Ảnh bởi
Anika Huizinga
trên
Unsplash
Bạn có thấy quen với những tình huống này: Vội thay cái áo mới có phần trung tính hơn vì sợ mình nổi bật quá, gật đầu trước một lợi đề nghị không phù hợp vì ai nấy cũng đồng tình, đi quẩy cuối tuần cùng bạn bè thay vì ở nhà nằm lười coi phim vì số đông chọn vậy. Mặc cho điều mình thật sự muốn luôn là vế số 2 nhưng lại hành động theo vế số 1 vì sợ lạc lõng giữa đám đông.

Mình đã đi theo số đông như thế nào?

Ảnh bởi
Jan Huber
trên
Unsplash
Sau giờ làm, mình chạy ùa về nhà ăn bữa tối nóng hổi, xem bộ phim yêu thích và cuộn tròn chăn cho một đêm yên giấc. Trong khi đó, bạn bè ai nấy cũng quay cuồng trong công việc, deadline đến tận 2 giờ sáng. Mình tự trách bản thân sao không giống như mọi người.
Mình muốn góp ý kiến trong những buổi họp công ty nhưng thầm mong ai đó làm ơn nói trước để mình nương theo. Không ai phát biểu gì và cuộc họp kết thúc. 
Mình rất thích làm việc tại môi trường Agency nhưng tham khảo ý kiến của vài người bạn thì ai cũng than môi trường khắc nghiệt lắm, phải lanh lợi thì mới sống sót chứ hiền như mình không làm nổi đâu. Vậy thì thôi, gác lại chuyện này.
Mình chọn đi theo những drama công sở vì chẳng muốn mình tách biệt khỏi đám đông và bị cô lập trong công việc.
Cứ vậy, việc quyết định làm một điều gì đó từ khi nào lại dựa vào số đông thay vì thật sự lắng nghe bản thân mình muốn gì.

Mình nhận được gì khi đi theo số đông?

Ảnh bởi
Hybrid
trên
Unsplash
Mình có cảm giác an toàn khi được hòa lẫn vào dòng người. Vì như thế mình sẽ không phải đối diện với những lời phản đối, không có drama, không bị cô lập.
Mình có nhiều bạn bè và các mối quan hệ khác vì mình giống với tập thể và hành động y như những gì mọi người làm. 
Mình không phải suy nghĩ nhiều và gánh vác trách nhiệm cao hơn về quyết định của bản thân. 

Mình nhận ra điều gì?

Ảnh bởi
Markus Winkler
trên
Unsplash
Mình đã chối bỏ bản thân, kể cả những gì tốt đẹp vốn có để đi theo những tiêu chuẩn số đông mà mình tự đặt ra. 
Mình đã cảm thấy bản thân không xứng đáng. Không xứng đáng nghỉ ngơi vì nghĩ mình không chăm chỉ như mọi người. Không xứng đáng đóng góp ý kiến vì nghĩ lời nói của mình không có giá trị. Không xứng đáng làm việc tại nơi mình thích vì nghĩ chẳng ai chấp nhận cá tính của mình. Thậm chí khi có ai công nhận những phẩm chất tốt đẹp của mình, bản thân vẫn chối đây đẩy vì cảm thấy nó chẳng giống mọi người chút nào.

Mình đã sửa lỗi thế nào?

Ảnh bởi
Tomas Sobek
trên
Unsplash
Một ngày, mình cảm thấy chẳng còn xíu năng lượng nào vì đã hao tâm tổn sức nghĩ cách làm sao để mình hòa tan trong đám đông. Mình đặt một ngàn câu hỏi để tìm ra nguyên nhân và đó chính là “mình sợ bị ghét”.
Trong cuốn “Bước chậm lại giữa thế giới vội vã” của tác giả Hae Min có những câu mình tâm đắc vô cùng:
“Khi biết sự thật có ai đó ghét mình, ta lại cảm thấy buồn bã và đau khổ biết bao nhiêu? Cũng giống như việc ta không yêu quý tất cả mọi người, ta không cần phải được mọi người yêu quý. Đó là tham vọng vượt quá giới hạn. Nếu có ai đó ghét bạn, hãy nghĩ là là chuyện thường tình của thế gian”
“Cuộc sống này, đừng chọn cho mình cách sống quá khó khăn”
“Khi ta bắt đầu yêu lấy chính bản thân mình thì thế giới cũng bắt đầu yêu lấy ta”
Mưa dầm thấm đất. Mỗi ngày mình đọc một ít, nghe một ít, gặp gỡ nhiều người lớn hay ho để đón nhận thật nhiều năng lượng giúp mình dũng cảm thay đổi từng xíu một.
Mình đã chọn dành thời gian cho bản thân. Sau giờ làm mình vẫn chạy ùa về nhà làm những điều yêu thích. Sáng hôm sau, mình làm việc với khí thế hừng hực.
Mình chọn nói lên điều mình nghĩ, thẳng thắn đóng góp ý kiến trong cuộc họp. Dù có nhiều phản ứng trái chiều nhưng mình học được cách ứng xử và rút kinh nghiệm cho lần sau.
Mình chọn “hiền lành” là cá tính của bản thân nên dù đang làm việc trong môi trường Agency “năng động”, mình vẫn là một nốt trầm có màu sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ như với bất cứ công việc nào trước đây.
Mình chọn không tham gia vào chuyện chính trị nơi công sở và tập trung tâm trí vào công việc. Dù có ít bạn bè hơn thật nhưng trong lòng mình luôn nhẹ nhõm.
Thử rồi mới biết, “dám bị ghét” cũng không đáng sợ bằng việc “không dám làm gì”. Dù chưa cách ly hoàn toàn với những nỗi sợ, nhưng mình cũng đang dần chấp nhận và yêu thích chính mình rồi.