Tiếp nối bài viết về "Thủ" trong Aikido, mình xin mạn phép gửi đến mọi người bài viết về "Tiến trình của thủ". Đây là bài viết thi lên đai của mình nên có nhiều yếu tố chủ quan của mình ở trong này. Mong mọi người thông cảm.
Tiến trình của thủ, nghe như những giai đoạn của một công việc mà nếu ta làm thường xuyên thì sẽ thành một phản xạ. Việc gì làm thì luôn phải có trước có sau, có thứ tự nhất định của nó. Không phải cứ thấy người khác chạy tới chỗ ta thì ta cho họ một quả đấm, như thế là tàn ác với sinh linh. Không phải ai chạy tới ta cũng là ác với ta, cho nên điều đầu tiên là phải biết quan sát. Quan sát những gì? Quan sát nét mặt, cử chỉ, ánh mắt của người đó như thế nào? Phải học quan sát thì mới hiểu được ý định của người đang tấn công ta. Quan sát một cách nhanh chóng và cũng đưa ra quyết định một cách mau lẹ, đó là chìa khóa của sự sống. Một sự chậm trễ, một quyết định thiếu dứt khoát thì ta sẽ phải nhận lấy hậu quả khôn lường. Khi đã thành thạo trong việc quan sát, đánh giá tình hình thì việc tiếp theo cần phải là phải làm thế nào để có thể khiến ta không bị thương và cũng làm cho đối thủ không bị thương bởi trong các môn võ thì họ chỉ nghĩ đến họ còn đối với Aikido thì khác. Aikido hướng ta tới cái thiện, hướng tơi hòa bình nên mọi động tác, mọi hành động, suy nghĩ đều hướng đến cái thiện. Võ thuật là đem tới hòa bình cho nhân loại, ta làm đau địch thủ, ta hại địch thủ thì lúc đó ta cũng giống như họ mà thôi, không hơn gì họ. Ta phải khác họ, phải lấy cái thiện trong ta để hướng họ tới mục đích cao đẹp của cái thiện. Tránh né đối thủ đang tấn công trực diện là một cách tốt nhất, hợp lý nhất và hiệu quả nhất. 
“Hãy để địch thủ của bạn đi đến nơi nào hắn muốn đến; hãy để hắn trở lại nơi nào hắn muốn trở lại và uốn mình theo hướng hắn muốn trong lúc bạn hướng dẫn hắn, và sau đó để cho hắn ngã nơi nào hắn muốn ngã. Bạn không cần phải cố gắng thái quá”.  Tổ sư Ueshiba Morihei
 
Luôn thuận theo tự nhiên, đó là sức mạnh. Nếu ta chống lại tự nhiên ắt hẳn ta chống lại thế giới. Thay vì sử dụng sức mạnh vũ phu để làm những điều điên rồ thì tốt nhất hãy nương theo nó. “Mọi ngã đường đều dẫn tới thành Rome”, đâu phải cứ sử dụng sức mạnh cơ bắt là có thể thắng được địch thủ và đâu cứ phải tránh né là phương thức của kẻ yếu hèn. Tránh né là cách thức nhanh chóng để đưa ta ra khỏi vùng nguy hiểm và cũng là cách thức để ta có thể kiểm soát được địch thủ. Sử dụng các đòn nắm, bẻ, vật là các bước đầu tiên để có thể khống chế được địch thủ hung ác hoặc là bạn tập của ta. Sử dụng cái sức mạnh vũ phu của địch thủ để chống lại địch thủ đó mới chính là chánh đạo. Giống như mặt nước vậy, ta lấy tay đánh thật mạnh vào mặt nước yên tĩnh thì kẻ phải nhận đau đớn chính là ta, trong khi mặt nước có chút xao động rồi cũng sẽ trở về với sự tĩnh lặng của nó vậy. Vậy nên thay vì cố gắng khiến mặt nước giao động với sức mạnh vũ phu, ta nên hòa theo sự tĩnh lặng của nó, dẫn dắt nó để nó có thể chuyển động nhẹ nhàng hơn và rồi hòa nhập với dòng nước như 2 người bạn, như tay với chân.
“Bạn có thể cố gắng đẩy ngược một dòng suối, nhưng bạn phải dùng sức mạnh vũ phu để làm việc ấy. Và còn gì dễ dàng cho bằng nếu bạn tôn vinh sức mạnh của dòng suối và dẫn nó đi đến nơi nào bạn muốn”. Tổ sư Ueshiba Morihei