TỐI 25 VIẾT CHO TÔI 20.
Tôi là đã từng là một người hay trì hoãn, không có định hướng nhưng lại luôn lạc quan với những tính cách như vậy. Từ nhỏ, bố mẹ...
Tôi là đã từng là một người hay trì hoãn, không có định hướng nhưng lại luôn lạc quan với những tính cách như vậy.
Từ nhỏ, bố mẹ đã đem lại cho tôi một thứ không biết là tốt hay xấu: không bao giờ đặt kỳ vọng vào những thứ xung quanh. Ngày sinh nhật người bạn thân nhất của tôi, buổi đi chơi cuối khoá, hay đơn giản là việc tối nay có được ăn món kem yêu thích hay không, bố mẹ sẽ tôi sẽ đều đi theo một chu trình: hôm trước đồng ý, hôm sau lắc đầu. Không phải là vì hôm đó nhà tôi có việc, hay thời tiết mưa nắng, mà lí do chỉ là: thôi ở nhà đi cho khoẻ.
Những lần đầu tiên, tôi ấm ức và khóc rất nhiều, vì hồi trẻ con, ham chơi là chuyện bình thường. Những lần sau đó, tôi ấm ức nhưng không khóc nữa, và tôi bắt đầu có thói quen từ chối việc đi chơi. Dần dần, mỗi lần xin bố mẹ một điều gì đó, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu là: “Ừ, bố mẹ chắc không cho đâu.” Cho đến khi lên đại học, tôi cũng ứng xử với những thứ khác y như vậy: không dám kỳ vọng vào sự lựa chọn của người khác. Tính cách đó khiến tôi trở thành một người lạc quan, yêu đời vì tôi chưa bao giờ kỳ vọng vào một điều gì đó. Vì vậy, khi lên đại học, một môi trường mới lạ và chủ động hơn, tôi trở thành một người trì hoãn và không có mục tiêu sau này. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tự an ủi và lạc quan như mọi khi.
Cho đến một lần, tôi bị chính sự lạc quan ấy đánh gục, khi mọi người xung quanh đều có một thành tựu, định hướng nhất định, tôi vẫn chỉ là một con bé sinh viên đang đi làm gia sư và đi cafe vào mỗi tối. Đồng ra đồng vào cũng ổn định để chi trả cuộc sống đại học. Chuyện là khi họp gia đình, nhà cũng đông anh chị em nhưng chỉ có 3 đứa cùng lứa với tôi thôi. Hai đứa đó thì đều đang thực tập ở công ty lớn cả rồi. Rồi tôi nghe lén được lúc mẹ nói chuyện với các bác là tôi lạc quan, tích cực nhưng vô dụng, không đỗ được vào chỗ nào ra hồn.
Từ đó, tôi luôn tự hỏi mình rằng: Tôi là ai? Công việc tôi mong muốn là gì? Mục đích sống của tôi là gì? Liệu mình có đang đi đúng hướng không? Trong một thị trường lao động cạnh tranh như thế này thì đâu là nơi dành cho tôi?
Thú thật là tôi hỏi thế thôi, chứ để bắt đầu thì cũng không biết làm gì. Ngồi ì ra đấy tầm thêm vài tuần thì tôi đánh liều đi bắt trước mấy đứa giỏi giang mà tôi biết. Tôi cũng đi tìm tòi các kỹ năng, thói quen để thành công qua sách vở, youtube, khóa học online. Tôi có đi hỏi những người xung quanh về định hướng của họ và cố gắng áp dụng nó lên mình; hay ngồi tưởng tượng về tương lai của mình trong vài năm tới là gì. Tuy nhiên, càng nghĩ, càng tìm, càng hỏi, tôi lại càng bế tắc, vì có quá nhiều thông tin, không biết nên lựa chọn như thế nào, vì điều gì cũng hấp dẫn và thú vị. Chả biết làm gì tập hai, tôi cứ đi rải CV xin thực tập free ở vài chỗ rồi tính tiếp. May mắn thay, nơi đầu tiên nhận tôi vào làm là một nơi rất tuyệt tốt và giúp tôi định hướng được 1 phần nào đó cho tương lai.
Nhưng vũng là vì may. Chứ nếu không may như tôi thì tôi cũng chả biết làm gì. Giờ ngồi nghĩ lại, tuổi trẻ không đáng là bao, phải thử. Nhưng tuổi trẻ cũng ngắn lắm, không thể cứ ngồi nghĩ hoặc chỉ đâm đầu làm được. Sau 2 năm trải nghiệm, tôi đã rút ra được một bài học dành cho những bạn đã, hoặc đang mông lung giống tôi 2 năm trước.
TRẢI NGHIỆM - MỘT CÁCH THÔNG MINH
Đúng vậy, bạn phải trải nghiệm, để có đủ hiểu biết và kiến thức cho việc định hướng của bản thân. Chỉ có làm, chỉ có thật sự dấn thân vào, ta mới biết được bản chất, hiện thực của cuộc sống đang diễn ra như thế nào. Nếu cuộc đời bạn là một dự án, bạn chỉ đang là một người thợ đang tích luỹ kinh nghiệm để được thăng chức thôi. Vì vậy, hãy làm tốt công việc của bạn, đừng dùng đầu óc của một người thợ để đóng vai giám đốc - người ngồi nghĩ.
Vậy, làm sao để trải nghiệm thông minh? Có những người cả đời chỉ làm thợ, nhưng có những người lên vị trí cấp cao ở quãng thời gian rất trẻ (tôi không có ý tiêu cực với những người làm thợ). Câu trả lời là hãy tối ưu hoá thời gian và tối đa những bài học từ trải nghiệm của bạn. Đừng chỉ đâm đầu vào làm, làm và làm, rồi đến khi nhìn lại không rút ra được bài học gì cho bản thân. Tôi nghĩ mỗi người sẽ có một cách riêng, nhưng hãy luôn nhớ điều này trong đầu: “Trước khi bắt đầu hay từ bỏ một điều gì, hãy rút ra một bài học để đời, dù tốt hay xấu cho bản thân.” Bạn thậm chí có thể đi hỏi những người đi trước để có thêm kinh nghiệm, tránh phạm lại những sai lầm của người khác.
Luôn có những kiến thức có thể áp dụng đa ngành, các kỹ năng mềm giúp bạn thăng tiến tốt. Đồng thời cũng có những người sếp rất giỏi, sẵn sàng cởi mở chỉ dẫn cho bạn. Bạn nên đặt mục tiêu học được những kiến thức hay và tìm được những người như vậy.
Thằng em tôi có gửi cho tôi 1 video của 1 bạn trẻ về việc định hướng. Tôi thấy rất thực tế và đáng suy ngẫm sau 4 năm đi làm, vì vậy, tôi sẽ tóm tắt lại một vài ý chính và để link của video ấy ở đây:
5 bước để trải nghiệm thông minh và những điều bạn cần quan tâm
Điều 1: Tham gia những tổ chức mà ở đó bạn được phép sai hoặc làm không công cho một người giỏi hơn.
Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới bên ngoài, được trải nghiệm thực tế các kiến thức được hoặc hoặc nghe. Trong giai đoạn này, hãy đặt nhiều câu hỏi về những thứ mình thích, không thích, muốn học hỏi, muốn loại bỏ để hiểu hơn về bản thân.
Điều 2: Biết được “Thị trường cần gì?”.
Biết được thị trường cần gì, thì bạn sẽ biết nên học gì, chọn môi trường như thế nào. Thị trường hay việc làm đều cần 2 thứ: kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn.
Về kiến thức chuyên môn, có 4 kiến thức mà ở môi trường nào, anh nghĩ là các bạn cũng sẽ cần, bao gồm:
Mô hình kinh doanhKhi nhìn vào một công ty, bạn cần xác định industry, sản phẩm ngta đang bán và cách ng ta kiếm tiền từ đó là gì. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về business model canvas để phân tích thị trường. Đừng bao giờ nghĩ học kỹ thuật, y học, quân đội thì không cần biết gì về kinh tế. Và học kinh tế thì cũng chẳng cần biết gì về mấy cái kia. The more you know, the less you fear. Và the more bạn biết, the more bạn biết nên làm cái gì tiếp.
Kỹ năng bán hàngBao gồm các kỹ năng nhỏ lẻ: thuyết trình, phỏng vấn, thuyết phục. Bản chất là bán hết. Phỏng vấn là bán thân thôi. Nói cách khác bạn phải biết cách truyền thông. Truyền tin sao cho thông não người khác, và làm người ta thích mình. Dù là bằng nói, hay viết thì cũng nên học.
Cách định vị một sản phẩm Làm sao để các nhãn hàng khiến khách hàng thích họ? Ví dụ như giờ nhắc tới xe ôm là nhắc tới grab. Bạn chỉ cần hiểu được vì sao các nhãn hàng được yêu thích và in sâu vào não bộ con người là tốt lắm rồi.
Đọc báo cáo tài chínhĐọc được báo cáo tài chính là bạn hiểu được thêm về tình trạng sức khoẻ của một doanh nghiệp. Học về tài chính là học về tiền. Biết về tiền và sự liên quan của các con số thì mới kiếm tiền tốt được.
Hiểu được những điều trên là hiểu sơ sơ về nền kinh tế rồi đó. Sau cùng thì ai cũng sẽ đóng góp sức lực trong nền kinh tế, nên đừng bỏ qua những kiến thức này.
Về kỹ năng mềm: Tất cả kỹ năng bạn cần học đều là quản lý hoặc dẫn dắt một thứ gì đó: thời gian, cảm xúc, thông tin, tiền bạc, dự án, thông điệp, mối quan hệ... Cách tốt nhất để rèn luyện kỹ năng mềm này là đi làm những điều bạn chưa làm bao giờ. Vì bạn phải gặp khó khăn, bạn mới có cái để quản lý. Những môi trường bạn có thể dấn thân và học điều này đã chia sẻ ở bước 1.
Điều 3: Đánh giá năng lực bản thân
Khi trải nghiệm, bạn luôn kiểm soát công việc thông qua năng lực và cảm xúc. Và các bạn cần tìm hiểu hai khía cạnh này.
Về năng lực. Câu hỏi đầu tiên là: “Mình làm tốt cái gì?”, sau đó là “Trong cái mình làm tốt, cái gì mình trội hơn người khác?”. Cuối cùng là: “Để phát triển những cái trội đó, mình cần đánh đổi điều gì?”. Trả lời hết 3 câu hỏi này, tại thời điểm đó, bạn sẽ biết mình nên thử cái gì trước.
Về cảm xúc, mỗi khi làm việc gì đó, hãy liệt kê ra những điều làm bạn thoải mái, những điều làm bạn thấy khó chịu. Bạn có thể duy trì hay chỉnh sửa những điều này như thế nào trong tương lai. Biết mình thích gì để tự tạo ra niềm vui, biết mình không thích gì để biết khi nào cần tránh, để đảm bảo hiệu suất công việc.
Điều 4: Các bạn trẻ nên có thói quen nhìn lại liên tục, nên ghi lại hành trình của mình hoặc update nó ở một nơi nào đó, với ai đó để thấy được sự tiến bộ của bản thân. Tôi thường hay ghi ra vở, dán lên bàn, hoặc update với bạn thân, mentor của mình.
Điều 5: Làm xong được 4 bước kia là cũng hòm hòm rồi. Vì các bạn sẽ thấy các bạn lớn lên từng ngày. Làm và nghĩ nên đi song song nhau, thay vì nghĩ hết rồi làm hoặc làm hết rồi mới rút kinh nghiệm
Đây là những chia sẻ và bài học của tôi. Cảm ơn các bạn đã đọc và ủng hộ tôi.
Nguồn tham khảo về 5 bước trải nghiệm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất