Mình của năm 2019
Mình tin rằng ít nhất 1 lần chúng ta đều tự hỏi bản thân về câu hỏi này trong quá trình học đại học.
Nếu không từng gặp mình ngoài đời, chắc ít bạn tin mình đang là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhắc đến sinh viên Bách Khoa người ta nghĩ ngay đến một chàng sinh viên đầu tóc rối bời, dáng vẻ nghiêm túc như cùng cặp kính dày cộp, và nhiều nhiều hình ảnh không lẫn vào đâu được của sinh viên Bách Khoa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ các bạn trẻ. Nói vui thế thôi, chứ sinh viên Bách Khoa giờ khác xưa nhiều rồi, sắp chen chân vào TOP các trường công thu học phí cao nhất cả nước rồi – Hoàng gia lắm.
Quay lại chuyện thi đại học, hồi cấp 3 cứ nghĩ là con trai khối A thì chỉ có vào Bách Khoa chứ học đâu nữa, vốn dĩ khối A là Toán, Lý, Hóa, 3 môn mà bọn con trai thích nhất. Tính mình hồi cấp 3 cũng khá trầm trong lớp, phần là do mình hướng nội nên ít nói, từ đó nghĩ là môi trường Bách Khoa với những con số, máy móc sẽ hợp với mình. Thế là chơi thôi, mình đặt cửa cho Bách Khoa 10 nguyện vọng từ cao xuống thấp, hồi đó khô máu thật. Thế rồi mình đỗ tại nguyện vọng thứ 5, may mà không tạch, nhưng cũng không nghĩ là mình lại vào ngành kỹ thuật nhiệt lạnh, ngành mình không nghĩ là sẽ thi vào. Thôi thì chọn trường là chọn “môi trường”, vào Bách Khoa ra trường cho có giá, lúc đó mình tự động viên bản thân để bắt đầu kỳ học đầu tiên một cách hào hứng.
Nửa kỳ học đầu tiên với số điểm khá tốt, nhưng mình lại thấy sai sai. Quái nhỉ, sao những môn học này khô khan thế, chán thế, chả giống với những gì mình tưởng tượng. Mình từng là một người học khối A mà nhỉ, tại sao mình không còn hứng thú với những con số, với máy móc, với công nghệ? Kế từ đó, mình biết mình đã học sai ngành.
Mình sẽ phân chia các trường hợp như sau:

1. Học đúng ngành

Cái này thì khỏi phải bàn, mình từng mong ước được như vậy khi bắt đầu thi vào Bách Khoa. Cho đến nay mình vẫn rất ngưỡng mộ những người bạn xung quanh đang học tập với niềm say mê trong những ngành học. Khi đã chọn đúng ngành, bạn cứ thế mà học tập và trải nghiệm thoải mái với ngành học của mình. Từ đó bạn sẽ tự thấy yêu thích từng môn học, yêu thích những kết quả mình đạt được trong quá trình học tập, giống như việc học giỏi ở cấp 3, thầy cô yêu quý, bạn bè ngưỡng mộ.

2. Học sai ngành

Mình rơi vào trường hợp này, cảm thấy chán nản với ngành học, luôn tự hỏi sao mình lại vào ngành này, chẳng biết học ngành này sau ra làm gì, luôn hỏi bản thân rằng mình thực sự hợp với ngành nào, thỉnh thoảng mình cam chịu và học như một kẻ vô hồn qua từng môn học… Có lẽ sẽ nhiều bạn đã trải qua cảm giác này rồi đúng không?
Trong học sai ngành, mình tiếp tục chia ra những trường hợp nhỏ hơn:
  • Bỏ học: Đúng rồi, lớp mình có 3-4 bạn đã bỏ học để thi vào trường khác hoặc đi làm luôn do không chịu được việc học trái ngành. Còn nếu bạn đã biết chắc con đường phía trước, biết rõ mình sẽ làm gì sau khi bỏ học thì mình nghĩ việc bỏ học lại rất nhẹ nhàng, nó làm giảm áp lực lên túi tiền của bố mẹ bạn khi phải đầu tư vào những thứ vô nghĩa. Còn chưa biết gì thì thôi đừng có tư tưởng vậy nhé. Không đùa chứ mình từng 3-4 lần nghĩ sẽ bỏ học, một suy nghĩ khá nguy hiểm và sẽ không mấy vui vẻ với bố mẹ
  • Học một cách cam chịu: Mình nghĩ phần lớn những người vô tình học trái ngành hoặc vào rồi mới biết mình không hợp sẽ chọn cách này, khá an toàn. Nhưng đồng nghĩa với việc học mà không biết mình đang học cái gì, không biết kiến thức đang học có nghĩa lý gì cho tương lai hay không. Mình từng cố ép bản thân học trong năm thứ 2 tại Bách Khoa, phải nói là cảm giác này khó chịu và làm mình như thây ma học đường vậy. Có nhiều bạn không thực sự sẵn sàng đi làm sau khi tốt nghiệp, vậy là họ quyết định học tiếp lên cao hơn, đó là một cách làm khá nhiều rủi ro trong thời kỳ thay đổi quá nhanh và trường đại học thì đang ứng biến khá chậm.
  • Học cho qua, làm thêm để tìm ra ngành mà mình thích: Cách này khá giống với cách bên trên, hiện mình đang chọn theo cách này. Nó an toàn hơn cách bỏ học và cũng hiệu quả hơn cách thứ 2 là học một cách cam chịu. Mình nghĩ rằng ở tuổi này, cách làm tốt nhất là như vậy. Mình học cho đủ để qua môn, đôi khi tạch môn vì mình dành phần lớn thời gian để làm và trải nghiệm cuộc sống bên ngoài khuôn viên trường đại học. Đó cũng là cách giúp mình mở mang kiến thức để biết mình thích gì, mình hợp với ngành nào. Trong 3 năm mình đã trải qua khoảng 6-7 công việc làm thêm với đủ mọi ngành nghề từ kỹ thuật, bán hàng cho đến marketing (2 công việc gần nhất cũng là Marketing luôn)
  • Cách cuối cùng là tạm gác lại kỳ học của bạn lại để trải nghiệm bên ngoài thay vì phải ép bản thân vừa học vừa làm. Cách này hiệu quả hơn cách thứ 3 vì bạn có hẳn 1 năm để đi làm và tìm kiếm ngành phù hợp với bản thân. Vậy nên, dành 1 kỳ cho đến 1 năm để đi trải nghiệm bên ngoài cũng là cách để bạn tìm ra đâu là điều mình cần rồi sau đó quay lại học, lúc đó bạn cần chấp nhận học chậm hơn so với bạn bè 1 kỳ cho đến 1 năm.
Mình vẫn luôn quan niệm rằng: “Mọi điều trong cuộc sống này luôn có nguyên do của nó”. Những lựa chọn, dù đúng hay sai đều dẫn chúng ta đến 1 con đường đã sắp đặt sẵn. Mỗi con đường thử thách chúng ra bằng những khó khăn, bằng sự hoan mang, lạc lối để thúc đẩy mỗi người tìm ra con đường đích thực cho mình.
Nếu đã biết mình thích ngành học này, thì cứ thế mà đi thôi, học mọi thứ, tận dụng mọi cơ hội tại trường đại học để trang bị cho bản thân trước khi ra bên ngoài xã hội làm việc. Nếu không may sai ngành, bạn có thể lựa chọn những cách trên như mình đã chia sẻ. Không có điều gì đúng hay sai hoàn toàn, việc tốt nhất bạn có thể làm là cân đo đong đếm sao cho hợp lý nhất rồi lựa chọn, giả sử mình chọn cách này thì kết quả sẽ như thế nào, mọi người xung quanh có bị ảnh hưởng hay không, vậy là được. Mình vẫn nghĩ là đừng chọn cách bỏ học, đó nên là cách cuối cùng khi bạn đã thực sự biết con đường khi bỏ học của mình là gì.
Học đúng hay trái ngành đều có cái sướng, cái khổ của nó, sướng khổ tại tâm mà thôi. Mình đang học trái ngành, nhưng mình chưa từng hối hận khi chọn thi vào Bách Khoa, nơi mình gặp gỡ được rất nhiều con người thú vị và vấp phải những bài học đáng nhớ trong thời sinh viên. Còn hơn 1 năm nữa thôi mình sẽ ra trường. Khi đó, mình sẽ tự tin gia nhập vào thị trường lao động nơi mà mình biết chắc mình cần làm gì. Sống như vậy cũng thú vị nhỉ?
Vậy, bạn đang học đúng ngành hay trái ngành?
Cùng tham gia với chúng mình tại nhóm Viết Lách Mỗi Ngày nhé!