|Tôi nói ra điều đó với không một nghi ngờ. Tôi nói rằng lạc lối là cái tất yếu mà mọi người trẻ sẽ (phải) trải qua.|
Mào đầu, tôi muốn biện bạch về cái lẽ tất yếu này. Rằng sẽ luôn có những khẳng định khác trái với lời trên, thí dụ với những trang bị đầy đủ thì một người trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy “lạc”; hay sẽ có những thiểu số nhất định không gặp phải như vậy, vì đây có chăng cũng là vấn đề đại chúng. Và thí dụ cho một đối tượng cụ thể với suy nghĩ như vầy, đó là tôi (!?).
1. Người trẻ nào rồi cũng phải “lạc”
Tôi đã từng đọc qua rất nhiều những câu chuyện, xem rất nhiều những thước phim, nghe cả những lời nhạc, lời thơ chứa đựng cái bối rối, sự đắn đo, cô đơn, lạc lõng; đặc biệt là đọc những trang sách self-help cũng về những điều như vậy mà thầm mãn nguyệt (cả thắc mắc): một người như tôi không thể cảm thấy như vậy, đơn giản là vì tôi không giống những gì đã được khắc họa trước đó, trong tầm hiểu biết của mình. Nhưng cũng là tôi sau rất nhiều lần cảm nhận được những sự hỗn độn, ôm đồm mà lại trống rỗng khiến tôi không thể diễn đạt được với ai bằng bất kỳ loại ngôn từ nào (vâng, chỉ ngôn từ thôi! chứ không phải loại hình diễn đạt nào khác). Tôi chợt ngỡ ngàng nhận ra chính mình đang lạc lối.
2. Về “lạc”
Ta – người trẻ - lạc lối. Không chỉ vì không có mục tiêu, hướng đi nhất định, mặc dù đây là lý do phổ biến nhất bạn có thể gặp (dưới bất kỳ hình thức trình bày nào). Ta còn lạc lối khi gặp phải những thay đổi, có thể từ môi trường xung quanh, hay ở chính ta, thậm chí là cả hai; lạc lối khi cảm thấy cô đơn; lạc lối khi sợ hãi – vừa giây trước vẫn còn đầy lo sợ mà bỗng ta cảm thấy những gì sắp đến, những gì cần làm đều không rõ ràng nữa... Đó là lý do vì sao mà tôi đưa ra một khái niệm, "lạc lối trong chính mục tiêu của mình" (đây là một cụm chưa hoàn thiện - ?!) : khi tôi đã có mục tiêu, có hướng đi... rất rõ ràng, nhưng chốc lát lại thấy mọi thứ thật mơ hồ và không chắc chắn!
3. Về người trẻ
Chẳng biết là tin vui hay tin buồn nữa, vì tất yêu nên không có cách nào để người trẻ tránh được cái lạc lối cả! Ta có thể học, có thể đọc, có thể quan sát và bắt chước (thực tế là tôi đã) nhưng cũng không thể không rơi vào lạc lối. Tại vì ta không bao giờ biết đủ, hiểu đủ để có thể tránh khỏi nó. Sự "lạc" sẽ không đến nếu ta đã khôn ngoan hơn ta của tuổi trẻ nhiều lần. Nhưng có thể ví như một hàm hằng, cái "lạc" ấy luôn luôn ở trên ta một bậc. Có chăng là khi nào ta đã già dặn hơn thì mới khác đi (?! – nhưng đâu ai đặt ra giới hạn tuổi trẻ của tất thảy người)...
*** Một chút ngoài lề:
Đã từng có người gọi những dòng tôi viết, (điển hình giống như trên) là tâm sự. Nhưng bản thân tôi lại không cho là thế! Tôi coi tâm sự là việc bộc lộ và chia sẻ những cảm xúc bột phát, chỉ mang tính nhất thời hay trong một thời gian ngắn của mình – điều mà tôi thường luôn nói, chứ họa hoằn lắm mới được đôi dịp đặt bút. Những cái mà tôi viết, như những dòng trên, là những điều mà tự bản thân tôi đúc rút được hoặc đã trăn trở từ lâu mà mọi người thân thuộc xung quanh tôi thường hay gọi bằng từ "triết lý" (tất nhiên tôi không đồng ý lắm). Vậy nên dùng từ "tâm sự" khiến nó hơi "thường" quá, khiến tôi thật sự không dám nhận!