Những chuyến tàu băng băng mang theo những ước vọng của dân tộc Việt Nam, nhanh hơn, nhanh hơn nữa đi! Nhưng không, ước vọng ấy vẫn còn là xa vời cho đến khi không còn những viên đá bay qua những khung cửa sổ…
“Tàu STAR4 chạy tới Km 1380+500 Cà Nôm – Ngã Ba đột ngột hứng “mưa đá” khiến kính đầu máy bị vỡ, lái tàu bị thương nặng buộc phải thay đầu máy và lái tàu…”
“Tàu TN 15 chạy qua Km 496+200 khu gian Lộc Sơn – Thọ Lộc bị ném đá vỡ kính toa xe, nhân viên phát thanh bị thương nặng, tàu phải dừng đưa người đi cấp cứu…”
Danh sách những con tàu bị ném đá ngày một dài thêm, thiệt hại về người và vật chất vì thế cũng tăng lên hằng năm.
Cửa sổ trên toa hành khách thông thường sẽ gồm có cửa chớp và cửa kính. Các toa tàu nước ngoài sau khi nhập về Việt Nam, một lần nữa được gia cố thêm một loại cửa thứ ba, đó là khung cửa thép chống ném đá từ bên ngoài. Có “ai đó” thường xuyên ném đá lên tàu để phá hoại và gây tai nạn cho đồng bào mình. Tôi không biết anh, và anh cũng thế, không hận thù, không thành kiến gì sao lại nỡ ném đá vào nhau. Nhà sản xuất toa tàu ở nước ngoài khi nhìn thấy nét “sáng tạo” thêm cho sản phẩm của mình, họ sẽ nghĩ gì về một nét tính cách kỳ cục của người Việt chúng ta ? Một toa tàu có hàng chục cửa sổ. Hẳn là đã mất hàng trăm tỷ đồng trong ngân khố quốc gia chi cho sự thiếu hụt ý thức ở những người Việt thích – ném – đá này.
Đối tượng cho những hành vi ném đá là trẻ em từ 13 – 15 tuổi chăn thả trâu bò 2 bên đường sắt hoặc trên đường đi học. Nhưng chắc hẳn việc ném đá sẽ không hề mang niềm vui cho chúng, chúng ném đá vì chúng ghét những con tàu sắt ấy. Chúng bức xúc vì hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối từ chất thải mà con tàu đó thả trực tiếp xuống đường ray. Ném đá vì bệ xí thông xuống đường ray ? Vậy lỗi do đâu mà những con tàu của chúng ta lại có nhà xí thả trực tiếp như thế. Vì nước ta nghèo lắm, và tôi tin rằng hành khách họ cũng rất ngại khi phải đi vệ sinh trực tiếp như thế.
Khi nào chúng ta biết sống văn minh hơn ??? Mỗi chiếc xe máy vào Việt Nam phải gia cố thêm bộ phận bảo vệ đèn, bảo vệ xi nhan, bảo vệ cốp, bảo vệ “mặt nạ”, bảo vệ còi, rồi khoá càng, khoá chống… Bao nhiêu tỷ cho những ý đồ không lương thiện ?
Bao nhiêu xi măng gia cố chân trụ điện cao thế Bắc Nam để chống việc xoáy trộm bu lông ?
Bao nhiêu hộp sắt bảo vệ các công tơ điện ngoài trời ?
Tỷ, tỷ và tỷ…
Nếu chúng ta biết sống văn minh hơn, chúng ta sẽ có hàng tỷ tỷ cho người nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn, người bệnh tật. Sẽ có thêm bao nhiêu trường học, bệnh viên mọc lên…
Nhà thơ Tế Hanh có câu thơ trước Cách mạng tháng Tám :
                        Tôi nhớ tôi thương những chuyến tàu
                        Nghìn đời không đủ sức đi mau
                        Có chi vương víu trong hơi máy
                        Những chuyến hoa đầy nặng khổ đau.
Những chuyến tàu đường sắt Việt Nam
Những chuyến tàu đường sắt Việt Nam
            Đoàn tàu hôm nay đã đủ sức đi mau dù chưa phải qua “nghìn đời”. Từ tốc độ “vô địch ngày” – đi có hạn đến bất kỳ, giờ đây có những đoàn tàu 48, rồi 42, rồi 36 tiếng và rồi 32 tiếng. Chúng ta còn mơ ước xa hơn tới những con tàu viên đạn, những con tàu đệm từ siêu tốc – sáng ăn bún riêu Hà Nội, chiều thưởng thức hủ tíu Sài Gòn. Nhưng mơ ước đó sẽ vẫn chỉ là ước mơ cho đến ngày nào vẫn còn một hòn đá ném lên tàu. Nguyên tắc động lực học gọi là sự huỷ diệt, như máy bay phản lực đụng vào con chim vậy. Đoàn tàu hôm nay không còn “vương víu trong hơi máy” nhưng vẫn còn vương víu trong ý – thức – của – mỗi – con – người.
            Những đoàn tàu vẫn mải miết ngược xuôi vào Nam ra Bắc men theo dải đất hình chữ S tươi xanh nghìn đời. Trên các con tàu vào những ngày này có rất nhiều người về quê thăm gia đình họ hàng, bôn ba ngược xuôi mưu sinh với cuộc sống nhưngđâu ai biết rằng bên cạnh khung cửa kính kia, nguy hiểm luôn rình rập xung quanh mình.
----------------------------------------------
Tái bút: Câu chuyện này thực ra đã diễn ra vào khoảng 15 năm trước, bây giờ các con tàu đã hiện đại hơn, nhà xí đã hiện đại hơn nhưng hình như đâu đấy vẫn còn những viên đá vô tình...