Minimalism – hay Tối giản, là một phong trào nghệ thuật nổi lên ở New York, Mỹ vào những năm đầu 1960. Ngoài tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với nghệ thuật hiện đại, Tối giản đã trở nên phổ biến như một triết lý cho những ai đang theo đuổi một cuộc sống đơn giản, hướng về tâm hồn nhiều hơn. Khái niệm này hiện đã phát triển và được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Chung quy lại, đây là cách sống đề cao sự đơn giản, bỏ đi những đồ đạc không cần thiết và chỉ giữ lại những gì thực sự quan trọng.
"Cuộc đời thực sự bắt đầu chỉ khi bạn đã sắp xếp nhà cửa mình ngăn nắp”.
Không phải ngẫu nhiên mà Marie Kondo – một người theo chủ nghĩa tối giản và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dọn dẹp. Tuy nhiên, điều này đôi khi lại gây ra sự nhầm lẫn. Bởi sống tối giản là học cách bỏ bớt đồ đạc đi chứ không đơn thuần là sắp xếp lại và dời đồ ra chỗ khác.
Tại sao lối sống tối giản lại thể hiện tính hiệu quả?
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Điều gì đã kìm hãm khiến bạn không thể phát huy tiềm lực tối đa?”. Đầu tiên, hãy dành một chút thời gian ngó xung quanh căn phòng của mình, quan sát cách bố trí đồ đạc và cả những món đồ chất hàng đống quanh năm không hề đụng đến, có lẽ bạn sẽ tìm ra được câu trả lời.
Hầu hết chúng ta đều đang sở hữu quá nhiều đồ đạc, và tất nhiên chỉ khoảng 20% trong số đó là thật sự cần thiết. Ngoài việc căn phòng trở nên bừa bộn và ít khoảng trống hơn, lối sống phổ biến này đôi khi còn là nguyên nhân của những rắc rối đến từ chính bạn.
"Sở hữu ít đi - Hạnh phúc nhiều hơn"
Cũng giống như việc cắt giảm các chi tiêu không đáng có, việc bỏ đi đồ đạc không thật sự cần thiết là một cách để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Với những món đồ không còn mang lại nhiều giá trị hay cả năm mới dùng đến một lần, hãy cân nhắc việc lược bỏ chúng đi.
Sở hữu ít lại, mỗi sáng bạn sẽ không còn tốn quá nhiều thời gian để chọn ra một bộ quần áo phù hợp trong tủ đồ chứa hàng đống thứ, cũng không còn phải dành ra hàng giờ mỗi tuần để dọn lại mớ sách vở từ lâu đã không còn dùng nữa.
Một khi cuộc sống không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi vật chất, bạn sẽ tập trung nguồn lực có hạn của bản thân cho những thứ quan trọng hơn. Tối giản cũng giống như sắp xếp lại một tâm hồn đang lộn xộn và có quá nhiều nỗi lo vậy. Chính căn phòng bạn đang sống sẽ gột rửa đi âu lo, muộn phiền đã khiến cuộc sống trước đây bị chững lại. Năng suất làm việc cá nhân cũng vì thế mà được cải thiện hơn.
Việc bỏ đi đồ đạc không cần thiết mang lại sự hệ thống và giúp ta trân trọng những đồ vật còn giữ lại. Khi đã nhận ra vật chất không còn là tất cả, con người sẽ hướng về tâm hồn nhiều hơn. Sống tối giản thôi thúc chúng ta tự do kiếm đam mê của bản thân và khám phá những điều mới lạ. Và hơn thế nữa, là dành nhiều thời gian để chăm lo cho sức khỏe và vun đắp những mối quan hệ quan trọng.