Chiếc bẫy ngọt ngào mang tên “tín dụng đen” giờ đây trở thành cơn ác mộng đối với nhiều gia đình. Nhẹ thì mất đi tài sản, nặng thì phải sống mãi trong lo sợ, phải đi biệt xứ trốn nợ hay thậm chí phải bỏ mạng chỉ vì “trót dại” lún sâu vào nợ nần do tin dùng tín dụng đen. Thông qua bài viết này, mình mong muốn sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản nhất về tín dụng đen, đặc điểm và cách phòng tránh. 
 Tín dụng đen là gì?
Theo định nghĩa SHB Finance, tín dụng đen chính là “hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước.”
 Nhận diện tín dụng đen
Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể nhận diện tín dụng đen dựa trên các đặc điểm như sau:
 Tín dụng đen là hình thức cho vay với lãi suất cao
Tại điều 468 BLDS 2015, sửa đổi 2017 quy định Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, hoạt động vay tiền có thể bao gồm các loại lãi sau: Lãi trong hạn, lãi chậm trả, lãi trên nợ gốc quá hạn. Ở bài viết này, mình xin đề cập tới lãi trong hạn – tức là số tiền lãi bạn phải trả trong thời hạn thỏa thuận, theo đó Lãi trong hạn = tiền gốc vay x lãi suất theo thỏa thuận x thời gian trong hợp đồng vay. Tức là nếu bạn vay số tiền 20 triệu trong thời gian 1 năm với lãi suất thỏa thuận là 20%/ năm thì số tiền lãi trong hạn bạn sẽ phải trả là 4 triệu đồng.Tuy nhiên đối với tín dụng đen, Lãi suất không có quy định cụ thể mà hầu như lãi suất do cá nhân hoặc tổ chức cho vay “tín dụng đen” tự đặt, lãi suất thường vượt mức lãi suất căn bản theo quy định của pháp luật, việc bạn mượn một trả 100 hoặc việc đã trả xong nợ gốc nhưng tiền lãi không trả nổi do đã vượt qua gấp 2,3 lần nợ gốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
 Thủ tục cho vay của tín dụng đen rất đơn giản
"Miếng mồi ngon” mà tín dụng đen đặt ra hiện hữu ở khắp nơi: Trên tường, cột điện, thùng rác,.. không khó để chúng ta có thể nhận diện được nhưng tờ giấy trắng chữ đen với nội dung hấp dẫn như “Cho vay tiền nhanh trong ngày, không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, cho vay trả góp,..” thêm vào đó hồ sơ được duyệt cũng rất nhanh chóng, đôi khi bằng chứng cho vay giữa các bên chỉ được thể hiện qua hợp đồng đơn giản, thậm chí được thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ kèm theo.
 Các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng đen thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước
Theo đó cho vay là một hình thức cung cấp tín dụng thuộc hoạt động của Ngân hàng. Theo khoản 16 điều 4 Luật tổ chức tín dụng hiện hành quy định: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. Theo pháp luật quy định, chỉ có các tổ chức tín dụng thì mới có thể kinh doanh các hoạt động của Ngân hàng. Trong đó tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. (Điều 8 Luật tổ chức tín dụng)Lén lút hoạt động là thế nhưng các cá nhân, tổ chức trên vẫn có thể reo rắc không ít nỗi kinh hoàng cho người dân, chúng sẵn sàng dùng “ luật rừng”, “ Luật giang hồ” để xử lý những trường hợp trả chậm hoặc đã mất khả năng thanh toán. Khi các con nợ chây ỳ không chi trả, chúng sẵn sàng truy sát, thực hiện các vụ bắt giữ người trái phép luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc các hình thức khủng bố tinh thần như chửi bới, đe dọa, đỏ chất bẩn,…
 Hồi chuông cảnh tỉnh 
Đối tượng mà tín dụng đen nhắm tới đa số là những người cần vay “ nóng” mà ngại thủ tục cho vay, những bạn học sinh sinh viên và những người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Kịch bản mà tín dụng đen dùng để dẫn dụ người vay đó là cung cấp những “dịch vụ” cho vay với các tiêu chí “ nhanh – gọn - đơn giản - dễ dàng”, người có nhu cầu vay chỉ cần có các giấy tờ như CMND/ CCCD, thẻ sinh viên,… là có thể nhận được số tiền trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, vay càng nhanh thì lãi càng cao, số tiền lãi nhanh chóng vượt qua số tiền gốc gấp nhiều lần, giờ đây người vay chỉ có 1 lựa chọn đó là nhanh chóng xoay tiền, kể cả nợ chồng thêm nợ để giải quyết số tiền gốc và lãi phát sinh càng sớm càng tốt hoặc phải chịu hình phạt thảm khốc từ cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng đen. Điểm nghịch lý ở đây là người vay dù đã biết lãi suất cho vay trên trời, khả năng chi trả gần như bằng không nhưng vì lý do hoàn cảnh, không ít người đành “ nhắm mắt đưa chân” khiến bản thân và gia đình rơi vào đường cùng.
Câu chuyện của anh Bình sau đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang chuẩn bị sử dụng tín dụng đen: “Anh Bình đã vay trả góp 30 triệu đồng để mua xe máy từ những tờ quảng cáo gần chỗ làm với lãi suất 6%/tháng, trễ 1 ngày phạt 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau vài tháng kẹt tiền, trễ hạn số tiền nợ của anh Bình đã được cộng dồn lên đến 100 triệu đồng. Không có tiền trả, nhiều lần anh nhận được tin nhắn hăm dọa, cho giang hồ “xử”. Quá lo sợ, anh Bình đã phải bán xe và vay mượn của bạn bè, người thân để trả nợ. Dù đã hết nợ gốc cùng một phần lãi ban đầu, nhưng vì an toàn, anh Bình đành phải bỏ dở công việc đang làm và chuyển đổi nơi ở trọ”. Trường hợp của anh Bình vẫn thật sự may mắn, không ít các trường hợp người vay đã lún sâu hơn vào tín dụng đen luôn cảm thấy hối hận, sống trong lo lắng sợ hãi, âm thầm chịu đựng, nhiều trường hợp mất hết tài sản và thậm chí tới mức suy nghĩ đến cái chết để giải thoát.
 Giải pháp
Vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
+ Nhà nước cần có nhưng biện pháp mạnh tay hơn để có thể đẩy lùi hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng cần có sự chặt chẽ và thể hiện thái độ kiên quyết đẩy lùi và xóa bỏ các hình thức tín dụng đen.
+ Các chính sách rút gọn thủ tục vay vốn cũng là một trong những chìa khóa quan trọng để người dân có thể tự tin tiếp cận với nguồn vốn an toàn trong thời gian hợp lý vì sau cũng lý do người dân có thái độ e ngại khi đề cập tới dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức tín dụng đó là thủ tục quá rườm rà và mất nhiều thời gian. Các gói cho vay tiêu dùng cá nhân không cần tài sản đảm bảo với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn đang trở thành xu thế và được coi là một điểm sáng hiện nay.
Người dân hãy nâng cao hiểu biết và cảnh giác trước tín dụng đenĐể phòng tránh rơi vào bẫy của tín dụng đen, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:
+ Tham khảo nguồn thông tin chính thống và sử dụng nền tảng cho vay hợp pháp. Các bạn hãy tìm hiểu kỹ càng thông tin của tổ chức, cá nhân cho vay khi bản thân có nhu cầu vay tiền. Ngoài ra cũng nên tìm hiểu thông tin vay vốn từ các ngân hàng hoặc các website tài chính uy tín có sự đảm bảo của Bộ công thương và hãy tham khảo ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp trước khi quyết định có vay. Hãy tránh xa những quảng cáo kêu gọi vay vốn ưu đãi, tại các bảng thông báo, tờ rơi ngã tư, hay cột điện…
+ Giao dịch cho vay nên được xác lập bằng văn bản. Một trong những bằng chứng xác thực và được coi là “ pháp luật giữa các bên” chính là hợp đồng.Về mặt pháp lý, Điều 463 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy có thể hiểu hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, theo đó, bên cho vay giao tiền cho bên vay, đến thời hạn đã thỏa thuận, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên vay số tiền đã vay, cùng lãi theo thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định cụ thể. Để hợp đồng vay có hiệu lực, các bên cần chú ý các điều kiện sau:
1. Các bên tham gia giao dịch phải có năng lực dân sự và hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập
2. Mục đích và nội dung của hợp đồng vay tiền không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội
3. Các bên chủ thể tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện
Tài liệu tham khảo1 Tín dụng đen - Bài 1: Thủ đoạn cũ, nhiều người sập bẫy|BNEWS(https://bnews.vn/), truy cập ngày 05/11/2021 -