Một hoạt động mà con người làm mỗi ngày là giao tiếp, để thấu hiểu, trao đổi thông tin, thiết lập mối quan hệ và hoàn thành trách nhiệm cuộc sống. Và khi đối thoại trên các vai trò khác nhau, chúng ta không ngừng thuyết phục người khác hiểu, tin và chấp nhận ý kiến của mình. 
Cha, Mẹ thuyết phục con cái nghe lời vì điều tương lai tươi sáng. 
Lãnh đạo thuyết phục Nhân Viên tin vào một tầm nhìn lớn và xa hơn. 
Người bán thuyết phục Khách Hàng tin vào chất lượng sản phẩm để nhanh chóng chốt đơn. 
… 
Tuy nhiên, hành động thiết yếu, gần gũi như vậy lại là nguyên do dẫn đến phần lớn sự đứt gãy và mất kết nối trong cuộc sống. Thay vì xây dựng được một sự đồng nhất về góc nhìn và niềm tin, không ít lần chúng ta lại đẩy mọi người ra xa hơn, khiến họ chán ngán, mệt mỏi và đề phòng khi mình cất giọng. Để rồi, các mối quan hệ dần trở nên khô cứng, gượng gạo và mất đi sự chân thành. 
Nhìn lại ý nghĩa của giao tiếp và thực trạng rất nhiều người đang trải qua, vì sao nên nỗi? Vì sao chúng ta không thể có được sự kết nối như mình mong muốn? Vì sao chất lượng cuộc sống của chúng ta cứ giảm dần đều như chất lượng các mối quan hệ? 
Bởi vì chúng ta đã quá quen nói “điều mình muốn” thay vì “điều người khác cần nghe”. 
Quan sát một chút, “nói” là OUTPUT, là một hành động hướng ra bên ngoài, là cách thức để diễn đạt những điều mỗi người nghĩ và mang lại sự ảnh hưởng đến người khác, dù là chủ ý hay vô tình. Và muốn truyền tải, cho đi những thông điệp chất lượng đòi hỏi chúng ta phải không ngừng “nạp dữ liệu” để mở rộng từ vốn từ, kiến thức và quan trọng nhất là tư duy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường “nói” bằng thói quen, bản năng và định kiến mà hiếm khi nhìn nhận lại những điều mình đang trao đi. Dần dà, những lối mòn tư duy đó khiến chúng ta có xu hướng “áp đặt” khi giao tiếp. Để rồi, khi lời nói đã không còn hiệu nghiệm, những “vũ khí” khác như độ tuổi, vai vế, chức vị, bằng cấp, danh hiệu, kinh nghiệm,... được mang ra để tăng “sức nặng” cho lời nói lại vô tình tạo nên sự "xa cách" trong mối quan hệ. 
Liệu rằng siêng đọc, chăm tìm hiểu và chủ động tiếp nhận nhiều thông tin chất lượng thì có giúp lời nói của chúng ta có sức hút hơn không? Ừ thì cũng chưa chắc. Bởi lẽ, chúng ta còn phải để ý thêm điều mình nói có thực sự là “điều người khác cần” hay không nữa. Theo quan sát của riêng mình, những cuộc giao tiếp thường lâm vào bế tắc khi một bên mải nói trong khi phía còn lại chẳng muốn nghe. 
Ví dụ, như khi nhận thấy đứa bạn thân đang tham gia vào một vụ làm ăn rất rủi ro, bạn lập tức can ngăn, dùng những dẫn chứng sắc bén cùng kiên trì khuyên nhủ để giúp bạn mình “tỉnh ngộ”. Cứ tưởng đã thành công trong vai trò "quân sư", nhưng đứa bạn chẳng những không nghe mà còn "block", quay lưng và nghỉ chơi mình. 
Đôi khi, việc tốt nhất chúng ta cần làm không phải là cứ bám vào luận điểm hay góc nhìn của mình. Đôi khi, chúng ta chỉ cần chậm lại một nhịp, quan sát điều người mình yêu quý cần và có cách tiếp cận phù hợp hơn để truyền tải thông điệp của mình. 
Như câu chuyện ở trên, nếu chậm lại một nhịp, bạn có thể hiểu ra, người bạn thân đâm đầu vào công việc kinh doanh bất chấp bởi vì đã quá mệt mỏi bởi cái nhìn coi thường của gia đình. Vậy nên, người bạn đó mới quyết tâm tìm kiếm một cơ hội để chứng minh bản thân. Và cứ nghĩ đứa bạn chí cốt sẽ ủng hộ và cho mình lời khuyên. Ai ngờ đâu chỉ nhận lại những lời đắng cay và phản bác! Có lẽ, nếu đủ bình tĩnh, bạn sẽ giúp được bạn mình, theo một cách phù hợp hơn. 
Sau cùng, một lý do chính để những quan điểm, góc nhìn và gửi gắm không chạm đến nhau là cách thức truyền tải. Bạn có một góc nhìn đa chiều và thực tế, bạn cũng đủ hiểu điều người mình yêu quý trăn trở nhưng mỗi lần bạn nói thì lại mang đến sự lặng thinh, khiến tình hình trở nên trầm trọng. Giống như một món ăn ngon mà được đóng gói sơ sài, cẩu thả và không hấp dẫn cũng đem đến cảm giác không tốt cho người nhận. Bởi vậy, nếu muốn tăng sức thuyết phục khi giao tiếp thì bản thân người trao đi cũng phải nhận thức được ngôn từ, giọng điệu, trạng thái năng lượng khi tương tác. Ở chiều ngược lại, bạn cũng phải không ngừng để ý và quan sát sự đón nhận của người mình đang trao đổi để thấu hiểu cảm xúc và thái độ của họ. Những “thông tin” có được từ quan sát nội tại và ngoại cảnh sẽ giúp bạn biết cách điều chỉnh mà truyền thông tốt hơn, để cả hai bên nói cùng một ngôn ngữ, mang cùng góc nhìn, có cùng niềm tin. Nếu không sẽ quay ngược lại câu chuyện áp đặt, phán xét, kẻ thắng - người thua trong một cuộc đối thoại. 
Hiểu đơn giản, dùng "tuyệt chiêu" cũng phải linh hoạt theo tình hình mới hiệu nghiệm, còn không dễ bị "phản damage" sấp mặt. 
Khi suy ngẫm về quá trình giao tiếp, xây dựng mối quan hệ thì chẳng đơn giản chút nào nhỉ!? Bản thân mình cũng đã và đang trải qua không ít trăn trở, loay hoay trong quá trình kết nối với gia đình, đồng nghiệp, vợ con; không ngừng phải đi tìm lời giải cho những bất đồng gặp phải. Đến hiện tại, sau khi có trải nghiệm hơn 7 năm với lĩnh vực nhân sự và giao tiếp với hàng ngàn người, mình nhận thấy thuyết phục người khác có thể tóm gọn đơn giản theo quy trình khi “marketing” cho một sản phẩm bất kỳ, biết - thích - tin - mua. Chúng ta thường không đạt được mục đích khi giao tiếp bởi vì không đi tuần tự từng bước mà cứ vội đòi hỏi người khác phải lắng nghe ngay khi mình nói. Để phù hợp hơn với quá trình đối thoại, mình có “chuyển ngữ” 4 bước biết - thích - tin - mua thành CỞI MỞ  - LẮNG NGHE - TIN TƯỞNG - THUYẾT PHỤC. 
1. Trước hết là dùng ngôn từ, cử chỉ và biểu cảm phù hợp để tạo dựng sự kết nối, để mỗi người cởi mở giãi bày suy nghĩ bên trong. Bạn sẽ chẳng muốn trò chuyện với một người mang cái nhìn dò xét hay những ngôn từ đao to búa lớn, nói bạn phải làm cái này, cái kia với lý lẽ là muốn tốt cho bạn, phải không nào!?
2. Kế đến, không ngừng lắng để "nghe", để hiểu được về nền tảng, tính cách cũng như mong đợi của người mình đang giao tiếp, xác định “ngôn ngữ” phù hợp cho cuộc trao đổiChứ người lý luận bởi kiến thức thâm sâu mà người lấy ví dụ bằng cô hàng xóm thì cuộc trò chuyện dễ "đi xa" rồi "bay luôn" lắm, nhẹ thì "bay" vài lời đả kích, nặng thì là "vật thể không xác định". 
3. Khi đã có một sự kết nối và thấu hiểu vừa đủ, việc tiếp theo là bạn cần dùng sự hiểu biết, trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực để truyền tải và xây dựng được lòng tin về của quan điểm, sản phẩm, góc nhìn của mình. "Nói có sách, mách cũng phải có chứng". Chứ cứ lấy lập luận nghe được từ Chú Tư đầu ngõ thì cũng không ăn thua.
4. Và trong suốt quá trình truyền thông, chúng ta phải "tỉnh", phải luôn “lắng nghe” trạng thái năng lượng, ngôn từ của bản thân và sự đón nhận của người mình giao tiếp để biết chắc mình mang đến giá trị tích cựcMình từng chứng kiến đôi ba trường hợp nói ít còn "tỉnh", nói nhiều lại hăng quá nên dẫn chứng từa lưa, quay sang áp đặt rồi trách móc người khác. Như vậy thì chẳng khác nào "xe đang ngon trớn mà lại đâm đầu xuống vực".
Thực hiện từng bước, thuyết phục sẽ xuất hiện như một kết quả tự nhiên khi người khác sẽ tự lắng nghe, trăn trở và đón nhận những gì bạn truyền tải. Vì họ tự biết, điều bạn nói có giá trị.

Để thuần thục các bước trên cũng không phải chuyện dăm bữa mà đòi hỏi quá trình rèn luyện và không ngừng đối thoại với bản thân. Trong nhiều cách, mình dùng cách viết để quán chiếu và phản tỉnh những trải nghiệm trong mỗi ngày sống (Bạn có thể viết bằng sổ, Notion, Google Keep. Mình thì dùng app chuyên về daily track có tên là Daylio đã được 3 năm). Thú thật, đầu óc mình không quá nhanh nhạy và không phải lúc nào cũng nghĩ ra được cách ứng xử phù hợp trong mỗi tình huống, dẫn đến những xích mích đáng tiếc trong cuộc sống. Trải qua nhiều lần mâu thuẫn hay mệt mỏi, mình viết lại để học cách viết thấu hiểu chính mình, mạnh ở đâu, yếu chỗ nào, cách mình truyền tải có vấn đề gì và những điều mình chưa làm được cho người khác, chưa đúng ý mình trong quá trình trao đổi. Bên cạnh đó, khi viết ra những trải nghiệm sau mỗi cuộc giao tiếp không như ý, mình hiểu nhiều hơn về tâm lý, về góc nhìn và mong đợi của mọi người xung quanh, một cách tự nhiên. 
Và một giá trị mình nhận thêm từ viết là nâng cao được cách sắp xếp ý tứ, câu từ và lập luận của bản thân. Sau một quãng thời gian phản tư chính những câu từ viết ra, mình nhận thấy những thói quen chưa tốt trong quá trình truyền tải như câu từ còn dài, lập luận lan man và ngôn từ hơi cứng nhắc. Qua đó, mình tìm cách để chắt lọc, tổ chức và mài giũa sắc bén hơn những thông điệp muốn truyền tải. 
Qua một thời gian thử và sai, trải nghiệm và đúc kết, mình chẳng nói xuất sắc được  như các diễn giả hàng đầu. Cơ mà, ngôn từ mình phong phú, cảm xúc mình ổn định và cách truyền tải được khéo léo hơn nhiều.
Khi nói cùng “ngôn ngữ”, không áp đặt quan điểm và linh hoạt biến chuyển để kết nối với người nghe, mình nhận lại sự đồng thuận, tin tưởng nhiều hơn, dù hao tổn ít năng lượng hơn rất nhiều. 
Như một nhà tâm lý học nổi tiếng đã từng nói, khổ đau của con người trong đời sống phần lớn đến từ mối quan hệ giữa người với người. Chìa khóa để “mở khóa” những ràng buộc và dày vò trong mọi mối quan hệ chẳng ở đâu xa xôi cả, nó vẫn nằm đó, bên trong mỗi người, chờ được khám phá. Gần vậy nhưng không có nghĩa là dễ chạm đến. Tùy thuộc vào bạn, có dấn thân vào chuyến độc hành quay vào bên trong để thấu mình, hiểu người hay không thôi!
Chuyến đi dài sẽ đòi hỏi chút kiên nhẫn để lắng nghe, nhiều nỗ lực để đối diện những tổn thương và lối mòn tư duy đang che lấp chiếc chìa khóa mở ra cuộc đời an yên và đầy tỉnh thức của mình! Nhưng mình tin, nếu không bỏ cuộc, bạn sẽ tìm ra cách để sống cuộc đời mình giá trị, và nhiều yêu thương hơn.