Tôi tìm ai giữa thế gian rộng lớn này
Tôi tìm tôi giữa thế gian rộng lớn này
Tôi tìm tình yêu
Tôi tìm sự chân thật
Tôi tìm sự quan tâm giữa người với người
Nhưng tại sao tôi tìm hoài chẳng ra, rồi tôi lại bế tắc trong chính tôi, trong chính ngôi nhà của tôi, trong chính bản thân tôi, tôi lạc lối và đánh mất mình, tôi sợ hãi tột cùng chính mình.
Rồi tôi lại tìm thấy tôi, tìm thấy một mảnh ký ức vụn vỡ, tìm thấy chỗ dựa vững chắc trong tâm, rồi tôi lại lạc mất nó, rồi tôi lại tìm, nhưng lần này, tôi tin chắc dù tôi có lạc mất nó bao nhiêu lần đi nữa, thì tôi vẫn sẽ tìm ra nó một lần nữa, rồi một lần nữa, vì bây giờ nó đã là của tôi, nó đã thuộc về tôi, bởi vì tôi đã nhận thức được nó, tôi gọi đúng cái tên của nó. Nó không đến từ người khác nói cho tôi biết, mà đến từ nhận thức của chính tôi.
Tôi đặc biệt
Tôi khác người
Tôi bình thường
Tôi rất bình thường
Tôi đã nói đều đó với chính mình hàng ngàn lần, để bản thân không sinh sự kiêu ngạo, nhưng sự kiêu ngạo vẫn ở đó, nó chiếm một góc khuất, mà tôi lần mãi, lần mãi, mới thấy nó. Nó làm tôi kiệt quệ với suy nghĩ của mình, nó làm tôi độc đoán với người khác và với thế giới xung quanh của tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy bản thân mình phi thường, giác ngộ.
Đó là điều trớ trêu thay, bởi vậy khoảnh khắc lựa chọn con người “chánh” hay “tà” chỉ trong 1 tích tắc.
Trong 1 postcard thầy Giản Tư Trung có chia sẻ “có người ở trong bóng tối, mà cứ nghĩ mình đang ở ngoài sáng” thì thật sự rất đáng sợ, vì sẽ rất khó tìm ra lối mà đi, hay sẽ bị bóng tối nuốt chửng.
Quan sát xung quanh ta, đôi lúc ta cũng thấy được có những người lúc còn trẻ họ chính trực, ngay thẳng, họ giác ngộ…nhưng sau khoảng thời gian vụt sáng đó, ta lại thấy được họ trở nên khác đi, nhưng họ vẫn mãi niềm tin rằng “mình vẫn như vậy, mình vẫn thời huy hoàng như vậy”. Có chăng “sự vụt sáng” ấy sinh cho họ sự kiêu ngạo, để rồi họ mãi tin rằng “mình là chân lý của thế gian”, rồi đến khi họ lầm đường, họ vẫn tin rằng “họ là chân lý của thế gian”, đến nỗi che mờ đôi mắt, không tìm nỗi được lối ra.
Vậy làm như thế nào mới là đúng, có lẽ như thầy Giản Tư Trung nói “đó là quá trình liên tục khai phóng”, còn mình diễn giải là “quá trình liên tục tự vấn”, tự vấn làm sao để không tự ti, không tiêu cực, tự vấn làm sao để bản thân “luôn tin tưởng vào chính mình sẽ tìm ra, tìm ra một lần nữa, cái chân lý tột cùng ấy”, dù bao nhiêu lần ta đánh mất nó.
Bài viết mang tính chất tự sự, hơi trừu tượng, nhưng hy vọng người đọc sẽ hiểu được ý tác giả.
Xin cảm ơn các bạn đã đọc
Ann Lê