“ Có thể bởi xem được một video mà quyết định đi tập thể dục, có thể bởi một màn thuyết trình mà quyết định đọc sách, có thể bởi gặp một bạn học xuất sắc mà quyết định học từ đơn tiếng Anh, có thể bởi bị ốm mà quyết định đi ngủ sớm…Sự kích thích nhất thời có thể thay đổi trong phút chốc, nhưng không thể hình thành động lực lâu dài. Muốn bản thân thay đổi, hoặc là nghĩ cách thôi thúc bản thân, hoặc là kiên trì xuất phát từ nội tâm. Không cần phải đợi trạng thái hoàn hảo, thời tiết nắng ráo, mà cần hành động ngay tại phút giây này ”.
“Trời sinh vụng về, hãy bù đắp bằng sự kiên trì” – Lư Tư Hạo.
Tôi thích đọc sách của tác giả Trung Quốc, nhất là tản văn của những tác giả trẻ. Lư Tư Hạo là một cây viết lớn sinh năm 1991, có thể nói rằng anh ấy và tôi cùng một thế hệ - thế hệ 9X- thế hệ mà người già nhất mới vừa mới bước qua ngưỡng cửa của tuổi ba mươi đầy âu lo và người trẻ nhất, đồng dạng cũng vừa bước qua tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết.
Chắc hẳn vì là cùng một thế hệ nên Lư Tư Hạo hiểu rõ được suy nghĩ của những người trẻ như tôi, cách anh ấy diễn đạt trong lời văn trên không có gì ngoài việc lên án một căn bệnh mà tôi và hầu hết những người cùng thế hệ đều đang mắc phải, căn bệnh trì hoãn.
Bạn sắp phải thi hết môn, nhưng khi ôn bài trong thư viện, ngón tay vẫn lướt Facebook trên màn hình điện thoại. Dự án bạn đang góp sức, thứ hai tới là hạn deadline nhưng tối thứ sáu bạn vẫn đi uống bạt mạng cùng bạn bè với suy nghĩ “ôi dào, mình còn cả thứ bảy và chủ nhật”. Bạn đã hai mươi tám tuổi nhưng vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về tương lai, kết hôn, mua một ngôi nhà, thay vào đó bạn đốt hết thời gian đi ngủ buổi đêm bằng những bộ phim dài tập trên mạng, hay lướt xem Tiktok, Youtube. Sau tất thảy những “hành động” vừa trên, bạn vác cả tấn âu lo, xáo trộn trong tâm trí: mình liệu có thi qua môn không, thứ hai có bị sếp mắng vì trễ deadline không, mình liệu có thể kết hôn với cô gái mình thích và có một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy không?
Trì hoãn chỉ mang lại toàn những âu lo. Âu lo làm cho tâm trí ta không thể thanh thản, bình an. Khi ta không thể thanh thản, bình an trong tâm trí, ta không thể cảm thấy hạnh phúc.
Tôi biết đến chủ nghĩa khắc kỷ trước cả khi đọc sách của Lư Tư Hạo. Chủ nghĩa khắc kỷ chính là triết học, giúp ta định hướng suy nghĩ và hành động trong một thế giới không thể đoán trước. Khôi hài ở chỗ tôi tiếp xúc với triết học khắc kỷ thông qua một người bạn vô địch về mặt trì hoãn trong đám bạn bè đông đảo của mình. Học lại các môn chuyên ngành không dưới hai lần, có những môn số lần học lại là hai con số, vùi đầu vào game qua ngày đoạn tháng, cậu ta dường như luôn luôn bận rộn với những cám dỗ và trì hoãn công việc học tập. Mất đến tám năm, cậu ta mới có thể bước ra khỏi ngôi trường đại học với tấm bằng trên tay. Tôi gặp cậu ta hai lần sau khi tốt nghiệp, lần thứ nhất là khi cậu ta đang ở năm thứ bảy với hàng chục môn còn nợ và lần thứ hai khi cậu ta bảo vệ đồ án tốt nghiệp. “Lí do gì mà ông có thể kiên trì và thay đổi nhanh thế chỉ sau có một năm?”. Cậu ta đã trả lời câu hỏi của tôi bằng một cuốn sách, chính là nó, sách “Chủ nghĩa khắc kỷ”.
Câu đầu tiên mà tôi đọc được trong sách: “ Sử dụng tốt nhất những gì trong khả năng của bạn, một số điều tùy thuộc vào chúng ta, một số điều không phụ thuộc vào chúng ta”. Câu nói của triết gia Epictetus trong khi giảng nghĩa về Sự tam phân quyền kiểm soát.
Sự tam phân quyền kiểm soát được hiểu là, cuộc sống của chúng ta chia làm ba phần: Phần ta hoàn toàn có thể kiểm soát, phần ta chỉ có thể kiểm soát một phần và phần ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Epictetus khuyên nên tập trung vào phần ta hoàn toàn có thể kiểm soát. Đó chính là bản thân mình. Hai phần còn lại có thể hiểu một cách đơn giản là công việc, thi cử, cách mà người khác nhìn nhận về chúng ta (phần ta chỉ có thể kiểm soát được một phần) và tác động khách quan của ngoại cảnh như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ (phần chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát).
So với Epictetus, Lư Tư Hạo có phần gần gũi và dễ hiểu hơn. Đối với Lư Tư Hạo chính là ngay lúc này, không cần đợi trời quang mây tạnh, nắng chan hòa, không cần đợi ngày mai tươi sáng hơn, trân quý từng phút từng giây, nỗ lực để thay đổi bản thân. Chỉ có thay đổi bản thân mới có thể gác lại những âu lo phù phiếm không đáng có. Đặt điện thoại sang một bên, tập trung ôn tập mới có thể tự tin trước kì thi sắp đến. Từ chối lời mời ăn nhậu, bật chiếc máy tính lên kì cạch chạy deadline mới có thể vui mừng vì hoàn thành công việc đúng hạn. Đi ngủ trước mười một giờ đêm, ngày mai dậy sớm, tập thể dục, đọc sách, đi làm chăm chỉ mới có thể có một cơ thể tráng kiện, tâm hồn phong phú và tài chính vững chắc lo cho tương lai. Hành động tập trung thay đổi bản thân mình theo hướng đúng đắn, tiến bộ từng ngày chính là hành động xóa tan đi âu lo, muộn phiền, giữ tâm trí bình thản trước mọi biến cố.
Bản thân tôi là một người không thiếu sự trì hoãn, tôi muốn mình có thể nói được tiếng Anh và tiếng Trung Quốc nhưng suốt mấy năm tôi chưa bao giờ một lần nghiêm túc học chữ Hán và đọc một cuốn sách tiếng Anh. Tôi thích một cô gái nhưng từ sau lần đầu gặp mặt đầu tiên với cái sự thể hiện kém cỏi của mình, cô gái ấy và tôi giờ xa cách nhau bằng sự im lặng. Tôi muốn có một cơ thể đẹp với cơ bắp và sáu múi cuồn cuộn nhưng vẫn nằm xem phim thay vì đứng lên và đẩy tạ hết mình trong tiếng hét. Tôi muốn tiến xa hơn trong công việc nhưng thời gian rảnh vẫn không một lần trau dồi kiến thức chuyên môn, học thêm kiến thức mới, thay vào đó là Facebook và Youtube ngập tràn lịch sử duyệt web.
Chính vì những “hành động” chỉ để thỏa mãn bản thân trước cám dỗ đó khiến tôi lo lắng, bao giờ mình mới có thể thông thạo hai thứ tiếng, bao giờ mình mới có một cơ thể vạm vỡ, bao giờ mình mới thăng tiến trong công việc và bao giờ mới có thể đến với cô ấy? Quả thật khi ấy tôi đang “hành động để trì hoãn tương lai của chính mình”.
Mọi thứ không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Mọi ngôi nhà vững chắc đều phải xây từ viên gạch đầu tiên. Thật may là tôi đã kịp thay đổi. Trong suốt một năm qua tôi kiên trì tập luyện thể thao và học võ thuật, Karate đã trở thành hơi thở của tôi. Tôi tập trung hoàn toàn vào công việc, đặt ra mục tiêu hoàn thành khối lượng công việc mỗi ngày, các dự án cứ thế dần dần hoàn tất. Tôi sử dụng Youtube để nghe, học Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tuy không đủ thực lực dự thi được chứng chỉ nhưng vẫn có thể nói được vài câu ý nghĩa mang ra chém gió với bạn bè. Và tôi đang thay đổi phong cách ăn mặc, học về tâm lý học tình yêu, suy nghĩ thận trọng hơn về tương lai, tiết kiệm tiền bạc để một ngày không xa, tôi có thể đứng trước mặt cô ấy tự tin nói rằng: “ Em đúng là tuyệt vời lắm, nhưng anh cũng chẳng kém cạnh gì đâu”.
Triết học khắc kỷ và lời văn của Lư Tư Hạo đã giúp tôi có động lực thay đổi bản thân. Tuy chưa tính là nhiều nhưng ít nhất tôi đã không còn cảm thấy chênh vênh mà rất vững tin vào mỗi ngày sắp tới. Dù rằng trong thời điểm hiện tại, dịch bệnh khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng chẳng sao hết, đó là thứ mà chúng ta không thể kiểm soát. Thời gian giãn cách xã hội ta hoàn toàn có thể làm những việc có ý nghĩa, tập trung hoàn thiện bản thân, làm những việc chưa từng trước đây như học nấu ăn, tập võ thuật, học chụp ảnh, đọc thêm sách văn học. Đây chính là biến cố lớn nhưng cũng chính là cơ hội chuyển mình của chúng ta. Đại dịch có thể không chấm dứt hoàn toàn mà trở thành một căn bệnh theo mùa. Điều quan trọng là ta hãy bình thản mà đón nhận nó. Tập trung tất cả vào bản thân, nỗ lực mỗi ngày từng chút một, xây dựng một cơ thể khỏe mạnh, tâm hồn phong phú và tài chính vững chắc. Khi có thực lực ta mới hoàn toàn có thể tự tin đón nhận bất cứ thay đổi hoặc biến cố nào mà tương lai mang lại. Tôi ở hiện tại, cứ cố gắng thế này hẳn là có thể chấp tương lai đánh trước vài đường quyền.
Dù mặt đất có bị bao phủ bởi mây đen mịt mù, nhưng đừng quên phía sau đó vẫn là vầng dương luôn miệt mài chiếu sáng. Mây đen chắc chắn sẽ qua đi, nắng ấm chắc chắn sẽ trở lại. Đừng trì hoãn tương lai nữa. Chúng ta hãy sống thật nhiệt huyết, chúng ta hãy sống thật hết mình, chúng ta hãy sống trọn vẹn từng phút giây.
Chúng ta hãy trở nên đẹp đẽ như mặt trời.