TRÁI PHIẾU (P3) - VAI TRÒ TRONG VIỆC ĐIỀU TIẾT CUNG TIỀN CỦA THỊ TRƯỜNG
Chào các bạn, mình đã quay trở lại rồi đây, ở phần 3 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của Trái phiếu trong việc điều tiết Cung tiền của thị trường nhé.
Chào các bạn, mình đã quay trở lại rồi đây, trong phần trước mình đã cùng các bạn tìm hiểu về định nghĩa, đặc điểm cũng như cách phân loại Trái phiếu. Ở phần 3 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của Trái phiếu trong việc điều tiết Cung tiền của thị trường.
1. Cung tiền là gì?
Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rằng cung tiền là gì và cách đo lường lượng cung tiền trên thị trường là như thế nào nhé.
a. Khái niệm:
- Cung tiền (Money Supply - MS): Tổng lượng tiền trong lưu thông trong nền kinh tế được đo lường vào một thời điểm nhất định. Nói cách khác, cung tiền dùng để chỉ lượng tiền lưu hành trong thị trường, trong ngân hàng và cả các cơ quan doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
- Đặc điểm:
+ Cấu tạo của cung tiền bao gồm tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, tiền gửi ngân hàng, séc và nhiều loại giấy tờ có thể quy đổi ra tiền mặt khác.
+ Cung tiền có thể được kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương (NHTW) dựa vào các công cụ Chính sách tiền tệ (Monetary Policy).
b. Cách đo lường Cung tiền:
- M0: Bao gồm toàn bộ tiền mặt và tiền xu được lưu thông trong quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà nó trực thuộc. Một điều cần lưu ý là M0 không bao gồm lượng tiền được gửi trong các hệ thống ngân hàng vì đây không được coi là tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế.
=> Với tính chất dễ dàng thay đổi khi chỉ cần gửi tiền hoặc rút tiền mặt khỏi ngân hàng, khối tiền M0 ít khi được sử dụng để tính toán cung tiền.
- M1 (Tiền tệ thanh toán - Transactions Money): Bao gồm toàn bộ lượng tiền mặt được lưu thông cộng thêm tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản thanh toán, tài khoản vãng lai, séc, hay nói cách khác, khối tiền M1 đã bao gồm M0 trong đó.
=> Đặc điểm chung của các loại hình trên là chúng hoàn toàn có thể sử dụng dễ dàng để thanh toán, và rất dễ dàng để quy đổi thành tiền mặt.
- M2 (Tiền tệ mở rộng – Broad money): Bao gồm M1 cùng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trong các tài khoản tiết kiệm hay tài khoản thị trường tiền tệ (Money market account), chứng chỉ tiền gửi (CD – Certificate of deposit) và một số loại hình gần tiền mặt khác.
=> M2 là khối tiền rộng và có tính thanh khoản kém hơn M0, M1. Bởi các khoản tiết kiệm thì người gửi chỉ được rút tiền khi tới hạn, trong khi chứng chỉ tiền gửi cũng cần được chiết khấu để chuyển đổi sang tiền mặt.
Lưu ý:
Trong M1 đã bao gồm M0 nên:
M2=M1+các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi và một số loại hình gần tiền mặt khác
Các bạn đừng nhầm rằng:
M2=M0+M1+các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi và một số loại hình gần tiền mặt khác
(mình cũng đã mắc phải trước đây).
2. Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations - OMO)
Chúng ta có thể biết được rẳng: Cung tiền được kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương dựa vào 3 công cụ chủ yếu. Chúng còn được gọi là 3 công cụ của Chính sách tiền tệ (Monetary Policy):
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve requirement ratio - RRR) - Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations - OMO) - Lãi suất chiết khấu
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve requirement ratio - RRR) - Nghiệp vụ thị trường mở (Open Market Operations - OMO) - Lãi suất chiết khấu
Ở bài viết này, mình sẽ tập trung khai thác về Nghiệp vụ thị trường mở OMO là gì và vai trò của Trái phiếu được thể hiện thông qua nghiệp vụ trên như thế nào.
a. Khái niệm:
- Nghiệp vụ thị trường mở - OMO: Là một công cụ của chính sách tiền tệ liên quan đến việc mua bán các giấy tờ có giá để kiểm soát lượng tiền cung ứng. (Lãi suất OMO sẽ được bàn đến ở một bài viết khác).
Ở Việt Nam, nghiệp vụ thị trường mở chủ yếu được thực hiện đối với các loại giấy tờ có giá thông qua hình thức đấu thầu. Các loại giấy tờ có giá được phép mua bán trong nghiệp vụ thị trường mở bao gồm:
+ Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
+ Trái phiếu Chính phủ (bao gồm: Tín phiếu Kho bạc, Trái phiếu Kho bạc, Trái phiếu công trình Trung ương, Công trái xây dựng Tổ quốc…)
+ Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
+ Trái phiếu Chính quyền địa phương
b. Tác động đến sự thay đổi lượng cung tiền:
Nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ rất quan trọng của chính sách tiền tệ. Đây là yếu tố quyết định đối với những thay đổi của cơ số tiền tệ khi việc mua bán các giấy tờ có giá trên thị trường mở sẽ làm tăng hoặc giảm cơ số tiền tệ. Do đó, nó sẽ làm tăng hoặc giảm lượng tiền tệ cung ứng trên thị trường.
Ví dụ:
- Khi mua giấy tờ có giá từ các NHTM, NHTW sẽ làm tăng dự trữ của các ngân hàng, từ đó dẫn đến kết quả là tổng lượng cơ sở tiền tăng lên và lượng cung tiền cũng tăng.
- Trong khi đó, NHTW thực hiện bán các giấy tờ có giá thì việc thanh toán khi mua các giấy tờ này sẽ làm giảm dự trữ của các NHTM. Do đó, cơ số tiền tệ và lượng cung tiền trên thị trường giảm.
c. Trái phiếu chính phủ được ưu tiên sử dụng:
Về mặt lý thuyết, NHTW có thể điều chỉnh lượng cung tiền thông qua bất kỳ loại giấy tờ có giá nào trong thị trường mở. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các loại giấy tờ có giá đều không sẵn sàng để trao đổi vì tính thanh khoản khá thấp. Chính vì lẽ đó, NHTW sẽ ưu tiên việc mua bán các loại giấy tờ có giá thật nhanh chóng, tiện lợi để điều chỉnh cung tiền kịp thời với từng thời điểm thích hợp.
Các điều kiện trên đòi hỏi loại giấy tờ này phải được trao đổi linh hoạt, đồng thời, chúng còn phải đáp ứng các giao dịch mà không làm bóp méo hay đổ vỡ thị trường. Chính vì lẽ đó, ở hầu hết các quốc gia, Trái phiếu Chính phủ thường được NHTW sử dụng trong thị trường mở vì nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.
KẾT LUẬN: Vậy chúng ta có thể thấy rằng việc Mua bán Trái phiếu chính phủ của NHTW chính là cách để điều tiết Cung tiền trên thị trường khi mà việc mua TPCP từ các NHTM là một cách hiệu quả để NHTW tăng Cung tiền của thị trường trong khi việc bán TPCP khiến cho lượng tiền lưu thông thu hẹp lại.
Cảm ơn các bạn đã cùng mình trải qua 3 bài viết về Trái phiếu, mình rất mong có thể chia sẻ thêm nhiều kiến thức và cũng hy vọng sẽ nhận được nhiều bài viết hay từ mọi người nhằm góp phần xây dựng kênh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Các bạn có câu hỏi gì thì comment ở dưới nhé, mình sẽ cố gắng trả lời :33
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất