện trong một môi trường cụ thể nếu bạn biết nắm lấy cơ hội. Như vậy, mình đã áp dụng những kỹ năng này như thế nào trong một môi trường cụ thể?                                                                          Nhận biết sở trường của bản thân là kỹ năng ngôn ngữ, tổng hợp, phân tích và đánh giá thông tin, kỹ năng viết lách, kỹ năng làm việc nhóm, mình và hai đứa bạn thân đã thử sức một dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) tại trường trong suốt 6 tháng. Mặc dù quá trình thực hiện dự án dài hơi này không tránh khỏi những khó khăn nhất định vì chúng mình đều là những đưa "tay ngang" chưa biết gì về nghiên cứu khoa học, nhưng tụi mình cũng đã thu nhặt và đúc rúc nhiều trải nghiệm thú vị và cả những kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến phân tích và nghiên cứu thị trường. Hơn nữa, sau khi hoàn thành bài NCKH, mình cảm thấy "trưởng thành" hơn về mặt tư duy và cả kỹ năng, biết quan sát và đánh giá sự việc theo nhiều góc độ, biết cách viết và trình bày một bài báo cáo khoa học chuyên nghiệp, biết cách thu thập và phân tích dữ liệu, biết cách tối ưu hóa những điểm mạnh của mỗi thành viên nhằm đạt được kết quả tốt nhất...
Qua đó, mình nhận ra biết cách nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa "vốn liến kỹ năng" để thử thách bản thân ở một nấc thang mới không chỉ mài giũa, trui rèn những kỹ năng mềm mà còn hình thành trong mình những đam mê mới và khám phá thú vị. Thông qua sự tham gia vào NCKH, mình biết được và hiểu rõ những sở trường và cả sở đoản của mình để kịp thời linh hoạt điều chỉnh, phát triển và đạt được những mục tiêu trong tương lai.
Là sinh viên đang sắp ra trường để tìm kiếm một công việc và đón nhận một khởi đầu mới, nhưng đôi khi mình lại đánh giá bản thân không phù hợp với công việc. Nguyên do có thể nằm ở sự tự ti vào chính khả năng, những kỹ năng của mình hay là do mình chưa thật sự cố gắng? Những nỗi lo lắng này càng biểu hiện rõ nét khi mình chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa, học chung ngành nghề lại có "sự trải đời", đã có kinh nghiệm đi làm. Tuy nhiên dù sớm hay muộn, mỗi người đều lựa chọn con đường riêng để thực hiện; do đó mình không để nỗi lo lắng và lòng tự ti đó phủ kín và che lấp đi sự cố gắng và quyết tâm của bản thân. Mình nghĩ rằng mỗi người đều có những điểm mạnh riêng quan trọng là bạn có nhận biết và khai thác chúng. Trong đó, những kỹ năng vốn có mà chúng ta đã được cọ xát và tích lũy trong quá trình sống, học tập và làm việc. Quan trọng nằm ở mức độ hiểu biết và sự chuyên sâu của các kỹ năng, nếu chúng được tích lũy đủ lớn và được mài giũa đủ mạnh thì sẽ trở thành những trở thủ đắc lực hỗ trợ cho công việc của mình.
Việc tìm hiểu những kỹ năng thuộc Transferable skills rất cần thiết để bạn nhận biết và soi xét được các tố chất kỹ năng của chính mình. Thời gian "ở ẩn" vì dịch bệnh này cũng là khoảng lặng để chúng ta dừng lại và suy nghĩ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, không chỉ là hành trang kiến thức mà còn những kỹ năng then chốt trên "đường đua công việc" sắp trở lại.
Tham khảo
3. Nguồn ảnh: https://pixabay.com/vi/