Melbourne, 07 Aug, 2021 | Duc
Faust – nhân vật chính trong vở bi kịch cùng tên (1806, 1832) của nhà soạn kịch, nhà khoa học, chính trị gia, và triết gia lỗi lạc người Đức Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) – cũng là một học giả danh tiếng lẫy lừng, đã sẵn lòng đánh cược linh hồn mình cho quỷ dữ để thoả mãn khát khao chinh phục tri thức. Ngày nào Faust còn khát khao sự hiểu biết, ngày đó Faust còn chống cự lại được những cám dỗ của quỷ mà hậu quả của chúng chỉ toàn là nỗi sợ hãi và khổ đau. 
Phải chăng Goethe đã mượn cái giao kèo của quỷ và những hậu quả của nó để dấy lên cái sự loạn trí và những chấp chứa của con người chúng ta, như Seneca đã đề cập trong bức thư gửi người bạn Lucilius. Trên tất cả, để chiến thắng được con quỷ dữ trong tâm, triết lý của Faust về nhiều khía cạnh kiến thức, về con người và cuộc sống, đã được Goethe đẩy lên tới hạn, và được coi như là một kim chỉ nam trong hành trình thoát “khổ” của ông. Faust đã thốt lên cái kết luận cuối cùng của mình như minh chứng của sự thông thái:
“...để một người xứng đáng được hưởng tự do và sự sống, anh ta phải chinh phục chúng mỗi ngày!”
Một điều rõ ràng, từ thuở còn mông muội đến thời điểm bắt đầu phồn thịnh của nhân loại, con người ta vẫn không ngừng đi tìm lẽ sống, trong từng ngóc ngách cuộc đời. Đó luôn là bản chất của triết học, và ở thời điểm hiện tại, đó cũng chính là nền tảng của khoa học. Sự minh triết chính là sự thấu hiểu, cũng chính là con đường thoát khổ, diệt khổ, mà triết học bao đời và khoa học hiện đại (hay có thể gọi là triết học ứng dụng) đã, đang, và sẽ mang đến cho loài người chúng ta từng ngày. Đó là cách tôi hiểu về triết học.
Tôi vẫn nhớ như in câu đầu tiên mà bà giáo sư Lâm Ngọc – cái tên thuần Việt mà tôi tự ý đặt cho GS. Michelle Greenwood, Đại Học Monash – đã đưa ra cho chúng tôi trong môn học “Triết học trong nghiên cứu” rằng:
“Không phải câu hỏi ‘chúng ta biết gì?’ mà phải là ‘làm sao chúng ta biết những gì chúng ta biết?”
Ở đây, bà giáo muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng triết học trong công việc tìm hiểu và tạo ra kiến thức. Thực vậy, trong cuốn sách “Câu hỏi lưu tâm trong nghiên cứu xã hội” (1998), hai tác giả Bentz và Shapiro đã chia sẻ rằng: người làm khoa học luôn được xem như một dạng triết gia, hay ít nhất cũng là một triết gia ứng dụng. Và theo họ, để hiểu được một cách đầy đủ bản chất của việc nghiên cứu hoặc là để đưa những quyết định tốt nhất khi làm nghề, cần có một sự chú ý nhất định đến bối cảnh triết học, những giả định triết học, những cấu trúc diễn giải của thực tại, và những giá trị tri thức của nó. Vì thế, có thể nói rằng những câu hỏi nghiên cứu cũng luôn luôn là một dạng câu hỏi triết học, bởi vì, chúng bao hàm những giả định triết học về bản chất của kiến thức và của thế giới, và về những gì tạo nên ý nghĩa của kiến thức và nghiên cứu đó ngay từ chính thời điểm bắt đầu.
Một số nhánh triết học mà tôi biết có thể kể ra như bản thể luận (ontology), tri thức luận (epistemology), giá trị luận (axiology), ngôn ngữ luận (rhetoric), và phương pháp luận (methodology). Cụ thể hơn, bản thể luận bàn về bản chất của thực tại, tri thức luận bàn về bản chất của kiến thưc và mối quan hệ của người biết và điều được biết, giá trị luận bàn về bản chất của đạo đức và vai trò của những giá trị, ngôn ngữ luận bàn về vị trí vai trò của ngôn ngữ, và cuối cùng, phương pháp luận bàn về cách thu giữ kiến thức và cách hiểu chúng. Dựa trên những giả định siêu lý thuyết trong những nhánh triết học này mà các học giả có thể tạo ra những thế giới quan làm nền tảng cho những nghiên cứu của họ.
Điển hình, hai thế giới quan lớn có chứa vô số dòng cơ sở nhỏ bên trong chính là chủ nghĩa thực chứng (positivism) và chủ nghĩa kiến tạo (constructivism). Về cơ bản, chủ nghĩa thực chứng giả định rằng thực tại hay sự thật chỉ có một và duy nhất, mà người nghiên cứu có thể tìm hiểu một cách khách quan, bằng cách dùng đúng phương pháp. Trong khi đó, chủ nghĩa kiến tạo cho rằng thế giới này có nhiều hơn một chân lý, và rằng con người ta tạo ra hoặc xây dựng nên những thực tại chủ quan của riêng họ; do đó, học giả có thể tiếp cận những thực tại đó, có thể được hoặc không thông qua chính thực tại của học giả đó. Nói một cách giản đơn hơn, lấy ví dụ như, những nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa thực chứng sẽ lý giải những hiện tượng quan sát được bằng những phương pháp thực nghiệm khách quan và độc lập, trong khi những nhà chủ nghĩa kiến tạo học tìm tòi kiến thức dựa trên sự tương tác với hiện tượng được nghiên cứu. 
Hiển nhiên, vai trò của triết học trong việc mở mang sự hiểu biết của con người là cực kỳ quan trọng. Học về khoa học tức là cũng học về triết học, và thực hành khoa học cũng chính là ứng dụng triết học. Khoa học hiện đại dựa trên triết học đem đến ánh sáng mở lối cho sự bình yên trong tâm khảm con người, khi mà ta không còn bị trói buộc bởi những tín điều u mê, cho ta cơ hội được làm chủ vận mệnh, chinh phục và hoà quyện vào thế giới tự nhiên, cũng không nằm ngoài mục đích mang lại một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Nhờ có khoa học và triết học mà chúng ta được ở đây, đang đọc những dòng này, và được đắm mình trong những dòng tri thức lan toả. Kiến thức khoa học trong hầu hết các lĩnh vực vẫn được xem là đúng, cho đến khi nào chúng bị chứng minh là sai. Dù còn nhiều lỗ hổng trong kiến thức được sản sanh, sự nỗ lực vươn lên chinh phục sự hiểu biết và khai phá nền văn minh chính là điểm cốt lõi mà đứng sau nó không gì khác ngoài nền tảng của triết học.
Thay cho lời kết, tôi xin mượn lời phát biểu của giáo sư Edmund Phelps, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2006, để tán dương cái triết lý khao khát sự hiểu biết trong Goethe’s Faust:
“…không phải phát minh khoa học, cũng không phải năng lực chế tạo, hay cũng không phải là tài năng kinh doanh đã tạo nên những giai đoạn kinh tế phát triển phi thường, mà đó chính là nhờ vào sự sẵn sàng nắm bắt lấy sự đổi mới và cách tân của con người trong mọi cấp độ của xã hội.”