TIÊU THỤ NỘI DUNG NGẮN TRONG MỘT THỜI GIAN DÀI- thứ thuốc phiện bản không gây nghiện, không thể nhìn thấy, nhưng có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí của chúng ta nhiều hơn cả những thú vui không lành mạnh.
(Mình viết bài này không phải để bài trừ nội dung ngắn hay phản đối sự phát triển của các nền tảng công nghệ. Bản thân mình cũng là người tiêu thụ và mình đã từng dành ra 5-6 tiếng mỗi ngày để lướt TikTok, Facebook reels, Youtube shorts, thậm chí là nhiều hơn=)). Và có lẽ do mình đã tiêu thụ quá đà đến ngưỡng mình phải chịu nhiều hậu quả xấu của nó gây ra, nên mình muốn chia sẻ "một chút" về vấn đề này).
Mình biết là trong thế giới số hóa ngày nay, nội dung ngắn đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống trực tuyến. Tuy nhiên, bạn có từng tự hỏi: Tại sao khi dùng những nền tảng ấy, mình hay bị cuốn vào một trạng thái "bị thôi miên", cứ tiêu thụ nội dung "liên tục" và "không suy nghĩ"? Có điều gì xảy ra nếu chúng ta "lạm dụng" việc tiêu thụ nội dung ngắn "trong thời gian dài"?
Khi nói về các nền tảng chứa nội dung ngắn thì mọi người sẽ nói đến sự "nhanh và tiện". Vì chỉ mất vài giây bạn có thể xem từ đầu đến cuối, không giống như đọc một cuốn sách mất hàng tháng để đọc xong. Vậy nên não bộ chúng ta dường như thích thú với việc được tiếp nhận thông tin nhanh chóng mà không cần đầu tư nhiều công sức.
Hơn nữa, các nền tảng này hoạt động dựa trên "thuật toán thông minh". Bạn thích gì, tìm kiếm gì, muốn mua gì, nhấn link gì,... bạn tìm càng nhiều thì nó càng thu thập được nhiều dữ liệu và tung ra hàng loạt những video kế tiếp đúng như những gì bạn muốn xem hay muốn mua. Mục đích của nó là khiến cho bạn phải ở đó và sử dụng nó nhiều hơn. Chính vì vậy mà nó có thể khiến người xem cảm thấy thỏa mãn, giúp tạo ra cảm giác "Dopamine ngắn hạn".
____________
Dopamine thường được gọi là "hormone hạnh phúc" bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất. Khi được làm điều gì đó mà chúng ta thích, chúng ta sẽ có cảm giác hứng thú, hưng phấn, tràn đầy cảm xúc thì đó là do Dopamine trong cơ thể được tiết ra. Trong cuộc sống thì mỗi người sẽ lấy Dopamine theo nhiều cách khác nhau như là chơi game, đọc sách, yêu đương, ăn uống, du lịch, xem phim, hút thuốc,...
Còn "Dopamine ngắn hạn" tạo ra cảm giác thỏa mãn, niềm vui, hoặc hứng thú "ngay lập tức" sau khi trải qua một trải nghiệm hoặc hoạt động cụ thể và nó thường được gắn với những hoạt động không lành mạnh như ăn đồ ăn nhanh, tiêu thụ ma túy, thuốc lá, hoặc mua sắm vô độ,...
____________
"Nội dung ngắn" không phải là chất gây nghiện, nhưng nó có một số đặc điểm tương đương với chất gây nghiện.
Bạn có thấy mình hay cầm điện thoại rồi lướt lướt trong vô thức? Khi vừa ngủ dậy, khi đi vệ sinh, khi đi bộ, khi đi xe buýt, khi được nghỉ giữa giờ,...Đó dường như là những hành động không có mục đích cụ thể, bạn hoàn toàn không nhận thức rõ được hành vi của mình, bạn làm như vậy cũng là một thói quen đã được hình thành không biết từ bao giờ. Và khi bạn làm như vậy, "Dopamine ngắn hạn" sẽ được tiết ra tạo cảm giác giác hưng phấn "ngay lập tức" vì hàng loạt video được tung ra cực kì ngắn, cực kì giải trí, cực kỳ giật gân giúp bạn thỏa mãn kịp thời. Mà con người chúng ta thường có xu hướng tiếp nhận Dopamine càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ví dụ chúng ta chơi một trò chơi điện tử thì cảm thấy hưng phấn và thỏa mãn. Và để duy trì cảm giác đó, chúng ta thường liên tiếp thay đổi, tìm kiếm trò chơi kịch tính hơn, phức tạp hơn.
Hay ngày trước bạn gái được nhận một món quà nhỏ như cái kẹo hay dây buộc tóc thì họ đã thấy vui rồi, và khi càng được nhiều người tặng, được tặng nhiều lần, thì họ càng muốn món quà phải thú vị hơn, phải đẹp, phải sặc sỡ, phải đắt tiền hơn thì mới kích thích được cảm giác hưng phấn.
Ví dụ khác về bản thân mình thì ngày trước mình uống một ly cà phê thôi thì cả ngày mình rất tỉnh táo, tâm trạng sảng khoái, mình rất thích cái cảm giác đó nên mình uống hàng ngày, uống hơi nhiều:)), nên giờ phải uống đến cốc thứ 4 mình mới thấm được:v.
Tóm lại là đối với những thứ chúng ta thích làm và chúng ta làm thường xuyên thì sau một thời gian chúng ta càng muốn tăng đô lên để đạt được cảm giác hưng phấn, lâu dần chúng ta sẽ bị nghiện và bị phụ thuộc vào những thứ đó. Điều này không có gì lạ cả vì nó liên quan đến tâm lý của con người. Cái đáng lo ngại là nếu những thứ ấy là thứ gây hại cho cơ thể như đồ ăn nhanh hay chất kích thích…
Vậy đến đây bạn có hình dung ra được nếu mỗi ngày bạn "liên tục" lướt hàng chục hàng trăm cái video ngắn "trong thời gian dài" thì sẽ gây hậu quả gì không? Đó là càng ngày bạn càng muốn lướt nhanh hơn, xem video ngắn hơn, giải trí hơn, kịch tính hơn, giật gân hơn. Khi nội dung đó không làm bạn đủ thích thú thì bạn càng cố lướt, lướt đến khi nào đến nội dung bạn cảm thấy thỏa mãn thì thôi. Việc này có thể tác động đến hành vi và suy nghĩ của bạn, cái gì bạn cũng muốn phải nhanh phải ngắn, ăn nhanh, đọc nhanh, giàu nhanh, da phải trắng sáng sau một đêm, body phải đẹp sau 1 tuần:)).
Dần theo thời gian, việc "liên tục" tiêu thụ nội dung ngắn sẽ khiến sự tập trung của bạn cũng bị ngắn lại, vì bạn đã quen với việc Dopamine tiết ra phải nhanh, phải dồn dập, phải ngay lập tức. Bây giờ để tập trung làm một việc gì đó chậm rãi và cần nhiều thời gian như viết lách, vẽ tranh, may vá, chơi nhạc cụ, đọc sách, học bài,... mình đoán là nhiều người cảm thấy rất khó khăn để tập trung hoàn toàn vào làm những việc đó, bạn dễ cảm thấy chán và luôn phải mò cái điện thoại lướt lướt để "giải trí" rồi ngắt quãng nhiều lần những việc mình đang cần phải làm. Như mình viết xong bài này thì mình cũng đã nghỉ ngắt quãng rồi lướt lướt tầm 20-30 lần gì đó:)).
Nội dung ngắn cũng có thể khiến não bộ của bạn rơi vào tình trạng lười tư duy. Bởi hình ảnh, âm thanh, nội dung ngắn liên tục xuất hiện và biến mất, mọi thứ diễn ra trong vài giây, trong khi bạn còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra hay có thời gian để suy nghĩ, phản biện nội dung mà video đề cập đến, bạn lướt và cũng chưa kịp tự hỏi mình có nhận được giá trị gì khi xem video này.
Không chỉ vậy mà chất lượng nội dung ngắn cũng không thực sự đảm bảo. Mình đồng ý là nội dung ngắn khá phù hợp với những kiến thức khái quát chung chung, nhưng nếu bạn muốn học kiến thức đạt đến mức độ chuyên gia, thì cũng không đơn giản bằng việc bạn chỉ xem mấy cái video ngắn vài giây như vậy. Bạn ngồi hàng giờ lướt video ngắn để học và bạn tưởng mình đã học được hàng đống kiến thức, nhưng khi bắt tay vào làm thì bạn lại không biết bắt đầu từ đâu và không biết làm gì cả.
Kiến thức về sức khỏe, nghệ thuật, thiết kế, đầu tư, chứng khoán,... Có lẽ những thứ chúng ta xem được thường chỉ là kết quả của người thành công nào đó đã đạt được và chúng ta dường như bỏ quên tất cả điểm xuất phát ban đầu, hành trình vất vả, rủi ro, thử thách, thất bại mà những người đó đã phải trải qua.
Hơn nữa, đôi khi bạn còn dễ hiểu sai nội dung vì bạn chỉ đọc một phần rất nhỏ trong câu chuyện dài. Kiếm được 100 triệu ở tuổi 18, sao Việt ngoại tình, cháy nhà, giật bồ, sugar baby daddy...Bạn cũng chỉ biết đến vậy thôi chứ thực sự bạn cũng không biết tất cả nguồn gốc, nguyên nhân đằng sau những câu chuyện như thế nào. Cộng thêm việc bên truyền thông thêm thắt mấy thuật ngữ "thổi phồng" hay "sai lệch" để kéo tương tác, đánh vào tâm lý thích "hít drama" nữa thì việc bạn hiểu đúng hết tất cả các vấn đề qua một cái video ngắn thì xa vời lắm.
"Nội dung ngắn không xấu mà xấu do cách chúng ta dùng". (Mình nói đến việc "lạm dụng").
Bản thân mình cũng không bỏ hẳn TikTok mà mình giảm lượng thời gian xem lại, mình cứ giảm từ từ thôi, từ 5 tiếng còn 4 tiếng rồi:)). Vì mình biết giảm kiểu xoá hẳn TikTok thì sau 2 ngày mình cũng sẽ tải lại và xem nhiều hơn thôi haha. Mình dùng TikTok có ý thức thức hơn, khó tính hơn trong việc lựa chọn những nội dung mà mình đọc, nghe hay xem mỗi ngày, vì cũng có rất nhiều nội dung hay trên đó giúp mình có thêm nhiều ý tưởng và sáng tạo. Mình tăng dần những hoạt động tiết "Dopamine dài hạn" để giúp mình tập trung hơn như đọc sách, tập luyện, kết nối bạn bè hay viết lách như này nè:)). Nói thật chứ ngày trước mình viết một bài mất có 1-2 tiếng thôi chứ không mất 5 tiếng như bây giờ:)). Mình lục lại các bài thi viết văn, viết thư, các bức tranh vẽ của mình ngày xưa thực sự mình bất ngờ với khả năng tập trung và sáng tạo của mình haha.
Sự giảm tập trung và lười tư duy do nhiều yếu tố gây nên. Và việc mình bảo các bạn tăng hoạt động như đọc sách, thể dục đi cũng khá vô nghĩa vì nếu những hoạt động đó dễ thì nhiều người làm rồi:v. Bài này mình chỉ tập trung về tác hại của nội dung ngắn còn những vấn đề khác mình viết sau vậy, vì viết hết thì bài sẽ rất rất dài:v.
Đó là những điều mình muốn chia sẻ. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến cuối bài.