Nguyên tác: WORDS FAIL ME, link https://www.speech.almeida.co.uk/words-fail-meNgười dịch: Nguyễn Vân Hà (dịch giả Đến ngọn hải đăng & Căn phòng của riêng ta của cùng tác giả)
Trong bản ghi âm cho đài BBC vào ngày 29-04-1937, Virginia Woolf đã mở đầu loạt bài “Tôi tắc tịt” gắn với buổi trò chuyện nhan đề “Phu chữ”. Chỉ còn lưu giữ được 8 phút ghi âm, giờ đây người ta tin đây là bản ghi âm giọng nói duy nhất còn sót lại của một trong số những nhà hiện đại chủ nghĩa hàng đầu của thế kỷ 20. Nguyên văn bài nói được in thành bài tiểu luận trong cuốn “Cái chết của bướm đêm và những bài tiểu luận khác”.

Trong vở ballet Woolf Works, trình chiếu ngày 19/6 (Dallowday) tại Toong Coworking Space, người xem sẽ được thưởng thức trích đoạn rất giàu sức gợi về ngôn từ, và bằng ngôn từ, này. 

Ngôn từ, ngôn từ tiếng Anh, vốn dĩ là sự đong đầy của những dư ba, ký ức, mối liên hệ. Ngôn từ hiện diện khắp mọi nơi, trên môi con người, trong nhà họ, trên đường phố, ngoài đồng ruộng, suốt nhiều thế kỷ. Và đó là một trong những khó khăn cốt yếu khi giờ đây ta viết chúng ra – bởi chúng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, ký ức, bởi chúng gắn kết rất nhiều cuộc hôn phối nổi tiếng.
Tỉ như từ “hồng tươi” tuyệt đẹp – ai dùng nó mà không nhớ tới cụm từ “muôn trùng biển khơi” cơ chứ? Dĩ nhiên là, khi xưa, khi tiếng Anh còn là ngôn ngữ mới, nhà văn có thể sáng tạo ra từ mới và dùng chúng. Ngày nay, sáng tạo từ mới vẫn dễ dàng – chúng buột ra từ miệng chúng ta bất cứ khi nào ta nhìn thấy một cảnh sắc mới hay cảm nhận một xúc cảm mới – nhưng ta không thể dùng chúng vì tiếng Anh đã cũ. Bạn không thể dùng một từ mới toanh trong một ngôn ngữ cũ kỹ vì có một sự thật dẫu hiển nhiên nhưng sao lại bí ẩn, đó là từ ngữ không phải là một thực thể đơn lẻ, tách biệt, mà là một phần của những từ ngữ khác. Một từ không thật sự là từ cho đến khi nó là một phần của câu.
Ngôn từ thuộc về nhau, dù rằng, dĩ nhiên, chỉ có nhà văn lớn mới biết từ “hồng tươi” thuộc về “muôn trùng biển khơi”. Thật thảm họa khi gắn từ mới với từ cũ để tạo câu. Để dùng từ mới cho đúng, bạn phải tạo ra một ngôn ngữ mới; và chuyện đó, dù rõ ràng chúng ta sẽ đả động sau, hiện giờ lại không phải việc của chúng ta. Việc chúng ta cần làm là xem xem ta có thể làm gì với tiếng Anh như nó hiện là thế. Làm sao ta có thể xếp những từ ngữ cũ theo một trật tự mới để những từ ngữ ấy tiếp tục hiện hữu, để chúng tạo ra vẻ đẹp, để chúng nói lên chân lý? Đó mới là vấn đề.
Ai trả lời được vấn đề trên sẽ là người xứng đáng được cả thế giới ca tụng. Hãy nghĩ xem mọi thứ rồi sẽ ra sao nếu bạn có thể dạy nó, có thể học nghệ thuật sáng tác ngôn từ. Tại sao mọi cuốn sách, mọi tờ báo nói ra chân lý thì sẽ tạo ra vẻ đẹp? Nhưng dường như, có chướng ngại vật cản ngăn nào đó, có trở ngại nào đó trong việc dạy về ngôn từ. Bởi dù ngay lúc này đây, chí ít cũng có 100 giáo sư đang bình giảng về văn học ngày trước, chí ít cũng có 1000 nhà phê bình đang phê bình văn học hiện tại, và hàng vạn nam thanh nữ tú đang vượt qua các kỳ thi văn học Anh với điểm số cao nhất, dù thế thì liệu chúng ta có viết hay hơn, đọc kỹ hơn ta đã viết và đọc 400 năm về trước khi ta không được nghe bình giảng, không được đọc bài phê bình, không được dạy dỗ về văn chương hay không? Liệu văn chương thời vua George ngày sau chỉ là miếng vá đắp lên văn chương thời nữ hoàng Elizabeth trước Ngài hay không?
Vậy ta đổ lỗi cho ai? Không phải các giáo sư; không phải đám phê bình; không phải cánh nhà văn; mà chính là ngôn từ. Chính ngôn từ là kẻ đáng bị đổ lỗi. Trong mọi thứ, ngôn từ là thứ hoang dã, tự do, vô trách nhiệm, khó dạy bảo nhất. Dĩ nhiên, bạn có thể tóm cổ chúng, phân loại chúng, sắp xếp chúng vào tự điển theo thứ tự bảng chữ cái. Nhưng ngôn từ không sống trong tự điển; mà chúng sống trong tâm trí. Nếu muốn có bằng chứng về chuyện này, bạn cứ thử nghĩ tới những phút giây xao xuyến, những lúc ta cần tới từ ngữ nhất nhưng chả tìm được từ nào. Vậy mà vẫn có tự điển đó thôi; vẫn có khoảng nửa triệu từ ngữ được xếp theo thứ tự bảng chữ cái luôn sẵn để ta động tới.
Nhưng liệu ta có dùng chúng được không? Không, vì từ ngữ không sống trong tự điển, chúng sống trong tâm trí. Hãy nhìn lại tự điển đi. Rõ ràng có những vở kịch còn đẹp đẽ hơn Anthony và Cleopatra; những bài thơ đáng yêu hơn Tụng ca dành cho chim họa mi; những tiểu thuyết khác mà Kiêu hãnh và Định kiến hay David Copperfield chỉ đáng xách dép. Vấn đề ở chỗ là tìm cho đúng từ ngữ và sắp xếp chúng cho đúng trật tự. Nhưng ta không thể làm điều này vì từ ngữ không sống trong tự điển; chúng sống trong tâm trí.
Thế chúng sống trong tâm trí ta ra sao? Rất đa dạng và lạ kỳ, y như cách con người chúng ta sống, bằng cách ở rày đây mai đó, bằng cách phải lòng nhau, bằng cách kết duyên với nhau. Chuyện chúng chịu ít ràng buộc bởi lễ nghi và truyền thống hơn chúng ta là có thực. Những từ sang cả kết duyên cùng những từ dân dã. Từ tiếng Anh kết hôn với từ tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ấn, từ của người Phi, nếu chúng nổi hứng thấy thích. Thực ra, ta càng ít đào sâu vào quá khứ của tiếng Anh, bà mẹ yêu quý của chúng ta ấy, bao nhiêu thì danh tiếng của bà càng được gìn giữ bấy nhiêu. Bởi bà, cô nàng xinh đẹp đi lang bạt ấy, đã đi mất rồi.
Vậy nên đề ra bất cứ luật lệ nào cho đám ma cà bông bất trị kia cũng thật vô ích. Cái mà ta có thể ràng buộc chúng chỉ là ít quy tắc ngữ pháp và đánh vần vớ vẩn. Tất cả những gì ta có thể nói về chúng, khi nhòm chúng từ mé cái hang sâu hoắm, tối tăm, chỉ hắt ra vừa đủ thứ ánh sáng chập chờn, nơi chúng đang sống, tức trong tâm trí ta ấy, đó là chúng hình như thích con người ta nghĩ ngợi và cảm nhận trước khi dùng chúng, nhưng không phải là nghĩ ngợi và cảm nhận về chúng, mà về thứ gì khác cơ.
Ngôn từ cực kỳ nhạy cảm, rất dễ tự ái. Chúng không thích ta bàn luận về sự thuần khiết hay không thuần khiết của chúng. Nếu các bạn lập ra một hội vì một thứ Tiếng Anh thuần khiết, thì chúng sẽ tỏ lòng căm ghét bằng cách lập ra một hội khác chuyên trị một thứ tiếng Anh không thuần khiết – đó là sự bạo lực phi tự nhiên của hành ngôn rất hiện đại; là sự phản kháng chống lại những kẻ tôn sùng ngôn ngữ thuần khiết . Ngôn từ cũng rất ư dân chủ; chúng tin rằng từ này cũng hay y như từ kia; từ của dân vô học cũng hay y như từ của dân có học, từ của đám chưa được khai hóa cũng hay y như từ của dân văn minh, không có thứ bậc hoặc tước hiệu trong xã hội của chúng.
Ngôn từ cũng chẳng thích được ngòi bút tách bạch ra rồi kiểm định riêng rẽ. Chúng bám lấy nhau, trong câu, trong đoạn, đôi khi trong cả nhiều trang giấy. Chúng ghét trở nên hữu ích; chúng ghét giúp ta kiếm tiền; chúng ghét bị nghe rao giảng giữa chốn công cộng. Tóm lại, chúng ghét mọi thứ bắt chúng chỉ được mang một nghĩa hoặc chỉ có một thái độ, bởi bản chất chúng là đổi thay.
Có lẽ nét kỳ khôi đặc sắc nhất của ngôn từ chính là ở nhu cầu phải đổi thay. Thay đổi bởi vì chân lý mà chúng cố nắm bắt thì đa diện, và chúng truyền đạt chân lý ấy bằng cách là những từ ngữ đa diện, lấp lóe theo cách này, rồi lại theo cách khác. Vậy nên chúng có nghĩa thế này với người này, nhưng có nghĩa khác với người khác; chúng khó hiểu với thế hệ này, nhưng rõ như ban ngày với thế hệ khác. Và chính nhờ sự phức tạp ấy mà chúng tiếp tục hiện hữu.
Mà có lẽ một trong những lý do hiện nay chúng ta không có nhà thơ lớn, tiểu thuyết gia lớn hay các tác phẩm phê bình lớn, chính là bởi chúng ta đã chối bỏ sự tự do của ngôn từ. Chúng ta ghim chặt chúng vào một nghĩa, nghĩa nào mà ta thấy chúng hữu dụng, nghĩa nào khiến ta nắm bắt được chúng, nghĩa nào giúp ta vượt qua được kỳ thi. Và khi ngôn từ bị ghim chặt như thế thì chúng khép lại cặp cánh của mình và chết đi.
Cuối cùng, rõ ràng là, ngôn từ, giống chúng ta, muốn sống thoải mái thì chúng cần có sự riêng tư. Chả còn nghi ngờ gì nữa chúng thích chúng ta nghĩ ngợi, chúng thích chúng ta cảm nhận trước khi dùng đến chúng; nhưng chúng cũng thích chúng ta ngừng nghĩ ngừng cảm, trở nên vô tri giác. Sự vô tri giác của chúng ta là sự riêng tư của chúng; sự u tối của chúng ta là ánh sáng của chúng… Một thoáng ngưng nghỉ ấy xảy ra thì tấm màn u mê sẽ rơi xuống, để ta dụ đám từ ngữ kia đến tham dự một trong những đám cưới chóng vánh, nơi có những hình ảnh hoàn mỹ và là nơi tạo ra vẻ đẹp vĩnh hằng. Nhưng không – tối nay chả có gì như thế diễn ra. Đám từ ngữ khốn khổ bé bỏng kia đang cáu kỉnh, đang cãi bướng, đang trái lời, đang câm nín. Chúng đang rầm rì điều gì thế? “Hết giờ rồi! Im đi thôi!”         
Virginia Woolf