"Những điều mày nghĩ mày biết hết thật ra chỉ là được phát cho."
Tôi thích câu này trong bài hát mới nhất của Đen Vâu. Những điều ta tưởng là chân lý hóa ra không hề tồn tại. Mà chúng chỉ là sản phẩm được ai đó tạo ra.
Những ngày qua, như thường lệ, tôi vẫn lặng im quan sát con người trong xã hội. Đứng ra khỏi đám đông, đứng ra khỏi thế giới để quan sát nó một cách chân thực nhất. Tôi thấy có người chửi bới Putin, có người ta ngợi ông ta. Tôi thấy có người ủng hộ Amber Heard, có người đứng về phía Johnny Depp. Thế giới phân cực. Con người tranh cãi. Ai cũng nghĩ rằng bản thân thông thái và những điều họ biết là chân lý, còn những kẻ có quan điểm đối lập thì đều là sai trái hết thảy.
Nhưng kìa. Bao nhiêu người trong số họ đã đã tận mắt nhìn thấy Putin? Bao nhiêu người trong số họ dám khẳng định ông ta không phải một nhân vật hư cấu như anh chàng siêu điệp viên 007 James Bond? Hình ảnh mà họ biết về Putin, nghĩ về Putin không phải là chân lý, mà chỉ được ai đó phát cho. Nó có thể tình cờ giống với Putin ngoài đời thật. Nhưng nó vẫn chỉ là thứ hình ảnh được phát cho.
Dẫu sao thì nhiều khả năng Putin vẫn là một con người bằng xương bằng thịt mà ta có thể nhìn thấy, chạm vào. Nhưng nước Nga thì chắc chắn không có thật. Nước Ukraine cũng vậy. Chúng là sản phẩm của trí tưởng tượng. 40 năm trước, thứ mà người ta gọi là "nước Nga" ngày nay không hề tồn tại. Rồi bỗng dưng một ngày cuối năm 1991, họ sáng tác ra nó. Và thế là nhân loại cho rằng nó tồn tại một cách hiển nhiên. Nhưng sẽ thế nào nếu một ngày nọ, con người quyết định không tin vào sự tồn tại của quốc gia đó nữa? Bất kể họ ủng hộ Nga hay Ukraine, họ cũng đang ủng hộ một ảo ảnh được phát cho.
Những lý tưởng về hòa bình, nhân quyền, đoàn kết cũng vậy. Chúng không có thật. Chúng được sáng tác chỉ mới gần đây thôi. Hãy hỏi một binh sĩ ở giữa 2 cuộc thế chiến về các khái niệm trên. Hoặc xa hơn, hỏi những người sống cùng thời với Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, hoặc Alexandros Đại Đế. Bạn sẽ nhận ra rằng chúng là sản phẩm của xã hội hiện đại, chứ không phải chân lý. Cũng không phải điều tốt đẹp mà con người luôn khát khao theo đuổi. Nhưng rốt cuộc thì 2 cuộc thế chiến và những nhân vật kia có thật hay không? Tôi tin là có, 99,999999%. Nhưng vẫn còn bỏ ngỏ một khả năng rằng đó là chỉ là những hình ảnh hư cấu mà người ta đã phát cho tôi.
Rồi mới đây, có anh bạn phản đối việc tôi dùng từ "chúng" để gọi các tôn giáo. Anh cho rằng nó mang hàm ý khinh miệt. Nhưng kìa, hàm ý khinh miệt của từ "chúng" là do con người áp đặt hay đấy là bản chất tự nhiên của nó? Nếu đến một ngày con người quy định rằng từ "chúng" mang hàm ý ngợi ca thì có được không? Và nếu như hàm ý khinh miệt là bản chất tự nhiên của từ "chúng", không phụ thuộc vào sự áp đặt của con người; thì ta giải thích thế nào về cách Phật dùng từ "chúng sinh"? Và ta giải thích thế nào về việc một nhà sinh vật học dùng từ "chúng" để nói về bầy sư tử trên đồng cỏ? Liệu Đức Phật có khinh miệt mọi sinh vật trong vũ trụ, và nhà sinh vật học có khinh miệt bầy sư tử hay không? Một lần nữa, cách chúng ta (lại là "chúng") hiểu về ý nghĩa của từ "chúng" không hề khách quan, mà là được ban cho.
Tại sao tôi lại viết những lời lảm nhảm này? Để thấy rằng rất nhiều người trong chúng ta chưa thoát ra được cái thế giới quan do người khác ban cho. Những điều ta cho là chân lý không cần bàn cãi hóa ra không phải là chân lý. Cách mà ta hiểu về thế giới, về người khác, về bản thân... hóa ra chỉ là sự suy diễn của chính ta. Còn lâu ta mới có thể nhìn vũ trụ này như bản chất vốn có của nó. Viết đến đây lại có một câu hỏi hiện lên trong đầu tôi. Tư tưởng vô thường vô vi mà tôi gửi gắm trong những dòng này liệu có phải là chân lý, hay được ai đó phát cho? Tôi tin đó là chân lý, 99,999999%. Nhưng vẫn còn bỏ ngỏ một khả năng.
Đúng vậy. Vẫn còn một khả năng.
Không sao cả. Kệ nó thôi. Bởi tôi tin rằng mục đích thật sự của khoa học nói chung và triết học nói riêng không phải là đi trả lời các câu hỏi. Mà để một ngày nào đó ta giải thoát chính mình khỏi những câu hỏi. Chỉ đơn giản là dừng lại, không còn bị dày vò bở cảm giác mình có những câu hỏi chưa thể trả lời, tận hưởng sự vô minh, sự bất toàn của bản thân.
TÔI KHÔNG HOÀN HẢO. TÔI NGU DỐT. VÀ TÔI HẠNH PHÚC VỚI ĐIỀU ĐÓ.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!