Hôm nay có vụ chú mèo thì mình xin được viết vài dòng

Mình viết bài này từ ý kiến chủ quan của mình, mong các bạn đọc để hiểu thêm về nghề này, chứ mình không quan tâm đến các ý kiến chỉ trích.

Nghề y, bác sỹ là một nghề khó, bằng chứng rõ ràng ở điểm thi đầu vào trường đại học, chương trình học nặng nề, phức tạp và ngoài lý thuyết ra còn phải thực hành đủ tay thì mới hành nghề được. Một bác sỹ lành nghề (chưa nói đến bác sỹ giỏi) phải mất đến 8-10 năm sau khi ra trường, với điều kiện thực tế liên tục, mới dám nói là lành nghề. Trước đây mình đã từng nuôi ước mơ làm bác sỹ để cứu người, nhưng cuộc đời xô mình theo cái nghề chụp ảnh và viết dạo, hay thay.
Làm bác sỹ áp lực công việc cực lớn. Mình nói chính xác là cực lớn. Bạn không tin bạn cứ thử tuần thức đêm 3-4 hôm, liên tục theo dõi các phác đồ, thực hiện các ca cấp cứu, theo dõi tình trạng bệnh nhân, vân vân rồi vân vân mà xem, tớ chắc được 1 tuần cơ thể các bạn sẽ oải theo kiểu con đà điểu hút quá nhiều cần, ngu si, mệt mỏi, lác lòi. Nghề bác sỹ như vậy đấy, liên tục và liên tục phải trực, khám, cấp cứu, theo dõi, bệnh nhân này về thì bệnh nhân khác đến, não thay đổi cường độ các thể loại bệnh nặng nhẹ khác nhau, các phác đồ điều trị khác nhau, các thể loại điều trị khác nhau, nghe mà nhức não. Chưa kể đến các bác sỹ phẫu thuật, cường độ làm việc còn căng thẳng hơn nhiều. Bạn chưa ngồi nghe các anh chị ý kể về các ca mổ dài 18-26 tiếng (thậm chí hơn), các bạn không hiểu được độ khó và độ căng não của các thể loại công việc này. Bình thường chúng ta làm việc ở cường độ 8-10 tiếng/1 ngày, não chúng ta đã có dấu hiệu suy giảm chức năng vận động, tức là 1 ngày làm việc xong phải nghỉ ngơi để não hồi phục, chứ để liên tiếp như vậy stress là cái chắc. Nhưng các bác sỹ làm việc với cường độ cao hơn chúng ta nhiều, những ca mổ dài cần sự tập trung cao độ, cộng với sự tập trung cao độ trong thời gian rất dài, đòi hỏi một sức khoẻ và ý chí phi thường. Nhiều trường hợp 1 ngày không chỉ một ca mổ, mà 2-3 ca liên tùng tục, bạn bè tớ làm bác sỹ nhiều, thi thoảng ngồi nghe chúng nó kể chuyện, thấy hãi hùng. Mà nói thiệt mấy khi được nghỉ đâu, xong ca này lại đến ca khác, bệnh viện Việt Nam đã bao giờ vắng bệnh nhân đâu. Nói vậy để các bạn hiểu: chưa covid các y bác sỹ đã căng thẳng như thế nào.

Mặt trận Covid, tuyến đầu vẫn là các anh chị y bác sỹ. Mình không nói thêm sự nguy hiểm của Covid nữa vì nó nhiều quá trên các mặt báo hay phương tiện thông tin nữa rồi. Bình thường việc đã căng, giờ thêm Covid lại căng gấp bội, bội ở đây có thể là x4,x5, x10. Toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam được đặt trong báo động đỏ, tức là khả năng lây lan có thể diễn biến ở kịch bản rất xấu, nghĩa là trong trường hợp xấu nhất, các bệnh viện sẽ phải hoạt động ở công suất 500% để đáp ứng được nhu cầu chữa trị Covid, các y bác sỹ sẽ phải trực chiến 24/7, luôn chuẩn bị tinh thần. Nói thế không có nghĩa là hiện tại các anh chị đang ít việc, các khu cách ly với số lượng ngàn và chục ngàn vẫn đang đặt trong tình trạng báo động, không các anh chị y bác sỹ gồng sức theo dõi trong đó thì ai. Hơn nữa, tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân bị nhiễm, dù có bảo hộ đến chân răng như lính đặc nhiệm Mỹ, khả năng phơi nhiễm vẫn cứ là có, mà có rồi đấy thây. Chưa hết, đợt dịch này, các anh chị cũng là người hi sinh nhiều nhất, nhiều người cả tháng rồi không được về nhà, tự nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân và cùng anh chị em chống dịch, như bạn mình ở bệnh viện Nhiệt đới TW Đông Anh, 1 tháng rồi chỉ được gặp con qua facetime, chứ đâu được ôm ấp hôn con mỗi sáng như mình. Cả tháng rồi ăn cơm viện, ăn bánh mì cầm hơi để có sức trực chiến, bữa cơm nhà vui vầy mỗi đêm là cái gì đó xa vời trong đợt này, nhưng họ vẫn chấp nhận. Gia đình họ hiểu họ đang làm nhiệm vụ với Tổ quốc, hiểu họ đang làm đúng lời thề của một Lương Y, và hiểu họ đang làm đúng lương tâm của một người thầy thuốc. Giản dị nhưng yêu thương rất nhiều. Bữa gọi điện cho nó hỏi thăm, nó cũng cười xoà rồi bảo: “Trách nhiệm của mình mà, giờ chỉ mong chống được dịch, để về nhà với con ôm nó một cái, chứ mong muốn gì hơn đâu”, nghe mà thương vô kể. Mà không chỉ mình bạn tôi, rất nhiều anh chị em y bác sỹ đã và đang hi sinh cuộc sống riêng cho Tổ quốc mình như thế.

Viết đến đây, định kể thêm nhiều thứ, nhưng thôi dài quá các bạn lại không đọc. Chỉ mong với bài viết này, các bạn biết mình nên làm gì, ở nhà để cùng chung tay chống dịch, khai báo y tế chuẩn xác để chính quyền can thiệp kịp thời, tránh dịch lây lan rộng ra, để dịch được kiểm soát tốt, anh chị em tuyến đầu: y bác sỹ, bộ đội, công an...được có ngày ngủ một giấc thật ngon bên gia đình.

Thân thương nhiều gửi tới các anh chị y bác sỹ, và các chiến sỹ nơi tuyến đầu mặt trận chống Covid.Hãy ở nhà