Người sống có đam mê như có ngọn lửa nhiệt huyết trong tim để soi đường cho lẽ sống của mình và tràn đầy cảm hứng để phấn đấu và cống hiến. 
Nếu sở thích thường có tính giải trí & cá nhân nhiều hơn, như sở thích đọc sách, làm thơ, đi du lịch; thì đam mê thường hướng đến tính chuyên môn & tạo ra lợi ích cho nhiều người, như đam mê nghiên cứu, kinh doanh, điện ảnh. Cả sở thích & đam mê của mỗi người đều có thể thay đổi theo thời gian & môi trường sống, nhưng hiệu quả chung mình nhận thấy là khi được sống với sở thích & đam mê của mình thì niềm vui lên cao, có thêm cảm hứng làm việc & thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. 
Sở thích thì có thể dễ nhận ra, nhưng không phải lúc nào mình cũng biết đam mê của mình trong mỗi giai đoạn là gì để phấn đấu, vì đam mê cũng thay đổi theo độ tuổi & mức độ trưởng thành về tinh thần. Vậy làm thế nào để tìm lại đam mê ở mỗi giai đoạn?
Có người thì may mắn luôn biết mình đam mê yêu thích cái gì, còn mình thuộc dạng phải đi tìm & đã có lúc không tìm ra, nhưng may mà mình không bỏ cuộc nên giờ sẽ chia sẻ với mọi người con đường tìm kiếm đam mê của mình. Theo trải nghiệm cá nhân mình thì lộ trình để tìm kiếm đam mê thường thông qua 3 con đường (3 loại trí tuệ) để khám phá & nhận diện, và càng đi đến tận cùng đủ cả 3 con đường này thì càng đỡ hời hợt & lầm tưởng về cái mình thực sự yêu thích, cũng như giảm bớt ngộ nhận về lâu dài. Nhất là các bạn trẻ đừng vội dừng lại ở con đường thứ nhất hay thứ hai mà hãy đi đến tận cùng của con đường thứ 3 trước khi quyết định theo đuổi nhé. 
👩‍💻1. ĐƯỜNG GIÁC QUAN (tuệ giác): tức là chủ yếu bằng tai và mắt, thông qua việc nghe người khác nói hay tuyên truyền về những cái hay, cái tuyệt vời của một lĩnh vực nào đó, hay đọc được, xem được từ các nguồn thông tin, quảng cáo rộng rãi trên mạng hay các phương tiện truyền thông. Ví dụ như làm giàu không khó chỉ cần biết chơi stock hay làm start-up, muốn dễ tìm việc thì phải học công nghệ thông tin, muốn được nhiều người nể trọng thì hãy làm bác sĩ,v.v…
Và có nhiều bạn trẻ trong lúc còn đang phân vân không biết đam mê của mình thực sự là cái quái gì thì sẽ dễ bùi tai hoa mắt trước con đường tiếp cận thông tin này, và có khi nghĩ luôn đây sẽ là cái mình muốn làm và trao thân vào học ngành đó, rồi sau này mới nhận ra là mình không có năng khiếu hay chả yêu thích gì nó cả khi đã mất rất nhiều thời gian, công sức & tiền của. Nếu như bạn chịu khó đi xa hơn nữa ngay từ đầu trên hai con đường tiếp theo thì có thể sẽ không bị ngộ nhận như thế. 
🌟2. ĐƯỜNG SUY NGHĨ (tuệ trí): tức là sau khi nghe nhìn đủ rồi và chọn ra được vài cái bắt mắt hay vừa tai thì cần bật tiếp chế độ phân tích để thấy sự tương thích giữa sở trường sở đoản của mình với các yêu cầu đòi hỏi của lĩnh vực đó, xem mình có tí năng khiếu hay ít ra là thế mạnh gì để đáp ứng những chỉ tiêu đó không.
Ví dụ như muốn học công nghệ thông tin thì trong lúc đi học ít ra mình cũng giỏi toán hơn các môn khác vì đó là môn đòi hỏi tính logic cao tương tự với CNTT, hay muốn làm bác sĩ thì ít ra mình cũng giỏi sinh học, không kinh hãi máu me hay xác chết. Còn nếu không biết thế mạnh nổi trội của mình là gì thì có thể tìm hiểu bằng các bài kiểm tra năng lực từ miễn phí đến chuyên nghiệp dựa trên các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm như “Gallup/Clifton StrengthsFinder” hay các kiểm tra tương tự để khám phá thế mạnh bẩm sinh hay tự nhiên của mình.
💞3. ĐƯỜNG CẢM XÚC (tuệ tâm): nếu 2 con đường trước là điều kiện cần thì con đường thứ 3 này mới là điều kiện đủ để xác định đam mê đích thực, chứ không phải đam mê mù quáng. Sau khi đã cân nhắc kỹ càng bằng đầu là mình có các điểm mạnh phù hợp với yêu cầu của một lĩnh vực thu hút sự chú ý của mình thì bước tiếp theo là lắng nghe từ cảm xúc, trực giác hay bằng tim. Thử hình dung luôn là bạn đã đang đi trên con đường mà bạn chọn để theo đuổi và đang sống với cái gọi là đam mê đi thì nó sẽ thế nào.
Như nếu là nhân viên lập trình thì bạn có CẢM THẤY hạnh phúc & hứng thú với việc ngồi hàng giờ trước máy tính ngày này qua ngày khác & có khi là cả vài chục năm để làm việc với các mã code, dòng lệnh nhảy múa trước mặt không? Nếu là bác sĩ thì bạn có CẢM THẤY vui vẻ gặp gỡ tư vấn cho bệnh nhân mỗi ngày và nghe những phàn nàn của người bệnh không? Tức là phải thấy cả mặt sáng & mặt tối của đam mê đó, vì suy cho cùng thì cái gì trên đời cũng có 2 mặt của nó, đừng vội nhìn vào mặt hào nhoáng mà nghĩ là mình đương nhiên sẽ chịu được những mặt trái gai góc của nó mà thực tế là chưa từng trải qua. Vì vậy nếu được hãy trải nghiệm thực tế & lắng nghe cảm xúc của mình khi đối mặt với những góc khuất mà giác quan & suy nghĩ không chạm tới được, xem mình có cảm nhận sự kích thích để vượt qua khó khăn hay chán nản bỏ cuộc?
Sở thích thật ra nếu khuyếch đại lên nhiều lần khiến nó vượt ra ngoài cái giải trí cá nhân thì cũng có thể thành đam mê, vì đam mê cũng có 2 dạng: sinh ra đã có & đi cùng mình suốt cuộc đời, hai là đam mê được phát triển dần dần từ những sở thích lâu dài, bền vững mà nâng tầm lên thành đam mê lúc nào không biết. Đam mê cũng có nhiều cấp bậc, nhưng thường là cái làm mình dù có mất ăn mất ngủ, dù không kiếm ra tiền từ nó cũng vẫn muốn làm, như có 1 thôi thúc trong lòng về việc phải làm cái gì đó, không thì nó cứ lởn vởn trong đầu cho đến khi mình làm xong & thấy rất mãn nguyện muốn tiếp tục chứ không chỉ đơn giản là làm cho xong. 
Đam mê bao gồm trong đó sự say mê tức là cảm xúc sung sướng & hân hoan khi được làm việc mình yêu thích mà không cảm thấy mệt mỏi, nếu đam mê đó gắn với sở trường & năng khiếu vốn có thì nó càng giúp mình phát triển nhanh, còn nếu không thì với sự say mê mình vẫn có đủ kiên trì để biến thế yếu thành thế mạnh. Làm gì cũng phải có say mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài & vượt qua được những khó khăn, thử thách trên con đường đó để ngày một phát triển đam mê của mình, và có phải đầu tư bao nhiêu công sức cũng thấy xứng đáng. Sống có đam mê thì lúc nào cũng có cái để làm mình vui & thấy cuộc sống có ý nghĩa, đó mới thực sự là sống!
With love 💕
Tác giả: Ellie Phuong