Can đảm mở cánh cửa đó, những gì bạn đang nhận thức về thế giới mới chỉ là góc nhìn của bản thân mà thôi
Can đảm mở cánh cửa đó, những gì bạn đang nhận thức về thế giới mới chỉ là góc nhìn của bản thân mà thôi
Chào các bạn, truyện ngắn này là câu chuyện từ chính bản thân mình. Năm 2016, mình đã vượt qua được chứng bệnh trầm cảm của bản thân, để vươn lên, xây dựng lại sự nghiệp mà tự mình đã phá hủy.
Mình viết cuốn truyện này với mong muốn và hy vọng giúp đỡ được những người đang vật lộn với căn bệnh trầm cảm. Hay chỉ đơn giản với những người đang có dấu hiệu, nghi ngờ. Hoặc chỉ là 1 chút đồng cảm, thấu hiểu nỗi khổ của những người đó mà thôi. 
Truyện ngắn này không phải là phương pháp chữa bệnh, truyện kể về những trải nghiệm của bản thân mình, và những phương pháp mình tự rèn luyện để chiến đấu và vượt lên chính mình. Mời các bạn cùng đọc nhé.
Vào 1 ngày mùa hè năm 2014. Những áp lực trong kinh doanh, cuộc sống khiến tôi vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Trong đầu tôi, xuất hiện 1 số câu hỏi dạng "Big Question" như kiểu: Tôi là ai? Tôi đến trái đất này để làm gì? Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này?
Có lẽ áp lực trong việc: Kinh doanh thua lỗ kéo dài, và rất khó để lần thứ 3 trong cuộc đời, tôi phải đối diện với việc phá sản. Tôi suy sụp và mất phương hướng hoàn toàn, bất cứ chuyện gì diễn ra xung quanh tôi, tôi đều không quan tâm. Những thói quen sinh hoạt, giải trí để tìm niềm vui, cảm xúc mới lạ hàng ngày của mình, tôi cũng thay đổi. Tôi không còn thấy hứng thú trước mỗi lần chuẩn bị đi đá bóng, hay đi chơi bi a hoặc chỉ đơn giản là tụ tập cafe với lũ bạn, và nói về đủ thứ trên đời.
Các khoảnh khắc mất tập trung xuất hiện ngày càng nhiều và dầy đặc, nhìn cái xe máy, tôi lại nghĩ về những thứ không liên quan đến xe máy. Mọi công việc, mọi kế hoạch tôi đều không theo dõi, deadline đỏ lòm. Tôi không dám tự lái xe nữa, tôi đặt Grab để đi làm, bởi vì mỗi lần lái xe, tôi thậm chí còn không tập trung nổi vào những phương tiện di chuyển xung quanh. Óc phán đoán hoạt động không hiệu quả, tôi thậm chí còn không đoán được hướng di chuyển của những phương tiện xung quanh.
Tôi không thiết bất cứ thứ gì, đánh răng cũng không buồn đánh, ăn cũng chả buồn ăn, ngủ cũng không buồn ngủ .. mọi thứ giống như tôi đang không tồn tại vậy. Tôi để mặc thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Thu mình vào 1 góc trong căn phòng, tôi hướng tất cả sự chú ý của mình vào chiếc Smartphone. Nơi tôi có thể theo dõi, chứng kiến và thoải mái phán xét, bình luận mà không lo lắng gì trên facebook.
Tôi nghe được cả những giọng nói từ trong đầu mình, giống như có ai đó đang ở trong tâm trí tôi, thường xuyên nói chuyện với tôi. Lúc đầu thì chỉ là những tiếng vo ve, o o, lâu dần thì mờ mờ và ngày càng rõ nét.
Tôi bắt đầu nói chuyện với nó, nói lảm nhảm 1 mình, thậm chí soi gương để nói chuyện với chính mình. Khi có người ở nhà thì tôi nói thầm, khi không có ai ở nhà thì tôi nói thành tiếng. Có những lần tôi đứng soi gương và nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Như kiểu tôi không phải là tôi nữa, mà tôi là cái gì đó, không giải thích được. Tôi là ai? Và cái thân xác này là ai?
Tôi rất sợ hãi, search Google thì thấy những triệu trứng tôi trùng khớp với rất nhiều loại bệnh tâm lý như: Trầm cảm, stress, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, đa nhân cách, tự kỉ dạng người lớn, ... và có đi khám bệnh, tại bệnh viện sau khi họ điện não đồ của tôi rồi kê cho tôi 1 đống thuốc. Cũng không có bất cứ kết luận gì rõ ràng về tình trạng của tôi, có nơi thì đoán tôi bị stress, có nơi thì đoán tôi bị trầm cảm. Tôi lấy tên thuốc ra, search Google, thì toàn là thuốc an thần, tôi không uống.
Tôi không biết tâm sự cùng ai, chính xác hơn là tôi không biết nói như thế nào để những người xung quanh tôi hiểu cái cảm giác của tôi đang chịu là gì?
Có những lúc nửa đêm ngủ dậy, tôi đi toilet, ngang qua gương, tôi giật bắn mình và vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy người trong gương không phải là mình, mà là 1 ai đó khác, trông thật kinh dị.
Có 1 đêm, tôi quay ra nhìn Vợ tôi, tôi suýt chút la lên bởi vì tôi lại nhìn thấy thứ gì đó, không phải Vợ tôi, mà đó là 1 con búp bê ma giống Anna Bell. Lần khác, tôi lại nhìn thấy những người thân xung quanh tôi có cái đầu lợn, có cái đầu rắn, có cái đầu sói.
Tôi không còn tin vào mắt mình nữa, có lần đứng ở sân nhà. Tôi nhìn thấy lá cây rung rinh và nói chuyện với tôi. Thực sự, tôi vô cùng hoảng loạn.
1 lần ngồi ở quán cafe, có 1 cái lồng chim, tôi còn thấy con chim trong lồng đó đang cố gắng kêu cứu, nó nói với tôi rất rõ là hãy cứu nó.
Ai nói gì với tôi hàng ngày, tôi không tin. Tôi nhìn đâu cũng thấy dối trá và lừa lọc. Không có bất cứ thứ gì tốt đẹp xung quanh tôi cả.
Có những lần, tự nhiên đầu óc tôi quay cuồng, nghe báo thức của điện thoại, lồm cồm bò dậy tìm điện thoại để tắt, và tôi còn không định vị được chính xác âm thanh báo thức đó phát ra từ khu vực nào trong phòng. Nó như phát ra từ giữa cái đầu của tôi vậy.
Có lần, rõ ràng là không hề có ai xung quanh, nhưng tôi nghe rõ rất nhiều tiếng cười chế giễu tôi, như thể là rất nhiều người cùng cười chê và bàn tán xì xào vậy, tôi không thể kiểm soát được và chỉ biết ôm đầu chịu đựng. Không có cách nào để những tiếng ồn đó ra khỏi đầu tôi.
Tôi thường hay giật mình vào lúc nửa đêm, rồi không tài nào ngủ được, cứ nghĩ ngợi lung tung.
Tôi chỉ toàn nghĩ đến những rủi ro, tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất, tiêu cực nhất, thậm chí cả những chuyện như trái đất bị diệt vong thì phải làm gì?. Tuyệt nhiên không có bất cứ vấn đề tích cực và thực tế tốt đẹp gì.
Khi nghĩ đến những vấn đề đó, óc sáng tạo của tôi vẫn hoạt động và liên tục đưa giải pháp cho hàng trăm nghìn tình huống do mình tưởng tượng. Mệt mỏi và khổ não vô cùng.
Những hiện tượng như vậy cứ lặp đi lặp lại trong 1 thời gian rất dài, có lẽ là phải gần 2 năm.
Ban ngày tôi vẫn đi làm bình thường, mỗi khi đối diện với bản thân mình, hoặc yên tĩnh 1 mình, các hiện tượng như vậy lại ùa vào lấp chỗ trống trong đầu tôi. Quá mệt mỏi và kéo dài, tôi gần như kiệt quệ tinh thần, đầu óc lúc nào cũng mơ mơ hồ hồ, thiếu tập trung .. nói trước quên sau. Nghe rồi lại quên.
Thực sự tôi ngày một hoang mang và lo lắng, vô cùng sợ hãi và hàng loạt những câu hỏi trong đầu tôi như là: Tôi bị điên sao? Tôi bị ảo tưởng à? Tôi có phải là con người không? Tại sao tôi lại như vậy? 
Rồi ngày qua ngày, tôi đã bắt đầu nghe những lời nói trong đầu thuyết phục và kết luận kiểu: Mày bị điên, mày bị ảo tưởng rồi, không có cách nào trở lại như trước được đâu, mày không đáng được sống trên đời này nữa. Cuộc đời này không dành cho mày. Mày chỉ làm nô lệ cho những người xung quanh thôi.
Càng ngày tôi càng sợ, tôi run rẩy như một con cún con trong bóng tối, trong 1 thế giới đen xì, đầy rẫy những kẻ quát nạt, chỉ trích và chế giễu bao vây xung quanh tôi. Họ đứng nhìn và chỉ tay vào tôi. Thích thú và không có bất kỳ ai muốn giúp đỡ. Sợ hãi, tuyệt vọng, cô đơn và run rẩy, tôi cố gắng cuộn người vào, để tìm kiếm chút hơi ấm an ủi từ chính bản thân mình.
Tôi sợ người khác biết tôi như thế này sẽ đem tôi vào bệnh viện tâm thần, bởi vì ngay lúc này, tôi đã tin rằng - mình bị điên. Bởi vì thực sự ở giai đoạn đó, có những lúc gần như tôi còn không nhận thức được rằng: Đâu là thật? đâu là thứ tôi tưởng tượng? Tôi gần như mất tự tin hoàn toàn vào giác quan của bản thân. Tôi có cảm giác như lúc đó, tôi không dùng giác quan để nhận biết về thế giới nữa, mất cả niềm tin vào chính giác quan của mình.
Tôi cố gắng che giấu mọi thứ. Hàng ngày, đi làm, tôi vẫn cố tỏ ra bình thường, tương tác với người khác cũng vậy. Tôi cố gắng diễn 1 vai hoàn hảo nhất trước mặt mọi người để rồi mỗi đêm, tôi lại phải đối diện với con người thực sự của mình.
Những người xung quanh tôi, họ cũng nhận ra những thay đổi của tôi, tuy nhiên mỗi khi hỏi hoặc có ý chia sẻ thì tôi ngay lập tức gạt đi và không muốn ai bước vào cuộc đời riêng tư của mình.
Thực sự, giai đoạn đó, tôi bỗng thấy căm ghét chính những người thân của mình, tôi thù ghét mẹ mình, chị gái mình, Vợ mình và con mình.
Trầm cảm thực sự rất nguy hiểm nếu ta không dám đối diện với sự thật
Trầm cảm thực sự rất nguy hiểm nếu ta không dám đối diện với sự thật
Tôi là Nguyên Hoàng, sinh năm 1983, tôi là doanh nhân và kinh doanh từ năm 25 tuổi. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về chính bản thân mình - Tôi đã vượt qua trầm cảm như thế nào?
..... Và rồi, tôi phát hiện ra không chỉ bây giờ tôi mới bị  rơi vào trạng thái tâm lý này, nó đã từng diễn ra năm tôi học lớp 6, năm tôi học lớp 12. Và giờ, nó lại lặp lại. Những lần trước, bởi vì tôi còn không biết là gì, nên cứ thế tự nhiên trôi qua.
Ngày đó, sau chuỗi ngày vật vã, nhiều lúc tôi muốn tự kết thúc cuộc đời, để tự giải thoát cho mình. Cũng may là khi nghĩ đến cái chết, chút bản năng sinh tồn trong tôi trỗi dậy, và cố gắng đấu tranh lại ý tưởng điên rồ đó.
Có 1 câu nói của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thức tỉnh tôi: Ông có nói: “Lỡ làm người rồi, không thể sống 1 đời phí hoài được”
Tôi gần như bừng tỉnh sau khi tình cờ đọc được câu nói đó của Ông trên Facebook. Đúng vậy, lỡ làm người rồi, mình là con người. Không thể sống 1 đời phí hoài được.
Tôi quyết định bỏ hết tất cả, đập đi xây lại. Giống như chơi 1 game thôi, và điều đầu tiên tôi phải làm: đó là: ... Làm 1 con người.
Tôi không biết mình đang phải đối diện với điều gì? Nhưng dù có là gì đi nữa, lựa chọn của tôi luôn luôn là đối mặt.
Việc nói chuyện với chính bản thân mình hàng ngày, dần dần giúp tôi nhận ra các vấn đề của mình. Trong thời gian này, tôi có mua 2 cuốn sách: 1 là cuốn: “Chiến thắng con quỷ trong bạn” - của Napoleon Hill, và 2 là cuốn:  “Sức mạnh của hiện tại” - của Eckhart Toll, tôi tôi tin rằng, trong cơ thể mình có 2 con người, 1 người là bản thể, tôi hiểu là linh hồn, 1 người là bản ngã, tôi hiểu là cái tôi của mình.
Hồi đầu, khi nhìn vào chính đôi mắt của mình trong gương, tôi còn thấy sợ hãi và không dám nhìn thẳng vào mắt mình. Tại sao lại như vậy? Tôi bắt đầu học cách tự nhìn thẳng vào mắt mình trong gương, dù rất sợ hãi nhưng dần dần, nỗi sợ đấy bắt đầu tan biến. Tôi đã bắt đầu nhìn thẳng vào mắt mình để nói chuyện. Ban đầu chỉ là những câu nói vô nghĩa, lung tung, không đầu không đuôi, dần dần, bắt đầu thành 1 câu chuyện rõ ràng. Có câu hỏi và câu trả lời.
Tôi tự đóng vai là bản thể, là linh hồn. Còn người trong gương, chính là bản ngã của tôi. Tôi hỏi nó rất nhiều thứ, ví dụ:
- Mày muốn gì?
- Tại sao mày cố gắng kiểm soát tao?
- Tại sao mày muốn hại tao?
- Tại sao mày muốn tao phục vụ cho mày?
….
Điều kỳ diệu là, trong cuốn “Chiến thắng con quỷ trong bạn”, cũng có 1 người khác trên đời làm giống như tôi. Tất nhiên là giống về bản chất, còn trong cuốn sách đó, tác giả là đang phỏng vấn tưởng tượng với cái thứ mà ông gọi là “Con quỷ” - Tôi hiểu là cái tôi của mình mà thôi. Tự nhiên, khi biết điều đó, tôi cảm thấy ấm áp và xác định rõ rằng: Mình không phải người duy nhất trên đời như thế này. Điều này giúp tôi tự tin hơn về trạng thái thân tâm mình, và, tôi không hề bị điên như tôi nghĩ. Quá trình nói chuyện này diễn ra hàng ngày và đã trở thành thói quen.
Ví dụ, 1 buổi nói chuyện của tôi như sau:
- Mày muốn gì?
- Tao không biết tao muốn gì.
- Tại sao mày muốn kiểm soát tao?
- Bởi vì mày sinh ra đã được ấn định là làm nô lệ cho tao rồi.
- Không đúng, tao sinh ra ở đất nước tự do, và không chấp nhận làm nô lệ, hay công cụ cho bất kỳ ai cả.
- Mày đang làm đó thôi.
- Đó là trước đây thôi, từ giờ thì không bao giờ có chuyện đó.
- Vậy, nếu mày không làm theo lời tao, thì mày sẽ làm gì?
- Tao chưa nghĩ đến.
- Đó là lý do mày nằm lì ở nhà và không đi đâu, không làm gì à? ...
-------------------------------------------------------------
Ở một buổi nói chuyện khác sau đó:
- Hôm qua, mày có hỏi tao, nếu không làm theo lời mày thì tao sẽ làm gì? Đúng không?
- Đúng vậy!
- Hôm qua tao nghĩ rất nhiều về câu hỏi này.
- Và mày nghĩ ra điều gì?
- Mày hỏi tao về mục đích sống, về ước mơ của bản thân tao. Tao không trả lời mày bởi vì tao không hề có ước mơ, và mục đích sống cho bản thân.
- Ừ, đúng vậy
- Tao sẽ tìm lại ước mơ, và mục đích sống của mình.
- Đừng tìm kiếm vô ích, mày không có ước mơ và không có mục đích sống.
- Không, tao là con người, tao phải có ước mơ, và có mục đích sống rõ ràng.
- Vậy mày tìm được chưa?
- Tao chưa nghĩ đến. ...
--------------------------------------------------------------------------
Ở 1 buổi khác nữa:
- Sáng nay, mày có hỏi tao là: Tao đã tìm được ước mơ và mục đích sống của mình, hay chưa, đúng không?
- Đúng vậy, và mày có gì mới muốn nói với tao không?
- Tao tìm thấy rồi, mục đích sống của tao là: Tận dụng thời gian còn được sống trên đời, để học hỏi, phát triển trí tuệ. Thông qua những trải nghiệm sống của mình để đúc kết, hình thành, thu nạp trí tuệ cho mình.
- Và rồi, cái trí tuệ đó, mày để làm gì?
- Để tao chia sẻ với những người xung quanh.
- Chia sẻ để làm gì?
- Để góp sức mình, cho cuộc sống tốt đẹp lên.
- Dựa vào mày ư? Mày nghĩ mày là ai?
- Tao không quan trọng, 1 người biết tao, tao chia sẻ với 1 người, 1000 người biết tao, tao chia sẻ đến 1000. Tao tin rằng, nếu những gì tao chia sẻ có giá trị, điều đó sẽ tự nhiên được lan tỏa.
- Ồ, đó là mục đích sống. Vậy còn ước mơ của mày?
- Ước mơ của tao chỉ đơn giản là gây dựng lại sự nghiệp đã đánh mất, và làm 1 doanh nhân chân chính, đóng góp cho xã hội, sống an vui cùng với những người thân xung quanh.
- Mày không bao giờ làm được điều đó, bởi vì những người xung quanh mày đang làm mày vướng víu, và hại mày.
- Ồ không, ngày trước bởi vì nghe lời mày, tao đã kết luận như vậy và làm cho tao thù ghét người thân. Thực tế, tao tìm hiểu, đó là thái độ sống đổ lỗi, mày reo vào đầu tao những thái độ tiêu cực, tao nghe mày, đổ lỗi cho họ. Để thỏa mãn mày, để sướng cái bản thân mày. Nhưng đó không phải là sự thật. Sự thật là: Tất cả là lựa chọn của tao, tao quyết định và tao phải chịu trách nhiệm.
---------------------------------------------------------------
Những câu chuyện hàng ngày của tôi với bản thân mình trong gương ngày càng nhiều và dầy đặc, tôi nhận ra rằng, mình đang thấy thích thú với việc này. Đã lâu lắm rồi tôi không cảm thấy thích thú với việc gì đó. Đây là việc làm khám phá bản thân mình. Nơi tôi có thể thoải mái, nói thật lòng, nói thật về mọi chuyện, và câu trả lời cũng rất thật và rõ ràng. Không có chỗ cho sự dối trá tồn tại ở đây.
Tôi tin rằng, từ trước đến nay, tôi bị cái bản ngã của mình kiểm soát và điều khiển. Để củng cố thêm niềm tin vững chắc đó. Tôi tìm hiểu thêm trên internet. Và giờ tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.
Kinh nghiệm đau thương đã qua trong 2 lần phá sản, đã dậy cho tôi rất nhiều bài học về cách thức đặt niềm tin. Bởi vì xác định chơi game mới, nên tôi rất thận trọng cho việc đặt niềm tin của mình. Không đặt niềm tin thì thôi, khi đặt rồi, phải tin tưởng hoàn toàn, tôi hiểu là: khi bắt đầu đặt niềm tin đúng chỗ, dần dần, sự tự tin sẽ trở lại với tôi.
Bởi vì, tôi đã xác định được ước mơ và mục đích sống cho mình. Nên hiện giờ tất cả những việc tôi làm đều rõ ràng, những ý nghĩ cũng có định hướng, không sai lệch nữa.
Nhưng dù tôi có cố gắng làm gì, việc tập trung vẫn là thứ khiến tôi mất thời gian nhất. Tôi đã thử rất nhiều cách:
Tôi tải một ứng dụng để rèn luyện sự tập trung. Ứng dụng này không có gì khác ngoài 1 chiếc đồng hồ đếm ngược, nó cho phép tôi đặt ra những khoảng thời gian để tập trung làm 1 việc gì đó. Hàng ngày, khi ăn, tôi cũng phải học cách tập trung trong 15 hoặc 30 phút. Tức là trước khi ăn, tôi đặt đồng hồ. Và tự cam kết với mình rằng: 30 Phút này, tôi chỉ tập trung vào bữa ăn thôi. Mọi ý nghĩ của tôi sẽ chỉ xoay quanh thức ăn, dinh dưỡng, nhai thật chậm. Những câu chuyện nói với mọi người ăn cùng cũng chỉ là về thức ăn. Về người nấu, về nguồn gốc thực phẩm, chỉ vậy thôi. Đấy là những việc bình thường mà ai cũng làm được, nhưng với 1 người như tôi lúc đó, để làm được là cả 1 sự cố gắng. Có những lần bởi vì không tập trung vào ăn uống, tôi liên tục bị cắn vào lưỡi, tôi có cảm giác bộ máy bên trong cơ thể và bộ não của tôi cũng bị chệch choạc vậy.
Khi đi làm, tôi định làm gì, tôi lại phải lấy điện thoại ra và đặt giờ, và lại cam kết với mình: Trong 15 phút này, chỉ làm việc với đối tác thôi, mọi nội dung làm việc, tôi phải ghi ra giấy cho đỡ quên, mục đích là gì? Tôi ghi rất rõ và dành ra 5 phút để đọc đi đọc lại trước khi bắt đầu.
Khi đi tắm, tôi cũng đặt đồng hồ 10 phút, và lại tự cam kết với mình, 10 phút này dành ra để thư giãn, để làm sạch cơ thể. Và trong 10 phút này, chỉ nghĩ về những việc xung quanh việc thư giãn và vệ sinh cá nhân.
Rất nhiều lần, tôi chỉ tập trung được 2 phút, 5 phút là bắt đầu mắt tôi nhòe đi, cảm giác như tôi lại tập trung vào những thứ gì khác, một thứ gì đó mà đến chính bản thân tôi còn không biết. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải tìm cách để tập trung trở lại.
Khi đi đá bóng trở lại, tôi mất tập trung đến mức: Liên tục phán đoán sai điểm rơi của bóng, khiến cho tôi liên tục đỡ trượt, hoặc khống chế đập vào mặt. Hoặc, không dám dứt điểm nữa, thậm chí đối mặt với thủ môn, tôi còn không biết phải làm gì? Đồng đội liên tục nói tôi. Tôi cũng chỉ biết cố gắng để trở lại. Họ không hiểu điều gì đang xẩy ra với tôi.
Ngoài ứng dụng trên, tôi có tải thêm 1 ứng dụng cũng để rèn luyện sự tập trung. Ứng dụng đó chỉ có mỗi 1 ngọn nến đang cháy khi mở. Mỗi ngày tôi dành ra vài lần để nhìn vào ngọn lửa đó, tự cam kết với mình: Lần sau phải lâu hơn lần trước. Mỗi lần mắt tôi nhòe đi, tôi lại làm lại. Tôi ghi chép lại vào 1 file note của điện thoại và làm điều đó hàng ngày. Cũng không tốn quá nhiều thời gian của tôi, những lần đầu chỉ được 10 giây, 20 giây. Rồi dần dần, sau 3 tháng, tôi có thể tập trung được tận 30 - 40 phút. Và đến nay, là năm 2021, tôi vẫn giữ thói quen tập luyện như vậy, chỉ có điều tôi không cần nhìn vào ứng dụng nữa, mà tôi nhìn vào bất cứ thứ gì xung quanh mình. Hiện giờ khi tôi đang viết cuốn truyện này, tôi có thể tập trung 2 tiếng để viết. Nhờ đó mà tôi có thể làm được nhiều việc hơn và hiệu quả cao hơn nhiều.
Ngoài ra, tôi còn rèn luyện sự tập trung bằng cách: Học cách sử dụng tay trái. Tôi tập viết bằng tay trái, tập cầm đũa bằng tay trái, tôi cố gắng làm tất cả mọi việc bằng tay trái như là: xách nặng, mở cửa, đánh răng … trừ những việc khó, còn lại tôi đều làm bằng tay trái. Ban đầu thì cảm thấy rất khó, nhưng dần dần, tôi có thể ném Bowling thắng 1 cậu em bằng tay trái.
Thưa các bạn, có những lúc tôi thực sự nản, và cáu gắt với bản thân mình khi không được như ý, ví dụ, có lần, tôi liên tục mất tập trung, làm gần 10 lần mà mỗi lần tôi chỉ nhìn ngọn nến được 10 - 20 giây là mắt lại nhòe đi. Trong khi đó lần gần nhất tôi tập trung được 5 phút. Tôi vô cùng cáu giận và còn định ném cái điện thoại đi.
Rất may là, tôi kiềm chế được. Bởi vì điện thoại cũng là công sức lao động của tôi, ném nó đi tức là tôi sẽ mất tiền. Tôi chi dám ném nó lên bàn.
K hông có việc gì là ta không làm được. Khi tôi tập tay trái, tôi nghĩ đến những người bị cụt cả 2 tay, họ phải dùng đôi chân để sinh hoạt, tự chăm sóc bản thân làm động lực. Và bây giờ, tôi có lợi thế hơn khi chơi môn bi a, bởi vì tôi có thể đánh được 2 tay. Tuy tay trái không thạo nhưng ở 1 số tình huống thì lại là một lợi thế.
Việc tập trung lắng nghe người khác nói, quan sát thái độ của họ cũng lại là 1 thử thách rất lớn đối với tôi. Tôi không thể nào vừa quan sát biểu cảm của họ, vừa nghe họ nói gì. Sau này, cũng nhờ rèn luyện sự tập trung mà việc lắng nghe người khác nói cũng tự nhiên tôi được cải thiện rất nhiều, thật kỳ diệu.
Ngoài những việc tập luyện như trên. Tôi cũng tự làm mới bản thân bằng cách: Lọc lại tất cả mối quan hệ, nhưng nhóm facebook, zalo. Những Fanpage, Group không cần thiết. Tôi chỉ tham gia và tương tác với những thông tin tích cực, chia sẻ những giá trị tốt đẹp. Tránh xa những thứ tiêu cực, drama, hay những thứ việc không liên quan gì đến ước mơ và mục đích sống của tôi.
Bởi vì tôi làm kinh doanh, tôi chỉ cần những thông tin về thị trường, văn hóa xã hội, về đối tác, về cảm hứng, về kiến thức kinh doanh, về kỹ năng kinh doanh, follow những người tôi thấy họ giỏi hơn tôi trong lĩnh vực kinh doanh để học hỏi. Những nhóm người tiêu cực, nhóm người mà Gen Z bây giờ gọi là Toxic - tôi hạn chế tương tác.
Bởi vậy mỗi khi mở các mạng xã hội như Facebook, Linkedin, Zalo … những thông tin dạng cướp, giết, hiếp, thương tâm, đau lòng gần như không còn hiện lên nữa. Tôi nhận được những thông tin tích cực, những thứ tôi cần, và từ đó, dần dần suy nghĩ của tôi cũng tích cực dần. Tôi bắt đầu nghĩ đến những thứ tốt đẹp.
Ví dụ: Khi đi đá bóng, tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc mình sẽ ghi bàn, và làm thế nào để ghi được bàn, để đội mình dành chiến thắng. Thay vì thời gian trước, tôi chỉ nghĩ đến việc, làm thế nào để bạn bè đỡ chửi.
Khi lập dự án kinh doanh, tôi thiết lập mục tiêu và hào hứng cái ngày được chinh phục từng mục tiêu đó. Bởi vì, cái cảm giác khi chinh phục mục tiêu, luôn là thứ cảm xúc mãnh liệt và tôi khao khát.
Ở giai đoạn căng thẳng kéo dài, dẫn đến trầm cảm. Tôi nhận thấy là, điều quan trọng nhất, chính là chúng ta phải muốn thoát ra, phải muốn sống. Phải hiểu ý nghĩa của cuộc sống là gì?
 Tôi nhớ có đọc được, 1 nhà khoa học nào đấy, dùng toán học, tính được xác suất để ta có mặt ở trên đời, đâu là 1 chia cho 400 triệu tỷ %. Tức là 1 con số vô cùng nhỏ, xác suất gần như bằng không.
Tôi cũng nghiên cứu thêm về Phật học, thế giới này, được gọi là cõi ta bà, nơi chúng ta có điều kiện để hóa giải kiếp nạn, khổ đau. Hoặc hiểu đơn giản hơn là những khổ đau ta phải chịu đựng, hóa ra lại là cơ hội để ta trả nghiệp do chúng ta gieo ra. Để rồi tu tập, và sẽ được vãng sinh vào cõi cực lạc. Ở nơi đó, không còn những điều ác độc, xấu xa, tiêu cực nữa.
Ngày trước tôi chỉ tin vào khoa học hiện đại, những người xung quanh tôi thường chỉ trích tôi là vô thần, họ không hiểu là đức tin của tôi rõ ràng, không mơ hồ như họ. Tức là cái gì cũng phải chứng minh rõ ràng, thì mới được ghi nhận và chúng ta lấy làm niềm tin. Tuy nhiên, thế giới hiện đại, chúng ta có quá nhiều những phương tiện thông tin, truyền thông để tìm hiểu thêm, và có rất nhiều những giả thuyết khoa học, chỉ đơn giản là tưởng tượng, và tôi không còn nhầm lẫn giữa khoa học hiện đại và tôn giáo nữa. Dần dần, tôi bắt đầu ngẫm lại, thấy những lời răn, lời dậy của Phật rất chính xác. Phật giáo bao trùm khoa học, phật giáo tôi hiểu là 1 hệ tư tưởng. Và rồi quyết định trở thành người tu học.
Có những thứ, chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy - thế nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Ví dụ như sóng âm, sóng điện thoại, tivi, wifi, Chúng ta đâu có nhìn thấy, nghe thấy đâu. Nhưng bản chất chúng vẫn đang tồn tại. Có thiết bị như: điện thoại, tivi thì chúng sẽ hiện hữu để bạn thấy. Điện thoại, tivi ở đây khi hiện hữu thì có thể hiểu là duyên. Sóng ở đây chúng ta có thể hiểu là pháp. Có duyên thì học được pháp, và trải nghiệm xem tivi, dùng wifi chính là những thứ chúng ta xứng đáng nhận được.
Tu học giúp tôi đào sâu suy nghĩ, tìm hiểu về mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Giúp tôi trả lời được gần như tất cả các câu hỏi trong đầu.
Và quá trình trả lời những câu hỏi đó, cũng mất rất nhiều thời gian.
Khi mà trong đầu tôi có quá nhiều các câu hỏi không được giải đáp. Tôi bắt đầu ghi bất cứ câu hỏi nào trong đầu ra giấy. Nó giống như 1 mớ tơ, vò rối rắm ở trong tâm trí, và nhiệm vụ của tôi là phải gỡ mớ tơ trong đầu ra, từng sợi một. Xác định phải mất rất nhiều thời gian. Và khi ghi ra khoảng 200 câu hỏi, trong 2 tháng. Tôi bắt đầu hệ thống các câu hỏi này lại thành các nhóm như: Tâm linh, cảm xúc, tài chính, sức khỏe, mối quan hệ … rồi bắt đầu nghiên cứu để tìm cách trả lời.
Ví dụ: Câu hỏi về tình trạng sức khỏe của tôi là: Tôi bị làm sao vậy? Chính xác trạng thái cơ thể của tôi đang là bị gì? Có phải trầm cảm không? Nếu tôi chỉ search google, và đặt lòng tin hoàn toàn vào bác sĩ, có lẽ tôi đã chấp nhận mình bị điên. Nhưng không, tôi tìm hiểu và tự tin kết luận là: Tôi là con người bình thường, trạng thái cơ thể của tôi là do căng thẳng, lo nghĩ quá nhiều nên mất tập trung. Có phải là trầm cảm hay không, không quan trọng. Quan trọng là tôi phải tìm cách quay lại cuộc sống bình thường. Và tôi đang chịu áp lực, ảnh hưởng đến tâm lý là sự thật. Vậy sau khi trả lời rõ ràng được câu hỏi này. Câu hỏi tiếp theo chỉ là: Làm thế nào để ổn định tâm lý, làm thế nào để tập trung? Rồi hành động mà thôi.
Ví dụ khác: Tôi tự hỏi: Tại sao tôi luôn nghĩ theo chiều hướng tiêu cực? Tôi tìm hiểu, tiêu cực là gì? Tích cực là gì? và thấy rằng, điều đó xuất phát từ thái độ sống, từ những vết thương ngày nhỏ, từ tâm của tôi tạo ra. Tôi có chia sẻ những gì tôi tìm hiểu qua bài viết số 2 trong Series “Kỹ năng quản trị cảm xúc” - Các bạn có thể tìm xem ở Đây.
Mọi câu hỏi, đều phải được trả lời rõ ràng. 
Khi tìm hiểu, tôi mới nhận ra rằng: nhờ bị trầm cảm, tôi mới nhận ra giá trị của cuộc sống, nhờ trầm cảm. Tôi mới biết đọc sách, tôi hiểu được tầm quan trọng của kiến thức, và ý nghĩa của cuộc đời. Vậy nên, nếu bạn đang trầm cảm, hoặc nghi ngờ là trầm cảm, hoặc một trạng thái bất ổn về tâm lý mà chưa kết luận rõ là gì. Tôi khuyên các bạn, hãy vượt qua nó, nó không có gì ghê gớm cả. Mà có khi lại tốt cho ta, đâu phải ai cũng được trầm cảm đâu.
Đối với tôi, trầm cảm là 1 cánh cửa mở ra 1 thế giới mới, đầy hiểu biết và trí tuệ. Và thế giới này không dành cho số đông nên chắc chắn bạn phải vất vả, tự đi tìm chìa khóa cho mình. Không ai đưa cho bạn đâu.
Hãy tìm chiếc chìa khóa này, không ai đưa sẵn cho bạn đâu.
Hãy tìm chiếc chìa khóa này, không ai đưa sẵn cho bạn đâu.
Có những chuyện, ta tưởng là họa, nhưng thực ra lại phúc, có những thứ, ta tưởng là phúc, nhưng thực ra lại là họa. Tất cả những thứ đó, chúng ta hiểu biết đến đâu, thì nhìn ra đến đó. Vậy, đừng bao giờ nghĩ là mình đúng, và tất cả những gì trái với kết luận của mình đều sai. Những kết luận của chúng ta, đều lấy cơ sở là kiến thức, trải nghiệm của bản thân. Rèn luyện cho mình tính cầu thị, chấp nhận mình không hoàn hảo, và cho phép mình sai lầm để đón nhận, học thêm những điều mới trong cuộc sống, các bạn nhé.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn lắng đọc hết câu chuyện của tôi. Chúc các bạn và những người thân xung quanh an lạc, bình an và hạnh phúc. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo.
--------------------------------------------------------
- Nếu bạn là người thích nghe hơn đọc, hãy nghe bản thu âm trên Spotify: Mời bạn ấn vào Đây
- Nếu muốn tham khảo cuốn sách "Chiến thắng con quỷ trong bạn" của Napoleon Hill: Mời bạn ấn vào Đây
- Nếu muốn tham khảo cuốn sách "Sức mạnh của hiện tại" của Eckhart Tolle: Mời bạn ấn vào Đây