Có câu, Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ tạo tác. Thật vậy, trong giáo dục và nuôi dạy con, nội tâm cha mẹ ra sao thì đứa con được (hoặc bị) nhận hậu quả tương ứng một cách đương nhiên.
Cha mẹ với tâm an định bình tĩnh thì khi con gặp sự cố về sức khỏe, học tập hay tâm sinh lý sẽ truy tìm nguyên nhân, bình tĩnh giải quyết theo một con đường sáng nhất. Cha mẹ không an định thì trí tuệ bất minh, lập tức đưa ra những hành động và quyết định sai lầm, bộc phát và nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Tâm thức và bản lãnh của cha mẹ yếu thì sẽ làm hại con một cách vô tình. Mắng chưởi, đòn roi là biểu hiện của tâm thức yếu. Gầm rú và kêu rên là tâm thức yếu. Sợ con ăn kém là tâm thức yếu. Giận con mặc đồ trái ý mình là tâm thức yếu. Cay cú vì con đi làm diễn viên thay vì học y dược (giống mẹ) là tâm thức yếu. Thấy con bị tai nạn, mẹ xoắn quẩy lên, nói líu lưỡi là tâm thức yếu. Con điểm kém, mẹ hoảng loạn là tâm thức yếu.
Vậy nên cha mẹ phải rèn nội tâm vững mạnh trước đã. Muốn có tâm thức mạnh, phải học và tu luyện, tìm hiểu về thiền và nguyên lý của quán thân, quán tâm, quán vô thường, quán thọ.
LION KING
Tôi từng có nói đến nguyên tắc DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN trong giáo dục con cái. Nghĩa là chỉ cần giữ lấy cái cốt lõi và căn bản, linh động và bỏ qua những điều bất như ý lặt vặt. Cha mẹ nói càm ràm quá nhiều những thứ lặt vặt sẽ bị con cái khinh nhờn vì tự bỏ mất uy phong.
Cả rừng già phải khiếp sợ con sư tử vì nó ít nhảy nhót, ít nói năng tào lao nhặng xị như đám chim sáo chim ri. Sư tử cả tháng chỉ gầm lên đôi ba bận nhưng khi nó gầm, cả rừng im phăng phắc, khỉ ngưng chuyền cành, chim ngừng hót, ngựa vằn ngừng gặm cỏ. Tất cả đều lắng tai nghe và quy phục.
Tại sao vậy?
Vì nó chỉ gầm khi cần thiết. Nó không gầm tào lao. Cha mẹ muốn có uy như sư tử thì hãy cất tiếng khiển trách con đúng lúc, đúng phong độ. Uy nghi và đĩnh đạc.
Hãy xem phim LION KING 1 để hiểu thế nào là vừa có uy vũ vừa có nhân từ. Theo tôi, đó là bộ phim kinh điển độc nhất vô nhị, đáng xem nhất về giáo dục học và nuôi dạy trẻ em.
Xăm trổ, nhuộm tóc, mặc quần bò thủng, ăn vặt, lười ăn là những thứ vặt vãnh. Bậc cha mẹ trí tuệ không nên để tâm quá nhiều. Một phụ huynh mang tướng tinh sư tử sẽ nói như sau:
“Con thích xăm trổ phải không? Quyền tự do cá nhân đúng là phải được tôn trọng. Xăm trổ không phải là xấu và không phản ánh tính cách và nhân phẩm của con người. Tuy nhiên, đa số dân Việt hiện bây giờ không có thiện cảm với dân xăm trổ. Từ lâu, người ta đã đồng nhất (stereotype) dân xăm trổ với du côn, tội phạm. Nếu con thích xăm trổ, con sẽ bị người đời hiểu lầm. Bị hiểu lầm thì rất thiệt thòi, cả trên giảng đường và cả trong con mắt của anh em thân hữu. Tùy con quyết định. Theo ta, xăm trổ là việc không nên.”
Một phụ huynh khả kính chỉ nên dừng lại ở đó. Không nói thêm, không càm ràm, không nhảy xếch, không gầm gừ, không đấm ngực, không khóc lóc trước sự xăm trổ và ăn mặc (tạm gọi là nhí nhố) của con.
Trẻ em tuổi teen thích nổi trội nhưng họ còn bồng bột và nông nổi trong cách thể hiện cái tôi. Chuyện đó rất bình thường. Thời gian sẽ giải quyết tất cả. Cha mẹ không nên can thiệp quá sâu.
BỐN MẦM ĐẠI HỌA
Nhưng những biểu hiện cho thấy bốn mầm đại họa thì phải lập tức chặn đứng bằng mọi giá. Bốn mầm đại họa đó là:
THAM LAM – ÍCH KỶ: Một đứa trẻ có biểu hiện tham lam ích kỷ, khi lớn lên sẽ không có tầm nhìn xa. Ích kỷ tham lam rất dễ đi đến tội ác và mê muội. Càng tham thì càng mất. Càng ích kỷ lại càng không giữ được gì. Đó làm sự thật hiển nhiên. Bàn tay mở ra thì nhận thêm, bàn tay nắm chặt thì không nhận thêm gì cả.
NÓI DỐI – Nói dối là biểu hiện bên ngoài của hèn nhát và tham lam. Hèn nên không dám đối mặt sự thật. Tham nên nói dối để mưu lợi cá nhân. Kẻ nói dối luôn bị khinh bỉ và xa lánh. Bị đồng loại xa lánh thì không thể thành công được.
HÈN NHÁT – Hèn nhát không có nghĩa là không dám đánh nhau. Hèn nhát là kém khả năng chấp nhận sự thật. Bị tiền bạc mua chuộc, bị tham dục tấn công, chi phối. Một kẻ hèn nhát không thừa nhận mình sai thì không thể tiến bộ. Xã hội có nhiều kẻ hèn nhát thì xã hội sớm bị hủy hoại.
LƯỜI BIẾNG – Lười biếng thì không làm nổi bất cứ điều gì. Tệ hại nhất của lười biếng là lười nghĩ. Lười nghĩ, lười tư duy, lười học là cội nguồn của ngu dốt, tội ác và chết chóc.
BẠO LỰC VÀ TÀN NHẪN – MÔ THỨC GIÁO DỤC ĐỈNH CAO
Ngạn ngữ có câu: Chính nhân cầm roi, roi biến thành phất trần. Ác nhân cầm phất trần, phất trần biến thành đao kiếm. Quân tử dùng tà pháp, tà pháp biến thành chánh pháp. Tiểu nhân dùng chánh pháp, chánh pháp tự biến thành tà. Điều này đúng với một câu đầu tiên trong Kinh pháp cú: Tâm dẫn đầu các pháp, tâm là chủ tạo tác.
MÔ THỨC GIÁO DỤC NÀO LÀ ĐỈNH CAO?
Bấy lâu nay các nhà giáo dục Âu – Mỹ chủ trương nói không với roi vọt và chỉ dùng lời phân tích yêu thương. Họ khẳng định 100% đây là kiểu hình giáo dục lý tưởng và văn minh. Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
Tâm thức trẻ em có phần thánh thiện nhưng cũng có phần hoang dại như dã thú. Hồn nhiên, trong sáng, chân thành, vô tư là trẻ em. Nhưng thích làm bậy theo ý muốn, tự mãn, đố kỵ, ích kỷ, tham lam cũng là trẻ em.
Sau khi nghiên cứu các lý luận giáo dục đông tây, kim cổ, tôi nhận thấy:
1. Không thể dùng bạo lực ngôn từ với trẻ em. Các triết gia, các đại minh sư thế giới đều không dùng bạo lực ngôn từ với trẻ hoặc với những kẻ tâm thức còn yếu. Tuy nhiên, cũng lưu ý, đối với kẻ có tâm thức cao hơn thì lại không sao. Ở Nhật Bản có Thiền phái chưởi. Cứ vào gặp sư phụ là đệ tử bị chưởi và sỉ nhục. Môn sinh bị hành hạ cả về thể xác và ngôn ngữ theo một phương pháp rất bạo lực. Ai qua được với tâm thái bình an và vui vẻ thì thành coi như đã tốt nghiệp và đắc đạo.
2. Tôi nhận ra đôi khi dùng roi vọt với trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, người cầm roi phải kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Anh ta đánh vì mục đích rõ ràng chứ không nên chỉ vì sự tức giận của cá nhân mình. Người đánh trẻ phải làm chủ được từng roi đánh xuống. Chỉ đánh vào chỗ không nguy hiểm (lưng, mông đít…) và đánh trong ngưỡng đứa trẻ có thể chịu đựng được. Đánh để giáo dục thì không hề có mắng chưởi kèm theo, không hề có giận dữ. Lượng roi vụt phải hợp lý với lỗi lớn hay nhỏ. Ít tuổi đánh ít, nhiều tuổi đánh nhiều tuy là cùng một lỗi. Làm được điều này không hề đơn giản nên người bình thường không thể làm nổi. Các tôn sư như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Mạnh mẫu…đều làm được như vậy.
3. Khi trẻ phạm lỗi (lười biếng, tham lam, ích kỷ, bất cẩn, vô lễ…), ta đánh trẻ bằng roi, bắt chúng nằm ra ghế dài hoặc chổng mông là cực kỳ hiệu quả. Hiệu quả hơn nhiều lời yêu thương hay phân tích đúng sai kiểu giáo dục Âu-Mỹ. Bạn lo sợ tổn thương tâm lý? Đừng nghe lời nhận định vô căn cứ của lý thuyết giáo dục Âu-Mỹ. Thực tế chúng ta đều biết đánh con trong tình yêu thương thì không hề gây ra tổn thương tâm lý cho con. Chỉ khi bạn đánh chúng trong sự giận dữ và căm thù thì mới có tổn thương tâm lý.
4. Tại sao những thiếu nữ dọa tự tử khi cha mẹ không mua cho chúng iphone đời mới nhất? Đơn giản vì chúng nắm được yếu điểm của cha mẹ là sợ chúng chết. Hãy để chúng hiểu ai cũng đáng quý và có vị trí như nhau. Chúng là người như bao người khác, không hơn ai cũng chẳng kém ai. Một anh bạn kia có con gái dọa tự tử, anh ta dẫn nó ra giữa cầu Long Biên rồi đỗ xe lại. Anh ta bảo con: Bây giờ bố cho con 5 phút để nhảy xuống cầu. Nếu trong 5 phút mà không nhảy thì chính tay bố sẽ đẩy con xuống. Đứa con hoảng hốt, quỳ xuống lạy xin bố tha tội và thề sẽ không dọa chết nữa.
Đó chính là nguyên lý VÔ CÙNG YÊU THƯƠNG BẰNG CÁCH VÔ CÙNG TÀN NHẪN!
Ta cho rằng giáo dục bằng đòn roi là ngu xuẩn thì đương nhiên bạn phủ nhận Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và hàng ngàn học giả phương Đông khác.
Tri thức và tuệ nhãn của các vị ấy thua kém ta bây giờ sao? Không hề! Kiến thức của ta chỉ bằng một phần tư cái đít con vi khuẩn, còn trí tuệ của các vị hiền nhân đó như đại dương mênh mông vậy. Thế mà họ vẫn đánh trẻ bằng roi đó thôi. Có sao đâu? Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh của quý vị hồi nhỏ cũng đã từng bị bố và thầy giáo tẩn cho đến nơi đến chốn đó nha!
LƯƠNG TÂM CON TRẺ
Như tôi từng nói, mỗi chúng ta đều có một nửa thánh thiện và một nửa ác quỷ. Vấn đề là những thời điểm nào trong đời người và với từng cá nhân thì một nửa nào đó sẽ chiếm ưu thế. Học hành, nhẫn nại, duy trì giới luật suy cho cùng là để nửa thánh thiện được khởi sáng, chiếm ưu thế, và đưa cái phần ác quỷ vào trạng thái ngủ đông hoặc tiêu trừ dần nó đi.
Ở trẻ em cũng như vậy. Nhưng trái với người lớn, phần thánh thiện của trẻ bao giờ cũng chiếm ưu thế. Chẳng hạn, đứa trẻ phạm lỗi thì biết sợ trong khi người lớn phạm tội tày trời mà mặt vẫn tỉnh queo. Trẻ em cũng ít nói dối như người lớn. Chúng ta hẳn còn nhớ ở Mê Linh có cháu bé lớp Năm đánh mất 500K tiền quỹ lớp nên đã xấu hổ tự tử để chuộc lỗi. Trong khi Vinashin làm thất thoát mấy chục ngàn tỷ đồng thì ai cũng nói mình làm đúng quy trình. Hai sự kiện đó xảy ra đồng thời năm 2012.
Mỗi lần trẻ phạm tội gì đó, tự cháu bé thích được phạt. Nó cảm thấy áy náy nếu phạm lỗi mà không bị phạt. Đó là lòng yêu thích sự công bằng và lương tâm trong sáng thúc đẩy nó. Điều này phổ biến ở hầu hết trẻ em, trái lại, rất hiếm hoi ở người lớn.
Nếu ta dùng roi quật trẻ (độ đau đúng mức, không giận dữ, không mắng chưởi) thì trẻ cảm thấy mãn nguyện và thanh thản. Bởi vì lương tâm sáng đẹp và phần thánh thiện của chúng luôn chiếm ưu thế.
Đến đây lại nhớ chuyện Liêm Pha và Lạn Tương Như nước Triệu thời Chiến Quốc. Tương Như là quan văn, chức cao hơn Liêm Pha bên võ. Liêm Pha đố kỵ và ghen ghét Lạn Tương Như. Nhiều lần bêu xấu, chèn ép Tương Như giữa đường, Liêm Pha cố tình sỉ nhục Tương Như trước đám đông. Nhưng Tương Như nhường hết lần này đến lần khác. Liêm Pha thấy lạ, cho người dò hỏi.
Đệ tử của Liêm Pha về bẩm báo: Sở dĩ Tương Như nhường nhịn vì ông ta nói, nếu nội bộ bất hòa, nước Triệu sẽ mất về tay quân Tần. Hai hổ đánh nhau thì thợ săn hưởng lợi. Bởi lẽ đó, Tương Như không tranh hơn thua với Liêm Pha.
Liêm Pha biết chuyện liền cởi áo, tự trói mình lại, bảo gia nhân dẫn đến nhà Lạn Tương Như mà nói rằng:
– Tôi nhiều lần chèn ép, lăng mạ ngài vì lòng tôi không phục. Nay tự thấy mình có lỗi, nếu ngài không đánh tôi 50 gậy thì tôi sống cũng không an lòng. Vậy mong ngài ban hình phạt sớm cho.
Con em của chúng ta cũng có tâm hồn như Liêm Pha vậy.
................................................................
MỜI BẠN GHÉ THĂM FACEBOOK ĐỖ CAO SANG ĐỂ ĐỌC THÊM NHIỀU BÀI VIẾT HẤP DẪN! XIN CẢM ƠN!
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta