TĨNH LẶNG
“Nếu tâm hồn ta như một hồ nước tĩnh lặng, thì khi bạn liệng một viên đá nhỏ vào, sự tĩnh lặng của mặt hồ cũng khiến bạn nghe và cảm nhận được mỗi rung động dù là nhỏ nhất”
Ví như bức hình này tôi chụp ở rừng quốc gia Bako, Malaysia. Khi nhìn vào mặt nước tĩnh lặng, bạn có cảm nhận, hình dung được sự di chuyển của con thuyền trên mặt nước kia không?
Chúng ta ai cũng có những suy nghĩ tiêu cực, suy nghĩ xấu. Nếu tôi hoặc bạn nói hết ra những suy nghĩ đó thì chắc chẳng còn ai chơi với mình nữa (trừ đứa bạn thân nhất, nếu có). Tuy nhiên, trong mặt hồ này, không có ai ngoài bạn nghe được những dòng suy nghĩ của bạn, không ai phán xét bạn nên bạn có thể thành thật để thả tất cả suy nghĩ ra để nó đến với mình.
Rồi bạn làm gì?
Bạn có nên xem xét từng suy nghĩ một không? Xem nó đúng hay sai? Có lý hay không? Hay là bạn chỉ nên giữ lấy một dòng suy nghĩ mà khiến bạn vui nhất hoặc khó chịu nhất vào lúc đó rồi phân tích nó, phán xét nó, đánh giá nó.
Nếu bạn đang mệt mỏi và muốn bình yên, tĩnh lặng thì câu trả lời là không. Hãy chỉ đơn thuần nhìn suy nghĩ mà không phân tích. Bởi vì khi bạn phân tích một dòng suy nghĩ, thì dòng suy nghĩ khác liên quan đến theo đó lại bước vào. Nếu bạn chỉ nhìn nó đến rồi ghi nhận là mình có dòng suy nghĩ vậy thôi, rồi để thả nó đi, thì suy nghĩ đó chỉ nghĩ đến thế, mà không làm bạn tức giận hay khó chịu thêm. Chỉ khi bạn phân tích, kết tội, so sánh, gán ghép thì những suy nghĩ khác mới lại bước vào và dần làm tăng cảm giác của bạn.
Nếu bạn có thể chỉ đơn thuần nhìn từng dòng suy nghĩ, để nó đến rồi đi, rồi sẽ đến lúc suy nghĩ của bạn thưa dần, cho đến khi chỉ còn sự tĩnh lặng.
Bạn lại hỏi “Tại sao cần tĩnh lặng?”
MÂU THUẪN – TÔI MUỐN CÁI NÀO?
Bạn làm rất nhiều mà vẫn không cảm thấy mãn nguyện với chính mình.
Bạn nói, giải thích nhiều mà cuộc hội thoại vẫn đi sai hướng và chúng ta vẫn không hiểu nhau giữa những người thân mà đáng ra ta có thể sống trong bình yên và yêu thương.
Bạn đi shopping, sau khi xem xét từng chiếc váy, áo, thấy cái nào cũng có lý để mua, một là bạn có thể sẽ bị loạn chẳng còn biết là mình nên mua cái nào, hoặc là bạn thấy cái nào cũng cần và mua hết chỗ váy áo đó. Rồi có những cái áo lúc mua thì thấy trào lên thích lắm, nhưng mặc một lần là chán. Tủ quần áo đầy mà bạn thì vẫn thấy trống rỗng mỗi khi chuẩn bị bước ra đường, lúc nào cũng thấy thiếu, không có gì để mặc. Và lại tiếp tục lao ra ngoài mua cho đầy để lấp vào chỗ thiếu đấy mà vẫn thấy cồn cào không đủ.
Kể từ khi sinh ra, chúng ta đều sống và liên tục kiếm tìm, theo đuổi để đạt được mong muốn thỏa mãn của bản thân. Mong muốn được thỏa mãn về trí tuệ, mong muốn được cải thiện, nói với người khác nên làm gì, mong muốn thay đổi cấu trúc xã hội, cá nhân, thỏa mãn nhu cầu về thể xác, trải nghiệm, hiểu biết về cuộc sống, kiểm soát được lý trí…. Những nhu cầu, những dòng suy nghĩ cũng đều có lý của nó, mục đích của chúng thường là để bảo vệ bản thân, tránh bị tổn thương cái tôi hoặc để đạt được cái tôi lớn hơn cái tôi mình đang có. Một người sẽ cảm thấy hạnh phúc hoặc tương đối mãn nguyện trong cuộc sống khi thường xuyên được thỏa mãn những nhu cầu của mình.
Khi bạn đủ tĩnh lặng, không bị xáo trộn bởi những tác động của các cá nhân bên ngoài, bạn sẽ bắt đầu nhận biết, nghe được sâu thẳm trong mình đang có những nhu cầu nào và cái nào là thực sự có tính ưu tiên nhất để thỏa mãn nó. Thay vì đứng giữa dòng không biết nên chọn thảo mãn nhu cầu nào giữa những nhu cầu đang mâu thuẫn trái chiều trong mình.
Bạn lại hỏi “Nhưng những nhu cầu của tôi nghe chừng nói ra lại bị đánh giá là tầm thường, có khi còn là sai và không tốt? Ví dụ, tôi chỉ muốn mối quan hệ này vì sex hay công việc này chỉ vì tiền. Tôi không thể nói thật điều đó với người kia được.”
Hay bạn hỏi “Tôi không biết là tôi muốn gì trong mối quan hệ này nữa, vì tôi không còn hi vọng là người đó sẽ thay đổi nhưng tôi vẫn yêu, và điều đó làm tôi mẫu thuẫn, phiền muộn, đau khổ”
Tất cả những nhu cầu đó đều có thật, nhưng bạn có biết cái nào nhu cầu cơ bản, thực sự nhất trong bạn không? Khi bạn đang làm theo tất cả những nhu cầu đó thì tâm trí và cơ thể bạn có được thỏa mãn, yên vui, tự hào và sung sướng hay bạn đang mệt mỏi, muộn phiền, cắn rứt và mâu thuẫn?
TỰ DO
Khi bạn đã đủ tĩnh lặng để đứng ra ngoài, chỉ nhìn thôi, là bạn bắt đầu có Tự do. Vì bạn sẽ bắt đầu có thể tách bạch, nhìn rõ từng-thứ-một để lựa chọn. Rồi khi bạn quyết định lựa chọn rồi thì bạn kiên định với lựa chọn đó. Khi ấy, tâm trí bạn thống nhất, bạn không còn bị mâu thuẫn vì những ý muốn trái chiều trong mình nữa, bạn không còn bị phán xét bởi chính mình nữa.
Bởi khi bạn khó chịu, bất bình với những phán xét của người khác nhưng bạn vẫn làm theo hoặc không dám phá vỡ nó, thì nó đang trở thành phán xét của chính bạn.
Tự do có phải là có quyền làm theo những gì mình thích, mình muốn, là cảm giác không bị trói buộc bởi điều gì, bởi phán xét nào? Vậy nên trước tiên, ta cần biết là mình thực sự muốn gì đã, phải không?