Bạn có thắc mắc rằng : “Tại sao một bộ truyện tranh Việt Nam mà mình đang theo dõi lâu rồi vẫn chưa có tập mới hay không ?” hay “Tại sao truyện tranh Việt Nam ít khi được xuất bản trên thị trường ?”. Vậy thì ở bài viết này tôi sẽ làm rõ cho các bạn hai câu hỏi đề cập bên trên với tư cách là một người đọc và cũng với tư cách là một người từng tìm hiểu, theo đuổi nghề Hoạ sĩ truyện tranh, nên bài viết này không nhằm mục đích phê phán hay khuyên bảo ai cả, các bạn chỉ cần xem nó như một tài liệu để tham khảo, suy nghĩ và tính toán bước đi cho phù hợp mà thôi, cho nên cùng tận hưởng nhé. 
Tại sao tiến độ cho ra một tập mới của truyện tranh Việt Nam lại lâu đến như vậy ? Trong suy nghĩ của mỗi người chắc chắn đã từng nghĩ tới điều đó, kể cả tôi, “Lâu” ở đây không hẳn chỉ 1-2 tháng mà là cả 1-2 năm mới ra được 1 tập mới, nó khiến cho những người từng theo dõi và thích thú bộ truyện dần dà mất kiên nhẫn, họ theo dõi bộ truyện kể từ thời đi học và giờ thì họ kết hôn và sinh con nhưng bộ truyện thì vẫn chưa đi đến đâu.  
Điều đó đã khiến tôi không khỏi việc so sánh nền truyện tranh của chúng ta với Nhật Bản, đất nước có nền văn hoá truyện tranh cực kỳ lâu đời và là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tại Việt Nam, không ít thì nhiều cả tôi và các bạn dấn thân vào nghề Hoạ sĩ truyện tranh cũng vì niềm yêu thích đối với Manga (Truyện tranh Nhật Bản) và Anime (Hoạt hình Nhật Bản). Nếu như ai có tìm hiểu qua về quy trình làm ra một bộ Manga thì sẽ biết tiến độ cho ra 1 chương của các Hoạ sĩ truyện tranh tại Nhật sẽ dao động từ 1 tuần cho đến 1 tháng tùy thuộc vào hợp đồng mà họ đã ký kết với Tạp chí hay Nhà xuất bản, sau khi các chương mới đã được đăng trên tạp chí mỗi tuần, mỗi tháng trong một khoảng thời gian thì các chương của bộ truyện đó sẽ được tổng hợp lại thành một tập và xuất bản tiếp. 
Vậy thì tại sao các Nhà xuất bản Việt Nam không bắt chước mô hình hoạt động như các Nhà xuất bản Nhật Bản ? Lý do gì mà tiến độ ra tập mới của truyện tranh Việt Nam lại lẹt đẹt như vậy ? Theo tôi thì có hai lý do chủ chốt đó là: Hoạ sĩ và Nhà xuất bản. 
I/ HỌA SĨ
Thật sự khi tôi nói về vấn đề này nó sẽ mang đầy tính chủ quan của người viết vì không hẳn là ai cũng thế, vả lại lúc tôi theo đuổi thì nghề này vẫn chưa có nhiều người để ý nên có thể có những trường hợp xảy ra với tôi nhưng chưa xảy ra với bạn, vì vậy vui vẻ không quạu nha. 
Thứ nhất là Hoạ sĩ truyện tranh không phải nghề nghiệp duy nhất. Nếu như ai đã từng trải qua chắc chắn sẽ biết rằng Hoạ sĩ truyện tranh chưa hẳn là một nghề có thể kiếm sống ổn định tại Việt Nam, ý tôi nói “Kiếm sống ổn định” ở đây tức là bạn sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán tác phẩm đó, cùng những sản phẩm liên quan, chứ nếu như bạn nhận vẽ cho một người nào đó hay làm một công việc khác để kiếm thêm thì chưa thể nói rằng bạn sống bằng nghề Họa sĩ truyện tranh. 
Bạn có tác phẩm đăng lên Facebook hay bất cứ nền tảng cho phép đăng truyện tranh, nhưng sau đó thì sao ? Ai là người trả tiền cho tác phẩm của bạn ? Tất nhiên đó là lý do ngoài làm Hoạ sĩ truyện tranh, bạn sẽ phải làm thêm những công việc khác, có thể liên quan đến truyện tranh hoặc cũng có thể là không. Thời gian rảnh thì may ra bạn sẽ dành ra để tiếp tục tác phẩm của riêng mình, tạo ra nhiều content để lôi kéo độc giả, tăng tương tác từ đó hình thành fandom cho riêng mình, sau đó là mở một kênh donate như Patreon để người đọc trung thành có thể ủng hộ, nhưng để đi được đến cái bước đó bạn sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu, trừ khi bạn là một người thoải mái về tài chính thì lại là một câu chuyện khác.
Thứ hai là việc không tuân thủ đealine. Ý tôi ở đây chính là deadline mà bạn tự đặt ra cho bạn, cho tác phẩm bạn đang thực hiện, không phải là deadline khi bạn nhận công việc của khách hàng hay của một ai đó. Bạn thực hiện công việc cho một khách hàng thì việc yêu cầu hoàn thành đúng deadline thì chả có gì phải nói, nhưng ai là người đặt ra deadline cho tác phẩm bạn đang thực hiện ? Người đọc không thể thúc ép bạn vẽ, cái đó chỉ có thể nằm ở ý thức, cùng với trách nhiệm của bạn mà thôi, bạn có thực sự nghiêm túc với tác phẩm hay không, bạn muốn nhiều người biết đến bạn hay không ? Hay bạn chỉ đang cưỡi ngựa xem hoa ? Nếu như bạn thật sự nghiêm túc hãy tự đặt ra cho mình một cái deadline, hãy khắt khe hơn với bản thân thì may ra bạn mới thành công được. Đây chính là giai đoạn khó khăn mà tôi nói ở phía trên, nhưng ở đây không còn là khó khăn về mặt tài chính, mà là khó khăn về việc cân bằng thời gian, đôi khi thời gian bạn thực hiện công việc khác sẽ lấy luôn cả thời gian bạn thực hiện tác phẩm và cả thời gian nghỉ ngơi của bạn nữa. 
Đây chính là hai lý do tiêu biểu của tôi để trả lời cho câu hỏi : ”Tại sao tiến độ cho ra một tập mới của truyện tranh Việt Nam lại lâu đến như vậy ?”, thật sự thì cũng còn một số lý do nữa nhưng nó chỉ là thiều số nên tôi sẽ bỏ qua. 
II/ NHÀ XUẤT BẢN
Câu hỏi : “Tại sao truyện tranh Việt Nam ít khi được xuất bản trên thị trường ?” thì tôi để ở phần này sẽ hợp lý, vì khi bạn muốn xuất bản một cuốn sách thì mọi chuyện không hề đơn giản, bạn cần phải có giấy phép của Cục xuất bản thuộc Bộ truyền thông, mà đơn vị có thể xin giấy phép này chỉ có thể là những Nhà xuất bản. 
Nếu như tác phẩm của bạn chưa được các Nhà xuất bản để ý thì có thể là họ chưa thấy được tiềm năng mà tác phẩm bạn mang lại hoặc nó không phù hợp với đối tượng người đọc mà họ đang hướng đến.  
Hay thay vì ngồi đợi các Nhà xuất bản để ý, bạn chủ động nộp email bản thảo cho họ với hy vọng sẽ nhận được một cơ hội, nhưng tỉ lệ được nhận là khá thấp vì bạn cũng nên hiểu các Nhà xuất bản họ cũng là dân kinh doanh, việc phân phối ra thị trường một sản phẩm lạ hoắc, không mấy tên tuổi, chưa kể tiềm ẩn rủi ro vô cùng cao, đối với họ đó là một nước đi không mấy khôn ngoan, chưa kể có khả năng bạn còn bị các Nhà xuất bản ép ngược lại với những hợp đồng mua bản quyền kèm nhiều điều khoản bất lợi, số tiền nhuận bút ít ỏi khiến bạn có khi còn chả muốn vẽ tiếp.  
Nhưng vẫn còn một cách khác, tuy không tốn nhiều thời gian nhưng nó sẽ tốn chi phí. Bạn trả tiền cho một công ty liên kết xuất bản hoặc công ty cung cấp dịch vụ xuất bản, họ sẽ đem tác phẩm của bạn đi xin giấy phép từ các Nhà xuất bản, họ lo hết cho bạn mọi khâu, từ đăng ký bản quyền,hiệu đính, biên tập, in ấn, quảng cáo, tư vấn phát hành và hỗ trợ bạn bán sách..v..v.. Ờ thì cách này cũng không hẳn là không tốn thời gian, trừ khi bạn thoải mái về tài chính, chứ nếu bạn là một con đỗ nghèo khỉ thì chỉ có cách là gọi vốn, gây quỹ cộng đồng và nó sẽ lại ngốn của bạn một khoảng thời gian nữa, quanh đi quẩn lại vẫn là bài toán về thời gian chưa có lời giải. 
Còn câu hỏi: “Tại sao các Nhà xuất bản Việt Nam không thực hiện mô hình xuất bản như các Nhà xuất bản Nhật ?”. Thật ra, việc bắt chước này tôi nhớ cách đây tầm 4-5 năm trước thì Comicola đã thử với cuốn tuyển tập truyện tranh COMI, cuốn truyện tổng hợp các chương truyện từ nhiều Họa sĩ truyện tranh Việt Nam khác nhau, nhưng giờ thì tôi nghĩ dự án đó đã đi vào quên lãng rồi vì tập 2 của nó ra mắt tầm 4 năm trước và đến giờ thì cũng chả thấy gì mới. 
Chưa kể việc đăng các chương truyện lên tạp chí đối với các Nhà xuất bản Nhật hiện giờ cũng không còn là một nước đi khả dĩ nữa, ngày xưa họ phải dựa vào kinh nghiệm của các Biên tập viên để đánh giá xem bộ truyện đó có nên được xuất bản hay không, nên thường họ đã nhiều lần gạt đi những tác phẩm tiềm năng cho các Nhà xuất bản đối thủ, nhưng giờ thì họ đã thức thời hơn, tạo ra một nơi để cho các tác phẩm mới thử sức, như là đăng truyện lên các nền tảng đọc truyện trên mạng này (tất nhiên các nền tảng này do các Nhà xuất bản lập ra, chứ không phải mấy cái website linh tinh đâu), vừa tiết kiệm chi phí, cũng không tốn nhiều thời gian, đây chính là một điểm khá hay của họ mà các Công ty liên kết xuất bản tại Việt Nam hiện đang học hỏi và tiếp thu.
Dù rằng nói là học hỏi và tiếp thu nhưng có rất ít các Nhà xuất bản tại Việt Nam để tâm đến các tác phẩm của Họa sĩ truyện tranh Việt Nam, họa may thì chỉ có những Công ty liên kết xuất bản để ý tới như Comicola với việc đã "bảo lãnh" cho những đầu truyện của các Họa sĩ trẻ được xuất bản, cùng với đó là việc tạo ra nền tảng đọc truyện Comi, sân chơi dành cho các bạn Họa sĩ trẻ, mới vào nghề muốn thử sức. À quên mất ngoài Comicola, cũng còn những Công ty liên kết xuất bản khác như Sky Books, AZ Vietnam..v..v.. cũng đã hỗ trợ xuất bản một số tác phẩm của các Họa sĩ Việt Nam nhưng số lượng cũng khá ít.
Những điều trên chính là câu trả lời của tôi cho câu hỏi : "Tại sao truyện tranh Việt Nam ít khi được xuất bản trên thị trường ?". Vậy thì liệu bạn đã hài lòng với những ý kiến mà tôi đã nêu ra ở trên ? Hay tôi còn thiếu sót điều gì ? Tôi sẽ rất vui nếu như các bạn đưa ra ý kiến của mình dưới phần bình luận. Xin chào và hẹn gặp lại.
* Question *