TIỀN LƯƠNG CHƯA BAO GIỜ LÀ TẤT CẢ! Vậy thì cái gì mới là QUAN TRỌNG?
Thử tưởng tượng, bạn tham dự một cuộc phỏng vấn, mọi điều kiện đều có vẻ ổn, trừ việc mức lương phía công ty đưa ra thấp hơn so với...
Thử tưởng tượng, bạn tham dự một cuộc phỏng vấn, mọi điều kiện đều có vẻ ổn, trừ việc mức lương phía công ty đưa ra thấp hơn so với yêu cầu của bạn. Khi bạn tỏ ý cần phải cân nhắc lại nếu không được đáp ứng mức lương như ý, anh tuyển dụng điển trai nở nụ cười chói sáng như Kim Seon-Ho và bảo rằng “Tiền lương quan trọng đến thế sao? Em còn trẻ, đừng chỉ làm việc vì lương, hãy làm với niềm đam mê, nhiệt huyết và những gì em có thể học hỏi được nơi đây có thể quý giá hơn cả khoảng chênh lệch em đòi hỏi gấp mấy lần.” Lúc này, bạn sẽ đáp trả thế nào cho ngầu?
Tôi tin rằng nếu không bị hớp hồn bởi nụ cười duyên dáng ấy, bạn sẽ không đồng ý với ý kiến của nhà tuyển dụng vì một sự thật trần trụi là đa phần chúng ta đều đi làm vì LƯƠNG, THU NHẬP, TIỀN.
Thế nhưng, chắc bạn sẽ đồng ý với quan điểm của tôi về vấn đề này, để nói về một công việc tốt thì tiền lương là điều kiện cần chứ chưa bao giờ là điều kiện đủ cả. Tiền lương chưa thật sự và sẽ không bao giờ là động lực lớn nhất để ta đi làm mỗi ngày cũng như hài lòng với công việc của chính mình. Bạn có thể nhìn ra xung quanh và sẽ dễ dàng phát hiện rằng hiện tượng chán việc, nhảy việc không chỉ xảy ra ở phân khúc người lao động có tiền lương thấp mà còn ở những nhân viên, quản lý có mức lương cao ngất ngưỡng. Nguyên nhân là do đâu?
Về vấn đề này, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện mà chính bản thân tôi đã trải nghiệm. Tôi bắt đầu công việc văn phòng đầu tiên của mình được tầm gần một năm thì nằng nặc đòi nghỉ việc. Nguyên nhân là vì tôi cảm thấy tự ái khi công việc của mình không được đánh giá cao, đồng nghiệp xem công việc của tôi là vặt vãnh và các sếp thì không mấy quan tâm hay hỏi han, mà lúc đấy tôi cũng mặc định là các ông bà ấy xem nhẹ tầm quan trọng của bộ phận chúng tôi nốt. Đến bây giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy hơi xấu hổ vì sự “trẻ người non dạ” cùng thái độ hùng hổ của mình khi ấy.
Sếp trực tiếp của tôi là người Trung Quốc, một kiểu người cuồng công việc và có vẻ chẳng quan tâm đến chuyện gì khác ngoài công việc, tôi nghĩ chắc lúc đó mình phải tỏ vẻ nghiêm trọng lắm mới kéo được bà ra khỏi chiếc máy tính. Sau khi kiên nhẫn nghe tôi trình bày lý do thôi việc, bà ấy hỏi “A Tú, mày cảm thấy công việc của mày không quan trọng sao?”. Tôi bảo rằng “Tao cảm thấy công việc của mình rất quan trọng và luôn cố gắng làm tốt, nhưng những người khác thì lại không cảm thấy như vậy.” Bà ấy cười và bảo rằng “Tao nghĩ chỉ cần mày cảm thấy công việc của mày quan trọng là đã đủ lý do để tiếp tục rồi. Ví dụ như bản thân tao, tao rất quan trọng với bộ phận X, nhưng lại không đủ quan trọng với cả tập đoàn này, tao dễ dàng bị thay thế nếu không làm tốt. Còn mày, có thể mày không đủ quan trọng với công ty này, với phòng ban Z, nhưng mày lại rất quan trọng với bộ phận X và với tao.”
Cũng vì câu nói này, tôi đã ở lại và gắn bó với công ty gần 5 năm tiếp sau đó. Dĩ nhiên, tôi nhận được sự quan tâm hơn, được tham dự nhiều buổi học nâng cao chuyên môn, lành nghề hơn, được thăng tiến và có tiếng nói hơn. Tuy nhiên, điều tôi biết ơn nhất khi nhắc về sếp của mình là sự chia sẻ mà bà dành cho tôi hôm ấy, giúp tôi giữ vững niềm tin về công việc của mình là có ích, bản thân mình được xem trọng và xoa dịu sự tự ái đang cháy âm ỉ trong lòng tôi khi đó (nhưng tự ái là không tốt nha mấy bạn, ai có cái nết này giống tôi hồi đó thì bỏ đi nha, thiệt).
Nghe có vẻ hơi lý thuyết suông, nhưng thực tế động lực thúc đẩy lớn nhất của chúng ta chính là cơ hội được phụng sự vì một mục tiêu lớn hơn cả sự nghiệp và bản thân, hơn cả tiền lương, phúc lợi, tiền thưởng hay mọi lợi ích vật chất khác. Những công ty thành công trong việc tập trung nhân lực, đội ngũ và văn hóa của họ xung quanh một ý nghĩa đích thực sẽ phát triển vượt xa đối thủ. Bạn có thể tham khảo thêm về tháp nhu cầu Maslow để có thể hiểu rõ vấn đề này. (Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về tháp nhu cầu Maslow và bản thân tôi cũng có một số điểm không đồng tình với cách sắp xếp của Abraham Maslow, nhưng trong trường hợp này tôi nghĩ nó hầu như phản ánh đúng thực tế.)
Và trong quyển sách “Tiền lương chưa bao giờ là tất cả”, tác giả Fred Kofman đã khẳng định rằng những khích lệ về vật chất chỉ chiếm 15% động lực làm việc của nhân viên, 85% còn lại là đến từ nhu cầu được trân trọng, thuộc về cảm giác tạo ra sự khác biệt mỗi ngày, cũng như cống hiến vì một sự nghiệp cao cả hơn bản thân họ.
Tuy đối tượng hướng đến của quyển sách này là các nhà quản lý nhưng tôi cho rằng quyển sách này có thể khai sáng bất kỳ ai, bởi tác giả dạy chúng ta cách có thể gắn kết những kẻ TƯ LỢI cùng theo đuổi một MỤC TIÊU CHUNG. Và mục tiêu chung ở đây không chỉ là sự phát triển của một công ty, mà còn có thể là con cái chung, một tương lai chung, một gia đình chung hạnh phúc.
Khi đọc “Tiền lương chưa bao giờ là tất cả”, tôi có cảm giác mình đang cầm trên tay tổ hợp hoàn hảo của hai quyển sách Tạo động lực tăng hiệu suất & Nhà quản lý linh hoạt (nếu bạn chưa đọc hai quyển này có thể xem lại bài review trước của tôi).
Tuy nhiên, đây cũng là quyển sách hiếm hoi tôi không muốn review quá sâu vào nội dung bởi vì tôi nghĩ mình khó có thể truyền đạt được đủ tinh hoa của mà Fred Kofman đã rất duyên dáng trong cách trình bày thông qua từng đoạn hội thoại, từng tình huống thực tế mà ông đã trải qua. Và mặc dù quyển sách và cả nhà xuất bản không đề cập đến, nhưng tôi tin rằng nếu tinh ý, bạn có thể học được cách thương thuyết với những người bất đồng quan điểm và lợi ích với mình để đạt được điều mình muốn thông qua những cách nói Fred Kofman bày vẽ cho khách hàng của ông.
Nếu như được lựa chọn, tôi muốn khuyên bạn hãy tự đọc và cảm nhận nó. Và tin tôi đi, Fred Kofman là bậc thầy trong dẫn dắt, bạn sẽ không nghĩ mình đang đọc một quyển sách về kỹ năng mà sẽ bị hút vào từng câu chữ như đọc một quyển trinh thám hấp dẫn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất