☘️ Một trong những yếu tố thiếu sót trong giáo dục hiện tại là tính thực tiễn của tri thức đang được giảng dạy trong nhà trường. Mà thật ra, người học không được cung cấp thông tin cũng như không tìm hiểu những kiến thức và các vấn đề vĩ mô trước khi ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, kinh doanh hay ngành học. Am hiểu vĩ mô dường như chỉ được xem là vấn đề của những người hoạch định chính sách, các chiến lược gia, người quản lí, điều hành các doanh nghiệp, tổ chức, là một con người bình thường, việc gì chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề vĩ mô. Ắt hẳn không ít người trong chúng ta đã có những suy nghĩ như thế, nên chỉ tập trung vào chuyện làm nghề, chuyện chuyên môn và quanh quẩn bên môi trường nhỏ hẹp và việc kiếm sống hàng ngày. Bởi vì, những chuyện “vi mô" kia thôi cũng đủ làm ta lao lực rồi. Điều này không có gì sai cả, nhưng về dài hạn nó sẽ có nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí là sinh tồn không chỉ của cá nhân chúng ta, mà còn là tương lai của gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà ta đang điều hành.
Việc có bức tranh toàn cảnh và tầm nhìn dài hạn là vô cùng quan trọng để tạo ra chiến lược và các bước thực thi trong hành trình đạt đến những mục tiêu ngắn - trung và dài hạn. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bị đào thải, thay thế hoặc là không còn nhiều giá trị. Nó cũng có thể tạo nên sự lãng phí về thời gian, tiền bạc và công sức với những quyết định đi ngược lại với xu thế và tình hình vĩ mô. Những ngày gần đây, tin tức về làn sóng sa thải toàn cầu, cắt bớt nhân sự từ những tập đoàn nhỏ đến những xí nghiệp sản xuất ở những khu công nghiệp dường như không còn xa lạ với chúng ta, hàng loạt tập đoàn bất động sản, chứng khoán cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Tình hình kinh tế hậu covid với chiến tranh leo thang ở Ukraine và Nga, cùng với lạm phát và các chính sách kiềm chế lạm phát của các quốc gia đã làm tình hình kinh tế trở nên ảm đạm với việc lãi suất tăng cao, người tiêu dùng bắt đầu thắt lưng buộc bụng, nhu cầu tiêu dùng suy giảm tác động tới tình hình sản xuất, nhiều đơn hàng xuất khẩu cũng đã huỷ bỏ. Tỉ giá của các đồng tiền cũng giảm đáng kể so với sức mạnh của đồng đô la Mỹ, yên nhật cũng có lúc giảm 40% so với đô la Mỹ (thật khó khăn cho anh em xuất khẩu lao động nhật), đồng pound Ai Cập giảm 63% từ hồi tháng 03 đến nay, giai đoạn ở Ai Cập tháng 05 thì một đô la đổi lấy 18 pound (EGP), hiện tại đang là 24,7 pound, người anh em Lào cũng chứng kiến đồng Kip Lao tụt 50% so với USD, hiện tại đang ở mức 17,300 LAK và đứng trước nguy cơ vỡ nợ nối gót anh em Sri Lanka… Trong niềm hân hoan VNIndex vượt ngưỡng 1500 điểm trong những tháng đầu năm cũng như trong khoảng thời gian covid, thị trường đã có những phiên giảm sâu từ tháng 04 trồi sụt đưa chỉ số về ngưỡng quanh 1000 điểm trong hiện tại. Thị trường tiền điện tử đang đối diện với những rắc rối lớn khi FTX - một sàn điện tử lớn thứ 3 thế giới của Sam Xoăn tuyên bố phá sản, trong khi Binance đã bị rút ròng khoảng 6 tỷ đô trong những ngày cuối tuần qua.
Một thành viên của TSP tham quan kim tự tháp Giza, Ai Cập. Tất cả ảnh trong bài viết này được chụp từ những hoạt động của các học viên The Soil Project trong những ngày tháng qua
Một thành viên của TSP tham quan kim tự tháp Giza, Ai Cập. Tất cả ảnh trong bài viết này được chụp từ những hoạt động của các học viên The Soil Project trong những ngày tháng qua
☘️ Trong nước, thị trường trái phiếu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết, kể từ lúc lùm xùm “thao túng" trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh, đặc biệt sau vụ tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, thị trường trái phiếu càng được siết chặt, việc phát hành mới thật sự khó khăn trong khi hơn 700 ngàn tỉ đồng trái phiếu, chưa tính tiền lãi sẽ đáo hạn trong năm 2023. VMI được thành lập và trở thành cổ đông lớn của Vingroup với mục tiêu chia nhỏ đầu tư bất động sản thành 50 phần hoặc nhỏ hơn - một bước đi mang tính chiến lược trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đứng yên và các công ty đang thiếu thanh khoản. Thời điểm này, hơn 41000 công nhân mất việc và gần 500000 công nhân đang chịu ảnh hưởng bởi việc tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm trong những tháng cuối năm cận kề Tết nguyên đán.
Đâu đâu cũng là những tin tiêu cực về tình hình kinh tế, vậy có hẳn là mọi thứ đều ảm đạm. Sẽ có những lời khuyên đâu đó quanh cõi mạng là hãy đứng yên trong tình hình kinh tế hiện tại, đừng đầu tư kinh doanh gì cả, người sẽ bảo bạn mang hết tiền gửi vào ngân hàng, có chuyên gia sẽ bảo khủng hoảng là cơ hội để thu mua tài sản từ bất động sản đến chứng khoán giá rẻ. Nhưng tiền ở đâu để mua thì chuyên gia không nói

VIỆC LÀM

☘️Ngoài những dạng “tin tức” thời sự này, ở cấp độ khác, những chiến lược và chính sách phát triển của các quốc gia, khu vực cũng là những yếu tố không thể bỏ qua. Một bức tranh sáng cho kinh tế Việt Nam là kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đã vượt mốc 700 tỷ USD vào ngày 15/12 vừa qua, một cột mốc/kỉ lục mới trong xuất nhập khẩu, trong đó thặng dư thương mại lên tới 10,68 tỉ đô, góp phần ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định thị trường tiền tệ. Xuất nhập khẩu Việt nam tăng trưởng đều đặn qua các năm với các cột mốc là các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu và rộng, toàn diện hơn, nâng cao hình ảnh và vị trí của đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với 15 hiệp định FTAs đang có hiệu lực và 2 hiệp định khác đang trong quá trình đàm phán giúp Việt Nam có lợi thế quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những hiệp định này giúp dở bỏ rào cản thuế quan và hàng rào phi thuế quan đến với các quốc gia và khu vực kinh tế lớn trên thế giới bao gồm EU, Anh, New Zealand, Úc, Canada, Hàn, Nhât, Ấn Độ, Trung Quốc. Trong đó, CPTPP, EVFTA là những hiệp định thương mại thế hệ mới với những cam kết cao, toàn diện, sâu và rộng nhất mà Việt Nam từng tham gia. Trong khu vực Đông Nam Á, EU chỉ mới có FTA với Việt Nam và Singapore. Trong một diễn biến khác, kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các kế hoạch di dời của các tập đoàn đa quốc gia khỏi sản xuất ở Trung Quốc, gần nhất Apple đã có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam từ giữa năm sau.
Gặp mặt Đại sứ Tanzania Emmanuel Nchimbi tại dinh thự riêng của ông tại Cairo, Ai Cập.
Gặp mặt Đại sứ Tanzania Emmanuel Nchimbi tại dinh thự riêng của ông tại Cairo, Ai Cập.
☘️ Trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, đại dịch covid diễn ra với những ngày tháng lockdown đằng đẵng đã thúc đẩy quá trình chuyển đối số của các tổ chức, doanh nghiệp nhanh hơn lúc nào hết. Việc work-from-home, thương mại điện tử, thanh toán online, học trực tuyến (online learning) và số hoá, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và các thủ tục hành chính, hải quan đã trở thành những chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Từ các em học sinh đến những bà nội trợ, từ thành thị đến nông thôn, việc dùng smartphone và tham gia vào các mạng xã hội, các trang thương mại điện tử đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Những ngày qua, ChatGPT - một chatbot được phát triển bởi OpenAI đã trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi với các khả năng gây kinh ngạc của nó trong hàng loạt chủ đề, thu hút hơn 1 triệu người dùng sau 6 ngày ra mắt. Liệu rằng AI có thể thay thế con người trong tương lai gần với những công việc từ đơn giản đến phức tạp, liệu rằng mô hình học tập hiện tại ở các trường đại học có còn phù hợp và chuẩn bị cho một thế hệ mà người và máy sẽ cùng làm việc với nhau?
Là một người trẻ hay một người lao động, bạn sẽ chọn làm gì hoặc không làm gì trong một hoàn cảnh thế này? Là một người chủ doanh nghiệp bạn sẽ lựa chọn gì? Những thông tin trên liệu có tác động thế nào đến những quyết định của bạn.
Thông tin sẽ chỉ là thông tin và chẳng có ý nghĩa hay lợi ích gì với chúng ta nếu chúng ta không liên kết, hiểu được và hỗ trợ chúng ta ra quyết định. Vậy những thông tin trên có ý nghĩa gì với chúng ta? Điều đầu tiên, chúng ta đang sống trong một thời đại VUCA (Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity)), bất định hơn bao giờ hết - việc quản trị rủi ro, khả năng phục hồi (resilience), nắm bắt thông tin nhanh nhạy, khả năng dự báo và dẫn đầu xu hướng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong thế giới đó, quá trình chuyển đối số đang diễn ra với tốc độ rất lớn đòi hỏi ta phải tư duy lại về mô hình kinh doanh, cách thức vận hành tổ chức doanh nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Quá trình chuyển đối số cùng với tác động của toàn cầu hoá trong nhiều năm qua, hội nhập sâu và rộng của các quốc gia vào thị trường chung toàn cầu, được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do FTA - nhất là các FTA thế hệ mới với những điều khoản phi thương mại như môi trường, phát triển bền vững, lao động, sở hữu trí tuệ, v.v. mang tính cấp tiến và toàn diện đã đẩy các quốc gia và cá nhân chúng ta, những người lao động và chủ doanh nghiệp vào cuộc chơi toàn cầu, mà ở đó các tiêu chuẩn, quy định cao, các cam kết mang tính bền vững, cấp tiền cần phải tuân thủ. Ở đó, ngoài những cơ hội với thị trường rộng lớn được mở ra, ranh giới của các quốc gia đang dần bị xoá nhoà, sự tự do hoá thương mại đi kèm tự do hoá trong đầu tư và di chuyển của lao động cũng đặt các cá nhân và doanh nghiệp vào những khó khăn mang tính bước ngoặt trong việc nâng cao chất lượng lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung để có thể cạnh tranh và tận dụng được lơi thế, cũng như đòi hỏi sự thấu hiểu trong môi trường kinh doanh, làm việc đa văn hoá. Ở đó, kĩ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, trải nghiệm và quản trị đa văn hoá, kĩ năng máy tính - công nghệ, kĩ năng tài chính và thương mại, kĩ năng hợp tác, làm việc trong môi trường đa văn hoá và am hiểu các vấn đề địa phương cũng như vấn đề toàn cầu đã trở thành những yêu cầu cấp thiết mang tính bắt buộc để tồn tại và phát triển một cách bền vững trong xã hội hiện nay.
Sẽ thật khó để chấp nhận một người ngoài chuyên môn giỏi ra thì chẳng có một khả năng xã hội và hội nhập nào khác, bởi vì, đôi khi, một người với các kiến thức chuyên môn căn bản cùng với sự trợ giúp của máy móc và công nghệ, đã có thể thay thế và làm việc hiệu quả hơn nhiều so với một nhân viên chỉ giỏi chuyên môn. Ở các hội nghị, hội thảo doanh nghiệp mà tôi được tham dự trong thời gian qua, có không ít doanh nghiệp đã chia sẻ các bộ phận kế toán, chăm sóc khách hàng hay giao dịch đã được thay thế bởi công nghệ rồi, đó không phải là câu chuyện của 5-10 năm nữa. Cách đây vài tuần, tôi cũng thực hiện giao dịch ở GoDaddy và AirAsia hoàn toàn tự động qua hệ thống chatbot của các trang web. Ở các cảng biển Việt Nam và trên thế giới, khái niệm về cảng tự động và cảng bán tự động đang được đầu tư hết sức ráo riết để tối ưu hoá thời gian, chi phí và nhân sự cho các công việc này, cảng Đà Nẵng đã triển khai hệ thống Cảng điện tử ePort giúp chuyển đổi hầu như các dịch vụ cảng từ trực tiếp sang trực tuyến, trong khi Tân Cảng Sài Gòn cũng có hệ thống e-Port từ 2017-1018 và đang tiến hành chuyển đổi thành cảng bán tự động. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, các chuyên gia đều tin rằng, thành công không nằm ở công nghệ mà nằm ở yếu tố con người và mô hình, chiến lược kinh doanh. Cho nên, hơn bao giờ hết, giáo dục đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi này.
Diễn đàn xuất khẩu TPHCM 2022
Diễn đàn xuất khẩu TPHCM 2022
Nhưng liệu rằng hệ thống giáo dục hiện tại có đáp ứng được nhu cầu này, có dẫn dầu được xu thế, hỗ trợ quá trình chuyển đổi và tham gia tích cực vào kiến tạo một thế hệ người lao động và chủ doanh nghiệp tiến bộ? Giáo dục ngày này không còn giới hạn trong bốn bức tường của những ngôi trường đại học hay phổ thông nữa, môi trường không gian mạng đã tự do hoá, đa dạng hoá và thực tiễn hoá giáo dục thông qua nhiều nền tảng, không ít các doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình này bằng nhiều hình thức khác nhau từ đào tạo nội bộ đến các chương trình ngắn hạn cấp chứng chỉ hay thành lập cả viện nghiên cứu - đào tạo, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các doanh nghiệp quy mô lớn từ thương mại điện tử như Lazada, Shopee, hay Google, Amazon, v.v. đều có những chương trình đào tạo riêng.

KINH DOANH & KHỞI NGHIỆP

☘️ Ở đây, tôi muốn đi sâu hơn về một khía cạnh vĩ mô khác đó là các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xã hội và quản trị bền vững. Đã có rất nhiều nỗ lực, đàm phán, các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu trong những năm vừa qua. Trong khi các quốc gia cam kết phát thải ròng bằng 0 trong những thập niên tới, thì các doanh nghiệp và thị trường cũng đang ráo riết chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn và sự chuyển đổi này. Mặc dù với nhiều nhà hoạt động xã hội, môi trường vẫn xem các nỗ lực này là vô vọng, chưa đủ cứng rắn, mang tính hình thức hoặc là “greenwash". Tuy nhiên, những thay đổi trước mắt cũng như xu hướng tương lai của các vấn đề thích ứng và giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu cũng cần được ghi nhận ở mức độ nhất định. Điển hình là việc cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần của Ấn Độ từ ngày 01/07/2022 vừa qua hay EU đã thông qua luật cấm ô tô chạy bằng nhiêu liệu hoá thạch vào 2035 cũng như có nhiều động thái chuyển sang dùng nhiên liệu thay thế, năng lượng tái tạo trong khối trong những năm qua, đặc biệt là ở giai đoạn chiến tranh Nga - Ukraine trong hiện tại (mặc dù nó chẳng dễ dàng gì và vấp phải rất nhiều nghi ngờ về tính bền vững lâu dài của những cam kết này). Điều này hẳn là một tin tốt lành và cơ hội cho những sản phẩm thay thế, nhu cầu tiêu dùng vẫn sẽ tiếp diễn nên yêu cầu về nguồn cung bao bì bền vững, thân thiện hơn với môi trường hay nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế không gây ô nhiễm trở thành những sản phẩm kinh doanh tiềm năng hơn bao giờ hết. Các đơn đặt hàng viên nén mùn cưa làm chất đốt của Việt Nam trở thành mặt hàng được săn đón nhất trong mùa đông năm nay ở Hàn - Nhật và các quốc gia châu u, khiến giá của mặt hàng này cũng tăng mạnh và mang về hơn 580 triệu đô cho nước ta. Tương tự với viên nén mùn cưa là viên nén trấu, viên nén bã mía và các mặt hàng than gáo dừa, than tre, v.v. đang được tích cực săn lùng. Các phế phẩm nông - công nghiệp bỗng được hoá một đời sống mới, mang lại lợi nhuận khủng. Những phế phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp này lại là những sản phẩm mà Việt Nam có thể mạnh với nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ. Dự kiến nhu cầu cho các mặt hàng năng lượng, chất đốt thay thế sẽ vẫn còn tăng cao trong tương lai với xu hướng và chính sách đối phó biến đổi khí hậu và cam kết giảm phát thải của các quốc gia trong khu vực. Liệu chúng ta đã biết cách biến Waste (rác thải) thành Wealth (sự giàu có) hay chưa?
Thăm kênh đào Suez - Ai Cập
Thăm kênh đào Suez - Ai Cập
Lại nói về FTA (Free Trade Agreements), trong khoảng 10 năm trở lại đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngày càng phổ biến đã tác động toàn diện đến các quốc gia thành viên. Ngoài việc cam kết gỡ bỏ các hàng rào thuế quan một cách mạnh mẽ, tự do hoá thương mại, như trong các FTA truyền thống, NGFTA (New Generation FTA - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) còn quy định thêm các điều khoản yêu cầu cam kết về môi trường, lao động, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, minh bạch hoá và chống tham nhũng, v.v. Điều đó mở ra cơ hội cải cách thể chế, minh bạch hoá đối với các Chính phủ cũng như tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, cạnh tranh công bằng và bảo hộ người lao động, v.v. Điều này thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tử tế, tạo tác động xã hội và môi trường, kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng không vi phạm các tiêu chuẩn môi trường, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội hay bảo vệ môi trường sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi từ xu hướng này.
☘️ Ngoài ra, ESG (viết tắt của Environmental, Social & (Corporate) Governance, tạm dịch là Môi Trường, Xã Hội & Quản Trị Doanh Nghiệp) - một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng đang trở nên phổ biến và quan trọng trong việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Từ việc là một báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, ESG trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị doanh nghiệp, nhận dạng thương hiệu và thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ. Phát triển từ khái niệm CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), ESG mang tính chủ động, có kế hoạch, cam kết cụ thể từ doanh nghiệp và lượng hoá được (đo lường được) các chỉ số phát triển bền vững, tác động xã hội, đồng thời thôi thúc doanh nghiệp thực thi vì lợi ích kinh doanh (không như CSR thiên về tự nguyện, truyền thông và marketing cho thương hiệu). ESG đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ chứng kiến mức tăng 40% trong 2 năm qua, với nhận định rằng tài sản ESG có thể đạt mốc 41.000 tỷ USD trong năm này và tiến tới 50.000 tỷ USD vào năm 2025 (theo Bloomberg Intelligence), thời kì covid càng đẩy nhanh xu hướng này. Do đó, các công ty hướng đến kinh doanh bền vững, tạo tác động xã hội, môi trường, đạo đức kinh doanh tốt sẽ là những doanh nghiệp có tiềm năng và thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng trong tương lai.
Đó là những lí do và bằng chứng cho thấy việc khởi nghiệp tạo tác động xã hội, kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường, hỗ trợ phát triển bền vững, và tận dụng các giá trị địa phương sẵn có sẽ là những ngành nghề nhiều tiềm năng trong tương lai. Câu chuyện lựa chọn giữa kinh doanh vì lợi nhuận hay làm việc vì xã hội sẽ không còn là vấn đề nan giải, khi chúng ta có nhiều cơ hội hơn để đảm bảo 2 mục tiêu kể trên. Ở khía cạnh phát triển, Việt Nam từ một quốc gia nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, đang có xu hướng chuyển sang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng với sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính tiêu dùng, các ngân hàng tăng cường cấp thẻ tín dụng. Khía cạnh dịch vụ, hiện tại giá trị dịch vụ của Việt Nam vẫn chưa cao, với lao động trong ngành dịch vụ giá trị thấp là chủ yếu. Môi trường đầu tư và tài chính cũng đang được minh bạch hoá và tiến tới khẩn trương nâng hạn thị trường chứng khoán với các động thái trong năm vừa qua cho thấy cam kết của quốc gia trong vấn đề này. Mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 cũng được chỉ tiêu cốt lõi trong dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 từ Bộ trưởng Bộ Tài Chính trình chính phủ. Với những hỗ trợ vĩ mô và xu hướng này, các ngành thương mại và dịch vụ (tài chính, công nghệ và dịch vụ giá trị cao) cũng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

CHUYỆN KHỞI NGHIỆP XÃ HỘI

☘️ Nói đến chuyện khởi nghiệp xã hội hay doanh nghiệp xã hội, trong một bài luận gần đây mà tôi được đọc hồi tháng 07/2022 của Tiến sĩ Avijit Chakravarti: Social Entrepreneurship Education in India: The Road Ahead, chia sẻ về hoạt động giáo dục khởi nghiệp ở Ấn Độ, một điểm gây bất ngờ là hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ngành Social Entrepreneurship (khởi nghiệp xã hội) đều lựa chọn đi làm công, hoặc làm NGOs chứ không khởi nghiệp như mục đích của những ngôi trường mà họ được đào tạo, mặc dù rất nhiều dự án tốt nghiệp của họ cũng đã được rót vốn để thực thi. Phần lớn, những dự án doanh nghiệp xã hội họ tạo ra trong quá trình đi học cũng chỉ để được “qua môn". Một trong những lí do chính khiến các sinh viên ngại việc bắt đầu doanh nghiệp xã hội của mình là nỗi sợ về sự thiếu ổn định và những rủi ro mà công việc kinh doanh có thể mang lại. Tôi cho rằng đây là một thất bại, một thất bại lớn của chương trình giáo dục khởi nghiệp. Một thiếu sót lớn mà các chương trình đào tạo khởi nghiệp bỏ qua đó chính là giáo dục tính cách và thái độ của người học, mà chỉ chăm chăm giảng dạy về lí thuyết, về kĩ năng và các yếu tố kĩ thuật khác. Trong kinh doanh, khởi nghiệp, ý chí, thái độ, và tính cách dám nghĩ dám làm, cảm thấy ổn với những biến động và không rõ ràng, chấp nhận rủi ro và đương đầu với thử thách, linh hoạt và sẵn sàng thay đổi, khả năng kết nối - tận dụng nguồn lực xã hội và các bên liên quan, v.v. mới là những yếu tố quyết định sự thành công của một người khởi nghiệp. Bởi vì, thiếu những yếu tố đó, bạn không thể bắt đầu hoặc không dám bắt đầu thì nói gì đến việc thành công của khởi nghiệp. Sau khi trang bị những tính cách, thái độ cần thiết rồi mới đến những năng lực cốt lõi khác, cũng như kiến thức và tư duy. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đào tạo được tính cách một con người? Hẳn là chỉ có thông qua trải nghiệm, giáo dục dựa trên ngữ cảnh và tình huống thực tế mới có thể thay đổi và rèn luyện tính cách một con người. Giáo dục trong hệ thống có rất nhiều giới hạn để hình thức giáo dục ngữ cảnh này được diễn ra, phần lớn đến từ việc tiêu chuẩn hoá trong giáo dục, khả năng thay đổi thích ứng chậm và đôi ngữ giảng viên, nhân sự không đáp ứng mô hình đào tạo dựa trên trải nghiệm, thông qua ngữ cảnh.
Đào tạo về tài chính cá nhân ở Thái Lan.
Đào tạo về tài chính cá nhân ở Thái Lan.
Cách đây vài hôm tôi cũng đọc một báo cáo của một chương trình training về khởi nghiệp xã hội khác và nhận ra một vấn đề nữa của các dự án khởi nghiệp này. Đó là tính “xã hội" của các dự án nhiều quá, đến lúc chúng ta quên đi yếu tố “kinh doanh", yếu tố “doanh nghiệp" trong bảng kế hoạch của mình. Chúng ta thường bắt đầu bằng những gì chúng ta muốn, chúng ta thích làm bất chấp việc xã hội hay người các có cần sản phẩm, dịch vụ của chúng ta hay không, hoặc là chúng ta quá đam mê để bắt đầu nhưng không định vị được doanh nghiệp, dự án mình trong bối cảnh vĩ mô chung và chiến lược phát triển dài hạn. Điều này, không chỉ đến từ việc thiếu kiến thức, kĩ năng mà phần lớn còn xuất phát từ thiếu những trải nghiệm thực tế và hiểu biết vĩ mô. Một lần nữa, yếu tố vĩ mô cần được xem xét bất luận bạn đang muốn đi làm việc hay khởi nghiệp.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một bạn 18 tuổi đang ngưỡng bước chân vào đại học biết được những thông tin vĩ mô này và có hiểu biết về xu hướng tương lai. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người vừa mới ra trường muốn bắt đầu sự nghiệp của mình hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới và xung quanh mình, cũng như những tác động mà mình có thể tạo ra hoặc bị tác động trong quá trình làm việc hoặc khởi nghiệp. Bạn sẽ chọn khác đi chứ? Phần lớn, những bạn trẻ lựa chọn dựa trên những hiểu biết sơ sài, những lựa chọn cảm tính hoặc theo thói quen, những công việc, ngành nghề thân quen mà thiếu đi cái nhìn toàn cảnh, khả năng định vị và kế hoạch dài hạn. Do đó, việc thấu hiểu các yếu tố vĩ mô là rất cần thiết, dù chúng ta là ai.
Tham dự hội nghị tại Hàn Quốc
Tham dự hội nghị tại Hàn Quốc

NỖ LỰC RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH - GIÁO DỤC KHỞI NGHIỆP TẠI THE SOIL PROJECT TRONG BỐI CẢNH VUCA & TOÀN CẦU HOÁ

☘️ Trong bối cảnh đó, nhìn nhận về các vấn đề vĩ mô, cơ hội trong những thiếu sót mà giáo dục hiện tại đang gặp phải, cách đây 5 năm, một dự án giáo dục, một thử nghiệm về giáo dục khởi nghiệp và giáo dục mới trong thế kỉ 21 được chúng tôi đưa vào vận hành, thử nghiệm mang tên The Soil Project. The Soil Project - dự án quốc tế về giáo dục thay thế đại học (trong 2 năm) và chương trình gap year (thời gian tuỳ chọn) dành cho các bạn trẻ. Mục tiêu của dự án là tạo ra một môi trường học tập tiến bộ, toàn diện, thực tế, học là dùng được, gắn với thực tiễn cuộc sống, xã hội cũng như hỗ trợ người học trong quá trình học tập suốt đời (lifelong learning), quá trình tự học (self-directed learning), quá trình hội nhập toàn cầu trong môi trường đa văn hoá cũng như tiếp cận với các vấn đề xã hội, môi trường, kinh tế và văn hoá một cách trực tiếp, để từ đó có động lực kiến tạo, khởi nghiệp tạo tác động xã hội dựa trên những hiểu biết vĩ mô, những trải nghiệm thực tế, và những kiến thức kĩ năng cần thiết trong thời đại này. Ở dự án, người học được hỗ trợ tham gia vào việc học tập đại học trực tuyến ở các quốc gia u - Mỹ (tuỳ chọn), đồng thời được thường xuyên di chuyển đến các quốc gia khác nhau, gặp gỡ đa dạng những người đến từ các tầng lớp, lĩnh vực khác nhau, học tập cùng giảng viên và người học khác trong môi trường đa văn hoá, rèn luyện tính cách với nhiều ngữ cảnh và các thử thách được tạo ra xuyên suốt từ lúc bước chân vào dự án, giải quyết các vấn đề thực tiễn hàng ngày trong cuộc sống và quản lí tổ chức dự án. Song song với việc tạo một không gian cho người học có thể tự kiến tạo trải nghiệm giáo dục của bản thân mình. Mục tiêu của dự án là tạo ra những changemakers (những người tạo ra sự thay đổi), những người khởi nghiệp tạo tác động xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá và nhiều biến động như hiện nay thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm việc làm.
Tổ chức chương trình gd trải nghiệm ở New Delhi và Udaipur, Ấn Độ về giáo dục thay thế và sinh kế, tử tế
Tổ chức chương trình gd trải nghiệm ở New Delhi và Udaipur, Ấn Độ về giáo dục thay thế và sinh kế, tử tế
Bắt đầu từ 2017, dự án đã tổ chức tuyển sinh được 3 lần. Vì là một dự án thử nghiệm với nguồn lực giới hạn, nên số lượng người tham gia cũng không nhiều, mỗi kì tuyển sinh dự án chọn ra từ 2-5 người tham gia toàn thời gian. Qua 3 kì tuyển sinh, với những khó khăn mà dự án đối diện, đặc biệt là trong những năm covid (vì hầu hết chương trình đào tạo diễn ra ở nước ngoài) cũng như quá trình đào thải khá gay gắt từ chương trình, hiện tại dự án còn 2 bạn duy nhất đang tiếp tục chương trình. Trong những năm qua, người học được tạo cơ hội có nhiều cơ hội trải nghiệm, làm việc ở các quốc gia khác nhau như Ai Cập, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, v.v. trong các chương trình đào tạo ngắn hạn, các hội nghị, chương trình fellowships, các dự án hợp tác và kinh doanh với các đối tác khác nhau. Ngoài ra, người học còn được trao quyền vận hành các dự án, chương trình giáo dục và kinh doanh khác nhau trong môi trường quốc tế. Phần lớn những trải nghiệm giáo dục đến từ sự chủ động của người học. Do đó, trải nghiệm của những người tham gia dự án sẽ khác biệt, mang tính cá nhân hoá, phụ thuộc vào khả năng chủ động, tự tổ chức và mục tiêu cá nhân của người học.
☘️ Những kết quả ban đầu cho thấy, mô hình giáo dục ở The Soil Project mang lại hiệu quả trong việc xây dựng tính cách và thái độ của một người khởi nghiệp xã hội với những đặc điểm cần thiết như khả năng khởi tạo dự án, khả năng kết nối các nguồn lực, thấu hiểu vĩ mô, tình thần dám nghĩ dám làm, chấp nhận rủi ro/thất bại và những điều không rõ ràng, kiến thức tài chính, kỉ luật tự thân, khả năng tự học, tự định hướng và sáng tạo giải quyết vấn đề… Hiện tại các thành viên từ The Soil Project đang điều hành doanh nghiệp của riêng mình hoặc quản lí các dự án khác nhau trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, bán lẻ, giáo dục và du lịch. Quá trình học tập của các thành viên vẫn đang tiếp tục với những nội dung chưa được diễn ra do đại dịch covid cũng như thực hành thực tế với các doanh nghiệp, dự án mà người học đang tham gia.
Những kết quả và giá trị những thử nghiệm giáo dục ở The Soil Project mang lại cần được tiếp tục theo dõi quan sát và tiếp tục trong thời gian tới. Mong muốn sẽ có những hình mẫu thành công bước ra từ dự án với chân dung của một doanh nhân xã hội trong thời đại mới.
Khảo sát và học hỏi cùng nhà phân phối/ cung cấp sản phẩm nông sản trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long
Khảo sát và học hỏi cùng nhà phân phối/ cung cấp sản phẩm nông sản trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long
Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ công việc phát triển một dự án giáo dục khởi nghiệp và tiếp xúc, trải nghiệm môi trường kinh doanh tạo tác động trong thời gian qua tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Hy vọng những chia sẻ đưa thêm góc nhìn về giáo dục trong bối cảnh hiện tại.
———————————————
Trải qua 3 năm gián đoạn do covid, The Soil Project hiện đang mở đơn trở lại cho kì tuyển sinh thứ 4 nhập học bắt đầu từ tháng 04/2023. Ngoài ra, The Soil Project và các dự án mà các thành viên đang quản lí đang có nhu cầu tìm kiếm người đồng hành làm việc ở vị trí truyền thông và bán hàng. Thông tin tuyển dụng tại đây