TÔI CHỈ LÀ CHÚ CHIM NON, MÃI CHƯA MUỐN RỜI TỔ
Cách đây vài năm, cái thời “vẫn còn đang sinh viên”, cứ sau mỗi lần trở lại Hà Nội học tập sau khi ăn Tết ở quê, tôi đã cảm khái mà rằng: “Cái loại như mày, cứ đi xa là thấy nhớ nhà, mềm yếu như thế, sẽ đéo thể làm việc lớn!”.
Đến tận bây giờ, khi đã ra trường và đi làm được 4 năm, suy nghĩ ấy vẫn xuất hiện và cồn cào trong tôi, mỗi khi kỳ nghỉ Tết kết thúc. Hà Nội những ngày xuân nô nức với biết bao lễ hội, nhưng lòng tôi thì chỉ lưu luyến và hướng về quê hương. Tôi, như chú chim non, mãi chưa muốn rời tổ.
Thời sinh viên là quãng thời gian mà tôi cảm nhận trọn vẹn nhất ý nghĩa của Tết. Tết không chỉ là dịp được nghỉ học, được tiền lì xì, được ăn ngon, được trốn nhà đi đánh điện tử… như tôi vẫn nghĩ thuở ấu thơ. Xa nhà xuống Hà Nội học trọ, phải đối mặt với khó khăn và học cách tự làm chủ cuộc sống của mình, Tết trong tôi mới đầy đủ ý nghĩa. Đó là khi tôi được trở về nhà, được nghỉ ngơi sau một năm dài học tập – làm việc, được ăn cơm mẹ nấu và uống trà cùng bố, được nô đùa với em và buôn dưa lê với bạn bè. Trên tất cả, chú chim non nớt như tôi một lần nữa được vô tư, một lần nữa được an toàn gần như tuyệt đối, trong cái tổ quê hương ấm áp.
“Sinh viên nghèo” đói lắm. Đồng lương bộ đội về hưu khiến tôi không nỡ xin tiền trợ cấp của bố mẹ nhiều. Cái thằng tôi ẩm ương và yếu đuối không đủ dũng khí để bươn chải đặng lo cho bản thân. Trò đời, thiếu tiền thì chỉ có hai cách. Một là làm cách nào đó để kiếm ra, và hai, là tự giới hạn nhu cầu của bản thân lại. Chú chim ngày ấy chọn cách thứ hai, tối ngày chỉ biết ở trường rồi về nhà, úp mặt vào màn hình chơi game. Chơi mê muội, cuồng say, chơi như trốn tránh mọi khó khăn, thiếu thốn và vất vả của cuộc sống. Những ngày sát Tết, 1 trong 3 thằng ở chung nhà trọ, về trước. Hai thằng còn lại đóng tiền nhà may mắn còn dư mấy đồng, mua được chai dầu ăn với cuộn giấy vệ sinh mà mừng húm. Đã mấy ngày, chúng tôi không còn giấy vệ sinh. Chai dầu ăn, sẽ đem rán nốt chỗ bột trong tủ lạnh, ăn tạm để đợi ngày về Tết.
Nếu tắm nước mùi là nghi thức của người dân Việt Nam trong chiều ba mươi, thì dọn dẹp sạch sẽ nhà trọ, thắng đồ lên con ngựa sắt rồi rong ruổi về quê, là “nghi thức” của tôi mỗi khi Tết đến. Cũng là hành trình 80 km, nhưng sao đường về quê những ngày này, khác thế. Khi thì ngân nga những bài hát nho nhỏ, đoạn thì nghiêng ngó, ngắm nhìn thiên hạ nô nức đón xuân. Trên hành trình về quê, tôi vừa đi vừa điểm lại những gì đã làm được trong năm vừa qua, nghĩ về những cái Tết đã qua, và mường tượng ra không khí ấm áp của cái Tết đang tới.
Và đây, ngôi nhà nhỏ bé quen thuộc. Bố mẹ vẫn ở đó, những người đang tất bật với nào chổi, nào giẻ lau, nhưng không quên đón ông con ế vợ bằng một nụ cười tươi hết cỡ. Còn đó cô em gái đang tuổi ô mai, anh trai đi xa thì nhớ, nhưng chỉ ở gần ít hôm là bắt đầu… đánh nhau. 
Vậy là một cái Tết nữa đã qua. Chú chim non đã 27 tuổi rồi đấy. “Tam thập nhi lập”, dù không muốn, nhưng cuộc sống vẫn sẽ bế chú đi, đẩy chú ra khỏi cái tổ ấm áp an toàn, quàng lên vai chú trách nhiệm với bản thân, gia đình, họ tộc và ở một khía cạnh nào đó, là cả nhân loại (chuyện lấy vợ, sinh con). Để thực sự sống, chú chim cần phải bay. Ngọn gió vô hình, chẳng có cánh tay nâng nó lên, như bố mẹ nó vẫn làm khi thơ bé. Chú chim chưa muốn rời tổ, nhưng cũng đừng biến nỗi nhớ tổ, thành lí do để chú yếu mềm. Hãy biến nó thành động lực, để chú bay cao và bay xa hơn, để chú thật cứng cáp và khỏe mạnh, kiêu hãnh và nhiệt huyết, và… để chú có thể trở về tổ, bất cứ khi nào, chú muốn.
 Mồng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu (18/2/2021)