Bạn có bao giờ từng ghét gia đình chưa?
Khi nhìn vào những gia đình hạnh phúc vui vẻ, còn mình thì bị áp lực điểm số, bị so sánh từ trên xuống dưới, bị la mắng và trách cứ, bị xem là bản sao của người chị hay em gái của mình. Bạn có từng ghét gia đình những lúc như thế chưa?
Bản thân tôi đã từng là người ghét gia đình mình cay đắng, dù tôi biết là tôi phải yêu thương họ, dù tôi biết hiếu thảo là bổn phận mà tôi phải có, dù tôi biết ba mẹ làm thế là để tốt cho mình.
Nhưng khi đối diện những cuộc cãi vã không hồi kết với mẹ, tôi thấy ghét mẹ vô cùng.
Nhưng khi đối diện với sự vô tâm của ba, tôi không thể nào thương ông ấy nổi.
Và khi đối diện với một người chị tài giỏi và xinh đẹp, tôi vẫn mãi mãi luôn là cái bóng
“Học theo chị con kìa” trong mắt của ba mẹ.
Thế là tôi chọn lựa trở nên giỏi giang hơn, xinh đẹp hơn, nhưng tất cả những gì tôi nhận được lại là sự than khổ về một tuổi thơ bất hạnh của chị. Rằng là chị thì khổ hơn thế này thế nọ, nên mẹ phải bù đắp. Và chị thì có một cuộc đời khổ sở hơn tôi, nên sự quan tâm của gia đình đều đổ dồn vào chị.
Nhưng mà, tại sao là một đứa trẻ hiểu chuyện thì lại không được cưng chiều và yêu thương bằng một đứa trẻ hư?
Tôi đã cố trở thành một đứa trẻ biết nghe lời, biết ở nhà một mình, biết tự làm tất cả mọi thứ. Nhưng vì tôi biết tất cả mọi thứ, nên gia đình lại đi chăm cho chị của tôi.
Sự đố kỵ khiến tôi muốn phát điên với chính bản thân mình. Mỗi một khi tôi mua một món gì đó, tôi sẽ phải nghĩ đến chị tôi đã cơ cực đến thế nào, và mẹ sẽ nói ra sao khi tôi mua món đồ đó cho chính bản thân mình.
Sự ganh ghét khiến tôi chỉ nghĩ đến mẹ đang bênh vực chị tôi, là trong mắt ba cũng chỉ có chị tôi.
Tôi chỉ là một cái bóng không hơn không kém.
Nhưng rồi tôi gặp một người.
Tôi đã từng là người rất ghét văn hóa phương Tây, vì họ quá cởi mở, và họ không có tình cảm gia đình.
Tôi luôn có cái nhìn một chiều với văn hóa phương Tây xa lạ, và rồi người đó đã nghe được câu chuyện của tôi.
Người đàn ông da trắng bằng tuổi với ba tôi đã ngồi đó để nghe toàn bộ những tức giận, ganh ghét, và buồn đau của tôi như một người ba. Việc mà cả đời này tôi có nằm mơ thì ba tôi cũng không thể làm thế với mình, vậy mà một người đàn ông phương Tây xa lạ lại có thể làm điều đó.
Ông chỉ im lặng sau khi nghe xong câu chuyện, rồi ông vỗ nhẹ bàn tay tôi như một lời an ủi, nhưng giọng nói và thái độ của ông lại rất cương quyết.
“Đôi khi chúng ta phải chấp nhận là đứa con cả luôn là người mà ba mẹ chúng ta sẽ thương yêu nhất. Vì đó là đứa con đầu tiên họ sinh ra, là đứa trẻ kết tinh khi tình yêu của họ chín muồi nhất. Là sự đẹp đẽ nhất trong cuộc hôn nhân của họ. Còn đứa con thứ hai, lại chỉ là một sự chọn lựa khi họ thật sự đã đủ đầy. Nên đôi khi chúng ta phải hiểu là yêu thương sẽ không để nào đồng đều.”
Tôi tức giận, vì ông là một người ba, và ông có thể cũng đã hiểu đúng những gì mà gia đình tôi nghĩ. Nhưng tôi không chấp nhận, tại sao tình yêu của ba mẹ lại có sự thiên vị, và tại sao tôi chỉ có thể chấp nhận điều đó?
“Nhưng mà, họ có yêu con không? Có chứ, bởi vì yêu thương nên mới chấp nhận sinh ra và nuôi dưỡng. Có thể là tình cảm họ dành cho hai người con không như nhau, nhưng họ luôn cố gắng để yêu thương nhiều nhất có thể. Và hiếu thảo không phải là bổn phận thôi, nó xuất phát từ tình yêu. Nếu con không thật sự quý trọng gia đình mình, thì hiếu thảo hay không cũng đều vô nghĩa. Và bất kỳ một gia đình nào cũng cần một yếu tố cực kì quan trọng, là giao tiếp với nhau.”
Ông nói với tôi rất nhiều, về cách để có thể giao tiếp với ba mẹ, về cách để có thể trưởng thành hơn trong những cảm xúc ganh đua và đố kỵ với người chị của mình.
Ừ thì, tại sao chúng ta phải phân tình cảm ai nhiều ai ít? Vì tình cảm thì làm gì có thước đo.
Ba mẹ thương ai nhiều hơn thì có vấn đề gì, họ vẫn yêu thương và luôn dành cho chúng ta một chỗ dựa thôi.
Và tại sao phải ép bản thân phải hiếu thảo, khi hiếu thảo là tấm lòng mà chúng ta phải tự nguyện.
Những giá trị về tình thương gia đình như thế, tôi lại không được dạy từ gia đình của mình, mà lại từ một người đồng nghiệp bằng tuổi ba mình với văn hóa phương Tây khác biệt.
Hóa ra, có những giá trị tình thương không phải chỉ Châu Á mới có, mà tất cả những con người trên thế giới này đều có.
Và thật ra, cuộc sống với những đố kỵ, ghen tuông, ganh ghét đều có thể hóa giải bằng những lời nói rất thẳng thắn và thật lòng.
Tại sao chúng ta không thử giao tiếp với ba mẹ mình?
Tại sao những cuộc cãi vã không đầu không cuối lại không đổi thành những tranh luận về cách yêu thương?
Tại sao chúng ta không thử mở lòng mình, và cho những người trong cuộc một cơ hội để yêu thương?
Từ những câu nói của người đồng nghiệp, tôi nhận ra tình yêu thương không xuất phát từ danh phận.
Tôi đã từng rất ghét gia đình mình, dù tôi gọi họ là gia đình.
Nhưng tôi lại thấy yêu thương họ vô vàn, khi sự giao tiếp với gia đình ngày một nhiều hơn. Khi những gì tôi nhận được là sự thấu cảm, cảm thông, và yêu thương chứ không phải là ép buộc phải trở nên “giỏi giang”, phải “thành đạt”.
Vậy thì, bạn có bao giờ tự hỏi, tình yêu thương gia đình xuất phát từ đâu chưa?
Hiếu thảo không phải là bổn phận, đó là tấm lòng phải xây dựng từ nỗ lực của ba mẹ và con cái.
Sự yêu thương phải xuất phát từ những giá trị tinh thần, và những câu chuyện để hiểu nhau, chứ không phải là vì đó là ba mình hay mẹ mình.
Ngày hôm nay, bạn hãy thôi nghĩ Hiếu thảo là một bổn phận mà trò chuyện với ba mẹ mình xem.
Ngày hôm nay, hãy khoan coi gia đình là những người mà chúng ta phải yêu thương, hãy coi họ là một người bạn để tâm sự xem.
Góc nhìn của yêu thương trong bạn sẽ khác, và tình yêu thương cũng sẽ khác.
Có lẽ, tất cả đều cần một nỗ lực rất lớn. Và quan trọng nhất, phải là CHÍNH MÌNH tin là mình làm được.
Nomad's Mind
Theo dõi tụi mình tại đây nha