Cho dù bạn chỉ là một người lao động bình thường với số tiền lương hàng tháng cố định, nhưng bạn vẫn có thể tích lũy để có một đời sống tài chính tốt hơn. Bạn muốn chứ? Bạn có muốn biến tài khoản ngân hàng nhỏ bé của mình thành một cỗ máy rút tiền dồi dào không? Có một cách để bạn đạt được sự tự do và an toàn về mặt tài chính, đó là học cách làm giàu bền vững. Trước tiên, hãy đọc cuốn sách này, TIỀN TỆ VÀ CHUYỆN LÀM GIÀU AN TOÀN.

Bạn từng nghe rất nhiều về những kế hoạch làm giàu nhanh chóng hấp dẫn, những ý tưởng thú vị về cách thức kiếm bộn tiền chỉ bằng một số tiền ít ỏi trong túi hoặc chẳng có đồng nào. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với những lời nói dối đầy hoang đường đó, hãy bắt đầu bằng việc thực tế hơn: lên kế hoạch và thực hiện thói quen tiết kiệm và kiếm tiền của bạn. Nó hoàn toàn không phải là một kế hoạch trên trời, mà cực kỳ cần thiết và hữu dụng cho bất kỳ ai.
Dưới đây là một vài bí kíp quản lý tài chính cá nhân mà tác giả đề cập trong cuốn sách:
1. Người siêng năng và kiên trì không bao giờ nghèo đói
Chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, tàu con thoi dùng gần hết nhiên liệu để thoát khỏi sức hút của trái đất, và phần nhiên liệu nhỏ nhoi còn lại sẽ được dùng cho toàn bộ chuyến du hành trong không gian, và cả chuyến bay về. Gầy dựng của cải cho bạn cũng thế. Phần lớn năng lượng được cần đến vào lúc bắt đầu để đưa tàu con thoi của bạn rời khỏi mặt đất. 
Ban đầu bạn phải làm việc cật lực và vất vả nhất để thu lợi ở mức khiêm nhường nhất. […] nhưng một khi đã tạo được xung lực và sự đa hợp, thường là vào thời điểm gần kết thúc, bạn sẽ làm việc ít nhất nhưng lại kiếm được nhiều tiền nhất.
Nhiều người trong chúng ta thường muốn tìm một lối đi tắt để mong có được số tiền lớn. Nhưng nếu muốn đi tắt, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc trước khi cây mọc rễ đâm chồi để tìm một thứ khác tiếp theo. Cứ khởi sự, bỏ cuộc rồi lại khởi sự và bỏ cuộc, rốt cuộc, bạn chỉ nhận được sự dằn vặt, đau khổ và niềm tin vào bản thân ngày một ít ỏi. Trong chuyện tài chính, hóa ra, bài học đầu tiên lại không khác những việc khác là bao: một việc được thực hiện một cách nhất quán, đều đặn sẽ đem lại nhiều tiền bạc hơn một việc sáng chói nhưng chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn ngủi rồi bỏ dở. Những người siêng năng và kiên trì, làm việc ngày này qua ngày khác sẽ là những người kiếm được dòng tiền ổn định, bền vững và an toàn hơn so với một người ăn xổi, đánh quả.
Phần lớn năng lượng được cần đến vào lúc bắt đầu để đưa tàu con thoi của bạn rời khỏi mặt đất.
2. Thực hành tiết kiệm để làm giàu 
Nếu bạn đang làm việc để kiếm sống, bạn đang đổi thời giờ để lấy tiền. Vậy thì, khi bạn ngừng làm việc, bạn ngừng kiếm tiền. Thế nên, bước đầu tiên trong việc đạt được sự tự do về mặt tài chính, là bạn phải tạo ra một cỗ máy làm ra tiền thay cho bạn. Để tạo ra cỗ máy này, bạn phải ra quyết định quan trọng nhất đời mình, đó là bạn trích ra bao nhiêu phần trăm của mọi khoản tiền mà bạn kiếm được để tiết kiệm. Bạn phải học cách trở thành nhà đầu tư của chính mình.
Trước hết, hãy lập một quỹ tiết kiệm và tự động chuyển số tiền quy định vào trong quỹ hàng tháng. Tác giả khuyến nghị bạn nên dành 10% - 20% số tiền bạn kiếm được để đưa vào trong quỹ này. Sau khi chuyển tiền vào quỹ, bạn có thể duy trì mức sống với số tiền còn lại hoặc tìm cách xoay xở nếu thiếu tiền. Bạn sẽ khám phá ra năng lực sinh tồn của mình không đến nỗi nào.
Bạn phải học cách trở thành nhà đầu tư của chính mình.
Sau khi đã có quỹ tiết kiệm rồi, bạn cần cam kết không được động đến quỹ đó. Bạn nên đề ra một con số mục tiêu cho tiền dự trữ vào mỗi thời kỳ và cứ tích lũy dần như một nhà đầu tư khôn ngoan. Ở Việt Nam, bạn có thể lựa chọn việc mở ra một số tài khoản tiết kiệm, cứ sau 3 – 6 tháng lại gom chúng lại một lần và cho vào một tài khoản tiết kiệm với thời gian dài hơn (6-12 tháng) để hưởng mức lãi suất cao hơn.
3. Chúng ta cần bao nhiêu tiền để được hạnh phúc
Ý nghĩa cao nhất trong cuộc sống không đến từ bên ngoài mà là từ bên trong. Nó là cảm giác tự mình quý trọng chính mình. Không gì ý nghĩa hơn là phát triển và cho đi. Dù tiền bạc là một công cụ phi thường để đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người, nhưng nó không phải là công cụ duy nhất. Khi bạn theo đuổi tiền bạc, hãy nghĩ xem tại sao bạn theo đuổi nó, phải chăng bạn đang cố gắng đáp ứng vào ước muốn cảm xúc và tâm lý nảy sinh trong mình?
Đạt được sự tự do tài chính là mơ ước của bao nhiêu người. Nhưng sự tự do đó không đến từ số tiền có được trong tài khoản ngân hàng hay số lượng bất động sản… mà bạn sở hữu. Rốt cuộc, nó đến từ đời sống tinh thần của bạn. Nếu bạn không biết đủ, nếu tâm ta lúc nào cũng mong cầu vào một sự thỏa mãn hoặc dùng tiền bạc để khỏa lấp nỗi sợ hãi nào đó, tham cầu nào đó, ta sẽ mãi mãi không bao giờ có được sự tự do đó. Ta sẽ là nô lệ của đồng tiền và của chính mình. Vì vậy, đến cuối cùng, hãy tỉnh táo để biết đủ và biết sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan. Ngoài việc kiếm tiền, chúng ta còn cả một cuộc đời nữa. Chúng ta có thể an vui hay không, an vui đến mức nào, tùy thuộc vào sự trưởng dưỡng về mặt trí tuệ và đời sống tinh thần của bạn. Hãy sáng suốt để sống một cuộc đời an vui, không thiếu tiền nhưng cũng không lụy vào tiền bạc, vật chất.
Dù tiền bạc là một công cụ phi thường để đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người, nhưng nó không phải là công cụ duy nhất.
Bạn CÓ THỂ có được sự tự do tài chính và sống đời an vui. Hãy xây dựng một thói quen tư duy lành mạnh về đồng tiền.