KỲ 1: AMY CHUA VÀ “KHÚC CHIẾN CA CỦA MẸ HỔ”

Con biết - con không phải điều mẹ mong muốn - Con không phải là người Trung Quốc! Con KHÔNG MUỐN trở thành người Trung Quốc. Con GHÉT chơi đàn, con CĂM THÙ cuộc sống của mình. Con GHÉT mẹ và CHÁN NGẤY cái gia đình này! Con sẽ lấy cái cốc này và đập tan nó!
Louisa - “Khúc chiến ca của mẹ hổ”
Những ai từng đọc qua cuốn hồi ký “Khúc chiến ca của mẹ hổ” viết bởi tác giả người Mỹ gốc Hoa Amy Chua hẳn sẽ không còn xa lạ gì với cô con gái thứ Lulu (Louisa) cá tính và không ngần ngại bày tỏ sự bức xúc với cách dạy của mẹ mình (Phần 3, mục 31: Quảng trường Đỏ). Xem ra nỗi ấm ức ấy đã phần nào khiến cho cuốn hồi ký của tác giả Amy nhận được vô số ý kiến trái chiều về phương pháp dạy con trên các diễn đàn, người ủng hộ khi chứng kiến những thành tích mà trẻ đạt được, người phản đối vì cho rằng đây là phương pháp dạy con “phản giáo dục”. Khi đọc cuốn sách này, có lẽ một số bạn trẻ Việt Nam sẽ thấy rằng “mẹ hổ” Trung Hoa dường như cũng mắc “bệnh thành tích” hay tâm lý “con nhà người ta” của một bộ phận người mẹ Việt Nam. Một số có thể cảm thấy ngột ngạt và không thích cách dạy dỗ “yêu cho roi cho vọt” này, nhưng liệu những nhận định trên có hoàn toàn đúng đắn và đầy đủ về “mẹ hổ” không? Để trả lời được câu hỏi đó, hãy cùng Insight Culture tìm hiểu về cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ hổ” (2011) trong kỳ 1 này nhé. 

“Mẹ hổ”?

“Khúc chiến ca của mẹ hổ” (2011) là cuốn hồi ký của Amy Chua mô tả trải nghiệm của bà khi là một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa nuôi dạy hai cô con gái theo phong cách con truyền thống và nghiêm khắc. Với những quy tắc đã đặt ra sẵn, Amy luôn yêu cầu và ép buộc con cái phải đi theo khuôn khổ và quy tắc ấy bằng mọi giá. Với niềm tin vào phương pháp dạy con này, bà hướng về sự thành công và những thành tích học tập của con cái, đó là kì vọng cao nhất và là mục tiêu duy nhất của người mẹ này đối với hai cô con gái của mình.
Amy Chua, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Khúc chiến ca của mẹ hổ", ảnh từ <a href="http://content.time.com/time/specials/packages/article/0,28804,2066367_2066369_2066449,00.html">The 2011 Time 100</a>
Amy Chua, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Khúc chiến ca của mẹ hổ", ảnh từ The 2011 Time 100
 Và như đã đề cập, cuốn sách đã gây ra một cuộc tranh luận giữa các độc giả về phương pháp giáo dục, phong cách nuôi dạy con của cha mẹ Trung Hoa. Đặc biệt hơn là qua cuốn sách này, độc giả đã biết đến một cụm từ hoàn toàn mới “Mẹ hổ”. Amy Chua nhận định “Mẹ hổ” là một phương pháp dạy con đầy nghiêm khắc của cha mẹ Trung Quốc, họ đặt ra kỳ vọng cao và sẵn sàng đầu tư vào việc học tập để đảm bảo thành công của con em mình. Cụ thể là họ sẽ luôn thúc ép con cái đạt được kết quả học tập tốt hoặc phải đạt thành tích cao nhất trong các hoạt động học thuật. Vậy hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao lại là “mẹ hổ”, mà không phải là “mẹ rồng”, “mẹ sói” hay bất kì danh xưng nào khác.  Theo tác giả, “loài hổ là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, thường gây ra nỗi sợ hãi và niềm kính trọng”. Cụm từ “mẹ hổ” cũng được Amy Chua giới hạn lại trong phạm vi của những bà mẹ Trung Quốc. Trong cuốn sách của mình, bà cũng tự xưng là “mẹ Hổ” vì bà sinh năm Dần (1962) và bản thân bà cũng tự cho mình là một mẹ hổ theo nghĩa đen thực sự, “mẹ hổ” là người mẹ dạy con nghiêm khắc đến tàn nhẫn, cực đoan với một mong ước duy nhất để con cái có thể sinh tồn trong xã hội cạnh tranh đầy quyết liệt như đất nước Mỹ. 

Tại sao lại chọn “mẹ hổ”?

Có ba lý do chính mà chúng tôi chọn phương pháp dạy con của Mẹ hổ để tìm hiểu. Thứ nhất, hiện nay, học sinh người Mỹ gốc Á có thành tích vượt trội so với các học sinh nhập cư đến từ các quốc gia khác. Điểm số của họ trong các kì thi và tỉ lệ đỗ vào các trường đại học danh tiếng thường cao hơn những học sinh Mỹ. Chúng tôi tò mò lý do, yếu tố nào đứng đằng sau những thành tích học thuật đó của học sinh Châu Á, đặc biệt là học sinh Trung Quốc. 
Theo như hai nhà nghiên cứu Amy Hsin và Yu Xie thì đó là do phương pháp dạy con của bậc cha mẹ Trung Quốc. Điều đó đã dẫn đến lý do thứ hai chúng tôi đi sâu vào phân tích phương pháp giáo dục của “mẹ hổ”. Đó là vì chúng tôi muốn tìm hiểu tại sao hình ảnh người mẹ Trung Quốc với phương pháp dạy con của họ lại gây nên nhiều tranh cãi và mâu thuẫn, thậm chí bị cho là cực đoan, tàn nhẫn. Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy có những sự khác biệt nhất định giữa “mẹ hổ” Trung Quốc và những người mẹ phương Tây. Điều này gợi nên một câu hỏi: liệu rằng các phương pháp dạy con khác nhau có phải bắt nguồn từ những yếu tố khác biệt trong nền văn hóa hay không. Để giải đáp những thắc mắc đó, chúng tôi đã lựa chọn phân tích cuốn sách “Battle Hymn of Tiger Mother” (Khúc chiến ca của mẹ hổ) (2011) của Amy Chua và series sitcom “Fresh off the boat” (Dân nhập cư) (2015-2020) để có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này. 
Trong kì thứ nhất, chúng tôi sẽ bàn về cách dạy con của Amy Chua được thể hiện qua những khía cạnh như định hướng mục tiêu, cách thức giao tiếp, quy tắc về quyền tự do cá nhân của con cái, cách thức tiếp cận với thất bại. 
Gia đình của Amy Chua, từ <a href="https://dianerehm.org/shows/2011-01-12/amy-chua-battle-hymn-tiger-mother">Diane Rehm </a>
Gia đình của Amy Chua, từ Diane Rehm

Hình tượng “mẹ hổ” với nhiều sắc thái đa dạng

Bức chân dung của “mẹ hổ” đã được khắc họa như thế nào trong cuốn tự truyện của Amy? Có lẽ ta cần đánh giá nó trên một vài khía cạnh tiêu biểu nhất để có một cái nhìn toàn diện về hình tượng người mẹ nhập cư Trung Hoa này. 

Mục tiêu

Khía cạnh đầu tiên có lẽ nằm ở cách mà bà mẹ ấy định hướng những mục tiêu cho con mình. Nhà văn này đặt mục tiêu tập trung vào thành tích của các cô con gái, và những thành tích ấy cần phải được cân đo đong đếm bằng những dấu hiệu cụ thể, như điểm số, thứ hạng, hay việc đỗ vào những trường học danh tiếng bậc nhất. Những mục tiêu ấy được thể hiện qua cách mà bà đặt kỳ vọng rất cao vào con cái, những đứa trẻ phải đạt điểm A và giữ vững vị trí thứ nhất trong mọi môn học trừ thể dục và môn kịch. 
Tất nhiên, để hiện thực hóa những mục tiêu và kỳ vọng ấy, “mẹ hổ” sẵn sàng đầu tư toàn bộ thời gian và công sức cho những đứa trẻ của mình. Amy sẵn sàng thuê rất nhiều gia sư để tập đàn cho con, thuê một bảo mẫu người Trung Quốc nói tiếng Trung với con hằng ngày. Bà cũng dành quỹ thời gian của mình để đồng hành với con tới lớp học đàn, đọc sách về các kĩ thuật chơi vĩ cầm và dương cầm để có thể tập luyện cùng con.
Amy Chua giám sát con gái tập đàn, từ <a href="https://artasiapacific.com/ideas/declawing-the-tiger-mother">ARTASIAPACIFIC</a>
Amy Chua giám sát con gái tập đàn, từ ARTASIAPACIFIC

Giao tiếp

Khía cạnh tiếp theo cũng khá dễ nhận biết, cách thức giao tiếp. Là một người mẹ nghiêm khắc với phương pháp dạy con mang đầy tính “kỷ luật thép”, Amy đòi hỏi các con phải nghiêm túc chấp hành theo những kế hoạch mà bà đã đặt ra, bao gồm lịch tập luyện đàn dương cầm và vĩ cầm: tập đàn ít nhất 90 phút mỗi ngày, không được bỏ tập dù gia đình đang trong kì nghỉ. “Mẹ hổ” cũng đặt ra một loạt các quy tắc mà con bà tuyệt đối không được làm trái ý dù chỉ là một điều nhỏ nhất. 
Amy Chua và hai con gái Sophia và Louisa, từ <a href="https://www.independent.ie/entertainment/books/review-battle-hymn-of-the-tiger-mother-by-amy-chua/26658253.html">Irish Independent</a>
Amy Chua và hai con gái Sophia và Louisa, từ Irish Independent
Nếu các bậc phụ huynh Việt Nam có công thức so sánh “con nhà người ta” đầy quen thuộc thì Amy Chua cũng có cách thức của riêng mình trong việc thúc đẩy con cái. Bà so sánh hai đứa con của mình với nhau, nói với Louisa rằng chị cô, Sophia, ngoan ngoãn hơn và có thể chơi đàn giỏi hơn cô rất nhiều hồi còn bằng tuổi Louisa hiện tại. Tác giả cuốn sách cho rằng việc cha mẹ thiên vị một người con có những biểu hiện đúng ý mình hơn đứa còn lại là một điều phổ biến trong nhiều văn hóa, không riêng gì Trung Quốc. Việc so sánh Louisa với Sophia, theo quan điểm của bà, chính là một cách để khẳng định sự tự tin trong cô con thứ, rằng cô bé hoàn toàn có thể làm tốt mọi thứ như người chị của mình. 
Cách mà nhà văn thể hiện tình cảm với hai cô con gái cũng vô cùng đặc biệt, nó được thể hiện qua sự kỳ vọng của bà với Sophia và Louisa. Một chi tiết thú vị được kể trong chương về ngày sinh nhật của Amy: khi nhận được thiệp sinh nhật từ các con gái, phản ứng đầu tiên của bà không phải là khen ngợi mà là trả lại, mọi người thường cho rằng phản ứng này khá bất công, nhưng tác giả giải thích rằng bà muốn những tấm thiệp được đầu tư hơn thế này, một tấm thiệp mà các con gái của bà phải dành nhiều tâm huyết và công sức để tạo ra. Tại sao bà lại nghĩ như vậy? Thứ nhất, vì bà biết con mình có thể làm tốt hơn thế; thứ hai, vì yêu con và muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng nên bà mong đợi một sự hồi đáp xứng đáng hơn. Ngoài ra, Amy cũng rất trân trọng những tấm thiệp mà bà nhận được từ các con. “Mẹ hổ” có một chiếc hộp đặc biệt, nơi bà cất giữ tất cả những tấm thiệp của các con gái mình và bà muốn những tấm thiệp xứng đáng nhất, đẹp nhất sẽ nằm trong chiếc hộp ấy. Sau đó, khi nhận được hai tấm thiệp xinh xắn từ hai con, bà nói rằng mình rất yêu thích và vẫn giữ chúng cho tới tận bây giờ. 

Tự do cá nhân

Bên cạnh những quan điểm về thành tích và cách thức giao tiếp, “mẹ hổ” cũng có những quy tắc riêng của mình về quyền tự do cá nhân của con cái. Trong cuốn sách, Amy chia sẻ rằng bà luôn giám sát mọi việc, từ việc học tập hay tập luyện của con cái. Bà hiểu rõ từng thói quen, từng nốt nhạc mà con mình đánh, do bà luôn là người giám sát, đồng hành với con. “Mẹ hổ” cũng thường ngó lơ những ý kiến hay cảm xúc cá nhân của con mình: đăng ký cho con vào học viện âm nhạc danh tiếng Juilliard, mặc cho Louisa kịch liệt phản đối, hay phớt lờ những cảm xúc buồn vui và giận dữ của con. Sự khắc nghiệt này một phần bắt nguồn từ việc bà muốn con mình có sự tuân thủ tuyệt đối với các nguyên tắc của bà, phải biết kính trọng bậc bề trên, theo quan niệm của người Trung Hoa. 

Đối mặt với thất bại?

Tất nhiên, giống như rất nhiều người khác, những nỗ lực của “mẹ hổ” không phải lần nào cũng thành công. Amy và con gái của bà dù xuất sắc nhưng cũng gặp phải một số thất bại trong hành trình của mình. Cách mà “mẹ hổ” Amy đối mặt với thất bại cũng vô cùng thú vị. Nếu những thất bại, sai lầm xuất phát từ yếu tố chủ quan, bà sẽ không ngần ngại nói ra những lời chỉ trích con mình, là do con chưa cố gắng, lười biếng, thậm chí gọi con là “rác rưởi”, nhưng nếu như thất bại xảy ra do có sự tác động của yếu tố khách quan, giống như việc Louisa không đỗ vào học viện nhạc Juilliard do hôm trình diễn cô bé bị đau bụng, bà sẽ nhẹ nhàng hơn, động viên và an ủi con. Tuy nhiên, có một điểm chung là dù thế nào đi chăng nữa, “mẹ hổ” nhất định sẽ tìm ra cách để khắc phục những sai sót, những thất bại bằng cách đặt lại mục tiêu và đưa ra những biện pháp để đạt được mục tiêu đó. 

Tác động lên con trẻ?

Cách giáo dục của “mẹ hổ” có lẽ sẽ gây tò mò cho độc giả về phản ứng và ảnh hưởng lên những cô con gái. Về phần Sophia, cô chị ngoan ngoãn và nghe lời mẹ, mối quan hệ với mẹ cũng hòa hợp hơn là giữa Louisa và Amy. Louisa, với tính tình cứng rắn giống mẹ, lại nổi loạn và cá tính hơn chị gái rất nhiều. Hai chị em đều là những học sinh xuất chúng của những trường học danh giá về âm nhạc, Louisa được tham gia biểu diễn hòa nhạc từ khi còn rất sớm và nhận được rất nhiều giải thưởng. Hai cô gái từng chia sẻ trong cuốn sách rằng dù cách giáo dục của mẹ khắc nghiệt, nhưng họ luôn biết ơn mẹ vì đã bắt mình học đàn. Điều này khẳng định sự biết ơn và tôn trọng mà Sophia và Louisa dành cho những cố gắng và nỗ lực của mẹ mình trên con đường định hướng tương lai cho hai chị em. Mối quan hệ giữa ba mẹ con là sự tổng hòa giữa sắc thái cứng rắn, nghiêm khắc, đối trọng, nhưng cũng không hề kém phần mềm mỏng, hài hòa và thương yêu.
Amy Chua và hai con gái, cả 3 đều rất hạnh phúc, từ <a href="https://www.telegraph.co.uk/women/life/whatever-happened-to-the-original-tiger-mums-children/">The Telegraph</a>
Amy Chua và hai con gái, cả 3 đều rất hạnh phúc, từ The Telegraph

Đón nhận của công chúng?

“Khúc chiến ca của mẹ hổ” từ khi ra mắt đã tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi về cách giáo dục con cái. Tất nhiên, có những người phản đối kịch liệt những quan điểm được nhà văn đề cập tới trong cuốn tự truyện, rằng cách dạy con này sẽ tạo ra vô số áp lực về cả tinh thần và thể chất cho con trẻ. Đồng thời, những người phản đối cũng cho rằng khái niệm về thành công của bà chỉ giới hạn và bị bó hẹp trong thành tích về học thuật hay danh tiếng, chứ không hề xem xét đến các khía cạnh khác của mọi mặt đời sống xã hội, và việc bà có những quy chụp về cách giáo dục của “Trung Hoa” và cách giáo dục của “Phương Tây” cũng là một điều khiến cho độc giả cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, cuốn sách cũng nhận được nhiều sự ủng hộ vì đã nhấn mạnh vai trò của sự chăm chỉ, nỗ lực, quyết tâm và tinh thần kỷ luật để đạt được mục tiêu, hay việc phê phán cách nuôi con theo chiều hướng buông thả quá mức, dẫn tới hệ quả là lãng quên những tài năng ẩn náu trong con trẻ. Những thành công của Sophia và Louisa có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho tính hiệu quả của cách giáo dục mà “mẹ hổ” đã áp dụng. 

Đón chờ kỳ sau

Nhìn chung, khái niệm “mẹ hổ” đã được phổ biến rộng rãi qua cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ hổ” với rất nhiều những sắc thái đa dạng và phức tạp:  nghiêm khắc, độc đoán nhưng đồng thời cũng mềm mỏng và yêu thương. Tất nhiên, Amy Chua với cuốn tự truyện nổi tiếng của mình không phải là ví dụ duy nhất cho “mẹ hổ”. Kỳ tới, hãy cùng Insight Culture tìm hiểu về một người “mẹ hổ” khác trong một series sitcom vô cùng thú vị - Fresh Off The Boat. Chắc chắn những điểm giống và khác nhau cùng những bối cảnh văn hóa đằng sau sẽ cho chúng ta những lý giải sâu sắc hơn về hình tượng “mẹ hổ”. 

Nguồn tham khảo

Amy Chua Biography: Tiger Mother’s 9 Parenting Principles. (n.d.). Positive Parenting Ally. https://www.positive-parenting-ally.com/amy-chua.html
Chua, A. (2011). The Battle Hymn of Tiger Mom. Penguin Press.
Dạy con kiểu “mẹ hổ” châu Á hay “mẹ sói” phương Tây? (n.d.). Prudential Việt Nam. https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/day-con-kieu-me-ho-chau-a-hay-me-soi-phuong-tay/
Fttblogadmin. (2011). The Parents’ Perspective: Reactions to Amy Chua’s “Tiger Mom” Tactics. From the Top. https://fromthetop.org/the-parents-perspective-reactions-to-amy-chuas-tiger-mom-tactics/
Gray, P. (2011). What Do Chinese-Americans Think of Amy Chua’s ‘Tiger Mother’? Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/us/blog/freedom-learn/201103/what-do-chinese-americans-think-amy-chua-s-tiger-mother
Hoby, H. (2017). Amy Chua: the tiger mom returns to the fray. The Guardian. https://www.theguardian.com/commentisfree/2014/jan/12/amy-chua-tiger-mother-returns
Hsin, A., & Xie, Y. (2014). Explaining Asian Americans’ academic advantage over whites. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 111(23), 8416–8421. https://doi.org/10.1073/pnas.1406402111
What scares Tiger Mom Amy Chua? We do! (2012). TODAY.com. https://www.today.com/parents/what-scares-tiger-mom-amy-chua-we-do-1C7398002
You J. (2017). “Mẹ Hổ yêu quái” nổi tiếng với cách dạy con cực đoan và gặt được “quả ngọt” khiến nhiều người ngưỡng mộ. aFamily. https://afamily.vn/me-ho-yeu-quai-noi-tieng-voi-cach-day-con-cuc-doan-va-gat-duoc-qua-ngot-khien-nhieu-nguoi-nguong-mo-2017070714165064.chn