KỲ 2: JESSICA HUANG VÀ “FRESS OFF THE BOAT”

Mẹ luôn khắc nghiệt với tôi, ngay cả trước khi định nghĩa "mẹ hổ" ra đời Con biết đây không phải là điều mẹ đã lên kế hoạch, nhưng con muốn theo học trường dạy nấu ăn Mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con thôi. Đó là tất cả những gì mẹ hằng mong muốn Con biết, nhưng con không từ bỏ đâu. Con không bao giờ từ bỏ, bởi con là đứa con của Jessica Huang
Fresh Off The Boat (2015 - 2020)
Chào mọi người, như đã hứa, chúng tôi đã quay trở lại với kỳ 2 của chủ đề mẹ hổ. Những dòng bạn vừa đọc bên trên chính là cảm nhận và tâm sự của cậu con trai lớn Eddie với người mẹ Jessica của mình. Đối với cậu, mẹ là người mà cậu vừa sợ vừa nể. Ở mẹ có sự tương đồng rõ rệt với con giáp của mình, là loài hổ vừa cứng rắn, uy quyền nhưng hết mực thương yêu và bảo vệ con cái. Đặc điểm này cũng chính là nguồn cảm hứng để Insight Culture chọn cô làm đại diện tiếp theo cho các bà mẹ hổ Trung Hoa. Dành cho bạn nào chưa nhớ, kể từ khi cuốn hồi ký “Khúc chiến ca của mẹ hổ” của giáo sư người Mỹ gốc Hoa Amy Chua được xuất bản, thuật ngữ “mẹ hổ” này đã được sử dụng rộng rãi hơn để gọi một bộ phận người mẹ thuộc cộng đồng Hoa kiều trên đất Mỹ áp dụng phương pháp dạy con hướng đến thành tích cao trong học tập. Nếu xét trên phương diện này, Jessica Huang trong series “Fresh off the boat” có thể coi là một nhân vật mang những đặc điểm của mẹ hổ. 
Series "Dân nhập cư" (2015 - 2020), ảnh từ<a href="https://www.rottentomatoes.com/tv/fresh_off_the_boat"> Rotten Tomatoes</a>
Series "Dân nhập cư" (2015 - 2020), ảnh từ Rotten Tomatoes

Fresh Off The Boat

"Fresh off the boat" (tựa Việt là "Dân nhập cư") là một series hài kịch tình huống phát sóng trên đài ABC từ năm 2015 đến 2021. Lấy cảm hứng từ cuộc đời và tự truyện của đầu bếp Eddie Huang, bộ phim theo chân gia đình gốc Hoa họ Huang khi họ chuyển từ khu phố Tàu ở Washington D.C đến Orlando, Florida. Trong quá trình sinh sống, họ đã gặp không ít trở ngại, trong đó có những định kiến về người Mỹ gốc Á, khi cố gắng thích nghi với nền văn hoá mới.   
Gia đình nhà Huang, ảnh từ <a href="https://www.tvinsider.com/gallery/fresh-off-the-boat-chinese-new-year-photos/">tvinsider</a>
Gia đình nhà Huang, ảnh từ tvinsider
Có thể nói “Fresh off the boat” xoay quanh những trải nghiệm của người nhập cư tại đất Mỹ. Ngoài đề cập đến việc theo đuổi “giấc mơ Mỹ” (American Dream), bộ phim cũng có thể coi là quá trình đấu tranh để gìn giữ truyền thống văn hoá của người nhập cư trong khi nỗ lực thích ứng với văn hoá phương Tây.  Thông qua series phim này, khán giả Việt Nam, cũng sẽ hiểu biết và đồng cảm hơn trước cuộc sống của những người dân nhập cư Châu Á cũng như những thách thức mà họ đối mặt trong đời sống hàng ngày trên đất Mỹ. Series còn giúp cho khán giả Việt Nam có những góc nhìn mới mẻ hơn về cách nuôi dạy con cái trong gia đình mình, khiến cho họ cân nhắc sâu hơn về việc nên đặt mục tiêu và kế hoạch ngay từ đầu cho con cái hay nên để chúng tự do phát triển. 

“Mẹ hổ” Jessica Huang

Như ở kỳ 1, chúng ta cũng sẽ nhìn nhận 4 khía cạnh của “mẹ hổ” trong nhân vật Jessica Huang. 
"Mẹ hổ" Jessica Huang, ảnh từ <a href="https://www.imdb.com/title/tt7950352/">IMDb</a>
"Mẹ hổ" Jessica Huang, ảnh từ IMDb

Mục tiêu

Trước hết, là một bà mẹ hổ, Jessica hiển nhiên có định hướng mục tiêu rõ ràng cho con cái. Giống như Amy, Jessica đặt kỳ vọng cao lên ba cậu con trai Eddie, Emery và Evan ở khía cạnh học hành. Đối với cô, tương lai của lũ trẻ sẽ hoàn hảo nhất khi Eddie vào được đại học, Emery trở thành luật sư và Evan là “ bác sĩ kiêm tổng thống “. Cô còn lập bảng kế hoạch cuộc đời với những khóa học và kinh nghiệm mà các con cần để thực hiện mục tiêu. Jessica không ngần ngại đầu tư cho việc học của các con. Cô sẵn sàng dành 4000$ mỗi năm cho Evan theo học trường tư Orlando khi hiệu trưởng xác nhận rằng 99% học sinh của trường đều học ở nhóm Ivy League (tập 22 phần 3). 
Jessica lập kế hoạch cuộc đời cho các con của cô, ảnh từ <a href="https://www.youtube.com/watch?v=dPGp7Hy21yU&amp;list=PLDe0CguuqcMCoOewW9hilFtJmvEuX8ejk&amp;index=1">Youtube</a>
Jessica lập kế hoạch cuộc đời cho các con của cô, ảnh từ Youtube

Giao tiếp

Xét đến cách thức giao tiếp của “ mẹ hổ “ như Jessica, dù không so sánh những đứa con với nhau như Amy Chua, Jessica vẫn rất nghiêm khắc trong phương pháp dạy con. Trong tập 2 phần 1, cô không cho phép Eddie ăn cơm chừng nào cậu chưa hoàn thành bài tập và không đồng tình, thậm chí ban đầu còn cấm cản việc các con cô có bạn gái bởi những điều ấy sẽ làm chúng xao nhãng và sa sút trong học tập ( tập 10 phần 5).

Tự do cá nhân

Tiếp đến, dù không cấm cản các con theo đuổi sở thích của mình, Jessica vẫn không để cho lũ trẻ có quá nhiều quyền tự do. Đối với cô, con cái dù lớn hay nhỏ đều cần phải được kiểm soát và trông nom (tập 2 phần 2), dẫu cho chúng có không thích những quyết định của cô đi chăng nữa. Jessica quan tâm chuyện học hành của con cái và dành thời gian giám sát các con học tập. Nhận được điểm A của Eddie (trong tập 2 phần 1), Jessica cho rằng chương trình học đang quá dễ dàng và yêu cầu 3 đứa trẻ học thêm chương trình chất lượng cao cho người Trung Quốc 3 tiếng mỗi ngày mà cô tự thiết kế. Thêm nữa, cô mong muốn tương lai của con cái giống kế hoạch mình vạch ra. Đó là lý do lúc đầu cô khá sốc và không mấy vui vẻ khi người con thứ Emery muốn theo nghiệp diễn xuất thay vì học luật (tập 9 phần 6) và con cả Eddie muốn học trường nấu ăn mà không phải vào Harvard (tập 15 phần 6). 

Đối mặt với thất bại?

Nếu như “mẹ hổ” Amy đón nhận thất bại của hai cô con gái theo nhiều cách, từ sỉ nhục, an ủi rồi giải quyết để đảm bảo thất bại đó không lặp lại, Jessica lại thiên về việc ngăn chặn không cho những thất bại có cơ hội xảy ra. Chẳng hạn, để tránh việc chứng kiến kết quả học tập sa sút của Evan khi cậu bé hẹn hò bạn nữ cùng lớp, Jessica đã “ đánh đòn phủ đầu “ bằng việc sửa điểm kiểm tra của con trai mình từ A thành A-, khiến cậu bé quyết tâm tập trung vào học hành để cải thiện điểm số (tập 10 phần 5). Hay như khi Emery muốn cô ủng hộ việc mình học làm diễn viên, Jessica đã giải thích phản ứng của cô là do sợ con trai trải qua thất bại như vô số người theo nghiệp diễn mà cô biết. (tập 9 phần 6). Nhìn chung, dù có sử dụng cách thức khác nhau, Jessica vẫn chung quan điểm với Amy và một bộ phận những người mẹ Trung Hoa: khó chấp nhận thất bại. 
Jessica thú nhận việc sửa điểm của Evan để cậu tập trung vào việc học, ảnh từ <a href="https://www.youtube.com/watch?v=fVzTUp7pCh4">Youtube</a>
Jessica thú nhận việc sửa điểm của Evan để cậu tập trung vào việc học, ảnh từ Youtube

Tác động lên con trẻ?

Mặc dù phương pháp dạy con của “mẹ hổ” Jessica không quá mức hà khắc như Amy Chua, chúng ta có thể thấy  cách nó ảnh hưởng lên Eddie, Emery và Evan cũng khá tương tự như Sophia và Louisa. Con cả Eddie mặc dù khá nổi loạn, khó bảo, và yêu thích nấu ăn hơn là học đại học nhưng vẫn đạt được một số thành tích đáng kể trong học tập, như đạt được 1500 điểm SAT trong kỳ thi đại học và được phỏng vấn bởi đại diện Harvard. Hai em trai của cậu, Emery và Evan, thì vâng lời và nghe theo quyết định của mẹ trong hầu hết trường hợp. Chuyện học hành của Emery không được đề cập đến nhiều lắm, nhưng cậu được mẹ công nhận là một cậu bé đa tài và đã từng phát biểu trước toàn trường với tư cách thủ khoa lớp 5 (tập 22 và 23 phần 2). Nổi bật nhất về phương diện học hành có lẽ là Evan, cậu con út thiên tài mà Jessica tự hào gọi là “ học sinh điểm A của mẹ”. Cậu thường xuyên đạt điểm tối đa trong các môn học trên trường, yêu thích chứng khoán, văn học kinh điển và tranh luận. Vào năm 2008, Evan đã trở thành thủ khoa Harvard. Dù mỗi đứa trẻ có cách phản ứng khác nhau trước phương pháp giáo dục của Jessica, ba cậu con trai đều dành sự tôn trọng và biết ơn những gì Jessica đã làm cho mình. Chính Eddie cũng thừa nhận rằng Jessica đã dạy cho cậu sự kiên cường để đấu tranh theo  giấc mơ của mình (tập 15 phần 6).  

Đón nhận của công chúng?

Cũng giống như Amy, phong cách dạy con của người mẹ Jessica đã nhận được vô số phản ứng trái chiều của khán giả. 
Phản ứng tiêu cực của khán giả đối với cách dạy con của mẹ hổ Jessica chủ yếu tập trung vào các mùa sau (4,5) của bộ phim “Dân nhập cư”. Cư dân mạng phê phán phương pháp giáo dục của cô, miêu tả bằng những tính từ như “cực đoan”, “phiền phức”, “thất vọng”, “ích kỷ”. Theo họ, việc này gây ra những áp lực và tổn thương không cần thiết cho con nhỏ.
Một vài phản ứng tiêu cực từ khán giả, ảnh từ <a href="https://www.reddit.com/r/FreshOfftheBoatTV/comments/ed5k44/jessica_huang_is_insufferable_im_so_offended_by/?rdt=37499">Reddit</a>
Một vài phản ứng tiêu cực từ khán giả, ảnh từ Reddit
Tuy nhiên, những bình luận khen ngợi, đặc biệt từ những người Mỹ gốc Á, dành cho cô cũng không thiếu. Trong ba mùa đầu của bộ phim, khán giả bày tỏ sự đồng cảm với nhân vật này vì phần lớn họ cũng được nuôi nấng trong gia đình có bố mẹ nghiêm khắc và đặt kỳ vọng cao vào con cái. Chính vì thế, khán giả hoàn toàn hiểu được lý do cho hành động của cô cũng như đánh giá cao sự kiên định, tự tin, lòng quyết tâm muốn con thành công và những nỗ lực để phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hoa. Càng về sau, người xem càng đồng cảm với khía cạnh yêu thương, ấm áp của cô và cách Jessica phá bỏ định kiến của 1 người mẹ hổ nghiêm khắc chỉ tập trung thúc ép con cái học tập bất chấp cảm xúc, quan điểm của riêng con, nhất là khi họ chứng kiến cả ba đứa con đều hạnh phúc và thành công theo cách của riêng chúng. 

Một vài suy nghĩ cá nhân

Hiện nay trên các diễn đàn, cuộc tranh luận về việc dạy con theo cách nào thì tốt vẫn đang diễn ra không hồi kết. Như đã được viết ở phần tựa sách “Khúc chiến ca của mẹ hổ”, mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng. Trong khi cách nuôi dạy con ở Phương Tây đề cao phát triển sự tự do tự lập, lòng tự trọng và tính sáng tạo cá nhân, giúp cho con đạt được kết quả học tập tích cực, thì phương pháp dạy con của “mẹ hổ” lại chú trọng rèn luyện cho con sự chăm chỉ, bền bỉ - đức tính cần thiết để vượt trội ở bất cứ phương diện nào. 

Ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa lên cách giáo dục con trẻ của những người "mẹ hổ"

Văn hóa Trung Hoa

Sau khi nghiên cứu về cuốn sách và bộ phim, chúng tôi nhận ra văn hóa Trung Hoa có tầm ảnh hưởng lớn lên cách dạy con của các bà “mẹ hổ”. Đầu tiên, văn hóa Trung Hoa rất chú trọng việc thúc đẩy con cái đạt được những thành tựu học thuật, điển hình là việc hai bà mẹ đều đặt mục tiêu cho con cái họ vào những ngôi trường danh giá và luôn muốn con đạt thành tích cao trong các môn học. Mặt khác, phong cách giáo dục con của hai người mẹ còn chịu ảnh hưởng từ truyền thống chăm chỉ và kiên trì của người Trung Hoa. Điển hình là trong tập 12 mùa 1, Jessica quan niệm rằng làm việc thì phải kiên trì và nỗ lực để có được thành quả chất lượng, còn nếu không thì tốt nhất là đừng làm. Văn hóa Trung Hoa còn ảnh hưởng đến các bà “mẹ hổ” ở việc họ luôn dạy con cái phải biết thể hiện sự hiếu thảo và vâng lời đối với bề trên. Là một người theo lời dạy Khổng Tử về lòng hiếu thảo, tác giả cuốn sách”Khúc chiến ca của mẹ hổ” cũng đồng tình rằng vì cha mẹ đã hi sinh quá nhiều cho con cái nên người con cần phải biết ơn, tôn trọng và vâng lời cha mẹ cũng như những người lớn tuổi.

Hoàn cảnh sống của dân nhập cư 

Một yếu tố quan trọng không kém làm ảnh hưởng đến cách giáo dục con của mẹ hổ là hoàn cảnh sống của dân nhập cư gốc Trung tại Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra khi chúng tôi tìm hiểu về yếu tố này là: Tại sao người mẹ Trung Quốc lại ám ảnh với thành công của con họ như vậy? Theo như báo Guardian (2014), lý do là vì họ đến từ quốc gia nơi nhìn nhận giáo dục là một trong những con đường để tiến đến thành công. Với tư cách là những người nhập cư ở Hoa Kỳ, các bậc cha mẹ Trung Quốc lo rằng con cái họ sẽ bị phân biệt đối xử trong sự nghiệp. Vì vậy, họ luôn giáo dục con trẻ để đạt được điểm cao ở các môn học thuật, định hướng con cái họ làm những nghề ổn định, danh giá, có địa vị xã hội cao để chúng có thể tránh khỏi bị phân biệt đối xử trong cuộc sống thường ngày.

Văn hóa Mỹ

Các yếu tố về văn hóa nước Mỹ cũng đã ảnh hưởng ít nhiều lên cách dạy con của các bà “mẹ hổ”. Tiếp nhận sự cởi mở, tinh thần tự do phát triển, đề cao cá nhân, hai bà “mẹ hổ” đã có sự điều chỉnh thích hợp trong cách giáo dục của mình, tất nhiên ngoài việc họ rất tận tụy, tập trung đầu tư vào việc học cũng như bồi dưỡng tính kiên trì và hiếu học của trẻ, thì đến cuối cùng, họ đã biết quan tâm đến cảm xúc hơn, tôn trọng quan điểm cá nhân và sở thích của con cái, để cho con họ tự do phát triển theo cách chúng muốn. 

Truyền thông đại chúng

Về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, chúng tôi tin rằng trẻ con mới là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ và rõ ràng hơn các bà mẹ. Điều này có thể lý giải là vì chúng vẫn còn nhỏ, đang trong quá trình học hỏi, tích lũy kiến thức và hình thành nhận thức từ thế giới bên ngoài. Đúng thật vậy, “mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu”, khi áp dụng vào trường hợp của Eddie, con trai Jessica, cậu bé trở nên đam mê hip hop qua những lần nghe cassette, những chương trình TV. Đối với con gái út Louisa của Amy, thông qua việc tiếp xúc với các bạn học và quan sát cách bố mẹ giáo dục các bạn, cô đã có nhận thức rằng cách mẹ giáo dục mình hoàn toàn khác biệt so với những người khác nên đã từ chối tiếp nhận cách dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ mình. 
Insight Culture hy vọng rằng hai bài viết vừa rồi đã giúp các bạn hiểu rõ thêm về hình tượng “mẹ hổ”. Nói chung, dù tiếp nhận sự dạy dỗ nghiêm khắc của “mẹ hổ” nhưng chúng ta có thể thấy rõ từ trong sách lẫn trên phim, cả con của Amy Chua và Jessica Huang đều nhận thức rõ điều mẹ làm là muốn tốt cho họ, muốn họ đạt được thành công sau này. Chính vì thế, con cái đều bày tỏ sự biết ơn và thân thiết với “mẹ hổ” của họ. Từ đây, ta có thể rút ra được một điều: phương pháp dạy con dù là của phương Đông hay phương Tây thì đều có thế mạnh riêng và giúp con trẻ phát triển tự do theo cách chúng muốn. Có lẽ trong mỗi một nền văn hóa khác nhau, mỗi bậc cha mẹ và mỗi một người con sẽ yêu thích và phù hợp với phương pháp nuôi dạy nhất định. Đối với Insight Culture, hiểu thêm được một phương pháp mới qua những câu chuyện, những tâm sự và suy nghĩ của cha mẹ và con cái sẽ giúp chúng ta có thêm kiến thức mới, đồng thời nâng cao khả năng thấu hiểu và đồng cảm với những phương pháp nuôi dạy con khác nhau đến từ những nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới.
Còn bạn, bạn nghĩ gì về "mẹ hổ" và cách mà họ nuôi dưỡng những chàng/ nàng hổ con? Liệu bạn có lựa chọn phương pháp nuôi dạy này hay không? Đừng ngần ngại mà hãy để lại bình luận ở dưới bài viết để chia sẻ quan điểm của bạn với chúng mình nhé.

Nguồn tham khảo

Chua, A. (2011). The Battle Hymn of Tiger Mom. Penguin Press.
Duong. (2021). FRESH OFF THE BOAT (2015-2020) - Trải nghiệm sống. Trải Nghiệm Sống. https://trainghiemsong.vn/fresh-off-the-boat-2015-2020/ 
Fresh Off the Boat (TV Series 2015–2020) ⭐ 7.8 | Comedy. (2015, February 4). IMDb. https://www.imdb.com/title/tt3551096/ 
Lee, J. (2017, July 14). We need more Asian American kids growing up to be artists, not doctors. The Guardian. https://www.theguardian.com/commentisfree/2014/mar/16/asian-american-jobs-success-myth-arts?fbclid=IwAR3G_n41rcBYcJAm0AZhT9MQQxuV9xFFbkh2IqajX9oJGyXNwk_J8oFxBNs
Phương pháp giáo dục con của người Mỹ. (2022, February 15). ICS Vietnam. Truy cập ngày 5/1/2024, từ https://icsvietnam.com/blog-giao-duc/giao-duc-my/phuong-phap-giao-duc-con-cua-nguoi-my/
Xinhua. (2021, May 2). Hard work a key reason behind China’s success. Chinadaily.com.cn. Truy cập ngày 5/1/2024, từ https://global.chinadaily.com.cn/a/202105/02/WS608e0342a31024ad0babbb67.html