Ảnh bởi
Bogomil Mihaylov
trên
Unsplash
TRĂM SỰ ỨNG TÁC là chuỗi bài viết dài kỳ về các khía cạnh của hài kịch ứng tác - loại hình nghệ thuật trình diễn ngẫu hứng mà không có sự chuẩn bị trước về kịch bản. Trong phần #1, mời bạn cùng tìm hiểu về chặng đường hình thành và phát triển của bộ môn này.

PHẦN 1: COMMEDIA DELL’ARTE

Trước improv (ứng tác), đã có không ít loại hình sân khấu ngẫu hứng tồn tại qua hàng trăm năm, tuy nhiên commedia dell'arte là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả trong các tài liệu về ứng tác. Hình thức trình diễn sân khấu này được cho là đã xuất hiện tại Ý từ khoảng thế kỷ XV. Những buổi biểu diễn thường được tổ chức ngoài trời với những diễn viên đeo mặt nạ. Thay vì viết kịch bản và diễn tập, họ tự do ứng biến tình tiết, câu thoại (chủ yếu theo thiên hướng hài kịch) xung quanh các tình huống quen thuộc từ kinh nghiệm vào vai các tuyến nhân vật điển hình trong một thời gian dài.
Những buổi biểu diễn thường được tổ chức ngoài trời với những diễn viên đeo mặt nạ.Mỗi nhóm diễn commedia dell'arte thường gồm 10 diễn viên, cả nam lẫn nữ, trong đó có những diễn viên chuyên nghiệp, cũng có những người “nhảy nghề tay trái” bởi niềm đam mê với sân khấu: bác sĩ, lính ngũ, linh mục. Những đoàn kịch này thường hoạt động theo kiểu du mục (nếu thời nay thì có thể gọi là “lưu diễn trường kỳ”) với tốp hậu cần bao gồm thợ làm đạo cụ, thợ mộc, người giúp việc, y tá… Một phần vì loại hình biểu diễn này thời đó chưa quá “được lòng” các nhà cầm quyền, nhưng phần lớn là để xoay vòng khán giả (họ tin rằng việc để khán giả “thòm thèm” và nuối tiếc sẽ làm tăng thêm giá trị cho đoàn diễn khi họ trở lại và cả tại những vùng đất mới mà họ đến sau đó). Nhờ vậy, độ phủ sóng của commedia dell'arte phát triển rất nhanh, chẳng mấy chốc hình thức này đã lan ra khắp châu Âu bấy giờ.
Đến thế kỷ 17, commedia dell'arte đã được nhìn nhận một cách nhân văn hơn và được sử dụng như một kỹ thuật dùng cho sân khấu chuyên nghiệp. Loại hình này phát triển thành nhiều nhánh khác nhau, có những nhánh mang hơi hướng kịch câm và cũng có nhánh len lỏi vào cả sân khấu nhạc kịch. Từ khoảng thế kỷ XVII - XVIII, commedia dell'arte đặc biệt phát triển mạnh ở Pháp, thậm chí có thể nói là vượt qua Ý và đứng đầu châu Âu. Ngay cả hiện nay, kịch ứng tác của Pháp cũng mang một màu sắc khác lạ so với những nước khác như Mỹ, Úc… và cả các nước trong cùng khu vực châu Âu.
Một "trận đấu ứng tác" kiểu Pháp giữa hai đội Pháp và Québec

PHẦN 2: NHỮNG VIÊN GẠCH MỚI

Từ khi commedia dell'arte ra đời, phải ước chừng 500 năm sau thế giới mới được chứng kiến bước trở mình tiếp theo trên sân khấu ứng tác. Trong đó một trong những cái tên nổi bật nhất của giai đoạn này là Viola Spolin.
Viola Spolin bắt đầu sự nghiệp sân khấu của mình vào cuối những năm 1930. Với vai trò là giám sát bộ môn kịch nói của Chicago Works Progress Administration Recreational Project, bà làm việc nhiều với độ tuổi trẻ em và đã sáng tạo nên nhiều trò chơi và bài tập ứng biến cơ bản để làm công cụ kích thích hứng thú cho học sinh của mình. Ban đầu, ứng tác về cơ bản chỉ được coi là một công cụ diễn tập, không hoàn toàn là một tác phẩm biểu diễn độc lập. Tuy nhiên, trong một buổi biểu diễn, bà đã hỏi xin khán giả gợi ý cho cảnh diễn trên sân khấu mà không hề hay biết kể từ đó, gợi ý của khán giả đã trở thành một yếu tố nền tảng cho sự phát triển của bộ môn kịch ứng tác.
Nền móng cho kịch ứng tác mà Viola Spolin đã xây dựng không lâu sau đó truyền cảm hứng cho con trai của cô, Paul Sills, lập ra The Compass Players cùng với David Shepherd vào năm 1955, áp dụng các bài tập ứng tác của Spolin để biểu diễn ứng tác trực tiếp từ gợi ý của khán giả. Làn gió ứng tác lúc đó có sức lan tỏa tới mức nhiều vở kịch ứng biến dài đã được thế chỗ hoàn toàn bởi các cảnh ngẫu hứng ngắn hơn, đặt nền móng cho sự chuyển mình của các công ty kinh doanh nhà hát sang công ty tổ chức loại hình giải trí bình dân (cabaret).
Những thành viên của The Compass Players đã chọn đi những con đường khác nhau vào năm 1959. Một số ở lại và đón thêm những thành viên mới: Alan Alda, Jerry Stiller, Mike Nichols, Elaine May… và không thể không kể đến Del Close, một tên tuổi lớn trong giới ứng tác sau này. Còn Paul Sills sau khi rời đi đã lập ra The Second City cùng Howard Alk và Bernie Sahlins. The Second City đã phát triển thành một trong những cộng đồng hài kịch ứng tác lâu đời, lớn mạnh và thành công nhất tại Mỹ và Canada cho tới hiện nay.
Viola Spolin xuất bản cuốn sách Ứng tác cho Sân khấu Kịch (Improvisation for the Theatre) vào năm 1963, đến nay vẫn là kim chỉ nam cho rất nhiều diễn viên, huấn luyện viên kịch ứng tác, kịch nói.

PHẦN 3: ỨNG TÁC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỀN HÌNH, INTERNET

Tưởng chừng như tính trải nghiệm và tương tác của loại hình hài kịch ứng tác sẽ là kỳ phùng địch thủ với sự tiện lợi, chỉ-ngồi-một-chỗ của truyền hình nhưng trong thời điểm vàng của mình, hài kịch ứng tác rất biết tìm thấy chỗ đứng để khẳng định vị thế. Do đây là bộ môn yêu cầu người diễn ứng biến hoàn toàn trên sân khấu, ngay tại chỗ nên nó có tác dụng rèn luyện không chỉ kỹ năng diễn xuất mà cả tư duy biên kịch và đạo diễn. Chương trình giải trí nổi tiếng Saturday Night Live (SNL) của đài NBC (Mỹ) là một đòn bẩy lớn cho sự phát triển của các nhà hát ứng tác sau đó. Dù là một chương trình được lên kịch bản chặt chẽ nhưng do tính liên hệ cao với ứng tác, đây là mục tiêu phấn đấu của rất nhiều diễn viên ứng tác tại Mỹ. Có nhiều cái tên trong làng ứng tác đã xuất hiện trong SNL như: Dan Aykroyd, John Belushi, Chevy Chase, Jane Curtin, Garrett Morris, Laraine Newman hay Gilda Radner.
Ngoài ra, cái tên hài kịch ứng tác (improv comedy) cũng dần trở nên quen thuộc hơn với khán giả xem truyền hình, đặc biệt qua chương trình Whose Line Is It Anyway? của đài ABC với sự xuất hiện của Ryan Stiles, Colin Mochrie, Wayne Brady cùng host Aisha Tyler qua các trò chơi ứng tác short-form với các luật chơi khó nhằn dành cho các diễn viên và khách mời.
Một trò chơi trong chương trình Whose Line Is It Anyway? Thế nhưng, sân khấu vẫn là sân khấu, trải nghiệm trực tiếp vẫn là điểm mạnh “ăn tiền” của loại hình này so với việc chiếu trên truyền hình hay streaming trên internet. Đặc biệt là khi hài kịch ứng tác yêu cầu rất nhiều sự tương tác với khán giả. Do đó, con số những show ứng tác vượt qua được rào cản này để tiếp cận được khán giả qua màn hình vẫn còn khá ít ỏi. Tháng 4/2020, series Middleditch and Schwartz đã trở thành show ứng tác dạng long-form đầu tiên được phát hành trên nền tảng Netflix. Liệu sau này sẽ có thêm nhiều show ứng tác mà chúng ta có thể chỉ ngồi ở nhà, bật màn hình mà vẫn xem được? Hãy cùng chờ xem…
Trailer series Middleditch and Schwartz

PHẦN 4: BÙNG NỔ TẠI CHÂU Á

Hiện nay vẫn chưa có nhiều tài liệu tổng hợp thông tin về sự phát triển của kịch (hài kịch) ứng tác tại châu Á. Những tên tuổi lớn như Third World Improv (Philippines), The Improv Company (Singapore), The Improv India (Ấn Độ), TBC Improv (Hồng Kông), Pirates of Tokyo Bay (Nhật Bản) đều được hình thành sau 2010. Zmack (Trung Quốc) là nhóm ứng tác hiếm hoi bắt đầu hoạt động trước đó, vào năm 2009. Tại Việt Nam, Haha Hanoi (tiền thân với tên gọi The Rotten Grapes) là nhóm hài kịch ứng tác tiên phong, cũng mới chỉ bắt đầu hoạt động từ năm 2015.
Một đặc điểm nữa là hầu hết những nhóm / cộng đồng hài kịch ứng tác tại châu Á đều bắt đầu hoạt động bằng tiếng Anh trước, sau đó mới phát triển sang các nội dung sử dụng ngôn ngữ địa phương hoặc kết hợp cả hai. Điều này cho thấy rõ hướng du nhập của loại hình này vào các thị trường nội địa.
Một tiểu phẩm ứng tác (short-form) bằng tiếng Việt của Haha Hanoi
Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng các hoạt động ứng tác tại châu Á lại rất bùng nổ và liên tục. Điển hình là việc các nhóm diễn ứng tác đã nhanh chóng mở rộng mô hình vận hành sang kết hợp biểu diễn với đào tạo và phát triển, do tính ứng dụng cao của loại hình này. Ngoài ra, cộng đồng ứng tác tại châu Á cũng có rất nhiều cơ hội giao lưu tại các festival (lễ hội) hàng năm được tổ chức ở các trung tâm văn hóa lớn như Thượng Hải, Hồng Kông, Manila, Singapore hay Hà Nội.
Trong 2 năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của virus Sars-CoV-2, nhiều show diễn, lễ hội đã bị tạm hoãn. Nhưng cộng đồng ứng tác trên thế giới nói chung và tại Châu Á hay Việt Nam nói riêng vẫn luôn tích cực duy trì các hoạt động, dù nền tảng online chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu cho một loại hình biểu diễn trải nghiệm như hài kịch ứng tác nhưng rất nhiều mối liên kết đã được duy trì và xây dựng trong thời gian này, hứa hẹn sự trở lại đầy tính bùng nổ của cả cộng đồng ngay sau đại dịch.
3, 2, 1… IMPROV!
NGUỒN THAM KHẢO:
1. Charna Halpern, Del Close & Kim Howard Johnson (1994), Truth in Comedy: The Manual for Improvisation
2. Tom Salinsky & Deborah Frances-White (2008), The Improv Handbook: The Ultimate Guide to Improvising in Comedy, Theatre, and Beyond
3. Steve Roe (2013), History of Improv - a blog series of Hoopla Improv