Kỳ 1 mình đã “điểm danh” các dụng cụ cần thiết sử dụng để tráng film đen trắng. Trong kỳ 2 này mình sẽ đi vào trọng tâm bài viết là trải nghiệm công việc tráng cuộn film đen trắng lần đầu tiên của bản thân. Chúng ta tiếp tục nhé:

GIAI ĐOẠN 1: Lắp phim vào reel tráng – Cho reel tráng vào tank – Đậy nắp tank - Hoàn thành các bước cần thực hiện trong phòng tối

Sau khi có hết đồ nghề tráng film cần thiết và đương nhiên quan trọng nhất là bạn có 1 hoặc 2 cuộn film đen trắng đã chụp nhưng chưa tráng. Bây giờ sẽ lắp film vào reel tráng trong “túi đen” hoặc phòng tối hoặc cách nào đó trong bóng tối hoàn toàn (nhìn chung ko để ánh sáng chiếu lên film chưa tráng khi thực hiện lắp vào reel tráng). Chi tiết thao tác lắp film vào reel các bạn có thể search video trên mạng hoặc mình hẹn 1 bài viết khác tự làm video hướng dẫn cụ thể.
Khi đã lắp xong phim vào reel thì bạn cho reel tráng phim vào tank, đậy nắp tank lại. Các bước đến hiện tại đều phải thực hiện trong điều kiện không có ánh sáng cho đến khi nắp tank đã đậy chặt. Tank tráng được thiết kế để khi đậy nắp tank thì trong đó kín ánh sáng hoàn toàn nhưng vẫn cho phép đổ hóa chất vào và ra. Từ bước này các thao tác có thể thực hiện bên ngoài ánh sáng.
Hình 1: tank tráng đen và nắp đậy. 2 reel tráng màu trắng lắp được mỗi reel 1 cuộn film 135 hoặc 120. Reel bên trên đã lắp film (tráng rồi), reel dưới chưa lắp film.

GIAI ĐOẠN 2: Ngâm nước lần 1 – Đổ thuốc dev – Ngâm nước lần 2 – Đổ thuốc fix – Ngâm nước lần 3

Nếu có điều kiện thì 3 lần ngâm nước các bạn đều dùng nước tinh khiết, không thì lựa chọn thay thế là nước khoáng tinh khiết aquafina, kém hơn chút nhưng vẫn xài được là nước máy. Mục đích của việc dùng nước tinh khiết là tránh các phản ứng không mong muốn (do nước không tinh khiết thì có các khoáng chất ngoài nước, mà việc tráng film là quá trình phản ứng hóa học của các hóa chất phủ lên film và hóa chất tráng) đồng thời nước không tinh khiết như nước máy sẽ còn cặn, bụi bẩn có khả năng gây xước phim khi tráng dẫn đến việc scan phim sau này nhìn thấy những vết xước không mong đợi. Tuy nhiên mới tráng thì điều kiện tráng tốt chưa có nên không cần quá khắt khe, có thể dùng nước máy ở cả 2 lần ngâm đầu, lần thứ 3 thì nên xài nước khoáng. Pha thuốc thì nên dùng nước khoáng. Do đó vẫn cần mua chai nước khoáng cỡ lớn (5l) để xài.
Các bước thực hiện:
1. Ngâm nước lần 1:
Mục đích để lớp nhũ tương trên phim ngậm nước, hơi ẩm chút để dễ phản ứng với thuốc dev đổ sau đó. Rót 1 lần nước đầy > đổ ra > rót lại 1 lần nước đầy > ngâm. Một số film khiến nước có chút màu, một số thì không. Ngâm tầm vài phút, cũng không quá khắt khe thời gian.
2. Đổ thuốc dev:
Giai đoạn này gồm các công việc chính theo tuần tự: chuẩn bị thuốc > đo nhiệt độ thuốc > check thời gian dev cần thiết > đổ nước ngâm phim ra > đổ thuốc dev vào > bấm giờ > đổ thuốc dev ra.
Trước tiên phải chuẩn bị thuốc dev trong lúc chờ ngâm nước. Mình có nói chuẩn bị 3 cái ca nhựa có vạch chia thì 1 cái để đựng nước (không cần ghi tên), 1 cái đựng thuốc dev và 1 cái đựng thuốc fix (2 cái đựng thuốc thì ghi tên tránh nhầm). Như đã nói ở kỳ 1, mình mua thuốc dev và fix đều ở dạng dung dịch cô đặc, chỉ cần pha với nước là thành thuốc tráng. Thuốc dev là loại D76, lọ 60ml dung dịch cô đặc D76 mua về bạn đổ vào ca nhựa có vạch chia đựng thuốc dev rồi đổ thêm 540ml nước thành 600 ml dung dịch thuốc (gọi cái 600ml dung dịch này là “stock”). Bạn cũng có thể pha 60ml dung dịch cô đặc D76 với 1140ml nước thành 1200ml dung dịch thuốc (gọi cái 1200ml dung dịch này là “1:1”). Stock và 1:1 là “dilution” (tỷ lệ pha loãng), có sự khác nhau là nồng độ hóa chất trong dung dịch, dẫn đến thời gian tráng sẽ khác nhau và tác động lên ảnh phim cuối cùng cũng khác nhau. Stock nồng độ hóa chất đậm đặc hơn 1:1 nên thời gian tráng ngắn hơn. Đọc được trên mạng thì thấy bảo thời gian tráng ngắn thì ảnh sáng hơn, độ tương phản trung bình, mịn hơn còn tráng lâu thì tối hơn, tương phản tăng và nổi hạt (noise). Vì sao lại vậy thì cần biết về cách thức phản ứng hóa học xảy ra giữa hóa chất dev và hóa chất phủ phim, mình có thể chia sẻ trong bài viết khác.
Tiếp theo là đo nhiệt độ thuốc dev: cắm nhiệt kế (điện tử hoặc thủy ngân) vào dung dịch thuốc, chờ chút để có kết quả nhiệt độ. Sau đó lên website địa chỉ: https://www.digitaltruth.com/devchart.php để tra cứu thời gian cần thiết để dev. Chỉ cần nhập tên film đen trắng, loại thuốc dev sử dụng (ở đây mình dùng Ilford HP5+ và thuốc D76 – 1:1) và nhiệt độ thuốc là trang web sẽ đưa ra thời gian dev cần thiết. Chi tiết cách tra mình sẽ chia sẻ trong bài viết khác.
Đến bây giờ, phim cũng đã được ngâm nước vài phút, ta sẽ đổ nước ra 1 ca không ghi tên như đã nói trên. Nước ngâm lần 1 này có thể dùng lại trong lần ngâm nước 2 (hoặc không thì dùng nước mới cũng đều được) và 2 lần ngâm đầu này dùng nước máy cũng ok mà có điều kiện thì dùng nước khoáng.
Đổ nước ra khỏi tank rồi đến đổ thuốc dev trong ca nhựa đựng thuốc dev vào. Bấm giờ bằng đồng hồ bấm giờ hoặc smartphone đều được, thời gian là thời gian cần thiết để dev đã tra được phía trên. Có 1 kinh nghiệm truyền miệng của các tiền bối là “chụp già tráng non” tức là khi chụp thì nên chụp dư sáng 1 chút và khi tráng thì tráng ngắn hơn 1 chút (tức: ví dụ tra được thời gian cần thiết để dev là 13 phút trong điều kiện dung dịch thuốc 20 độ C chẳng hạn thì chỉ tầm 12 phút hoặc loanh quanh vậy là bạn đổ thuốc dev ra được rồi).
3. Ngâm nước lần 2:
Khi đổ thuốc dev ra khỏi tank thì ngay lập tức đổ nước vào (có thể dùng lại nước ngâm lần 1 như đã nói trên hoặc dùng nước mới). Mục đích là để trung hòa thuốc dev vẫn còn bám ít lên bề mặt phim và có khả năng tiếp tục tác dụng với hóa chất trên phim gây ra việc bề mặt phim phản ứng thuốc không đều làm ảnh cuối cùng cũng bị ảnh hưởng sáng tối loang lổ.
Thuốc dev có tính kiềm, thực tế ở bước này người ta có thể sử dụng 1 loại thuốc gọi là stop bath (thuốc hãm/dừng hình) có tính axit để trung hòa thuốc dev còn dư lại (dấm ăn là 1 loại dung dịch có thể làm thuốc hãm nhưng cũng cần đúng tỷ lệ). Tuy nhiên khác biệt giữa dùng nước trung hòa và thuốc hãm thì giai đoạn mới tráng film chưa cần quá quan tâm.
4. Đổ thuốc fix:
Ngâm nước vài phút (2-3 phút là ok) rồi đổ nước ra can nhựa 1 lần nữa, đến khi này ta hoàn toàn có thể bỏ nắp đậy tank ra mà không sợ ánh sáng ảnh hưởng đến film. Giờ bỏ nắp đậy tank ra và kiểm tra film trên reel tráng, nếu thấy bề mặt phim có màu đen, trắng rồi tức là có ra được ảnh còn nếu không thấy gì là hỏng, hoặc lúc chụp hỏng hoặc thời gian dev chưa đúng. Nếu không hỏng thì đổ thuốc fix vào để tiếp tục. Nhìn chung dùng thuốc fix đơn giản hơn nhiều so với khi dev, không cần đo nhiệt độ rồi tra thời gian gì cả, các bạn quan sát trực tiếp bằng mắt cho đến khi thấy rìa phim (chỗ 2 hàng lỗ chạy dọc theo dải film) từ màu trắng chuyển sang trong suốt, nhìn xuyên qua được thì là xong. Tuy nhiên vẫn nên ngâm thêm độ 1,2 phút nữa từ khi phát hiện rìa phim chuyển sang trong suốt để đảm bảo rìa phim đã ngấm thuốc đều ko sẽ để lại vài chỗ chưa ngấm thuốc sau khi tráng xong và chỗ đó vẫn còn màu và không nhìn xuyên qua được.
5. Ngâm nước lần 3 (lần cuối):
Nên dùng nước khoáng rửa để loại bỏ cặn, bụi bẩn nếu có ở trên bề mặt phim do các bước trước đó dùng nước máy có thể không sạch. Thời gian cũng chỉ cần vài phút, không quá khắt khe.

GIAI ĐOẠN 3: Phơi phim – Thành quả (Phim âm bản)

Sau khi ngâm nước lần cuối thì ta có thể lấy film ra khỏi reel tráng bằng cách: giữ nửa dưới reel, xoay nửa trên (dùng lực chút, không sợ hỏng). Reel bung ra và lôi dải film ra, dùng kẹp bướm (kẹp giấy loại to) kẹp đầu trên dải. Về màu sắc trên dải film âm bản, bạn sẽ thấy những ảnh có hình sẽ có màu đen, trắng rõ, đoạn đầu dải do khi lắp phim vào máy ảnh mà không trong phòng tối sẽ bị cháy 1-2 tấm đầu, ở đó sẽ trong suốt. Bạn kẹp đầu dải ở chỗ trong suốt, không lo bị vào ảnh. Lưu ý là không cầm trực tiếp lên bề mặt phim vừa rửa, dấu vân tay và bụi bẩn có thể dính lên bề mặt phim chưa khô, bạn dùng 2 ngón tay để từ ngoài vào 2 rìa phim như gọng kìm để giữ phim (hình 2).
Hình 2: cuộn film đã tráng và cách cầm film vừa tráng xong còn chưa phơi, tránh ngón tay chạm lên bề mặt film.
Phía dưới cũng kẹp 1 cái kẹp bướm nhưng hãy gắn thêm cục nặng gì đó vào (đủ nặng thôi) để giữ phim thẳng. Trong phòng điều hòa thì tầm 1 tiếng sẽ khô, muốn nhanh thì bật thêm quạt, nếu dùng máy sấy thì không bật chế độ nóng.
Khi phim khô là lúc ta có thành quả là dải film âm bản, bây giờ có thể cho vào túi nilon bảo quản, mang ra hàng scan hoặc mua máy tự scan nếu có điều kiện. Chưa thể mang ra hàng hoặc không có tiền mua máy tự scan mà vẫn muốn xem ảnh ngay thì sử dụng cách sau:
1. Cắt frame ảnh ra. Đặt lên trên 1 chiếc đèn led trắng, bề mặt phẳng.
2. Dùng điện thoại thông minh hoặc máy ảnh DLSR chụp lại frame ảnh đó (Hình 3)
Hình 3: Đặt frame ảnh lên mặt phẳng đèn led và chụp lại bằng iPhone.
3. Dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh như Snapseed trên điện thoại hoặc Photoshop trên Desktop để đảo ngược màu.
 4. Tận hưởng thành quả là ảnh lưu dạng jpeg trên điện thoại hoặc laptop để chia sẻ ngay lên mạng xã hội/blog cá nhân rồi (Hình 4)
Hình 4: thành quả cuối cùng, chụp bằng iPhone và chỉnh sửa bằng app Snapseed.
Nếu có máy DLSR full-frame chụp thì tuyệt vời nhất vì chất lượng ảnh cao, dùng phần mềm sửa ảnh đảo ngược màu lại sẽ được ảnh mong muốn.


Tới đây là kết thúc 2 kỳ bài viết về chủ đề: Trải nghiệm lần đầu tráng film đen trắng của mình. Bài viết vừa để lưu lại kỷ niệm của bản thân, vừa muốn chia sẻ để các bạn đang tìm hiểu hoặc cũng có dự định lần đầu tráng ảnh film đen trắng như mình tham khảo. 
Chụp, tráng, rọi ảnh film là cái thú của người chơi film. Là cái thú chơi nên cũng hy vọng được kết bạn, giao lưu cùng các anh chị em cùng chung sở thích. Thân chào và hẹn gặp lại trong các bài viết chia sẻ về ảnh film khác của mình.