Cô đánh con vì thương mới đánh
“Mày không bị đánh thì là ba mẹ mày không thương mày rồi.”
Các bạn có từng rơi vào những trường hợp bị đánh, bị mắng nhiếc nặng nề với cái mác “thương cho roi cho vọt” như thế này bao giờ chưa?
Hay khi nghĩ lại tuổi thơ thì chỉ nhớ những trận đòn roi vô lý, và những hình phạt đánh đập quá nặng nề từ gia đình khiến chúng ta mất sạch tình cảm với người thân? Thật ra câu tục ngữ này đúng là như thế này:
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Hiểu đúng của câu tục ngữ này thì là dạy con thì không nên quá nuông chiều, phải nghiêm khắc thì con cái mới nên người. Nhưng sự nghiêm khắc này không phải là đến từ đòn roi, mặc dù từ “cho roi cho vọt” rất dễ liên tưởng đến hành động đánh đập. Đầu tiên tôi xin nhấn mạnh là câu tục ngữ này nếu hiểu theo nghĩa là đánh đập, hoặc dùng đòn roi để răn dạy con cái thì mới tính là sai. Vậy tại sao câu tục ngữ này sai?
GÂY CẢM GIÁC KHÔNG PHỤC CHO TRẺ NHỎ.
Trẻ con cũng giống như một tờ giấy trắng, từ năm bắt đầu hình thành ý thức (Theory of Mind) cho đến 18 tuổi thì thế giới của những bạn trẻ đó chỉ xoay quanh giữa gia đình, bạn bè, và thầy cô. Nên thật ra việc nhận định đúng sai còn rất hạn hẹp. Việc đánh trẻ nhỏ khi muốn răn dạy điều gì đó sẽ tạo một cơ chế phản xạ tự nhiên là “Khi mình làm sai, mình sẽ bị đánh, và mình sẽ bị đau, nên sẽ không làm như thế nữa.”
Nhưng các bạn có từng nghĩ, khi trẻ nhỏ không hiểu được là mình sai thế nào, và tại sao làm như thế thì lại sai thì sau những trận đòn roi đó, có thể để lại cho trẻ nhỏ một chấn thương tâm lý, đồng thời là sự không cam tâm với những gì đã chịu đựng. Không hiểu được mình sai ở đâu, thì việc không làm nữa sau khi bị đánh chỉ là tạm thời, và sau khi những đòn roi không còn tác dụng nữa, thì liệu những đứa trẻ đó có lặp lại lỗi lầm đã gây ra?
Ngoài ra, đặc ân lớn nhất của con người là nhận thức, khác với các loài động vật bậc thấp khác khi chúng ta dạy dỗ thì cần phải đánh chúng mới nghe. Nếu áp dụng tương tự việc đòn roi lên trẻ nhỏ để trẻ nhỏ tự hình thành phản xạ tự nhiên là làm sai thì sẽ bị đau thì mới không làm nữa, thì hoàn toàn việc giáo dục đó là coi một đứa trẻ như động vật.
Tại sao lại dùng đòn roi khi lời nói hoàn toàn có thể giúp đứa trẻ hiểu được vấn đề, và những hình phạt lành mạnh khác hoàn toàn cũng có tác dụng tương tự?
THIẾU KIẾN THỨC GIÁO DỤ.
Việc giáo dục một đứa trẻ không nhất thiết là đến từ đòn roi. Nhưng rất nhiều ba mẹ, và thầy cô không hề có sự kiên nhẫn cũng như kiến thức trong việc giáo dục con cái đã lạm dụng hình thức này. Có thể vì nó nhanh, và có tác dụng ngay lập tức. Theo khoa học tâm lý nghiên cứu thì hình thức để giáo dục có hai cách là thưởng và phạt. Việc phạt không nhất thiết phải là đòn roi, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những biện pháp như tịch thu điện thoại, úp mặt vô tường, hoặc không được ăn kẹo cho đến khi nhận ra lỗi sai.
Và quan trọng nhất là phải để cho đứa trẻ đó hiểu được là bản thân đã sai ở đâu trước bất kỳ hình thức phạt nào được áp dụng.
ĐÃ GIẢI THÍCH RÕ RÀNG RỒI, VÀ ĐÁNH CHỈ ĐỂ NHỚ LÂU HƠN THÔI.
Khi chúng ta trải qua một sự kiện đau buồn, cơ thể sẽ giải phóng ra hai hormone gây stress chính là norepinephrine và cortisol. Nghiên cứu về cortisol đã cho thấy hormone này có thể gây một ảnh hưởng mạnh lên tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở người cho đến nay vẫn không thể kết luận – với cortisol đôi khi tăng cường trí nhớ trong khi đó có những lúc nó lại không có tác động gì.
Trích: https://khoahoc.tv/tai-sao-ki-uc-cang-dau-buon-cang-nho...
Đúng là trong một số trường hợp, những ký ức đau buồn và đau đớn sẽ giúp chúng ta nhớ lâu hơn, nhưng đồng thời cũng đem đến stress cho các bé. Dẫn đến việc vừa nhớ vừa stress vì một vấn đề mà bé đã mắc lỗi sai, thay vì là thái độ nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết để không lặp lại nữa. Vậy nên, không hề có chuyện đánh để nhớ lâu hơn.
Đánh là bạo lực, và nếu tác động vật lý lên người một đứa trẻ để ÉP nó phải xin lỗi, và nhận sai thì chỉ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực và càng không muốn nhìn nhận vấn đề từ trẻ nhỏ. Ngoài ra, đã giải thích rõ ràng thì tại sao lại còn đánh? Việc đánh thể hiện gì trong cách giáo dục? Việc dùng bạo lực về lời nói hay hành vi đều có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý khác nhau cho trẻ nhỏ. Nên việc cập nhật kiến thức giáo dục là điều nên làm, và bỏ ngay cái suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, và phải hiểu đúng câu nói đó là hình thức giáo dục vừa nghiêm khắc nhưng đồng thời cũng phải vừa dễ dàng và phù hợp với trẻ con.
Ví dụ như trong bộ phim Kungfu Panda, người thầy Shifu muốn dạy võ cho Po bằng cách ông để các học viên khác đánh cậu. Sau hơn một ngày bị đánh tơi tả, cái duy nhất Po học được là gì? Là không gì cả. Nhưng khi Shifu đổi cách giáo dục phù hợp cho Po bằng cách dựa vào sở trường của cậu, thì cậu học được gì? Cậu học được cách trở thành chiến binh của rồng.
Vậy thì đổi lại ở trẻ nhỏ, cách giáo dục tốt nhất là hãy dùng lời nói và hành động của chính bản thân để chứng minh cho việc cái nào đúng cái nào sai. Việc chúng ta cho là sai, thì phải tuyệt đối không được làm, ít nhất là trước mặt trẻ con.
Vì trẻ con thì rất thường hay học theo, bản thân chúng ta làm sai và dạy cho đứa bé đó là không được làm như vậy, thì làm gì có chuyện nó nghe lời mình. Phạt thì có thể dùng những hình thức như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra một yếu tố quan trọng nhất nữa là THƯỞNG. Hãy thưởng khi bé làm đúng, và tặng cho bé những lời khen. Một vấn đề mà tôi thấy các gia đình Việt Nam hay mắc phải là rất hay bị cực đoan ở một chiều, ví dụ như đánh quá nhiều hay khen quá đà. Mà cái gì quá thì cũng đều không tốt.
ĐỪNG ĐEM TRƯỜNG HỢP CỦA MÌNH ÁP DỤNG LÊN NGƯỜI KHÁC.
Chúng ta thường hay đem trường hợp của mình để áp dụng lên người khác. Ví dụ như, trước kia nhờ mẹ tao đánh tao nên tao mới nên người. Nhưng đó là trường hợp của bạn, nó đúng với bạn nhưng không có nghĩa nó cũng đúng với con bạn. Cách hiểu sai này đã dẫn đến khoảng cách thế hệ càng lúc càng lớn, và việc không thể giao tiếp cũng như giáo dục con cái một cách hợp lý. Mỗi đứa trẻ là khác nhau, chính chúng ta và những người xung quanh cũng khác nhau. Vậy thì tại sao lại dùng một trường hợp là bản thân mình để cho rằng việc làm đó là đúng? Câu nói đúng với bạn, sẽ đúng với con bạn chỉ là một lời ngụy biện cho việc thiếu kiến thức trong quá trình nuôi dạy con cái.
Đồng thời cũng thể hiện cho việc là bạn không hiểu được con của chính mình. Việc giáo dục đúng nên là hiểu được đứa bé đó giỏi gì và dở gì để tìm một phương án giáo dục phù hợp. Và đòn roi là sự bất lực trong công cuộc giáo dục đó. Một mặt khác của việc đòn roi đó là thể hiện của sự tức giận. Nhưng hãy cẩn thận với điều này, vì bạn hoàn toàn có thể mất kiểm soát. Đôi khi tức giận quá đà sẽ khiến chúng ta đánh con một cách mạnh bạo hơn, và chuyện xấu nhất hoàn toàn có thể xảy ra. Đừng bao giờ nghĩ là chúng ta có thể kiềm chế được cơn tức giận của mình, vì cảm xúc là những khoảnh khắc nhất thời và chúng ta hoàn toàn không biết khi nào chúng ta sẽ bị mất kiểm soát. Vậy nên, cách tốt nhất vẫn là đừng bao giờ sử dụng bạo lực để dạy dỗ. Những trận đòn roi chỉ khiến cho trẻ con sợ, nhưng không có nghĩa là nó sẽ phục và nể bạn để thật sự nhìn nhận vấn đề nó đã làm sai.
Mỗi thời thì mỗi khác, có những câu tục ngữ và giáo dục sai cách thì vẫn nên bày trừ. Có đôi khi những đòn roi chỉ cho chúng ta cảm giác đau đớn nhất thời, còn việc sửa đổi là chính chúng ta nhìn nhận vấn đề chứ không phải là đòn roi giúp chúng ta điều đó. Việc nghĩ là đòn roi đã giúp chúng ta nên người có thể cũng là một lỗi trong nhận thức, và ký ức (Nostalgia) – Page của bọn mình cũng đã có một bài phân tích về vấn đề này, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Chính lỗi nhận thức này khiến cho chúng ta hiểu sai vấn đề, và nghĩ những gì đau đớn của quá khứ là một việc khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc sau này. Hãy tìm hiểu thêm về Nostalgia nhé. Còn các bạn thì sao? Các bạn nghĩ sao về câu nói thương cho roi cho vọt, mình rất mong đọc được những chia sẻ về góc nhìn khác của các bạn.
-Nomad’s Mind-
Theo dõi tụi mình tại đây