Productivity có lẽ là một định nghĩa không còn quá xa lạ với những ai đang theo dõi Mary. Chăm chỉ làm việc, FOMO(nỗi sợ bỏ lỡ một việc gì đó), nỗi sợ thua kém ai đó,... là những gì mà Mary cũng đã trải qua, và tin chắc rằng rất nhiều người cũng đang trải qua điều đó. Cũng không phải tự nhiên mà loạt sách self-help được in bán tràn lan trên thị trường hay những khóa dạy làm giàu được người ta đua nhau đăng ký. Và đó là khi Productivity trở thành Toxic Productivity.
Định nghĩa về Toxic Productivity:
Theo Mary tìm hiểu được, Toxic Productivity (Hustle Culture hay Workaholism) là khi bạn trở nên ám ảnh với Productivity, đâm đầu vào làm việc và làm việc, đến nỗi chẳng có thời gian để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi hay dành thời gian cho các mối quan hệ. 
Bề ngoài, Toxic Productivity cổ vũ bạn phải làm việc, làm việc không ngừng thì mới thành công, hay đạt được những thành quả đáng mong đợi. Nhưng thực chất, Toxic Productivity cổ súy người ta chỉ quan tâm đến khối lượng công việc thay vì chất lượng công việc. 
Bạn sẽ không khỏi giật mình khi nói chuyện với những người Toxic Productivity. Họ luôn hô hào làm việc cũng như tự hào khoe khoang mình đang làm việc. Họ khó chịu với những khoảng thời gian rảnh của mình, hay thậm chí cả với những khoảng thời gian rảnh của người khác. Nếu không trang bị đủ cho bản thân những kỹ năng, không chỉ họ mà cả bạn cũng sẽ là nạn nhân của năng suất độc hại này.
Vậy đâu là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải Toxic Productivity thay vì Productivity?
1. Làm việc không ngừng, thiếu thời gian nghỉ ngơi và xem thời gian giải trí là tội lỗi
Mary không muốn lên án sự chăm chỉ hay nỗ lực của bất kỳ cá nhân nào, đôi lúc Mary còn rất ngưỡng mộ họ. Thế nhưng sẽ ra sao khi bạn muốn đốt cháy giai đoạn một cách phi thực tế bằng cách ngủ 5 hay 6 giờ trong ngày và trong một thời gian dài. Hơn ai hết, Mary cũng từng như thế, và chính Mary cũng cảm nhận được sức khỏe mình đã đi xuống từng nào. 
Có khi nào sau một ngày học tập hay làm việc dài và trở về nhà, bạn dùng thời gian vài tiếng để lướt mạng xã hội và sau đó trằn trọc, dằn vặt vì mình đã phí phạm thời gian. Thế nhưng bạn ơi, bạn cũng có quyền được giải trí, thật chẳng đáng để bạn phải dằn vặt bản thân khi bạn đã hoàn thành tốt một ngày và làm việc quần quật hơn 8 tiếng đồng hồ.
2. Có những mong đợi phi thực tế về bản thân
“Stay hungry. Stay foolish.”
hay “No pain. No gain”
Nhưng Mary hi vọng bạn và Mary sẽ là người có lý trí, biết mơ ước đúng cách và biết hành động đúng cách. Có phải khi bạn có mong muốn phát triển bản thân, bạn sẽ lên mạng xã hội xem những nội dung về phát triển bản thân hay đắm chìm trong sách self-help. Bạn đi xem những workshop, buổi sharing với mong muốn phát triển hơn nữa, hơn nữa. Và cứ liên tục lặp lại như vậy, bạn bị cuốn trong vòng xoáy phát triển bản thân của chính bạn mong muốn. Đương nhiên, phát triển bản thân không phải là xấu, sách self-help không phải là xấu và dĩ nhiên workshop cũng không phải là xấu, nhưng khi bạn đắm chìm vào nó mà chúng ta không take action, chúng ta không chịu trải nghiệm, không thay đổi, vậy thật sự chúng ta có đang phát triển?
3. Burn out và nghi ngờ bản thân, không ngừng so sánh với người khác
Hơi xấu hổ nhưng Mary đã nghĩ tới nhóm Scholarship Hunters, vì Mary đã từng mỗi ngày vào nhóm để xem mọi người giỏi thế nào, ừ thì mới đầu cũng có tác dụng thật đấy, như được trang bị thêm vũ khí chiến đấu, Mary tràn đầy quyết tâm với khí thế hừng hực. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, khi không đạt được những kết quả mong muốn, Mary bị burn out và không ngừng nghi ngờ bản thân, cảm thấy mình rất vô dụng và không ngừng so sánh với người khác.
4. Ảnh hưởng sức khỏe tâm lý, kiệt quệ về tinh thần
Những điều trên về lâu dài sẽ làm bạn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, kiệt quệ về tinh thần khi bạn không có thời gian để tận hưởng cuộc sống và chữa lành cho bản thân. 
Giải pháp:
1. Sống chậm lại và tự hỏi mình đang làm gì? Chọn lọc và ưu tiên những mục tiêu thật sự thực tế và cần thiết
Hãy tự hỏi đặt câu hỏi cho mình. Mình là ai? Mình muốn trở thành phiên bản như thế nào? Mục tiêu của mình là gì? Hãy liên tục, liên tục hỏi bản thân mình, chỉ có bạn mới có khả năng thật sự thấu hiểu bản thân. Và khi có cho mình câu trả lời, hãy biết cách chọn lọc và ưu tiên những mục tiêu thật sự thực tế và cần thiết. 
Như thế nào là không cần thiết? Bạn thấy người ta hô hào đọc sách. Bạn cũng mua rất nhiều, rất nhiều sách về. Bạn đọc tù tì hết quyển này đến quyển khác. Và rồi chỉ thời gian ngắn sau, kiến thức ấy đã trôi tuột lúc nào không hay.
2. Lập thời gian biểu khoa học
Lập cho mình thời gian biểu khoa học, hãy xem xét đúng khả năng của bản thân và xem xét việc gì thật sự ưu tiên làm trước. Ví dụ bạn có 10 việc, hãy phân chia 10 việc trong tuần, Mary biết sẽ có những bạn tham lam nhồi nhét cả 10 trong ngày, là Mary đó :).
Thời gian biểu khoa học còn là khi bạn biết cách cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi (work-life balance). Đề ra cho bản thân làm việc bao nhiêu giờ/ngày, nghỉ ngơi bao nhiêu giờ/ngày. Hãy hoàn thành những việc mình đã đề ra, nhớ là theo một cách thật Productivity nhé!
3. Đừng cố lấp đầy thời gian rảnh
Hãy dành cho mình những thời gian rảnh để nghỉ ngơi, bạn xứng đáng được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc vất vả và đừng cố nhồi nhét bất cứ việc gì vào thời gian đó. Thay vì cố nhồi nhét công việc vào những khoản thời gian này, bạn có thể tận dụng nó để tập thể dục, đi dạo. Sau một khoản thời gian dài vùi mình vào công việc theo đuổi những ước mơ lớn, bạn sẽ không nhận ra bạn đã bỏ lỡ rất nhiều thứ nhỏ nhặt xung quanh mình.
4. Hạn chế xem những nội dung phát triển bản thân và sách self-help
Thay vì đó, bạn hãy đọc những sách về kỹ năng, chuyên môn. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Bạn không cần đọc quá nhiều sách mà chẳng đọng lại gì. Cứ đọc chậm và thật sự thấu hiểu từng nội dung trong quyển sách ấy. Hơn thế, hãy cho bản thân mình những trải nghiệm như đi tình nguyện, đi thực tập, đi làm,...
5. Ngừng so sánh bản thân với người khác
Bạn là chính bạn, đôi lúc chỉ cần mình tốt hơn chính mình của ngày hôm qua đã là một thành tựu. Đừng trở thành một bản sao hoàn hảo theo người khác, hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. 
Năng suất hơn hay độc hại hơn? Đôi lúc chúng ta còn phải giật mình tự hỏi bản thân vì không biết mình đang năng suất hơn hay độc hại hơn. Nhất là khi ta đang ở trong một xã hội cổ súy bạn phải cố gắng hơn mỗi ngày, bạn phải làm thế này, bạn phải làm thế kia. Ta đều đang sống trong thời đại mà không chỉ đồng tiền lạm phát mà còn lạm phát về cả sự nỗ lực và giá trị của con người. Vô tình mỗi chúng ta đều là nạn nhân của Toxic Productivity. Chỉ muốn khuyên bạn một câu như thế này, mỗi chúng ta đều có vạch đích riêng của mình, đoạn đường này rất dài, đi thế nào là quyền của bạn, nhưng đi thật nhanh cũng chưa hẳn là tốt. Đi chậm mà chắc, đường dài mới biết ngựa hay!
Nguồn tham khảo: Youtube Duy Thanh Nguyen https://www.youtube.com/watch?v=csPULYgl6qs&t=435s