TÂM LÝ HỌC MÀU SẮC VÀ MỘT SỐ THUẬT NGỮ

Tâm lý học màu sắc (color psychology) là một nhánh trong tâm lý học nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc đến đáp ứng tâm lý và hành vi của con người (psychological and behavioral responses). Tâm lý học màu sắc cũng như liệu pháp màu sắc (color therapy) không phải là một ngành khoa học y khoa chính thống nhưng có nhiều nghiên cứu bàn luận các hiệu ứng tâm lý, nhận thức, sinh học và hành vi của màu sắc.[1]
Sự xúc cảm màu sắc (color emotions): là cảm giác xuất hiện khi bị kích thích bởi một hay nhiều màu sắc kết hợp với nhau.[3]
Sự yêu thích màu sắc (color preference): là cảm nhận chủ quan của từng cá nhân lựa chọn màu sắc yêu thích của mình.
Ba thành phần cơ bản của màu sắc (the basis of color-appearance attributes): sắc thái (hue), độ sáng (lightness/brightness/value) và độ bão hòa (chroma/saturation).[3] Để hiểu rõ hơn về các thành phần của màu sắc có thể tham khảo tại đây để dễ nắm bắt các nội dung tiếp theo.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA MÀU SẮC VÀ CẢM XÚC

Mỗi màu sắc có bước sóng (wavelength) khác nhau, do đó kích hoạt thị giác ở các mức độ rung động khác nhau. Các sóng rung này sau đó sẽ dẫn truyền tín hiệu thị giác đến vỏ não (cerebral cortex), tạo ra các hiệu ứng kích thích trên toàn bộ cơ thể. Từ đó, tác động đến sức khỏe con người ở các phương diện sinh lý (physiology), tâm lý (psychology) và cảm xúc (emotion).[1]
Ở mức độ vĩ mô như quy hoạch đô thị, thiết kế và hoạch định màu sắc (color planning and design) cho không gian xanh (green space và blue space) không chỉ dựa trên tiêu chuẩn thẩm mỹ mà còn có những tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần (physical and mental health) của cư dân. Nghiên cứu của Wan và cs (2020) tại thành phố Dujiangyan ghi nhận cảm nhận niềm vui (perceived pleasure) của cư dân thành phố có mối liên quan mạnh với các bố trí màu sắc không gian (color space color collocation).[1]
Ở mức độ cá nhân, dựa trên các phân tích, ảnh hưởng của màu sắc đến tâm lý chủ yếu liên quan đến độ sáng (lightness/brightness/value) và độ bão hòa (chroma/saturation), ít liên quan đến sắc thái (hue).[1], [3], [4] Nghiên cứu của Wilms (2018)[5] khảo sát ảnh hưởng của ba thành phần màu sắc đến cảm xúc con người. Trong đó, các đối tượng tham gia nghiên cứu bình chọn những màu bão hòa và có độ sáng cao liên quan nhiều nhất đến trạng thái tỉnh thức cao (activated) và sự thoải mái (pleasant). Riêng về sắc thái, hiệu ứng tỉnh thức giảm dần từ đỏ, xanh lá sang xanh dương. Ngoài ra, có một số tương tác của ba thành phần màu sắc đến các cảm xúc thuộc hai trục đánh giá tỉnh thức và thoái mái. Ví dụ, người tham gia bình chọn sắc thái xanh dương có độ bão hòa và độ sáng cao liên quan nhiều nhất đến sự thoải mái so với các sắc thái màu khác cũng như sắc thái xanh dương ở các độ bão hòa và độ sáng thấp hơn.

Hình 1. Thang đánh giá cảm xúc 2 trục (arousal-mức độ tỉnh thức và valence-mức độ thư giãn, thoải mái). Nguồn: https://i.pinimg.com/originals/5e/3f/22/5e3f22e4edabd7b8d221630f021ee04f.jpg

Ngược lại, liên quan đến mức độ yêu thích màu sắc (color preferences), nghiên cứu cho thấy mức độ yêu thích của dân số giảm dần từ sắc thái xanh dương đậm (bluer) sang vàng nhạt (less yellow), cũng có một số đan xen nhỏ với độ sáng (lightness) và độ bão hòa (saturation) (xem thêm hình 2).[2] Vì vậy, mọi người cần tránh nhầm lẫn giữa màu sắc mà mình yêu thích (Hình 2) với ảnh hưởng của màu sắc lên trên cảm xúc đã trình bày ở phía trên!

Hình 2. Tần suất bình chọn màu sắc yêu thích theo sắc thái, độ bão hòa và độ sáng (trái); màu không sắc thái (tức biên độ từ trắng, xám sang đen) (phải) [2]

MỘT VÀI CÁCH DÙNG MÀU SẮC ĐỂ QUẢN LÝ CẢM XÚC 

Có nhiều nguồn tham khảo trên Internet khi dùng từ khóa "color psychology" mà mọi người có thể tự tìm hiểu thêm. Mình giới thiệu ở đây một trang web có đuôi .org theo mình là có uy tín: https://www.colorpsychology.org/, trình bày chi tiết cho từng sắc thái màu và cảm xúc tương ứng cũng như các hiệu ứng khác. Có thể tóm gọn thông tin mà nhiều người đều biết là nhóm màu nóng và nhóm màu lạnh. Màu nóng sẽ thiên về trục activated và unpleasant. Màu lạnh thì thiên hướng deactivated và pleasant. Như chia sẻ ở trên, sắc thái không phải là yếu tố chính quyết định cảm xúc và cũng rất khó thay đổi (ví dụ ngoại cảnh, sơn tường trong công ty hay phòng/chung cư thuê, v.v...) nên mọi người chú trọng về cách thay đổi độ sáng và độ bão hòa bằng các điều chỉnh hay bổ sung nhỏ ở mức độ cá nhân thôi.
Ở phần cuối này, mình chỉ chia sẻ một số trải nghiệm và quan sát cá nhân trong việc quản lý cảm xúc. Thực tế thì mình học cách quan sát cảm xúc của mỗi ngày, trước khi tìm hiểu về chứng cứ khoa học của màu sắc đến cảm xúc như phần trình bày ở trên. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát rồi đối chiếu với các tài liệu thì thấy có sự trùng khớp nhất định. Vì vậy, mình cũng tự tin hơn khi chia sẻ. Dựa theo thang đánh giá cảm xúc ở hình 1, mục tiêu quản lý cảm xúc của mình là điều chỉnh cảm xúc về góc phần tư phía trên bên phải - tức là trạng thái năng động và thoải mái khi cần làm việc hoặc góc phần tư phía dưới bên phải - tức trạng thái thư giãn lúc nghỉ ngơi. Sau đây là một số điều chỉnh nhỏ trong cuộc sống hằng ngày:
Điều chỉnh ánh sáng của phòng cá nhân khi thức dậy vào buổi sáng hoặc nơi làm việc, nhất là những ngày trời âm u, lành lạnh. Mặc dù không thể thay đổi màu sắc trong phòng nhưng tăng độ sáng sẽ tăng cảm giác hưng phấn và có nhiều hứng khởi trong mọi việc. Mỗi khi cảm giác buồn mênh mang vô cớ, hãy nhớ kiểm tra lại ngay tình trạng ánh sáng trong phòng, bên cạnh việc ngủ đủ giấc, tập thể dục thì một thay đổi nhỏ về ánh sáng cũng sẽ giúp tăng mood đáng kể! Nếu không thể thay đổi ánh sáng trong phòng, hãy đến một quán cà phê hay góc nhỏ nào đó có ánh sáng phù hợp để thoát khỏi cảm xúc trì trệ. Ảnh hưởng của thời tiết, nhất là nhiệt độ, độ ẩm, các hiện tượng thời tiết là một phạm vi khác không nằm trong chủ đề này nhưng có sự liên quan nhất định, chẳng hạn như bệnh trầm cảm theo mùa. Mọi người có thể tự tìm hiểu thêm nhé!
Ngược lại, vào thời gian chuẩn bị đi ngủ, hãy giảm/tắt ánh sáng phòng ngủ. Nếu nhà có thiết kế hai loại đèn thì hãy chọn màu đèn xanh dương dành cho buổi tối dễ ngủ. Mình thì thích ngủ tắt đèn nên màu đèn không quan trọng lắm. Hạn chế hoặc tốt nhất là không sử dụng thiết bị điện tử kích thích sự tỉnh thức của mắt và não bộ. Ngoài việc không sử dụng các thức uống chứa caffein từ chiều đến tối, tập thói quen lên giường đúng giờ, điều chỉnh ánh sáng sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Mọi người khi ra ngoài thường chọn màu sắc quần áo (chủ yếu là về sắc thái) theo thời tiết và sở thích. Tuy nhiên, hãy nhớ đến độ sáng và độ bão hòa màu nữa nhé. Nếu ngày trời buồn bả âm u, dễ làm tâm trạng trì trệ khó hiểu, bên cạnh chọn màu áo yêu thích, hãy để ý đến độ sáng và độ bão hòa của màu. Ví dụ, bạn thích màu hồng thì chọn màu hồng có độ bão hòa và độ sáng cao để nâng tâm trạng của bản thân và cả người xung quanh nữa nè. Nếu là các bạn yêu thích sự đơn giản và tiết kiệm thì áo trắng là thứ khiến bạn không phải lo lắng nha! Ngược lại, nếu ngày trời nắng gắt, chọn màu bớt chói lóa sẽ làm bạn và bè cảm thấy dễ chịu hơn. Áo trắng cũng có nhiều tôn màu (độ sáng, độ bão hòa) nên ngày nắng thì hạn chế áo trắng tinh nha. Còn những dịp đặc biệt như đi biển thì mình miễn bàn, lúc đó mà không có mood nữa thì thôi khỏi đi cho "phẻ"!
Tạo mảng xanh thực vật trong nhà cũng là một cách chủ động thay đổi sắc thái màu. Xanh lá mang lại cảm giác bình yên, tươi mát. Tuy nhiên, nên lưu ý về độ lớn và độ kín của không gian liên quan đến lượng khí thải từ quá trình hô hấp của cây vào ban đêm. Một vài cây thì ổn nhưng một rừng cây thì coi chừng muỗi và nhiều bất tiện khác!
Vật liệu bằng kim loại sẽ làm phản xạ ánh sáng nên nếu phòng ở vị trí hơi âm u thì kê thêm một cái bàn hoặc giá sách bằng chất liệu và bề mặt có độ sáng cao sẽ tăng độ sáng khi bật đèn. Ngược lại nếu sơn tường quá sáng thì sử dụng màu nâu xám, màu gỗ cho các vật dụng trong nhà sẽ giúp điều hòa màu sắc cho mắt, cân bằng cảm xúc tốt hơn!
Cuối cùng thì chỉ muốn nhắn nhủ rằng hành trình cuộc đời của mỗi người là chuỗi những trải nghiệm và khám phá để hiểu rõ về bản thân. Những chia sẻ này là trải nghiệm của cá nhân không phải là thước đo hoặc chân giá trị mà ai cũng áp dụng được. Thực tế là các nghiên cứu về màu sắc và cảm xúc cũng còn có những điểm không đồng nhất hoặc các kết luận có tính chất số đông chứ không phải là giá trị tuyệt đối. Do vậy, nếu thấy không phù hợp có thể phương thức đó không dành cho bạn. Hãy dũng cảm bước đi bằng cảm nhận của bản thân. Chúc mọi người luôn vui trên hành trình của cuộc đời mình!

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Research on Color Space Perceptions and Restorative Effects of Blue Space Based on Color Psychology: Examination of the Yijie District of Dujiangyan City as an Example
2. The processing of color preference in the brain
3. A study of colour emotion and colour preference. Part I: Colour emotions for single colours
5. Investigation of human's emotional responses on colors
4. Color and emotion: effects of hue, saturation, and brightness