Trong vụ việc trường quốc tế vừa qua thì một bên nói rằng người mẹ hành xử không chuẩn mực trước con cái, người thì bênh vực người mẹ và trách nhà trường.
Nếu nói về câu chuyện này với góc nhìn của người ngoài cuộc, tôi đồng ý là người mẹ nên bình tĩnh xử lý vấn đề hơn là quát lớn với giáo viên trong trường. Nhưng xem toàn bộ video thì thấy rõ là người mẹ cũng không hề luôn quát tháo, chỉ là một giây phút nóng nảy mới bắt đầu lớn tiếng và sau khi được nhắc nhở thì cũng đã cố bình tĩnh để nói chuyện. Và tôi thấy nó cũng rất là theo lẽ tự nhiên là không ai có thể bình tĩnh nổi khi con mình bị đánh, mà nhà trường còn cố bao che cho thủ phạm thì đương nhiên tức giận là phải có rồi.
Nhưng nói về góc nhìn của một nạn nhân, tôi đã từng khao khát một người mẹ như thế. Bất kể là chuyện gì, luôn tin tưởng con mình và cố gắng đấu tranh để con mình giành được công bằng trong trường học.
Tôi đã từng bị bắt nạt suốt cả một năm lớp 7. Vừa bị đánh, vừa bị tẩy chay, vừa bị hất nước bẩn, nói chung là đủ thể loại. Tôi đã từng thử nói với giáo viên, nhưng giáo viên ngại phiền, tôi đã từng thử nói với hiệu trưởng, và hiệu trưởng cũng y như người hiệu trưởng trong sự việc các bạn thấy đó.
Chuyện là của hai đứa học sinh với nhau, con nít cãi nhau thì can thiệp làm gì, tự xử lý hoặc để phụ huynh hòa giải.
Và các bạn biết nếu hai phụ huynh chỉ nói qua loa cho qua chuyện, hay cả hai không muốn làm lớn chuyện và sự việc chỉ đơn giản là hai đứa trẻ con bắt tay nhau làm hòa rồi xong là gì không? Là tôi đã tiếp tục bị bắt nạt hết một năm học trong sự cười khinh vì gia đình không làm được gì, và thái độ thờ ơ của giáo viên chủ nhiệm.
Có thể khi còn nhỏ chúng ta cũng thường hay xảy ra tranh chấp hoặc hiểu lầm với bạn bè gây ẩu đả với nhau, và chúng ta nghĩ đó là chuyện nhỏ. Nhưng bạo lực học đường theo đúng nghĩa đen thì đáng sợ hơn các bạn tưởng. Chuyện đó với tôi dù đã qua gần hơn chục năm, nhưng lần nào nhắc đến cũng khiến cho tôi sợ hãi đến cùng cực.
Và tại sao phụ huynh lại không thể thẳng thắn như người mẹ đó để tìm một hướng giải quyết hợp lý cho con cái? So về tài chính thì có lẽ người mẹ đó không bằng, so về quyền lực thì cũng không nốt. Nhưng cái người mẹ đó có ngoài cộng đồng mạng, chính là lòng tin với con cái rằng “con tôi đang bị bắt nạt và nó xứng đáng được một giải pháp hợp lý.”
Chỉ việc đó thôi đã đủ khiến cho một đứa trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi với bạo lực học đường. Khi con cái bị bắt nạt, nó chắc chắn sẽ tìm đến ba mẹ của nó, nhưng đổi lại có phải là sự hoài nghi ?
“Con phải làm gì đó rồi thì người ta mới làm vậy chứ.”
Hay là “Ôi bỏ đi, có gì đâu, méc cô là được.”
Nhưng sau khi méc cô thì giáo viên nói gì được ngoài những câu rỗng tuếch
“Chuyện của hai em thì tự giải quyết đi. Cũng có bị gì đâu.”
Hay đưa lên hiệu trưởng thì lại là câu chuyện đổi ngược lại là hai phụ huynh tự giải quyết.
Vậy là chuyện cũng chẳng đi đâu về đâu cả. Mọi thứ đều quay trở lại bài toán ban đầu là một đứa trẻ bị bắt nạt không thể nói gì, và một đứa thì cứ cậy vào chuyện đó mà tiếp tục bắt nạt.
Mọi người có thể có cái nhìn khắc khe với người mẹ, nhưng tôi lại thấy những người mẹ như thế nên có nhiều hơn. Để những mặt xấu trong giáo dục được bộc lộ trọn vẹn trước tất cả mọi người. Từ tham nhũng, ăn tiền của phụ huynh để bao che, cho đến cách xử trí không hợp lý của nhà trường.
Ai cũng bảo là hãy bình tĩnh và xem nhà trường giải quyết, nhưng thật lòng mà nói. Ngay từ khi những đứa trẻ có vết thương trên cơ thể, cho đến khi đứa trẻ bắt nạt ngông ngênh đi ra khỏi trường sau khi vụ việc bị phanh phui, thì mọi người có thật sự nghĩ công lý có thật hay chỉ là một diễn viên hài?
Tôi khi bị bắt nạt năm đó và nghe thấy thầy hiệu trưởng nói một câu xanh rờn là tự giải quyết, tôi đã chẳng còn thiết tha gì với giải pháp của vấn nạn học đường. Cho dù tôi có viết điều đó cả trăm lần trong những bài văn nghị luận về bạo lực học đường, thì mọi thứ đều chẳng đổi được gì. Ai cũng đều nhắm mắt làm ngơ.
Và nếu nói về bạo lực học đường, tôi cho rằng những đứa trẻ cãi nhau không phải là vấn đề lớn. Đôi khi lớn lên hai đứa lại có thể là bạn thân, không đánh không quen. Nhưng bạo lực học đường thật sự gây tổn thương đến đứa trẻ lại chính là nhà trường, giáo viên, và phụ huynh. Những người coi nhẹ sự tổn thương về cả thể chất và tinh thần của một đứa trẻ. Những con người bỏ qua những lời cầu cứu của một đứa trẻ chỉ vì muốn che lấp cho một cái danh đẹp đẽ là ngôi trường lành mạnh, không bạo lực, hay sợ phiền hà và mích lòng với những người có địa vị trong xã hội. Đó, với tôi mới là bạo lực thật sự trong học đường.
Thứ đáng sợ nhất không phải là sự tẩy chay của các bạn, càng không phải là những cú tát từ bạn học. Mà là sự thờ ơ của những người xung quanh.
Tôi biết là rất khó để lên tiếng cho một đứa trẻ, nhưng nếu đã là ba mẹ và giáo viên, xin hãy đừng im lặng với những nỗi đau mà con trẻ đang trải qua. Mọi lời cáo buộc đều là lời cầu cứu đến từ những đứa trẻ đang dần tuyệt vọng, vì nó biết nếu nó cầu cứu không thành, nó sẽ lại là nạn nhân của bạo lực nặng nề hơn.
Nên, XIN ĐỪNG IM LẶNG!
Và hãy ủng hộ trường hợp của người mẹ ở trường quốc tế. Bạo lực học đường cần một phong trào khởi đầu để tìm hướng giải quyết. Một cơn thịnh nộ của phụ huynh, sự lan truyền của truyền thông nhất định sẽ có thể răn đe ít nhiều đến những ngôi trường và cách xử trí của các hiệu trưởng trường khác. Nhưng đừng tấn công cá nhân, đúng người đúng việc, những sự việc như thế này người cần lên tiếng nhất là nhà trường. Còn những người trong cuộc họ vẫn chỉ đang kêu gọi để đòi công bằng, chứ không phải là tìm cách tấn công người khác.
Hy vọng sau sự việc lần này, nạn bạo lực học đường có thể giảm đi ít nhiều và những đứa trẻ sẽ có một môi trường lành mạnh để phát triển.
-Nomad’s Mind-